‘Never Rarely Sometimes Always’ - quyết định khó khăn ở tuổi 17
‘Never Rarely Sometimes Always’ - quyết định khó khăn ở tuổi 17
/

‘Never Rarely Sometimes Always’ – quyết định khó khăn ở tuổi 17

Bắt đầu
11 phút đọc

Người trẻ Mỹ hiếm khi xuất hiện đau đớn và buồn bã như trong ‘Never Rarely Sometimes Always’bộ phim tâm lý xoay quanh câu chuyện phá thai của một cô gái mới 17 tuổi.


Never Rarely Sometimes Always là bộ phim độc lập về đề tài tuổi mới lớn (coming-of-age) của nữ đạo diễn Eliza Hittman. Tác phẩm từng được chọn tranh giải Gấu Vàng tại Liên hoan phim Berlin lần thứ 70, và giành giải Gấu Bạc của ban giám khảo. Nội dung phim kể về tuổi 17 của cô bé Autumn khi phải đối diện với một quyết định lớn trong đời: làm mẹ hoặc phá thai.

Người chưa làm mẹ và luôn cô đơn

Nhan đề bộ phim được ghép bởi bốn trạng từ chỉ tần suất thường được dùng trong tiếng Anh. Nếu dùng để mô tả ngắn gọn về Autumn Callahan (Sidney Flanigan), thì cô chưa từng làm mẹ, hiếm khi cười, thỉnh thoảng sợ hãi, và luôn luôn cô đơn.

Autumn sinh ngày 19/8/2002, là con cả trong một gia đình nghèo gồm ba chị em gái ở tiểu bang Pennsylvania (thuộc vùng Đông Bắc nước Mỹ). Ngoài giờ học, cô phải đi làm ở siêu thị để kiếm thêm thu nhập giúp đỡ cha mẹ.

Với bản tính mạnh mẽ của người thuộc cung Sư Tử, Autumn quyết định sẽ tự đi phá thai mà không cần gia đình. Nhưng cũng “ngoài cứng trong mềm” như biết bao “Sư Tử” khác, thẳm sâu bên trong Autumn là một tâm hồn vô cùng nhạy cảm và yếu đuối.

Trung tâm của bộ phim là Autumn Callahan - cô gái chưa từng làm mẹ, hiếm khi cười, thỉnh thoảng sợ hãi, và luôn luôn cô đơn.
Trung tâm của bộ phim là Autumn Callahan – cô gái chưa từng làm mẹ, hiếm khi cười, thỉnh thoảng sợ hãi, và luôn luôn cô đơn.

Bộ phim bắt đầu bằng một buổi biểu diễn văn nghệ của nhà trường. Trong khi các bạn lựa chọn những tiết mục có giai điệu vui vẻ, ca từ ngập tràn hy vọng, thì Autumn trình diễn một mình với cây đàn guitar.

Bất chấp vẻ nhàm chán của khán giả phía dưới, cô lặng lẽ thể hiện ca khúc tự viết về bạn trai. Lời hát kể rằng: “Anh bắt tôi làm những điều tôi không muốn làm / Anh bắt tôi nói những lời tôi không muốn nói / Và dù tôi muốn trốn thoát / Tôi biết mình không thể ngừng nói yêu anh…”

Không chỉ đau đớn trong tình yêu, Autumn còn cô độc trên đường đời. Trong phim, cô như một chú sư tử nhỏ bé lang thang trong khu rừng rộng lớn, tìm kiếm sự sẻ chia của đồng loại.

Autumn mong muốn phá thai ở Pennsylvania, nhưng luật lệ tiểu bang yêu cầu phải có sự chấp thuận của gia đình. Cô chẳng dám hé nửa lời với mẹ (Sharon Van Etten) chuyện mình mang thai, lại càng không với người bố dượng đáng ghét.

Kết nối ruột thịt duy nhất của Autumn là Skylar (Talia Ryder) – người chị họ đã gật đầu đồng ý đi cùng cô đến New York, với mục đích tước bỏ một sinh linh.

Thế giới phụ nữ của Eliza Hittman

Never Rarely Sometimes Always đánh dấu lần thứ ba Eliza Hittman ngồi ghế đạo diễn. Chị đặc biệt quan tâm đến lứa tuổi vị thành niên và những cảm xúc đầu đời. Trong tác phẩm chào sân mang tên It Felt Like Love (2013), Hittman kể lại khao khát được trải nghiệm tình dục lần đầu của một cô gái 14 tuổi.

Nữ đạo diễn Eliza Hittman bên cạnh hai diễn viên chính của ‘Never Rarely Sometimes Always’.
Nữ đạo diễn Eliza Hittman bên cạnh hai diễn viên chính của ‘Never Rarely Sometimes Always’.

Bộ phim thứ hai, Beach Rats (2017), phơi bày góc tối của Brooklyn – nơi những chàng trai trẻ chìm đắm trong dục vọng, bạo lực và ma túy. Ở đó, một thanh niên đã tìm cách khám phá giới tính thật của mình, thông qua việc quan hệ với những người đàn ông lớn tuổi trên mạng Internet.

Giống như các tác phẩm trước của Hittman, Never Rarely Sometimes Always có nội dung và lối kể chuyện rất đơn giản. Kịch bản phim, do chính tay chị chấp bút, đề cao sự chân thực theo hướng “lát cắt cuộc sống” (slice-of-life).

Câu chuyện được chia làm ba hồi, tuân thủ cấu trúc nền tảng của điện ảnh, nhưng có rất ít sự kiện xảy ra trong hơn một tiếng rưỡi đồng hồ. Ở hồi đầu của bộ phim, người xem chỉ thấy Autumn thực hiện chuỗi công việc rất đỗi bình thường hàng ngày: đi khám thai, đến siêu thị làm việc, rồi về nhà.

Nữ đạo diễn kết hợp nhuần nhuyễn giữa phong cách làm phim “đun chậm” (slow burn) với kỹ thuật “tả, mà không kể” (show, don’t tell), như một cách để thử thách lòng kiên trì và tài quan sát của khán giả.

Nhà làm phim tập trung nghiên cứu tâm lý nhân vật (character study) nhiều hơn là phát triển cốt truyện. Từng phân đoạn được kể lại bằng những cú máy dài (long take) với tiêu cự lớn, khung hình giới hạn ở gương mặt để bắt trọn diễn biến tâm lý của các nhân vật. Từng chi tiết được lật úp một cách tinh tế, cho biết Autumn có thai đã được 18 tuần, chứ không phải 10 tuần như cô tưởng.

Không có quá nhiều sự kiện kịch tính xảy ra trong phim, mà người xem buộc phải theo dõi kỹ lưỡng để nắm bắt tác phẩm.
Không có quá nhiều sự kiện kịch tính xảy ra trong phim, mà người xem buộc phải theo dõi kỹ lưỡng để nắm bắt tác phẩm.

Trong thế giới của Hittman, dường như “chỉ có phụ nữ mới đem lại hạnh phúc cho nhau”. Autumn và Skylar liên tục gặp phải những người đàn ông không mấy tốt đẹp trên đường đời.

Từ gã quản lý siêu thị đến người bố dượng của Autumn, tất cả đều thể hiện tâm lý bất ổn, thích lạm dụng tình dục. Khi ngồi trên xe điện ngầm đi New York, Autumn còn trông thấy một gã biến thái đang thọc tay vào khóa quần, tìm cách mời gọi. Có nhân vật còn không hề xuất hiện một lần – như bạn trai của Autumn – nhưng vẫn mang lại cảm giác rùng rợn đến đáng sợ.

Nạn phá thai tuổi vị thành niên

Chủ đề mang thai ở độ tuổi vị thành niên từng được Jason Reitman thể hiện thành côngtrong tác phẩm Juno (2007).

Bộ phim nhận đề cử giải Phim truyện xuất sắc, thắng giải Kịch bản gốc xuất sắc tại Oscar lần thứ 80, đưa Elliot Page lên hàng ngũ diễn viên ngôi sao. Chuyện phim kể về cô bé Juno mang thai ở độ tuổi 16, quyết định sẽ tìm bố mẹ tương lai cho đứa con sắp sửa chào đời của mình. Tác phẩm của Reitman hấp dẫn bởi kịch bản cài cắm nhiều tình tiết hài hước, nhằm giảm nhẹ tính nghiêm trọng của vấn đề.

Với góc nhìn của một người phụ nữ, Eliza Hittman đưa ra quyết định hoàn toàn khác. Nữ đạo diễn khai thác câu chuyện của Autumn bằng giọng điệu nghiêm túc hơn, không ngần ngại xoáy thẳng vào vấn nạn phá thai hiện gây tranh cãi tại Mỹ. Trong một cảnh quay, người dân tập trung trước bệnh viện, giương cao bức tranh Đức Mẹ Maria, hô hào phản đối về việc phá thai, xem đó như là một tội ác.

Sidney Flanigan tỏa sáng với vai chính trong ‘Never Rarely Sometimes Always’.
Sidney Flanigan tỏa sáng với vai chính trong ‘Never Rarely Sometimes Always’.

So với Juno, cuộc đời của Autumn không có quá nhiều lựa chọn, ngoại trừ bốn mức độ: “chưa từng”, “hiếm khi”, “thỉnh thoảng” và “luôn luôn” – những gợi ý mà nhân viên xã hội đưa ra khi đặt câu hỏi cho cô. Nhân vật này hiện lên sống động qua lối diễn như không diễn của Sidney Flanigan – một cái tên mới toanh của làng điện ảnh.

Đạo diễn Eliza Hittman không hề khó khăn chọn ra Flanigan trong số hơn 100 ứng viên cho vai nữ chính. Mặc dù chưa từng trải qua trường lớp, cô không khỏi khiến người xem phải ngỡ ngàng qua từng cảnh quay.

Bằng gương mặt nhiều cảm xúc và diễn xuất thô ráp, Flanigan đã lột tả trọn vẹn một Autumn với nhiều vụn vỡ nơi tâm hồn và những bí mật không thể sẻ chia với ai. Những ẩn ý về việc lạm dụng tình dục xuyên suốt bộ phim của Hittman khiến cho nỗi sợ hãi của Autumn càng tăng thêm bội phần.

Bi kịch của Autumn còn phản ánh lỗ hổng của nền giáo dục và sự thờ ơ của phụ huynh trong việc nuôi dạy con cái. Khi Autumn lang thang ở New York, người mẹ vô trách nhiệm vẫn không hề hay biết con mình ở đâu, làm gì.

Những kiến thức duy nhất mà đứa trẻ 17 tuổi có được hầu như đến từ cỗ máy Internet. Thậm chí, có lần Autumn còn liên tục tự đánh vào bụng mình, tin rằng điều đó sẽ khiến cái thai trong bụng biến mất.

Những cô cậu tuổi ô mai đã xuất hiện không biết bao lần trên màn ảnh rộng Hollywood, nhưng chưa có lần nào đau đớn và buồn bã như trong phim của Eliza Hittman. Khán giả cần biết rằng đâu đó trong xã hội này vẫn còn có những số phận đáng thương hơn là đáng trách như cô bé Autumn. Nhân vật không chỉ là hình mẫu điển hình cho Thế hệ Z (Gen Z), mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh cho cả Thế hệ Alpha (Gen Alpha) – thế hệ của tương lai.

Điều đó khiến cho Never Rarely Sometimes Always trở thành trải nghiệm điện ảnh “hiếm có”, nhưng chắc chắn “không thể” nào quên.


Đánh giá: **** (4/5)


(Bài viết độc quyền cho Zing News. Tên bài do Ban biên tập đặt.)

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

‘Palm Springs’ – Cuộc sống đâu thể thiếu tình yêu?

Tiếp theo

‘Army of the Dead’ – Suy ngẫm về xác sống

Latest from Điện ảnh