Tác giả Jo Kyung Ran đã viết nên một tác phẩm dữ dội, thông qua “lưỡi” – một hình ảnh trần trụi mà không kém phần lãng mạn.
Lưỡi, vừa là cơ quan vị giác giúp ta cảm nhận được sức hấp dẫn của một món ăn, vừa là nơi hai con người “chạm” vào nhau qua những chiếc hôn nồng. Bằng một hình ảnh hết sức trần trụi mà cũng không kém phần lãng mạn ấy, Jo Kyung Ran đã viết nên một tác phẩm dữ dội, tuyệt vọng và đầy ám ảnh về tình yêu tan vỡ.
Cuốn tiểu thuyết bắt đầu khi mùa đông vừa kết thúc, tháng Giêng đến báo hiệu xuân về, nhưng người đọc không thấy được sự rộn ràng, tươi vui. Trái lại, Ji-won – nhân vật chính là một nữ đầu bếp – hàng ngày nhốt mình trong không gian tù túng của sự cô quạnh. Bởi lẽ, người tình gắn bó suốt bảy năm qua đã bỏ cô, tìm đến hạnh phúc mới bên một người mẫu xinh đẹp.
Có vẻ như Jo Kyung Ran đang muốn chứng tỏ một điều ngược lại so với quan niệm thông thường, rằng tình yêu không phải lúc nào cũng đi qua dạ dày. Ji-won si mê từng món ăn như một tác phẩm nghệ thuật. Cô có thể liệt kê tất cả các thành phần tạo nên chúng thông qua mùi vị, biết chế biến, kết hợp những gia vị khác nhau để làm nên một sản phẩm độc đáo. Đặc biệt với Ji-won, nấu nướng cũng đòi hỏi óc sáng tạo không ngừng, chứ không hề tuân theo một công thức nhất định bất kỳ. Vậy mà chàng kiến trúc sư Seok-ju lại chối bỏ tình yêu của cô để chọn Se-yeon – một cô “chân dài” trước đó còn không hề biết gì về bếp núc, phải đăng ký vào lớp của Ji-won để học nấu ăn.
Chua xót ở chỗ, dường như chỉ có Ji-won yêu Seok-ju một cách mù quáng, chứ không hề có chiều ngược lại. Đôi lúc tình cảm anh dành cho cô thậm chí còn thua cả một con chó. Chẳng hạn, anh tự quyết định giữ chìa khoá nhà vì một lý do hết sức cá nhân: thi thoảng ghé qua thăm chó, chứ không phải cô. Ngay cả khi nói lời chào tạm biệt, Seok-ju cũng chẳng hề đoái hoài đến người yêu cũ, ánh mắt lại hướng về Paulie – con chó cưng của mình. Phần nào cảm nhận được vị trí của mình trong mắt người yêu, nên Ji-won liên tục đưa ra những phép so sánh giữa người và chó, để rồi bẽ bằng nhận ra, chó thua người ở nhiều điểm nhưng chưa chắc đã là xấu.
Tất nhiên, Ji-won hoàn toàn có thể đá phắt con chó ấy ra đường, hoặc bán lại cho một quán thịt cầy nào đó. Nhưng không, cô giữ Paulie lại vì nhiều lý do mà suy cho cùng cũng chỉ là vì tình. “Con chó” ấy vừa là vật chứng cho cuộc tình sâu đậm đã qua, vừa là sợi dây duy nhất liên kết cô với Seok-ju. Nó lưu giữ kỷ ức về anh, mang mùi của anh, là điều cô có thể chấp nhận được còn người tình mới thì không. Chừng nào sợi dây đó còn chưa đứt, chừng đó tia hy vọng trong cô vẫn chưa hề chợp tắt.
Tình yêu của Ji-won có vẻ khó chấp nhận đối với nhiều người. Thế nhưng, cần hiểu rõ Jo Kyung Ran xây dựng nhân vật của mình có số phận hết sức bi đát. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, người thân duy nhất của Ji-won là bà – người đã nuôi dưỡng tình yêu nấu nướng trong cô, và chú – trái lại, là gánh nặng vì chứng nghiện rượu. Bạn bè thì lại càng ít, chỉ có cô nhà báo và anh bếp trưởng, đều quen được thông qua niềm đam mê chung là ăn uống. Một người thiếu thốn tình cảm như vậy thì khi yêu sẽ sẵn sàng cho đi rất nhiều. Chưa kể, Seok-ju lại là tình đầu của Ji-won, mà tình đầu thì đâu dễ nguôi ngoai.
Sắp xếp cuốn tiểu thuyết theo trật tự thời gian từ trước đến sau (các chương sách cũng được đặt tên lần lượt là bảy tháng đầu tiên của năm), nhưng Jo Kyung Ran đã khéo léo đan xen giữa hai chủ đề chính: phần là chuyện tình yêu, phần là chuyện bếp núc. Nếu như chuyện tình yêu giàu cảm xúc, đi sâu vào khai thác nỗi cô đơn; thì chuyện bếp núc lại lý tính, chi tiết và khoa học, như được rút ra từ một cuốn sách dạy nấu ăn.
Có nhiều nhận xét về sự tương đồng giữa văn phong của Jo Kyung Ran và Haruki Murakami, nhưng thực tế Lưỡi khiến ta liên tưởng đến Kitchen của Banana Yoshimoto nhiều hơn. Cả hai cùng chọn chủ đề bếp núc để thể hiện tình cảm, cùng kể về cách con người vượt qua nỗi đau thông qua thức ăn. Song, nếu như bà của Ji-won vực dậy nhờ nấu nướng thì qua từng trang sách, ta thấy nỗi đau của cô ngày một tăng lên mà không gì có thể cứu vãn được. Sự say mê mùi vị và món ăn của Ji-won có nhiều điểm tương đồng với sự say mê hương thơm và nước hoa của nhân vật Grenouille trong tiểu thuyết Mùi hương của Patrick Süskind. Xét cho cùng, cả hai đều là những cá nhân cuồng tín cái đẹp một cách mù quáng.
Hiện tại, Lưỡi là cuốn tiểu thuyết duy nhất của Jo Kyung Ran, cũng là một trong số ít ỏi các tác phẩm Hàn Quốc vượt ra khỏi tầm biên giới, được dịch sang tiếng Anh. Không khó hiểu vì nữ văn sĩ đã chủ động triệt tiêu một cách tối đa không khí Hàn Quốc trong tác phẩm của mình. Bối cảnh câu chuyện chủ yếu xê dịch giữa những căn bếp, duy chỉ một chương sách đặt ở Singapore – cũng là bên ngoài Hàn Quốc. Không những thế, tuy là người xứ Hàn nhưng Ji-won lại chọn làm việc tại một nhà hàng Italy. Nên thay vì gặp những món ăn đặc sản của Hàn Quốc như nhân sâm, kim chi, củ cải, thì độc giả sẽ bắt gặp một cái nhìn mới mẻ về ẩm thực phương Tây dưới con mắt của một nhà văn phương Đông.
Ý tưởng thực hiện Lưỡi được Jo Kyung Ran ấp ủ từ lâu nhưng quá trình viết cũng ngốn mất cả mười năm trời. Nội dung, tư tưởng của cuốn sách về cơ bản không có gì mới khi đặt chuyện tình yêu và chuyện bếp núc lên bàn cân để so sánh. Yêu một người cũng chẳng khác nào nấu một món ăn. Nhiều muối thì mặn, thừa đường lại ngọt, giữ chảo quá lâu trên bếp ắt sẽ cháy. Khi yêu cũng cần sử dụng lý trí và tình cảm thì như gia vị, phải nêm nếm vừa đủ mới hài hoà, phát huy được tác dụng. Tuy nhiên, bằng một ngòi bút sắc sảo đến độ lạnh lùng, Jo Kyung Ran vẫn chọn ra được một cách kể chuyện hấp dẫn, riêng biệt.
* Thông tin tác giả, tác phẩm:
– Jo Kyung Ran sinh năm 1969, tốt nghiệp khoa Sáng tác Học viện Nghệ thuật Seoul nhưng đến năm 28 tuổi mới quyết định trở thành nhà văn.
– Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Jo Kyung-Ran tên là Time for Baking Bread, cũng lấy đề tài về thức ăn.
– Tongue được lên ý tưởng ngay sau đó nhưng Jo không bắt tay thực hiện ngay vì thời điểm đó có khá nhiều bộ phim lấy chủ đề ăn uống và cô không muốn bị cho là ăn theo.
– Tongue mất mười năm để hoàn thành. Trong thời gian đó, chủ yếu Jo xuất bản một số tập truyện ngắn như The French Optician, My Purple Sofa, Story of Gukja. Đặc biệt là I Bought a Balloon đã thắng giải Giải Văn học Dong-in.
*Viết cho VnExpress.
Đoạn cuối của truyện hơi khó hiểu, mình vẫn không rõ là Ji Won có cắt lưỡi của cô gái kia để chế biến món ăn cho người yêu cũ không.
Mình nghĩ vấn đề đó không hề quan trọng đối với việc thưởng thức một cuốn sách. Nhưng theo mình thì có.
Đó là cái độc đáo của văn học Hàn. Mình mới đọc cuốn này xong, trước đó thì đọc “Điều gì xảy ra, ai biết” của Kim Young Ha, cùng tác giả “Tôi có quyền hủy hoại bản thân”. Nói chung là cực thích. Không ngờ văn học Hàn cũng nhiều tác phẩm ấn tượng đến thế. Đọc Lưỡi mà nhớ đến phim Oldboy 🙂