Review phim Her của Spike Jonze.
/

‘Her’ – Mối tình ảo trong xã hội tương lai

Bắt đầu
8 phút đọc

*Bài tiết lộ nội dung phim

Một trong những cảnh đáng nhớ nhất của Her là khi nhân vật nam chính cầm chiếc điện thoại của mình trên tay, chĩa thẳng về phía trước theo kiểu “tự sướng”, mắt nhắm tịt, miệng cười như thể chẳng hề quan tâm đến thế giới xung quanh, rồi sau đó xoay vòng vòng…

Chàng là Theodore: cô độc, buồn bã, nội tâm. Còn “nàng” là Samantha: thông minh, sắc sảo, hài hước. Công việc của chàng là viết hộ những bức thư tình, làm cầu nối cho các cặp trai gái yêu đương, hay những người già neo đơn không thể điều khiển được con chữ. Công việc của nàng có phần đơn giản hơn, chuyện trò, tâm sự cùng chàng khi cần. Chàng vừa ly dị vợ, con tim tan nát, tâm trạng rất đau buồn. Nàng chưa từng có bạn trai, nhưng cũng đủ “thông minh” hiểu được tình yêu là gì. Ngắn gọn và cụ thể hơn, nàng là hệ điều hành trên chiếc điện thoại của chàng, và họ yêu nhau.

her sonphuoc review 2

Câu chuyện kì dị và dường như khó có thể chấp nhận, nhưng lại được Spike Jonze phát triển theo một hướng dung dị và dễ dàng cảm thông nhất. Mỗi ngày Theo và Sam chuyện trò cùng nhau, kể cho nhau nghe mọi niềm vui, nỗi buồn. Từ tâm hồn đi đến tâm hồn, họ bắt đầu một tình yêu. Không có gì lạ, vì nói cũng chỉ là một hình thức giao tiếp, thay vì hàng giờ chúng ta trao đổi với nhau trên mạng xã hội, tán gẫu qua tin nhắn hoặc liên lạc bằng thư điện thử.


Rắc rối ở chỗ, xét cho cùng Samantha cũng chỉ là một sản phẩm của con người. “Nàng” có ý thức, nhưng không tồn tại vật chất; có suy nghĩ nhưng không thể hành động; có cảm xúc nhưng không có gì để bộc lộ, ngoại trừ giọng nói. Song, Theodore chấp nhận tất cả và xem nàng là tình yêu thực sự của đời mình. “Cô ấy không chỉ là một cái máy tính”, chàng nhấn mạnh.

Cứ như vậy, nam đạo diễn đặt hai nhân vật của mình lên một bàn cân rồi sau đó xoay tròn. Vấn đề cần giải quyết không phải là người nào yêu đối phương nhiều hơn, mà quan trọng là tình yêu – vốn riêng tư và mang tính cá nhân – liệu có thoát ra được khỏi khỏi trục quay điên đảo của xã hội? Ngoài ra, Jonze cũng không quên đề cập đến những vướng mắc chắc chắn phải có đối với hai con người thực – ảo: họ đối mặt với những nhu cầu sinh lý như thế nào, và liệu những người xung quanh Theodore có chấp nhận Samantha được như anh không?

Để trả lời, Spike Jonze chọn bối cảnh hiện đại ở thì tương lai gần, khi công nghệ phát triển đến mức vượt bậc – một đích đến rất có thể xảy ra đối với xã hội hiện tại. Thế giới trong Her mang màu sắc ấm áp và yên bình, với hàng ngàn toà nhà chọc trời đứng lặng lẽ, xen lẫn giữa những con phố vắng bóng xe cộ qua lại. Ban ngày vẫn còn ngái ngủ khi mặt trời bắt đầu ló dạng, ban đêm chìm trong những ánh đèn toả sáng như một bầu trời sao. Không có bệnh tật, nghèo đói, chiến tranh. Chỉ có không gian tĩnh lặng lồng giữa những bản nhạc chậm rãi, ngọt ngào được soạn bởi William Butler (thành viên nhóm Arcade Fire) và Owen Pallett. Một nơi hết sức lý tưởng để yêu đương.

Thế nhưng, xã hội càng phát triển thì con người lại càng cô độc và “đứt kết nối”. Người trong tương lai bận rộn đến mức không có thời gian viết thư tay gửi cho nhau, nhưng dư thì giờ để chìm đắm vào điện thoại và vi tính. Khi đó, Samantha được tạo ra như một công cụ để tạm “chữa” những rạn nứt này. “Nàng” giống như phiên bản mới nhất của hệ điều hành cần được cập nhật, hoặc là một trò chơi điện tử đang nóng sốt mà bất cứ ai cũng phải thử qua. Không chỉ có Theodore mà ngay cả Amy, cô bạn hàng xóm của anh, cũng đang rất vui vẻ với một “chàng trai” khác trên di động.

her sonphuoc feature

Ở đây, thấy rõ một sự nhắc nhở nhẹ nhàng mà Spike Jonez dành cho mỗi người xem, về ranh giới giữa những giá trị thật và ảo. Anh cảnh báo rằng chúng ta đang quá đắm chìm vào công nghệ và dần dần lãng quên những mối quan hệ thực sự. Trước Sam, Theo đã từng hẹn hò với một cô gái, nhưng thất bại. Nàng “hổ” ấy sợ rằng anh chỉ lợi dụng để làm tình rồi sẽ đá mình như bao người khác. Mối quan hệ bị bóp nát từ trong trứng nước, khiến chính Theo cũng tự co rút vào nỗi cô đơn và sợ hãi của bản thân. Anh không hẹn hò với người thật nữa, mà đắm chìm vào chiếc điện thoại của mình.

Vậy thì còn điều gì phải vướng bận, khi tình yêu của Theo và Sam là thật và gần như cả thế giới chấp nhận điều đó? Một lần, nàng vòi vĩnh muốn được làm tình với chàng thông qua một cô gái, nhưng kết quả không được như mong đợi. Chàng thẳng thắng khước từ vì đó không phải nàng. Tình yêu vốn ích kỷ, không thể chấp nhận sự hiện diện của người thứ ba. Cũng chính sự ích kỷ đó mới là ngòi nổ khiến cho cuộc tình này tan nát, chứ không phải vì nàng “ảo”, hay không đáp ứng được yêu cầu của chàng. Khoảnh khắc Theodore bàng hoàng nhận ra Samantha đang trò chuyện với hàng trăm khách hàng, cũng là lúc anh bắt đầu suy xét về mối quan hệ này. “Nàng” sinh ra vốn không dành cho riêng anh. “Nàng” là của tất cả mọi người.

YouTube player

Trong một bộ phim hài dùng tiếng cười để mỉa mai xã hội, mỉa mai loài người, Joaquin Phoenix xuất sắc với màn độc diễn bằng gương mặt, thể hiện một Theodore buồn bã ngay cả khi cười. Trái lại, tuy không xuất hiện trong bất kỳ cảnh nào, nhưng Scarlett Johansson sử dụng giọng nói như một chấc xúc tác đẩy cảm xúc người xem dâng cao. Tất cả tạo nên một câu chuyện tình yêu ngọt ngào và bình dị, dễ đi vào lòng người.

Cá nhân hơn một chút, có thể xem Her là một bức thư tình đầy ý nhị mà đạo diễn muốn gửi đến người yêu cũ của mình. Anh yêu em và em cũng yêu anh, nhưng rốt cuộc chúng ta cũng chẳng thể bên nhau mãi mãi. Con quay đã dừng. Chỉ có địa cầu là vẫn cứ xoay chuyển.

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

11 Comments

  1. Mình chào Phước.

    Mình mới đọc xong. Thật ra, khi nhìn poster của Her, mình không có ấn tượng lắm và cũng định để xem sau. Nhưng giờ thì mình quyết định kiếm link tải liền (mặc dù bữa nay cũng có kiếm rồi mà toàn bản cam thôi). Mình rất thích giọng văn của bạn. Hiện mình đang tìm bài cho trang blog Watching Cafe nhân dịp Oscar chuẩn bị công bố. Bạn có thể cho mình đăng lại bài cảm nhận này trên WaC được không? Mình sẽ ghi rõ nguồn và tác quyền.

    Cảm ơn Phước rất nhiều về bài viết. Chắc chắn mình sẽ ghé lại thường xuyên 🙂

  2. Hi Phước, bạn viết review hay lắm. Nhưng mình rất hy vọng từ này về sau bạn review đừng spoil nội dung phim. Trong bài review này bạn đã nói cái kết cục mất rồi. Mình chưa xem phim này nữa vì đợi bản đẹp, nhưng mình đã biết kết quả cuộc tình này sẽ như thế nào mất rồi T_T

    • Chào bạn.

      Mình thì chỉ hy vọng sau này bạn đừng bắt người khác phải làm thế này thế kia. Nghe hơi khó chịu. Trong khi đây là blog của mình và mình muốn viết gì là chuyện của mình.

      Nếu bạn đọc các bài viết trong blog này và để ý sẽ thấy nguyên tắc của người viết là hạn chế tiết lộ cái kết ở mức tối đa.

      Riêng bộ phim này, không khó để đoán cái kết. Với mình, cái kết cũng không phải là điều khiến nó trở nên xuất sắc, mà là cách đạo diễn dẫn dắt câu chuyện để đi đến cái kết ấy. Điều này chắc chắn không có bài điểm phim nào lột tả được chính xác tuyệt đối, ngoại trừ bạn trực tiếp xem phim ấy. Mục đích của bài viết này là giúp những người đã xem phim hiểu rõ hơn về cái kết và bộ phim (nếu bạn chưa hiểu, xin hãy đọc lại) và những người chưa xem biết được bộ phim này có đáng bỏ thời gian để xem hay không.

      Còn nếu bài viết của mình có làm cảm xúc của bạn dành cho bộ phim giảm sút thì mình xin chịu.

      Cám ơn đã góp ý.

  3. Nhờ có bài review này của bạn mà mình mới hiểu thêm được về bộ phim này. Cảm xúc đầu tiên của mình khi xem xong phim là phẫn nộ vì một tác phẩm quá ư kỳ quái (mình lại vốn không ưa các phim viễn tưởng), nhưng giờ cảm giác đó đã đảo ngược. Thank you:)

  4. Thích cái cảnh Sam hỏi thế nào là hôn nhân…
    Thật ra chắc phim này không có ý định nhắc nhở gì về chuyện đam mê công nghệ đâu, nếu có thì là ở những cái cảnh ng ta đi trên đường, mà ai nấy đều nói chuyện điện thoại. Theodore không hề hối tiếc gì về tình yêu kỳ lạ với Sam. Bộ phim mượn cái chuyện tình kỳ lạ ấy để nói về tình yêu, và cái cach con người ta cô đơn trong thế giới này

  5. Chào anh, em tìm được blog của anh qua một bài viết về chị Lana Del Rey, và sau một vòng dạo quanh blog, thật bất ngờ khi phát hiện Her cũng nằm trong mục bộ phim yêu thích của người khác là em. Em cũng từng viết một bài cảm nhận về bộ phim này, chỉ đơn giản vì rất rất thích nó, song vì còn chưa đủ trưởng thành nên cái nhìn của em có phần chưa sâu.

    Thực ra em cũng không biết mình đang lải nhải về cái gì nữa *cười*, chỉ là thật sự vui mừng khi tìm thấy một người cũng thích bộ phim này nhiều như bản thân.
    Bài review của anh rất tuyệt, cám ơn anh đã chia sẻ nó. 🙂

  6. đã từng xem Her nhưng mình khá là không để ý đến phim cái kiểu cứ bật rồi xem vào lúc buồn chán, không ngờ khi coi một bộ phim mà mình tưởng là vô nghĩa nó lại làm mình suy nghĩ đến tận mấy ngày liền và mình cũng không ngờ nó cũng lại cũng nằm trong danh sách thích của bạn. Her có thể không là kiệt tác điện ảnh nóng bỏng nhưng lại là một kiệt tác của cám xúc, nó làm người xem phải suy nghĩ rất nhiều, không thiên vị vấn đề quá về công nghệ hay phê phán bất cứ thứ gì của cuộc sống nhưng nó mang một thứ gì đó ấm ức khó tả, cảm giác như muốn khóc nhưng lại chẳng thể khóc.

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

Gặp Tôi Mùa Rất Đông – Nguyễn Đình Thanh Tâm (2014)

Tiếp theo

12 Years A Slave (2013)

Latest from Điện ảnh