Placeholder Photo

12 Years A Slave (2013)

Bắt đầu
9 phút đọc

Khi được hỏi lý do vì sao một đạo diễn người Anh lại quyết định làm phim về lịch sử Hoa Kỳ, Steve McQueen trả lời: “Tôi hoàn toàn không phải người ngoài cuộc”. Với nhận định như vậy, nhà làm phim này cũng đã tự tóm gọn những tư tưởng mà anh muốn thể hiện thông qua tác phẩm mới nhất của mình. Một mặt, 12 Years A Slave tái hiện góc nhìn của người “trong cuộc” về chế độ nô lệ tàn khốc. Mặt khác, bộ phim hướng ta đến một chủ đề mang tính toàn cầu mà ngay tại thời điểm hiện tại vẫn còn đầy nhức nhối: nhân tính và nhân quyền.

Nhan đề bộ phim được lấy từ tác phẩm gốc vốn là tự truyện của một người da màu mang tên Solomon Northup, phát hành năm 1853 – đúng thời điểm anh được trả tự do sau khi trải qua mười hai năm kinh hoàng dưới lốt một nô lệ. Đây không phải là lần đầu tiên thân phận người nô lệ được đưa lên màn ảnh rộng. Tuy nhiên, không như các tác phẩm khác thường lảng tránh hoặc đặt người xem ở vai trò của một người quan sát bên ngoài, nhân vật chính Solomon vốn là một người tự do “bị bắt” trở thành nô lệ. Điều đó đồng nghĩa với việc Steve McQueen có cơ hội đưa máy quay của mình vào sâu bên trong, để rồi bóc tách từng lớp sự thật của thế giới đen tối ấy.

Ở những cảnh quay mở màn, ta thấy Solomon đang là một nô lệ nhưng chưa hiểu rõ căn nguyên. Anh ăn thức ăn của nô lệ (vài vụn bánh mì, mấy quả mâm xôi, chút thịt còn dư), làm công việc của nô lệ (hàng ngày chặt mía ngoài đồng giữa trưa nắng), ngủ cùng nô lệ như một bầy đàn không phân biệt nam nữ, và suýt chút nữa, làm tình với một nô lệ. Song, khác với những nô lệ khác, bản thân Solomom là một người đàn ông có tri thức và được giáo dục. Trong khi mọi người tranh thủ chợp mắt sau một ngày làm việc vất vả, anh lặng lẽ lấy nước quả làm mực, cành mía làm chì, cố gắng ghi chép điều gì đấy – có thể là thư, hoặc nhật ký. Ngay sau đó, Steve McQueen nhanh chóng lật lại những trang đời của Salomon khi còn là một nghệ sĩ vĩ cầm tự do, có gia đình hạnh phúc với vợ và hai con tại New York, cho đến lúc trở thành một nô lệ mà không biết được lý do.

Câu chuyện được bắt đầu một cách gọn ghẽ nhưng chi tiết. Người xem cũng như Solomon, trở thành một đứa trẻ bị bắt đi học, phải từ từ tìm cách thích nghi với môi trường mới. Có điều, trong lớp học nô lệ của Solomon không có phấn, bảng hay những lời dạy đầy cử chỉ ân cần. Trái lại là vô số trận đòn roi diễn ra như cơm bữa, những lời miệt thị không dành cho con người và cả nguy cơ đối diện cái chết trong gang tấc. Dĩ nhiên, khi nhắc đến nô lệ thì những vấn đề này đã quá đỗi quen thuộc và trở thành kinh điển. Thách thức đặt ra đối với các nhà làm phim là phải kể một nội dung cũ nhưng không được nhàm chán, đồng thời gói gọn mười hai năm đời người vào thời lượng vỏn vẹn hơn hai tiếng đồng hồ.

Khác với hai tác phẩm trước, Steve McQueen không tự tay đảm nhận phần kịch bản của 12 Years A Slave. Tuy nhiên, nam đạo diễn đã tinh tế chắt lọc các chi tiết đắt giá trong câu chuyện, để rồi tô đậm bằng những hình ảnh giàu sức biểu cảm. Toàn bộ thủ pháp kể chuyện của đạo diễn, cũng như không khí cô đặc đến rợn người của bộ phim, có thể được lột tả thông qua một cú quay dài khoảng một phút rưỡi ở gần giữa. Đó là khi Solomon bị người ta đánh đập, trói hết chân tay, rồi treo thòng lọng trên một cành cây, mũi giày chỉ vừa đủ chạm đất để không bị chết vì ngạt thở.

Đi đúng với mục tiêu đào sâu sự đen tối ở bên trong, Steve McQueen chủ động cố định máy quay ở chế độ tĩnh hệt như một bức tranh, không hề cố gắng tô vẽ, thêm bớt bất cứ điều gì. Ở đây, ta thấy rõ một sự đối lập hết sức mạnh mẽ. Giữa khung cảnh yên bình của vùng quê nước Mỹ, là một người đàn ông da màu bị tước đoạt toàn bộ quyền làm người, không thức ăn, không nước uống, bị đối xử chẳng kém xúc vật, cứ thế lơ lửng dưới ánh nắng chói chang của mặt trời vẫn đang rọi thẳng vào đầu. Đáng chú ý hơn, mọi người xung quanh tỏ ra hết sức bình thản, thậm chí quên mất cả sự tồn tại của đồng loại. Người lớn vẫn mải mê làm việc, trẻ con cứ tung tăng nô đùa. Như thể ở xứ này, bị treo lên cây như thế kia là chuyện hết sức thường tình.

Tái hiện một câu chuyện có thật, Steve McQueen đặt tính chân thật lên hàng đầu. Sức nặng của bộ phim không nằm ở những cảnh hành động đao to búa lớn, mà có thể chỉ là một cảnh quay tĩnh đến lặng người như trên. Giống như trong Hunger, nam đạo diễn sử dụng cơ thể con người như một minh chứng rõ ràng và trung thực nhất. Những tấm lưng bị roi vụt nát báy, đôi mắt đỏ rực vì toác máu, từng đốt sương sườn lòi ra trước cái đói, đều được anh phơi bày trước ống kính một cách không ngần ngại. Để nhấn mạnh sự thật trần trụi và tàn khốc đó, luôn xuất hiện những hình ảnh đối lập được lồng xen kẽ. Những chú sâu tằm đang “tự do” bò trườn trên cành lá, khung cảnh thiên nhiên miền quê nước Mỹ hiện lên bao la, rộng lớn mà kiếp người lại quá bé nhỏ. Hoặc đơn giản, chỉ là khoảnh khắc hoàng hôn đỏ đang khẽ khàng in bóng dưới mặt nước thanh bình, cũng đủ khiến ta phải chạnh lòng.

Tuy nhiên, trung thành với sự thật đồng nghĩa với việc anh không thể tự tay giải quyết số phận của các nhân vật trong tác phẩm. 12 Years A Slave kết thúc khi Solomon được trả tự do như ban đầu, trở về nhà trong sự chờ đón của gia đình. Mười hai năm đời nô lệ trôi qua như một cái chớp mắt mà anh không kịp nghĩ lại, hay đúng hơn là không dám nghĩ lại. Bản thân Solomon cũng như khán giả không hề hay biết số phận của những người da màu còn lại sẽ đi đâu về đâu. Có lẽ, đó chính là khoảng lặng cuối cùng mà Steve McQueen muốn dành lại cho người xem, cũng chính là hình ảnh “ẩn” giàu sức nặng nhất của bộ phim.

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

‘Her’ – Mối tình ảo trong xã hội tương lai

Tiếp theo

‘Eternal Sunshine of the Spotless Mind’ – Mê cung ký ức tình yêu

Latest from Điện ảnh