‘Dirty Computer’ của Janelle Monáe lồng ghép giữa những trang tự truyện cuộc đời với bối cảnh rối ren của nền chính trị nước Mỹ. Album kéo người nghe bước vào cuộc hành trình tìm lại bản ngã của một nghệ sĩ da màu phi giới tính.
Janelle Monáe mất 5 năm để chuẩn bị cho album mới.
Trong khoảng thời gian khá im ắng đó, khán giả yêu nhạc không khỏi sốt sắng khi thấy cô xuất hiện với tư cách một diễn viên trong những bộ phim tranh giải Oscar như Hidden Figures hay Moonlight.
Tham vọng lấn sân sang điện ảnh của Janelle Monáe là điều dễ hiểu, khi những album trước của cô đều được định khung ý tưởng từ Metropolis, bộ phim trắng đen bất hủ của đạo diễn Fritz Lang.
Từ đĩa EP đầu tay phát hành năm 2007 mang tên Metropolis: Suite I (The Chase) đến hai album chính thức The ArchAndroid (2010) và The Electric Lady (2013) hợp thành một “trilogy” đúng chuẩn Hollywood về cô nàng người máy Cindi Mayweather.
Đó là một nhân vật giả tưởng ở thì tương lai do Janelle Monáe sáng tạo từ chất liệu sẵn có là niềm đam mê bất tận với thể loại sci-fi.
Đúng chuẩn “visual album” – album thị giác
Những tưởng giới âm nhạc đã bị cướp mất một tài năng thì Janelle Monaé bất ngờ trở lại và “lợi hại hơn xưa”.
Một “visual album” (album thị giác) mang tên Dirty Computer ra đời, kèm theo đó là cuốn phim ngắn cùng tên dài những 46 phút và lời khẳng định chắc nịch của nữ ca sĩ sinh năm 1985 về bản thân: tôi là người song tính (“a queer black woman”). Tất cả cho người nghe một hình dung đa chiều về cái tên Janelle Monaé.
Đó là một nữ ca sĩ da màu tự hào nhận mình là “giấc mơ Mỹ”, một ca sĩ Mỹ quốc không ngần ngại bộc lộ giới tính của mình, và một ca sĩ phi giới tính thẳng thắn hát về những vấn đề bất đẳng giới, phân biệt chủng tộc và tương lai của nước Mỹ.
Dirty Coputer vẫn giữ nguyên những đặc điểm của một sản phẩm đóng mác Janelle Monáe từ trước đến nay: phức hợp về mặt nội dung nhưng thống nhất về chủ đề, đa dạng về thể loại nhưng liền mạch về cảm xúc.
Giữa các bản nhạc có luôn sự liên kết cao, cái kết của bài này có thể là đoạn mở của bài kia (khoảnh khắc nối giữa Screwed và Django Jane thực sự là một điều bất ngờ).
So với hai album trước hơi kén khán giả – tập hợp nhiều phong cách từ alternative R&B cho đến psychedellic soul – thì chất nhạc lần này dễ tiếp cận hơn, đại chúng hơn.
Janelle Monáe thực sự đã đưa người nghe bước lên một “chuyến tàu siêu tốc” về thể loại: từ old-school disco (Take A Byte) cô nhảy qua R&B đương đại (Screwed), từ synthpop (PYNK) cô phóng sang funky (Make Me Feel), cô đột ngột tăng tốc khi bắn rap ở đôi chỗ (Django Jane), rồi lại hạ nhịp trở về với ballad nồng nàn (Don’t Judge Me).
Giọng điệu đả kích chính trị gay gắt
Theo lời Janelle Monáe, có thể tạm chia nội dung của Dirty Computer thành ba phần (tương ứng cấu trúc ba hồi kinh điển của điện ảnh) với tên gọi lần lượt là: Phán Xét (Reckoning), Chấp Nhận (Acceptance)* và Cải Cách (The Reclamation).
Phần đầu tiên của album – bao gồm một bản interlude mang tên Jane’s Dream – là cú đáp trả mãnh liệt mà Janelle Monáe dành cho xã hội, đặc biệt trước những tin đồn xoay quanh vấn đề giới tính.
Lời hát mang tính phảng kháng và đầy rẫy nhận định về bản thân: “tôi không phải loại gái anh dắt về nhà gặp mẹ” (Take a Byte); “tôi không phải cơn ác mộng của Mỹ, tôi là giấc mơ Mỹ”, “tất cả những gì tôi muốn là phá vỡ mọi luật lệ” (Crazy, Classic, Life). Cô cố tình thêm chữ “black” vào câu hát quen thuộc (“young, wild, free”) để biến nó thành của riêng mình. “Trẻ trung, da màu, hoang dại và tự do” chính là bốn từ khóa định hình nên cá tính Janelle Monáe.
Phần giữa của album chứa đựng những ca khúc xuất sắc nhất trong sự nghiệp của Janelle Monáe.
Django Jane khai thác một cách trọn vẹn khả năng đọc rap mà Janelle từng thể hiện trong Q.U.E.E.N và Ghetto Woman. Bài hát không có điệp khúc (chorus), nhưng xoáy thẳng vào tâm trí người nghe bằng phần “nhịp chảy” (flow) hết sức quyến rũ. Lời hát như được trích từ cuốn tự truyện về cuộc đời của nữ ca sĩ, từ khi được sinh ra trong một gia đình lao động nghèo ở thành phố Kansas (bang Kansas, Mỹ) – “mẹ dọn khách sạn, bố làm tài xế, tôi buôn bán lẻ”, cô hát – đến lúc tìm thấy hào quang nơi thế giới giải trí.
Janelle Monáe liên tục đưa ra những dẫn chiếu – chiến thắng của Moonlight, phong trào #BlackGirlMagic (Phép thuật của cô gái da màu) lẫn thành công của chính mình – để lột tả trần trụi những bất bình đẳng về quyền con người, đặc biệt là người da màu.
Tương tự nhiều album khác được sản xuất trong “thời kỳ Trump”, Dirty Computer ít nhiều thể hiện góc nhìn của người thực hiện về nước Mỹ, dù đây không phải là lần đầu tiên Janelle Monáe dùng âm nhạc để đả kích chính trị. Như một câu hát trong Dance Apocalyptic – “tận thế rồi, mình cứ việc nhảy thôi” (The world is ending, so we might as well dance) – Janelle biến các bài hát thành một bữa tiệc nơi sản nhảy chính là khung cảnh hỗn mang nước Mỹ.
Tương phản với phần âm nhạc rộn ràng, vui vẻ là những hình ảnh khốc liệt, tàn bạo: bom rơi như mưa xuống phố (Screwed), những người da màu bỏ mạng trên đường về nhà từ sở cảnh sát (Americans).
Lời tri ân đặc biệt dành cho Prince
Các sáng tác tiếp theo của Dirty Computer thẳng thắng đề cập đến chủ đề tính dục.
PYNK là bản tuyên ngôn bạo liệt mà không kém phần ý nhị về giới tính. Đây là lần thứ hai Janelle Monáe cộng tác cùng Grimes (kể từ Venus Fly năm 2015). Lần này Grimes chỉ góp giọng ở phần bè rất nhỏ để nhường chỗ cho người bạn đồng nghiệp của mình tỏa sáng.
Lời hát sử dụng “màu hồng” như một hình ảnh biểu trưng cho vẻ đẹp của nữ giới, gợi nhớ đến ca khúc có ý tưởng tương tự là Pink (1996) của nhóm Aerosmith, nhưng mềm mại và tình tứ hơn dưới góc nhìn của một người phụ nữ. “Nếu các anh có màu xanh, chúng tôi có màu hồng”, cô hát.
Dirty Computer còn mang âm hưởng rõ rệt từ cố nghệ sĩ Prince – người mà Janelle Monáe thân thương gọi là “mentor” (cố vấn), đặc biệt là trong đĩa đơn đầu tiên mang tên Make Me Feel – một bản hùng ca đầy quyến rũ về giới.
Mối duyên giữa Janelle và Prince bắt đầu từ thời The Electric Lady khi ông hát cùng cô trong ca khúc Givin Em What They Love. Prince không chỉ đóng một vai trò quan trọng trong suốt quá trình “thái nghén” Dirty Computer – ông định hướng âm nhạc và sáng tạo phần synth groove của Make Me Feel – mà còn là một nhân vật có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự nghiệp ca hát của Janelle Monáe.
Prince từng nhiều lần khen ngợi cô như một tài năng thực sự, cũng là người giúp cô sống thật với bản ngã của chính mình.
Dù đã hơn hai năm trôi qua kể từ ngày Prince vĩnh biệt cõi trần (04/2016), nhưng “hơi thở” của ông vẫn hiển hiện rõ rệt trong từng ca khúc của Dirty Computer.
Screwed tái sử dụng phần guitar mở màn của ca khúc Kiss (1986) trong khi các sáng tác như Crazy, Classic, Life hay Americans là sự tiếp nối hào hảo tinh thần Let’s Go Crazy của album bất hủ Purple Rain (1984). Ngay cả tên gọi Dirty Computer cũng trực tiếp gợi nhớ đến album Dirty Mind (1980) nổi tiếng của Prince, như một lời tri ân đặc biệt mà Janelle Monáe dành cho “người thầy” của mình.
Lời thú nhận nơi sâu thẳm tâm hồn
Được định hình theo hướng một “album thị giác”, sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến những video ca nhạc mà Janelle Monáe đầu tư thực hiện. Ý tưởng táo bạo từ các ca khúc như PYNK hay Django Jane được thể hiện rõ ràng hơn thông qua phần hình ảnh.
Đặc biệt là cuốn phim ngắn chủ đề trong đó Janelle vào vai Jane 57821, một cô người máy đang bị những người sáng tạo đưa vào quá trình “tẩy não” – xóa bỏ mọi ký ức theo đúng nghĩa đen của từ này – sau khi bắt cô tự nhận mình là một “cỗ máy dơ bẩn”. “Bạn ‘dơ bẩn’ nếu bạn trông khác biệt. Bạn ‘dơ bẩn’ nếu bạn từ chối sống cách mà họ điều khiển…”, Janelle chia sẻ trong phim.
Nhan đề Dirty Computer còn mang nhiều ý nghĩa gợi mở hơn thế. Một phép ẩn dụ hoàn hảo cho bản chất con người: phức tạp, đầy toan tính, nhưng cũng bất hảo và dễ mắc lỗi chẳng khác gì những con rô bốt được lập trình sẵn, có thể bị “hack” bất cứ lúc nào.
Ngay từ bài hát chủ đề mở màn cùng tên, Janelle Monáe đã tâm sự: “tôi không đặc biệt thế đâu, tôi cũng vỡ vụn bên trong” (I’m not that special, I’m broke inside).
Sự vụn vỡ nội tâm ấy được lặp lại ở phần cuối cùng của album. Don’t Judge Me và So Afraid lột trần những góc khuất yếu đuối trong tâm hồn nữ ca sĩ: “Em sợ rằng anh chỉ yêu vẻ ngoài của em thôi” (I’m afraid that you just love my disguise), “Em sợ hãi tất cả, sợ cả việc yêu anh” (I’m afraid of it all, afraid of loving you)…
Một khoảnh khắc xúc động đáng nhớ khác là trước khi I like that kết thúc: Janelle Monáe nhắc lại một hồi ức buồn trong quá khứ khi bị người khác gọi là “weird” (lập dị) chỉ vì gia cảnh nghèo nàn. Cô hoàn toàn có thể quay về hoài niệm xưa cũ ấy, với những giọt nước mắt lăn dài trên mi.
Janelle Monáe – biểu tượng pop thế hệ mới
Trở lại sau 5 năm, dường như Janelle Monáe có quá nhiều điều muốn chia sẻ với khán giả. Xuyên suốt thời lượng vỏn vẹn chưa đầy 50 phút của album, ta thấy cô trích dẫn một loạt tham chiếu về văn hóa đại chúng: từ The Matrix (Screwed), Transformers (Django Jane),… cho đến trích dẫn nổi tiếng của Oscar Wilde – “Everything is sex, except sex, which is power”.
Thậm chí, trong I Got The Juice, cô biến câu nói đầy phẫn nộ của Donald Trump thành một lời tuyên bố: “If you try to grab my pussy cat, this pussy grab you back”. Chính trị, quyền lực, bản ngã, giới tính – đều là những chủ đề mà Janelle Monáe từng đề cập trong những album trước, nhưng với Dirty Computer, cô trở lại tự tin hơn và dữ hội hơn rất nhiều lần.
Dirty Computer thực sự đã biến Janelle Monaé thành một biểu tượng pop thế hệ mới, kẻ kế thừa không chính thống của những tượng đài âm nhạc như Prince hay David Bowie. Nó tạm khép lại thế giới viễn tưởng của nàng Cindi Mayweather để mở ra một chương mới trong hành trình tìm lại bản ngã của nàng Janelle. Nó mang một chút “chua chát” của Lemonade (Beyoncé), một chút “trần trụi” của Stripped (Christina Aguilera) và một chút “bất hối” của Unapologetic (Rihanna). Nó là thứ mà Witness của Katy Perry muốn nói đến nhưng, ở khía cạnh nào đó, chưa thực sự thành công.
Đánh giá: ****1/2 (4,5/5)
*Chú thích: Một số nguồn cho rằng phần thứ hai trong album Dirty Computer có tên là Celebrate.
Lại thêm một dấu mốc cách mạng cho phụ nữ. Mình thích Janelle Monáe sau bộ phim Hidden Figures và bài nói của cô ấy về ‘The first’.
Cám ơn anh về bài viết này