Review album Cửa Thơm Mùi Nắng của Hoàng Quyên
/

‘Cửa Thơm Mùi Nắng’: Hoàng Quyên chưa thoát được cái bóng của Thanh Lam

Bắt đầu
8 phút đọc

Cửa Thơm Mùi Nắng, album đầu tay của Hoàng Quyên, được nhạc sĩ Lê Minh Sơn đảm nhận sản xuất, vẫn mang hình bóng của diva Thanh Lam.


Lê Minh Sơn thực hiện Cửa thơm mùi nắng cho Hoàng Quyên đúng theo công thức mà anh đã từng sử dụng với Nắng lên của Thanh Lam.

Anh đặt một số bài hát mới bên cạnh những bài hát cũ được làm mới bởi phần hoà âm, với sự góp sức của Trần Mạnh Hùng.

Công thức của Lê Minh Sơn

Đây không phải là lần đầu tiên Hoàng Quyên hát lại các ca khúc gắn liền với tên tuổi của đàn chị, nhưng khi đứng cạnh một ê kíp đã từng góp phần tạo nên thành công cho Thanh Lam, thì cái tên Hoàng Quyên một lần nữa lại khiến ta vừa tò mò vừa nghi ngại.

Đáng mừng, bài hát đầu tiên Ngày em ra đời đã phận nào xoá nhoà được những định kiến của người nghe. Hoàng Quyên chọn cách hát dịu dàng, êm ái, không quá chú trọng nhiều kỹ thuật. Nếu như Thanh Lam nắn nót từng câu từng chữ và thường ngân ở những nốt cuối theo đúng phong cách của mình, thì Hoàng Quyên làm cho cả bài hát trở nên nhẹ tênh, nghe dễ chịu và thư giãn. Hơn nữa, Lê Minh Sơn lại chủ động phối theo phong cách jazz pop để cho ca sĩ có thể “đung đưa” cùng bài hát. Điều đó khiến cho Ngày em ra đời của Hoàng Quyên trẻ trung, tươi mới và có thể nói cô đã thành công khi tự tách mình khỏi cái bóng quá lớn của Thanh Lam.

Tuy nhiên, cách Hoàng Quyên xử lý Có đôi lại khiến bài hát trở nên lê thê và dài dòng quá mức cần thiết. Ở đây ta thấy được nỗ lực của cô muốn thể hiện ca khúc theo một cách khác, nhưng thực ra chỉ là đảo ngược cách hát ở trên. Còn nhớ trong đĩa Nắng lên, Thanh Lam ngắt bài hát của Lê Minh Sơn thành từng đoạn cụ thể, thậm chí từng câu bốn chữ cũng được ngắt rõ ràng theo nhịp 2/2. Nữ ca sĩ thực sự trở thành người kể chuyện, và là một người kể chuyện giàu cảm xúc.

Hình ảnh của Hoàng Quyên trong album Cửa Thơm Mùi Nắng.
Hình ảnh của Hoàng Quyên trong album Cửa Thơm Mùi Nắng.

Trong khi đó, Hoàng Quyên lại ngâm và nối bài hát thành một dòng tâm sự liền mạch. Đến đoạn điệp khúc cô cũng không bùng nổ đầy khao khát như Thanh Lam mà vẫn còn có chút gì đó bị ghìm lại, giống như yêu mà không nói hết câu, đau mà không thốt hết nên lời. Nghe lại bản phối của Thanh Lam rõ ràng có phần cao trào để đẩy cảm xúc của ca sĩ. Còn bản Trần Mạnh Hùng dùng cho Hoàng Quyên thì vẫn êm ái, dễ chịu.

Đến Em và đêm – một bài hát khác đóng đinh với tên tuổi Thanh Lam, thì lại không biết nên khen hay chê. Bởi lẽ gần như Hoàng Quyên lặp lại hoàn toàn cách hát của đàn chị, chỉ có đôi chỗ khác biệt nho nhỏ không đáng kể. Về cơ bản, Hoàng Quyên vẫn thể hiện thành công bài hát một cách cảm xúc. Nhưng nếu xét trên phương diện một người hát lại, thì Em và đêm của cô an toàn và thiếu sáng tạo.

Một chút tiếc nuối

Hai sáng tác cũ khác là Gió mùa về À Í A cũng được Hoàng Quyên thể hiện khá tốt. Nếu gọi là hát lại, thì khó ai có thể bắt chước được cách hát vừa lẳng lơ vừa tỉnh táo của “Thị Mầu” Ngọc Khuê. Vì vậy, Hoàng Quyên chọn cách xử lý đơn giản, không cầu kỳ và đã bớt gằn giọng so với những lần cô hát trực tiếp, khiến cho Gió mùa về trở nên gần gũi, dễ nghe hơn.

Riêng À Í A thì nữ ca sĩ hoàn toàn làm chủ ca khúc, dù trước đó Trọng Tấn đã từng thể hiện rất xuất sắc. Điều đáng nói là Trần Mạnh Hùng chỉ sử dụng độc mỗi dương cầm trong cả bài hát để làm nền cho giọng hát Hoàng Quyên toả sáng. Có lẽ, nữ ca sĩ cũng cảm nhận được nhiều tâm sự trong sáng tác của Lê Minh Sơn nên thể hiện bài hát một cách đầy nâng niu, trân trọng.

Bìa album Cửa Thơm Mùi Nắng của Hoàng Quyên.
Bìa album Cửa Thơm Mùi Nắng của Hoàng Quyên.

Ba ca khúc còn lại hẳn được Lê Minh Sơn “đo ni, đóng giày” cho Hoàng Quyên nên nghe rất vừa vặn với cô, từ tinh thần cho đến cách thể hiện. Cái sự khao khát yêu đương trong Mọi lúc mọi nơi không quá lớn lao, mãnh liệt như Có đôi mà bé nhỏ, giản đơn và có chút gì đó vô tư, trong trẻo. Tương tự là Cửa thơm mùa nắng – ca khúc chủ đề ngập tràn cảm xúc bởi sự kết hợp hoàn hảo giữa tiếng dương cầm réo rắt của Trần Mạnh Hùng, giọng hát ấm áp của Hoàng Quyên và ca từ tinh tế của Lê Minh Sơn: “Ngày buồn thế đấy, không có anh trong lành lắm/ Con chim nhỏ bé, hót bên cửa em, cửa thơm mùi nắng…

Khép lại toàn bộ đĩa nhạc là Sóng ngang với nhịp điệu hoàn toàn trái ngược so với sự nhẹ nhàng trước đó. Đến lúc này thì ta đã hiểu tại sao Lê Minh Sơn và Trần Mạnh Hùng lại kìm sự bùng nổ trước đó trong Có đôi xuống, để đến phút cuối cùng thì Hoàng Quyên mới thực sự vỡ oà.

Nhìn chung, Cửa thơm mùi nắng là một đĩa nhạc được thực hiện chỉnh chu, dẫu vẫn còn đó một vài khoảnh khắc an toàn và thiếu sự mới lạ. Nhìn vào ba sáng tác mới của Lê Minh Sơn dành cho Hoàng Quyên thì có một chút tiếc nuối. Giá như vị nhạc sĩ “hào phóng” hơn với học trò của mình thì có lẽ sản phẩm đầu tay của cô sẽ còn tuyệt vời hơn nữa.

* Nên nghe thử: Cửa thơm mùi nắng, Sóng ngang, Mọi lúc mọi nơi.


Bài viết cho VNexpress.

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

2 Comments

  1. Nghe thử 1 bài cửa thơm mùi nắng, ngày khúc vô đầu đã không thể không nghĩ đến Thanh Lam, cách ngân của HQ ảnh hưởng nhiều từ Thanh Lam. Không vấn đề gì ngoài việc giọng của HQ ko ấm bằng TL dù cũng là giọng trầm.

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

‘Blue Is The Warmest Color’ – Chưa đủ sức nóng để thuyết phục

Tiếp theo

Gặp Tôi Mùa Rất Đông – Nguyễn Đình Thanh Tâm (2014)

Latest from Âm nhạc