Review album "Control" của Milo Greene
/

‘Control’: Khi Milo Greene mất chất

Bắt đầu
6 phút đọc

Sẽ không có một ca khúc nào trong Control – album thứ hai của Milo Greene – mang âm hưởng của album đầu tay phát hành ba năm trước. Ban nhạc đến từ Los Angeles này đã hy sinh thứ âm nhạc mà họ từng gọi là cinematic pop, để sáng tạo ra những giai điệu mới: dồn dập hơn, mãnh liệt hơn, đôi khi trôi tuột qua tai người nghe như một cơn sóng.

Milo Greene là một ban nhạc kỳ lạ; năm thành viên không ở cùng nhau nhưng thường xuyên trao đổi về âm nhạc qua email. Các bài hát trong đĩa nhạc đầu tay đều do cả năm cùng nhau sáng tác, nhưng kết quả lại rất bất ngờ. Tổng thể âm nhạc hòa vào nhau thành một khối mượt mà, dịu dàng và êm đềm. Nếu như chất folk mềm mại là yếu tố khiến cho đĩa nhạc đầu tay của Milo Greene được yêu thích, thì đến album thứ hai, âm nhạc của họ thiên hẳn về pop và rock. Xét về cấu trúc, Control gồm mười một bài, được chia làm hai phần PreludeInterlude rõ ràng. Đáng tiếc, nửa đầu tiên có vẻ dễ nghe nhưng lại không để nhiều ấn tượng như những gì ban nhạc đã từng làm.

Các ca khúc mở màn như White lies, On the fence, Save Yourself, Heartless thể hiện được hướng đi mới mà Milo Greene muốn theo đuổi. Người nghe sẽ thấy trống được sử dụng rất nhiều, nhưng không phải kiểu ồn ào như nhiều nhóm rock khác. Cách sắp xếp vocal thì vẫn như cũ, một số bài do giọng nữ hát, một số bài do giọng nam và vẫn có những khoảnh khắc cả hai cùng hòa vào nhau. Giai điệu chịu nhiều ảnh hưởng của âm nhạc thập niên 80, hơi giống cách Broken Bells thực hiện After the Disco. Tuy nhiên, điều đáng nói là các ca khúc có thời lượng khá ngắn (khoảng ba phút) nhưng lại thiếu điểm nhấn, nội dung cũng không có nhiều sự đặc biệt.

Bìa album "Control" của Milo Greene.
Bìa album “Control” của Milo Greene.

Phải đến Parents’ HouseGramercy thì Milo Greene mới tạo được sự chú ý của người nghe trước khi bước sang nửa thứ hai của đĩa. Hai ca khúc được quyện vào nhau khá chặt chẽ, ngay khi ca khúc đầu tiên đang dồn dập ở cao trào thì ca khúc thứ hai nối vào một cách nhanh chóng. Parents’ House lặng đi ở vài giây đầu với tiếng rít như thể còi tàu. Giọng nam sau đó cất lên khá uể oải, tâm sự về nỗi lòng khi ở chung nhà với gia đình bạn gái: “At your parent’s house, I was never myself, And you were always someone else.” Lời nhạc đơn giản, người hát cứ thều thào lặp đi lặp lại câu hát ấy như than trách, mà chẳng làm được gì. Trong khi đó, Gramercy lại bắt đầu bằng một tràng cười. Một giọng nam khác cất lên, tinh thần cũng khác. Giọng nữ sau đó chen vào phần điệp khúc như đáp trả. Cứ thế, bài hát trôi đi rồi kết thúc trong đột ngột.

Nên nhớ, Milo Greene đặc biệt vì cả bốn trong năm thành viên đều có thể hát, và họ luân phiên bè phối cho nhau. Nói về tên gọi của album mới, Robbie Arnett – một thành viên trong nhóm – đã trả lời tạp chí Billboard: “Nhan đề nói lên ý tưởng về việc các thành viên sẽ được thể hiện nhiều hơn trong đĩa nhạc, dù là hát hay chơi nhạc cụ. Nó nói về việc chúng tôi trao đổi và chia sẻ sự điều khiển đó.” Theo đó, có thể hiểu rằng nửa đầu của Control không hề tập trung vào một chủ đề nhất định nào, mà các thành viên thay phiên nhau làm chủ từng ca khúc. Mỗi người đều được nói lên tâm sự của chính mình.

Những ai đã có ấn tượng sâu đậm với chất folk của Milo Greene trong đĩa đầu, hẳn sẽ ít nhiều thất vọng với Control. Đến nửa sau của đĩa thì âm nhạc của nhóm bắt đầu có nhiều tiết tấu hơn, nhưng dường như “vẫn chưa đủ” – như tên một ca khúc trong đĩa (Not Enough). Để giải mã về sự thay đổi lớn này, có thể cho rằng Milo Greene đang muốn hướng mở rộng đối tượng khán giả của mình, để có thể trở nên phổ thông hơn. Phần âm nhạc trong Control được sản xuất bởi Jesse Shatkin – người từng viết và sản xuất Chandelier cho Sia, cũng như một số album của Kelly Clarkson, Foster the People,… Hơn nữa, việc thay đổi hãng đĩa từ Atlantic sang Chop Shop phần nào cũng ảnh hưởng đến âm nhạc của nhóm.

Nhìn chung, Control không phải là một album quá tệ, vẫn có những khoảnh khắc Milo Greene để cho âm nhạc của mình trầm lại, như ở hai bài hát cuối cùng kết thúc album (Lonely Eyes, Royal Blue). Chất nhạc hoài cổ này có thể cũng sẽ khiến một số khán giả thích thú. Tuy nhiên, sẽ dễ dàng hơn nếu xem Milo Greene như một nhóm nhạc mới toanh, thay vì so sánh với thứ âm nhạc “gần như hoàn hảo” mà họ đã từng thực hiện trong album đầu.

Liên quan:
Milo Greene – Milo Greene (2012)

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

While We’re Young – Noah Baumbach (2014)

Tiếp theo

‘Froot’ – Giai điệu mùa hè của Marina & the Diamonds

Latest from Âm nhạc