Cánh Cung 3 là một cú bắt tay ngọt ngào giữa nhạc sĩ Đỗ Bảo và ca sĩ Trần Thu Hà, như hai người bạn lâu năm, như tri kỷ trong âm nhạc.
Hiếm có nhạc sĩ nào mỗi khi ra sản phẩm mới lại nhận được nhiều chờ đợi và ủng hộ từ phía khán giả như Đỗ Bảo. Song, chờ đợi Cánh Cung 3 có lẽ là dai dẳng và mòn mỏi nhất, ngốn mất 5 năm, bằng đúng khoảng cách từ Cánh cung (2003) đến Thời gian để yêu (2008).
Cách đây hơn một năm, nhạc sĩ Đỗ Bảo đã úp mở về một album thực hiện chung với Trần Thu Hà, gồm các ca khúc được viết riêng cho cô thể hiện. Theo thời gian, sức lan tỏa mà những “cánh cung” do anh tạo ra cũng ngày một tăng, càng khiến album được trông đợi hơn.
Cánh cung 3 – Cú bắt tay giữa
Đỗ Bảo và Hà Trần
Hẳn nhiều người sẽ nghĩ Trần Thu Hà là một sự lựa chọn an toàn và khôn ngoan. Trước hết, cô là một trong những người đầu tiên cộng tác cùng Đỗ Bảo và thể hiện rất thành công những ca khúc của anh. Ngoài ra, đã lâu lắm rồi kể từ Đối thoại 06 (2006) nhưng nữ ca sĩ vẫn chưa chính thức có một sản phẩm âm nhạc của riêng mình để dành tặng khán giả trong nước. Như vậy, Cánh cung lần này có thể xem như là một mũi tên hướng về hai đích, thỏa mãn cơn khát của những người hâm mộ Đỗ Bảo lẫn Trần Thu Hà.
Tuy nhiên, chính việc độc quyền trong giọng hát của Trần Thu Hà lại khiến cho Cánh cung 3 – Chuyện của mặt trời, chuyện của chúng ta (2013) không có được nhiều màu sắc như hai đĩa còn lại. Ngay cả khi Trần Thu Hà vốn được xem là một ca sỹ có cá tính, biết biến hóa mình theo bài hát và âm nhạc của Đỗ Bảo vốn không “một màu”. Nhưng điểm đặc biệt trong hai sản phẩm trước của Đỗ Bảo chính là biết cách khai phá những giọng hát mới và lạ. Cụ thể là Khánh Linh, Hồ Quỳnh Hương trong Cánh cung 1, hay Nguyên Thảo, Huy Phạm trong Cánh cung 2. Có lẽ cũng vì thế mà ngay cả khi Trần Thu Hà hát rất ổn, rất tròn trịa thì một vài ca khúc vẫn cho ta cảm giác rằng sẽ phù hợp hơn nếu để một ca sĩ khác thể hiện. Chẳng hạn như Biết mãi bao lâu còn đâu đó hình ảnh của Nguyễn Ngọc Anh, hay những giai điệu tươi vui không khỏi khiến ta nghĩ về “họa mi” Khánh Linh.
Về âm nhạc, nguyên phần đầu của Cánh cung 3 Đỗ Bảo sử dụng những bản phối khá cũ kỹ và đơn giản. Sáu ca khúc đầu tiên là những bài hát đậm chất tự sự cho thấy ba màu sắc riêng biệt của cả đĩa nhạc: khi thiên hẳn về acoustic với piano (Biết mãi là bao lâu) và guitar (Người buông neo), khi lại đầy ngẫu hứng với guitar điện, saxophone, trombone cùng giai điệu trẻ trung rộn ràng (Đôi giày lười, Chuyện Tôi Yêu). Bên cạnh đó là một chút màu sắc của jazz đã làm nên thành công của Cánh cung 2 (Hành trang để yêu; Chuyện của mặt trời, chuyện của chúng ta).
Âm nhạc hoài cổ, ca từ sâu sắc
Chàng trai của những bức thư tình năm nào giờ đây đã trở thành một người đàn ông đầy trải nghiệm, viết về cuộc tình xưa cũ, về những ngày yêu đầu đã qua. Nhưng vẫn đó một Đỗ Bảo với ca từ đơn giản, dung dị: “Còn những phút giây ta rong chơi, từng bình minh về hoàng hôn, không vướng bận” (Hành trang của em). Giọng ca của Trần Thu Hà vốn khô, lạnh nay lại càng mộc mạc hơn khi thu âm trực tiếp cùng ban nhạc. Chị hát thay nỗi niềm của người nhạc sĩ một cách vừa dửng dưng vừa đau xót: “Anh đâu phải tiên phật, mà nhìn ra khoảng trống thấy được vạn vật” (Biết mãi là bao lâu).
Phần còn lại của Cánh cung 3 hiện đại hơn với sự xuất hiện một cách thường xuyên của tiếng guitar điện cùng những bản phối mang hơi thở mới mẻ. Tiếng rơi lõm bõm của những giọt mưa còn vương lại trên mái tôn trong Tháng bảy ẩm ướt là một dấu hiệu, bắt đầu đưa ta vào một không gian khác của đĩa nhạc: không nặng trĩu tâm sự về chuyện tình yêu mà mở rộng hơn, về chuyện đời, chuyện người và quan trọng nhất vẫn là, chuyện của chúng ta.
Nếu như jazz chính là nét đặc biệt của Cánh cung 2 thì ở Cánh cung 3, vị trí đó thuộc về guitar điện, được sử dụng vừa phải nhưng triệt để. Không lạ vì Trần Thu Hà vốn là một trong những người tiên phong sử dụng âm nhạc điện tử và cũng đã thành công. Nếu như ở phần đầu, guitar điện được đưa vào một cách khá khuôn mẫu trong Đôi giày lười và Chuyện tôi yêu, thì phần sau xuất hiện như một người hát bè, nghe có vẻ phụ nhưng lại làm đẹp cả bài hát.
Vẫn có thể thấy ở Tháng bảy ẩm ướt, tiếng guitar điện rất nhỏ nhẹ, khiêm tốn nhưng hòa chung vào bản phối lại cho cảm giác thư giãn, dễ chịu. Hay Thành phố không ngủ với phần dạo đầu rất hay, guitar điện không hề có dụng ý lấn át những nhạc cụ còn lại. Giọng của Trần Thu Hà cũng được dùng những hiệu ứng điện tử, vừa tạo nên nỗi hoang mang, lạc lõng của một người không biết đi đâu về đâu, vừa cho ta cảm giác day dứt khôn nguôi.
Nếu phải chọn một ca khúc xuất sắc nhất trong Cánh Cung 3, hẳn sẽ là Tháng hai uể oải. Từ đầu đến cuối, tất cả các nhạc cụ được sự dụng một cách tiết chế, dành trọn sân khấu cho giọng hát Trần Thu Hà. Chỉ với một bản phối không ồn ào như vậy, người nghe mới có thể tập trung vào thưởng thức phần lời, vốn là điều khiến cho nhạc được yêu thích suốt bao năm nay: đơn giản, sâu sắc nhưng không tô vẽ. Tháng hai uể oải lại thể hiện trạng thái đối lập hẳn là hiếm thấy trong các sáng tác Việt. Ca khúc viết về “mùa xuân”, về “năm mới” nhưng lại không hề rộn ràng, xôn xao mà ngược lại là một tâm trạng “trống rỗng”, “héo hon”, được nhấn mạnh bởi điệp từ “rất buồn”, “rất buồn” lặp đi lặp lại. Tâm trạng này, chắc chỉ có những người đã từng trải qua mới có thể hiểu hết được.
Ngoài ra, hai ca khúc Kế hoạch làm bạn và Bài ca cây đàn nghe khá dễ thương, giai điệu vui tươi như một ca khúc thiếu nhi nào đấy khiến ta có thể dễ dàng nhún nhảy và hát theo. Chính lúc này thì Trần Thu Hà lại lộ ra nhược điểm, khi giọng hát của cô vẫn còn khá “già” và chững so với độ nhí nhảnh của bài hát. Trong khi đó Người câu bóng trở về acoustic với tiếng violon da diết và những nốt dương cầm nặng trịch như từng giọt ký ức đang hiện ra. Người câu bóng và Người buông neo lại là một cặp sáng tác mới của Đỗ Bảo, nhắc ta về Điều hoang đường nhất, Điều ngọt ngào nhất trước đây.
Về tổng thể, Cánh cung 3 vẫn là một sản phẩm chất lượng của Đỗ Bảo. Cánh cung cuối cùng này vì chỉ dành riêng cho Trần Thu Hà nên cũng đã bỏ được sự thừa thãi trong việc lựa chọn gương mặt ca sĩ ở hai đĩa trước đó. Tuy nhiên, Cánh cung 3 vẫn dừng lại ở mức độ như những đĩa nhạc tác giả khác về sự thống nhất, đồng bộ xuyên suốt. Đĩa nhạc không thiên hẳn về acoustic, không thuần là jazz, cũng chẳng hoàn toàn điện tử, mà mỗi thứ một chút một chút. Một điều lẽ ra có thể khắc phục được khi đã chọn cho riêng mình một giọng hát, khiến cho Cánh cung 3 vẫn chỉ là một tuyển tập các sáng tác mới của Đỗ Bảo. Nhưng dẫu sao vẫn là một hình ảnh Đỗ Bảo mới, khi không có sự xuất hiện của những “bức thư tình”.
Viết cho Đẹp Online (cập nhật, chỉnh sửa ngày 19/7/2021).
Rất đồng tình với anh về cảm giác “thiếu thiếu” màu sắc khi nghe Cánh Cung 3 – dù Hà Trần có xuất sắc, và tắc-kè-hoa đến đâu.
Nghe album cứ những đoạn guitar điện lại nhớ đến Ngày Cuối Tuần Rực Rỡ, hay jazzy tự sự lại nhớ đến Cánh Cung 2 :p. Album này tuy pop, tròn trịa đầy đặn nhưng lại sẽ khó có hit như Cánh Cung 1 :(. Chắc tại vì đợi lâu, hype quá cao nên expectation cũng hơi cao quá :”>.
Rất đồng ý với bạn Sơn Phước về hai bài Tháng hai uể oải và Tháng bẩy ẩm ướt. 😀
Biết ngay thế nào P cũng sẽ viết review cho đĩa này. Hehe. Tuy không thích Hà Trần lắm (dù những bài cô này hát thì rất hay), nhưng mình sẽ tìm nghe thử đĩa này.