Review phim boyhood
'Boyhood' của Richard Linklater: 12 năm, một câu chuyện
/

‘Boyhood’: 12 năm, một câu chuyện

Bắt đầu
12 phút đọc

‘Boyhood’ của Richard Linklater là bộ phim độc đáo, có một không hai khi được thực hiện xuyên suốt trong 12 năm.


Khởi quay từ giữa năm 2002 và kéo dài liên tục mỗi năm một lần trong suốt 11 năm sau đó, Boyhood thực sự là một thách thức lớn không chỉ riêng với đạo diễn Richard Linklater, mà còn cả bất cứ ai gật đầu đồng ý tham gia dự án táo bạo – có một không hai – này của anh. Kết quả của sự kiên định và nhẫn nại đó, là bộ phim dài gần ba tiếng đồng hồ, với nội dung bám sát quá trình trưởng thành của cậu bé Mason, từ tuổi thơ thiếu hụt vòng tay che chở của người cha, cho đến lúc nói lời chào tạm biệt mẹ để bước vào giảng đường đại học – thời niên thiếu, hay là một phần ba quãng đời con người.

Kịch bản do đích thân Linklater viết, giữ nguyên phong cách giản dị đã gắn liền tên tuổi anh với bộ ba Before Sunrise – Sunset – Midnight trước đó, nhưng cô đọng hơn hẳn. Nếu mỗi thước phim của Linklater là một lát cắt cuộc đời, thì Boyhood tập hợp nhiều lát cắt như vậy, chồng liên tiếp lên nhau với một tốc độ chóng mặt. Trái với Éric Rohmer khi kể chuyện theo tuyến tính thời gian thường có thói quen ngắt ra theo ngày tháng năm như đang viết một cuốn nhật ký, Linklater lại cố tình lược bỏ tất cả những mốc cụ thể đó. Chẳng những đạo diễn không phân định rõ ràng ranh giới giữa các năm, mà còn nối dài câu chuyện một cách không-ngừng-nghỉ, tạo ra sự tương phản dữ dội giữa trước và sau. Từng sự kiện diễn ra chớp nhoáng, một loạt nhân vật phụ xuất hiện rồi biến mất, mái tóc Mason dài ra, cậu vỡ giọng rồi bỗng lớn tồng ngồng, thoáng chốc những nếp nhăn đã hằn trên gương mặt người mẹ. Tất cả tạo nên cảm giác ngột ngạt đến khó thở, bởi một lý do quen thuộc nhưng rất đỗi tàn khốc: thời gian trôi nhanh và không bao giờ trở lại.

Song, Linklater cũng rất khôn khéo khi để lại những “dấu hiệu” giúp người xem có thể bắt kịp mạch phim, bằng cách gắn liền tác phẩm của mình với những sự kiện có thật diễn ra tại thời điểm quay. Câu chuyện của Boyhood bắt đầu vào giai đoạn Britney Spears vẫn đang tung hoành trên các bảng xếp hạng với Oops!… I Did It Again, tiếp nối khi quân Mỹ tấn công Irag sau sự kiện 11/9, bà Rowling ra mắt Harry Potter tập năm,… cho đến lúc Lady Gaga đã nổi như cồn và mạng xã hội lên ngôi với Facebook. Điều này khiến cho bộ phim gần gũi với khán giả ở độ tuổi cỡ Mason (xấp xỉ từ mười tám trở lên), vì nó tái hiện rất nhiều ký ức tuổi thơ của cả một thế hệ – thế hệ mà cũng từng như bất kỳ thế hệ khác, đã không ít lần cảm thấy hoang mang, lạc lối trước nhiều biến chuyển của cuộc đời trên con đường trường thành.

Riêng sự vụn vỡ trong tâm hồn Mason đã được Linklater bày sẵn ngay từ đầu phim. Boyhood mở màn bằng hình ảnh cậu bé 6 tuổi ngả mình trên thảm cỏ trong sân trường, lặng lẽ ngắm nhìn bầu trời và suy nghĩ vẩn vơ. Những cảnh quay sau đó tiếp nối khi Mason được mẹ đón về nhà, rồi bà nằm đọc sách cho cậu và chị gái Samantha (lớn hơn Mason vài tuổi) nghe trước khi đi ngủ. Nhưng trong khi Sam đã yên giấc nồng như thể quá quen thuộc với chuyện đang xảy ra, thì Mason lại không tài nào chợp mắt được bởi tiếng ồn phát ra từ phòng khách: mẹ cậu đang cãi nhau với bạn trai! Những gì hiện ra trước mắt cậu bé trở thành một ký ức không thể phai nhòa, hệt như chị gái cậu lúc 6 tuổi, cũng từng chứng những trận cãi nhau nảy lửa của bố mẹ – điều duy nhất mà cô bé còn nhớ, thay vì những khoảnh khắc hạnh phúc đáng trân quý.

Bố của Mason (do Ethan Hawke đóng), người mà thi thoảng lại xuất hiện một vài lần trong phim – đúng bằng khoảng thời gian ngắn ngủi mà ông dành bên con trong suốt tuổi ấu thơ của chúng – được mô tả như là một lãng tử, sống phóng túng và bất cần. Việc lấy vợ sớm và có con đầu lòng khi mới chỉ 23 tuổi (nhỉnh hơn một chút so với độ tuổi của Mason ở cuối phim), phần nào đã trở thành ngòi nổ dẫn đến những đỗ vỡ của cuộc hôn nhân đầu tiên. Trong khi đó, mẹ của Mason (do Patricia Arquette đóng) lại là mẫu phụ nữ độc lập và mạnh mẽ, tự mình nuôi hai con khôn lớn mà vẫn quyết tâm học lên cao nữa để có thể cải thiện cuộc sống. Hai nhân vật này tác động vào cuộc đời Mason cũng ở trạng thái đối nghịch: những bài học nhẹ nhàng và kỷ niệm tươi vui đến từ bố; còn gắn liền với mẹ, phần nhiều là nỗi buồn, những lời cằn nhằn, thậm chí là chửi rủa.

Lựa chọn một gia đình không-trọn-vẹn, Linklater cho thấy bố mẹ vẫn luôn là nhân tố quan trọng nhất trong đời sống con trẻ. Nhưng khoảnh khắc khi Boyhood muốn đạt đến cao trào của “bi” không hề liên quan đến bất kỳ mâu thuẫn nào giữa hai nhân vật này, mà lại được soi rọi thông qua hình ảnh những người đàn ông gắn liền với cuộc đời mẹ: những ông bố dượng “đáng kính”. Dù không có máu lãng tử như chồng cũ, nhưng chính mẹ Mason mới là người dịch chuyển nhiều nhất trong bộ phim. Bà liên tục đem con đi hết từ ngôi nhà này đến ngôi nhà khác, tương ứng là một ngôi trường khác, một cuộc đời khác và cả một ông bố khác. “Cuộc đời là những chuyến đi” – theo đúng phương châm này, Boyhood là một road movie tập hợp rất nhiều chuyến đi của các nhân vật, để cuối cùng không chỉ có Samantha và Mason trưởng thành, mà ngay cả những ông bố bà mẹ cũng đã đổi thay về suy nghĩ.

Với vai diễn Mason, Ellar Coltrane hiển nhiên trở thành “linh hồn” của Boyhood. Thật khó để hình dung bộ phim sẽ ra sao nếu như vai Mason thuộc về một cậu bé khác, hoặc chẳng may có chuyện gì xảy ra trong quá trình quay. Đồng hành cùng đoàn làm phim trong suốt 12 năm từ khi mới lên bảy, Ellar không diễn nhiều mà đúng hơn là tái hiện chính mình trong phim. Từng nấc thời gian thể hiện những biến chuyển rõ rệt trong đời sống cậu bé, từ ngoại hình (mái tóc dài bị cắt trụi, gương mặt phúng phính bỗng gầy đi, đôi chân dài ra,…) cho đến tâm hồn (khao khát được khám phá, khao khát trải nghiệm, và lẽ tất nhiên, biết yêu). Ellar lớn lên cùng với bộ phim, hay nói cách khác, Boyhood không chỉ là cuốn phim về cuộc đời Mason, mà còn là về cuộc đời của Ellar.

Thế nhưng, vị trí “ngôi sao” của Boyhood lại không thuộc về Ellar, mà chính là Lorelei Linklater (con gái của đạo diễn Richard Linklater) với vai Samantha. Khác với Ellar đôi chỗ còn không dấu nổi vẻ thẹn thùng, Lorelei lập tức chứng tỏ tài năng diễn xuất của mình ngay từ khi xuất hiện. Samantha trong phim là một cô bé già trước tuổi, nói chuyện với mẹ bằng giọng điệu của một bà cô, thẳng thừng đòi tiền bố vì lỡ nói bậy. Lớn lên, Samantha thời thiếu nữ là một hình ảnh hoàn toàn trái ngược với cô bé Samantha ngày xưa. Cô trầm tính, ít nói, thậm chí tỏ ra thờ ơ với những gì đang xảy ra xung quanh – một dấu hiệu của sự bất lực.

Sự đơn giản từ cách sắp đặt tình tiết cho đến lối kể của Linklater có thể sẽ nhanh chóng khiến nhiều người cảm thấy Boyhood dần trở nên nhàm chán, đặc biệt là trường đoạn gần cuối phim, khi ai cũng biết chuyện gì sẽ xảy ra sau đó. Đây cũng là một nỗ lực của Linklater khi trung thành tuyệt đối với đường dây kịch bản trong suốt một thời gian dài như vậy, đồng thời né tránh những lối mòn của thể loại bi kịch gia đình. Boyhood không cố tạo ra kịch tính như những bộ phim khác, mà chiếm tình cảm của người xem bằng sự giản dị, gần gũi và ấm áp. Nó chưa hẳn đã đạt đến tầm kiệt tác, nhưng chắc chắn sẽ là một bộ phim đứng trong danh sách của thập kỷ, một bộ phim mà bất kỳ ai đang sống trong thời đại này cũng nên xem qua (ít nhất) một lần, để soi rọi hình ảnh của chính mình trong đấy.

Boyhood khép lại bằng khoảnh khắc Mason từ biệt những đồ vật cũ gắn liền với tuổi thơ của mình. Không quá buồn như trường hợp của Andy trong Toy Story 3 nhưng cũng khiến ta cảm thấy bùi ngùi. Những giọt nước mắt bỗng trào ra trên mí mắt người mẹ khi chứng kiến con trai mình đã trưởng thành, để rồi nhìn lại cuộc đời mình chỉ còn là những cái chớp mắt – đúng như cách Linklater cố gắng tái hiện mười hai năm đời người gói gọn trong một bộ phim. Nhưng biết làm sao được? Cuộc đời là thế. Mason lại vác hành lý và tiếp tục lên đường, để tìm kiếm cái tôi của chính mình, khám phá những điều kỳ diệu của cuộc đời, gặp gỡ những gương mặt mới, những người bạn mới, và cả những chân trời mới.


Đánh giá: ***1/2 (3,5/5)


* Thông tin:
Boyhood được quay trong vòng 45 ngày kéo dài xuyên suốt 12 năm, từ 05/2002 đến 08/2013, ứng với độ tuổi của Mason từ 6 đến 18.
– Với Boyhood, Richard Linklater đã thắng giải Gấu bạc cho Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Berlin 2014.

YouTube player

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

1 Comment

  1. Bài viết của anh rất hay, nó nhẹ nhàng cũng như bộ phim vậy. Nhưng thú thật do phim không có nhiều cao trào nên xem phim cứ thấy hơi tiếc tiếc sao ấy.Xem phim mới thấy đúng là không có bậc thầy tạo hình hay trang điểm nào qua mặt được thời gian.

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

‘Khởi Hành’ với Nguyễn Trần Trung Quân

Tiếp theo

‘Chẳng Có Tình Ca’: màn chào sân của Danh Việt

Latest from Điện ảnh