'Buster Scruggs': một viễn Tây rất khác của anh em nhà Coen
'Buster Scruggs': một viễn Tây rất khác của anh em nhà Coen
/

‘Buster Scruggs’: một viễn Tây rất khác của anh em nhà Coen

Bắt đầu
20 phút đọc

Bộ phim The Ballad of Buster Scruggs với sáu câu chuyện nhỏ ghép lại thành một bức tranh đậm chất biếm họa về miền viễn Tây của ngày hôm qua, nhưng cũng là lời cảnh tỉnh dành cho nước Mỹ của ngày hôm nay.

*Bài review phim The Ballad of Buster Scruggs (Biên Niên Sử Miền Viễn Tây) có tiết lộ nội dung tác phẩm.


Hơn ba thập kỷ rong ruổi trên con đường đạo diễn, từng chinh chiến ở nhiều đề tài khác nhau, nhưng viễn Tây mới là “mặt trận” ưa thích của hai anh em nhà Coen.

Bóng hình miền đất ấy thoáng ẩn hiện trong sự nghiệp làm phim đồ sộ của bộ đôi nổi tiếng, từ tác phẩm neo-western (viễn tây kiểu mới) trác tuyệt như No Country For Old Men (2007), tác phẩm làm lại từ tuyệt phẩm kinh điển True Grit (2010), phim hài nhạo báng Raising Arizona (1987), cho đến các nhân vật mang dáng dấp cao bồi trong The Big Lebowski (1998), Hail, Caesar! (2016).

Thế nên, không quá khó hiểu khi họ dành hơn 25 viết kịch bản và lên ý tưởng thực hiện The Ballad of Buster Scruggs (Bản ballad của Buster Scruggs), như một lời tri ân đặc biệt dành cho dòng phim viễn tây từ lâu đã đi vào quá vãng.

Lời tri ân dành cho thể loại phim cao bồi

Khác những tác phẩm trước đó của anh em Coen, Buster Scruggs là một dự án đặc biệt, một tuyển tập gồm sáu phim ngắn có nội dung độc lập, đóng vai trò như một chương trong cuốn tiểu thuyết – mở đầu và kết thúc bằng cảnh lật giở những trang sách – kể về cựu miền Tây xa xôi của nước Mỹ.

Mặc dù đều lấy bối cảnh viễn Tây, mỗi câu chuyện lại diễn ra ở những thời điểm khác nhau, có thời lượng khác nhau, được kể lại qua những góc nhìn khác nhau với những phong cách hoàn toàn khác nhau: khi thì hài hước giễu nhại, lúc lại cay đắng u buồn, khi nồng ấm tình cảm yêu đương, lúc lại u ám lạnh lẽo chẳng kém một câu chuyện ma.

Chương đầu tiên – cũng là chương chủ đề – kết thúc bằng một màn đấu súng đậm chất viễn tây, gợi nhớ High Noon (1952) của Fred Zinnemann. Chương cuối cùng – The Mortal Remains (Thi hài người chết) – lại bắt đầu bằng một chuyến xe ngựa với năm hành khách, gợi nhớ The Hateful Eight (2015) của Quentin Tarantino.

Ba hành khách trong chuyến xe ngựa ở chương cuối cùng, "The Mortal Remains", đang tranh luận về những loại người sống ở trên đời.
Ba hành khách trong chuyến xe ngựa ở chương cuối cùng, “The Mortal Remains”, đang tranh luận về những loại người sống ở trên đời.

Theo lời của quý bà Betjeman (Tyne Daly), nữ hành khách duy nhất trên chuyến xe của The Mortal Remains, phàm những ai sống trên đời đều chẳng hề giống nhau mà được chia thành hai loại hoàn toàn khác biệt, rạch ròi giữa “người ngay thẳng và kẻ tội lỗi”. Trong khi đó, những người đồng hành cùng bà lại có ý kiến hoàn toàn khác biệt. Đó phải là “người khỏe mạnh và kẻ yếu đuối”, theo quý ông người Ai-len (Brendan Gleeson); hoặc phải là “người may mắn và kẻ xúi quẩy”, theo quý ông người Pháp (Saul Rubinek). Không đồng tình với cả ba vị khách nêu trên, quý ông người Anh (Jonjo O’Neill) phủi tay và đi đến kết luận: thế gian này chỉ có người sống và kẻ chết.

Những câu chuyện phản cổ tích về cái chết

Thật vậy, các nhân vật trong thế giới của Buster Scruggs – bất kể già hay trẻ, trai hay gái, tốt hay xấu – đều có một điểm chung: họ đã chết, sắp sửa chết, hoặc rồi cũng sẽ chết. Nhân vật duy nhất xuất hiện xuyên suốt bộ phim nhưng không hề lộ diện dù chỉ một lần, không ai khác ngoài thần chết. Gã lượn lờ qua từng khung hình và sẵn sàng cướp đi sinh mạng của bất kỳ ai, bất cần lý do hay luật lệ nhất định. Có lúc gã hóa thân thành một người đánh xe ngựa, chuyên chở các linh hồn về với thế giới bên kia, và đúng như một lời nhận xét: “gã không bao giờ dừng lại”.

Cái chết xảy đến với những số phận trong phim một cách bất ngờ và mang hơi hướm phản cổ tích. Những ông bụt, bà tiên hay cái kết có hậu không hề tồn tại ở miền viễn Tây đầy nắng gió. Những câu phương ngôn quen thuộc như “ác giả ác báo, thiện giả thiện lai” bỗng trở thành một trò hề, khi mà những người chân phương nhất lại phải nhường đất sống cho những kẻ hèn mọn.

Giải thưởng bất hạnh hàng đầu bộ phim thuộc về chàng nghệ sĩ trẻ Harrison (Harry Melling), nhân vật chính của chương thứ ba Meat Ticket (Vé Thức Ăn) – người mang một hình hài khác biệt và số phận bi thảm: không chân, không tay, không mẹ và không một xu dính túi. Được một ông bầu gánh hát (Liam Neeson) phát hiện và “nhặt” về khi đang trơ trọi một mình trên những con phố ở Luân Đôn, nhưng tấn bi kịch cuộc đời của Harrison không hề kết thúc mà chỉ mới thực sự bắt đầu.

Cô gái Alice trong câu chuyện thứ năm đã bị tiêm vào đầu những hình ảnh hết sức kinh khủng về dân da đỏ.
Cô gái Alice trong câu chuyện thứ năm đã bị tiêm vào đầu những hình ảnh hết sức kinh khủng về dân da đỏ.

Lão bầu biến anh trở thành một cỗ máy kiếm tiền, đưa anh đi khắp mọi miền, phết lên mặt anh những lớp hóa trang như một thằng hề, bắt anh phải đọc cho dân chúng nghe đủ thứ điều, từ kịch Shakespeare, thơ của Shelley, truyện về Cain và Abel, cho đến bài diễn văn nổi tiếng của tổng thống Lincoln. Cứ thế, Harrison trở thành một trong những nhân vật có nhiều câu thoại nhất nhưng lại không nửa lời về cõi lòng thật sự của mình. Một lần vì quá đói khát, anh thè lưỡi đón những bông tuyết rơi rụng trong đêm một cách đầy bất lực mà không thể làm gì khác.

Trái ngược với số phận tăm tối, đen đủi của Harrison là sự may mắn trời cho của nhân vật chính trong chương thứ tư. Ngay lập tức, cái không khí ảm đạm, tăm tối và lạnh lẽo của mùa đông tuyết phủ trong Meat Ticket đã được thay thế bởi không gian rực rỡ màu sắc, ngập tràn ánh nắng mùa xuân, nơi hoa thơm bướm lượn. Dựa theo truyện ngắn cùng tên của Jack London xuất bản năm 1904, All Gold Canyon (Mọi hẻm vàng) kể về một ông lão vô danh (do nam nghệ sĩ nổi tiếng Tom Waits thủ vai) đang trên đường đi tìm vàng. Hàng ngày ông cặm cụi lao động một mình tại một nơi mà ông gọi là Ngài Pocket, trong sự cảnh giác cao độ trước gã địch thủ đang ẩn nấp đâu đó xung quanh, chờ chực thời cơ để xông ra cướp đi thành quả vốn không phải của hắn.

 Một nước Mỹ phân biệt chủng tộc

Sau hai tác phẩm mang tính thử nghiệm – bộ phim chính kịch lấy chủ đề âm nhạc Inside Llewyn Davis (2013) và bộ phim hài hước về hậu trường Hollywood Hail, Caesar! – tuy không dở nhưng thiếu hụt về chiều sâu, hai anh em nhà Coen đã thực sự lấy lại được phong độ vốn có của mình. So với hai chuyến viễn du chính thức đến miền Tây nước Mỹ trước đó là No Country For Old ManTrue Gritbộ đôi đã tỏ ra phóng khoáng hơn trong phong cách đạo diễn và táo bạo hơn trong cách thể hiện. Tạm bỏ qua việc lần đầu tiên sử dụng máy quay kỹ thuật số hay việc gật đầu đồng ý để cho Netflix phát hành, có thể xem Buster Scruggs là bộ phim đậm màu chính trị nhất trong sự nghiệp làm phim của hai tên tuổi lẫy lừng nhà Coen.

Vài cảnh trong phim "he Ballad of Buster Scruggs".
Vài cảnh trong phim “he Ballad of Buster Scruggs”.

Khung cảnh miền viễn Tây thưở xa xưa được tái hiện một cách rất đỗi quen thuộc trong phim, nhưng cũng thật tàn khốc và hỗn loạn chẳng kém gì nước Mỹ trong bối cảnh hiện tại. Với anh em nhà Coen, các nhân vật trong thế giới của Buster Scruggs cũng được chia làm hai phe, nhưng theo một tiêu chí hoàn toàn khác: chỉ có người da trắng và những kẻ không phải da trắng. Hình tượng thổ dân da đỏ chỉ xuất hiện thoáng quá ở hai trong sáu chương truyện, hệt như dân số ít ỏi của họ trên đất Mỹ. Tuy không có bất kỳ một lời thoại nào, họ vẫn để lại ấn tượng hết sức sâu đậm trong lòng người xem.

Trong chương thứ hai, Near Algodones (Gần Algodones), James Franco vào vai một chàng cao bồi đang âm mưu cướp một nhà băng nhỏ nằm trơ trợi giữa vùng đồng cỏ ở ngoại ô. Đáng tiếc, gã cướp non kinh nghiệm lại lập tức bị ông chủ già sỏi đời – người được mô tả hết sức hài hước như là một Iron Man thời viễn Tây với chiếc áo giáp sắt tự chế từ những chiếc chảo lấy trong bếp – hạ gục chỉ bởi một cú đập bằng báng súng. Chàng cao bồi sau đó, bị chính những người da trắng cùng chủng tộc với mình, treo lên một cành cây – như thể đại diện cho tiếng nói của công lý, thay mặt tòa án thi hành án tử. Trong cái rủi có cái may, chàng trai được cứu thoát bởi một đoàn người da đỏ. Họ ào tới bất ngờ như một cơn bão rồi lẳng lặng bỏ đi, để lại gã cao bồi đơn thân độc mã bên cạnh xác chết của những người đồng loại.

Nhân vật chính trong chương đầu tiên là Buster Scruggs (Tim Blake Nelson), một cao bồi hồn nhiên và say mê ca hát.
Nhân vật chính trong chương đầu tiên là Buster Scruggs (Tim Blake Nelson), một cao bồi hồn nhiên và say mê ca hát.

Trong mắt của dân da trắng, bộ tộc da đỏ dù vẫn được xem là những người Mỹ bản địa (Native Americans) nhưng lại chẳng khác gì một đám người man rợ khát máu. Trong chương thứ năm, The Gal Who Got Rattled (Cô gái sợ hãi) – dựa theo truyện ngắn cùng tên viết năm 1901 của Stewart Edward White, nhân vật chính Alice (Zoe Kazan) cùng người bạn đồng hành mới quen là ngài Arthur (Grainger Hines) vô tình trạm chán một đoàn người da đỏ giữa vùng đồng không mông quạnh, trong khi cô đang đi tìm chú chó đi lạc của mình. Giữa tình thế tiến thoái lưỡng nan, Arthur đưa cho Alice một khẩu súng với hai viên đạn: một cho ông và một cho cô, để cả hai tự sát phòng trường hợp khi anh bại trận trước lũ người kia. Thế nhưng, nỗi sợ hãi mà Alice phải đối diện không ập đến bất ngờ như binh đoàn da đỏ, mà đã âm ỉ lớn dần lên trong cô từ trước đó. Hàng ngày, Alice được tiêm vào đầu những hình ảnh hết sức kinh khủng và xấu xí về dân da đỏ: “chúng sẽ kéo căng da của cô ra, sau đó đóng một cái cọc vào giữa người cô, và còn làm những điều khác nữa”, Arthur nói.

Cái chết của bầy chim nhại

Những xung đột về sắc tộc không chỉ bùng nổ giữa người thổ dân da đỏ và người Mỹ da trắng, mà thậm chí còn dữ dội hơn ngay trong chính xã hội của những người da trắng thượng đẳng. Ở chương đầu tiên cũng là chương chủ đề của bộ phim, nhân vật chính Bugger Stugg (Tim Blake Nelson) bước vào một lữ quán ven đường, gọi whisky để thanh lọc cuống họng và duy trì giọng hát. Ngay lập tức, chủ quán ném cho vị khách xa lạ một cái nhìn không mấy thiện cảm. Buster bị từ chối phục vụ bởi một lý do rất đơn giản: anh không phải là một “outlaw” – những kẻ sống ngoài vòng pháp luật. Thử liếc một vòng xung quanh, đang ngồi nhâm nhi whisky là một toán cướp gồm năm tên, râu ria bờm xờm, khinh bỉ gọi người khác là “nhãi nhép” (tinhorn). Không khó để nhận ra phép ẩn dụ khéo léo và tài tình của anh em Coen: Buster Scruggs bước vào thị trấn như một người nhập cư trái phép, còn năm tên cướp kia đại diện cho những kẻ phân biệt chủng tộc mà vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, ngay trong chính “thời đại của Trump”.

Toàn cảnh sáu câu chuyện trong "The Ballad Of Buster Scruggs" của hai anh em đạo diễn nhà Coen.
Toàn cảnh sáu câu chuyện trong “The Ballad Of Buster Scruggs” của hai anh em đạo diễn nhà Coen.

Quay ngược trở lại năm 1960 khi nữ văn sĩ Harper Lee xuất bản cuốn tiểu thuyết nổi tiếng To Kill A Mockingbird (Giết con chim nhại), bà đã đưa hình ảnh loài chim nhại trở thành một biểu tượng kinh điển của “sự trong trắng, cái đẹp chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và lòng hận thù”. Trong Buster Scruggs, hai anh em nhà Coen đã biến mỗi nhân vật chính trong sáu câu chuyện của mình trở thành hiện thân của một chú chim nhại. Từ ông lão đào vàng “sống dai”, chàng nghệ sĩ Harrison tội nghiệp, cô gái Alice đầy sợ hãi cho đến gã cao bồi ôm ấp một âm mưu cướp tiệm vàng giản đơn – tất cả đều đại diện cho sự hồn nhiên và ngây thơ của một nước Mỹ chỉ còn trong tưởng tượng.

Theo Harper Lee, chỉ giết một con chim nhại thông đã là tội ác. Ấy vậy mà hai anh em nhà Coen lại sẵn sàng ra tay sát hại cả một đàn chim vô tội trong phim. Đại diện tiêu biểu cho đàn chim ấy không ai khác ngoài Buster Scruggs – một chàng cao bồi trung niên yêu đời và say mê ca hát, bất kể sự thật rằng anh đang bị truy nã; một “chú chim biết hót của xứ Sa Saba” (San Saba Songbird) theo lời anh tự nhận, một “kẻ đáng khinh của miền Tây Texas” (The West Texas Twit) theo lời người khác tự nhận, và một “kẻ thù ghét nhân loại” (Misanthrope) theo lời cảnh sát tự nhận. Ở đầu phim, Buster cùng bạn đồng hành là chú ngựa Dan rải bước trên đường, tay cầm đàn guitar, miệng hát vang một cách ung dung tự tại, lắng nghe chính giọng hát của mình vọng lại từ núi đồi. Khi Scruggs chiến thắng, mọi người xung quanh đồng loạt ca hát và nhảy múa theo, tung hô anh như một người anh hùng. Nhưng khi Scruggs bại trận, phố phường chẳng có bóng dáng một ai.

YouTube player

Về bản chất, câu chuyện này không khác gì trường hợp của Harrison khi anh không còn giá trị sử dụng, lập tức vị trí của anh liền bị thay thế bởi một con gà biết làm toán. Và dù may mắn hay xui xẻo, thì giữa hai câu chuyện về chàng nghệ sĩ khuyết tật trong Meat Ticket và ông lão đào vàng trong All Gold Canyon đều có một điểm chung: lột tả một cách kín đáo quá trình thực dân hóa của người Mỹ da trắng đối với miền Tây hoang dã. Người Mỹ đến nơi đây để tìm kiếm những điều tốt đẹp – như ông lão đến một vùng đất hoang vắng để tìm vàng; sau đó khai hóa văn minh – như chàng nghệ sĩ lan truyền các tác phẩm nghệ thuật đến mọi miền. Nhưng kết quả? Chỉ có chết chóc và những xung đột không thể cứu vãn giữa con người với con người.

Sáu câu chuyện trong The Ballad of Buster Scruggs đôi khi đơn giản đến bất ngờ, khi lại phức tạp đến khó hiểu, tối giản như những truyện ngắn của Raymond Carver. Càng về cuối, những ý niệm mà anh em nhà Coen muốn gửi gắm càng hiển hiện rõ rệt. Một mặt, bộ phim là bài học đạo đức đáng trân quý về cuộc sống, rằng chúng ta – bất kể thiện, ác, hay tà – rồi cũng đều sẽ chết. Mặt khác, nó còn là cú đấm mạnh mẽ vào nền chính trị ngổn ngang của nước Mỹ. “Không thể nào đứng đầu mãi được” (Can’t be top dog forever), Scuggs thản nhiên nói, như thể cảnh báo cho tương lai của một đất nước đang sắp sửa đến hồi tụt vị.


Đánh giá: **** (4/5)


Thông tin:
  • Phim The Ballad of Buster Scruggs (Biên Niên Sử Miền Viễn Tây) tham gia tranh cử tại LHP Venice và thắng giải “Kịch bản xuất sắc”.
  • Tại Oscar 2019, phim The Ballad of Buster Scruggs (Biên Niên Sử Miền Viễn Tây) nhận ba đề cử cho Kịch bản chuyển thể, Phục trang và Ca khúc gốc.

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

2 Comments

  1. Có một chi tiết người viết đã nhầm lẫn đó là đại từ “Mr. Pocket” là cách mà nhân vật gọi “quặng vàng” chứ không phải là tay cao bồi.

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

2018: Biệt đội siêu diva trở lại | PLAYLIST

Tiếp theo

‘Roma’, hay là Mexico một thời quá vãng

Latest from Điện ảnh