‘Melodrama’ – album phòng thu thứ hai của Lorde – gồm 11 bài hát ghi lại những cảm xúc đau đớn khi thất tình ở tuổi 20.
Chia tay không phải là trải nghiệm mà bất cứ ai cũng có thể dễ dàng vượt qua, dù là lần đầu hay lần cuối.
Cách đây gần ba thập niên, khi Sinéad O’Connor thể hiện Nothing Compares 2 U (1990), một ca khúc thất tình não nề nhưng đầy cảm xúc mãnh liệt do Prince viết, cô đã phải đếm từng ngày từng giờ kể từ lúc người yêu rời bỏ mình. Cô ăn tối trong những nhà hàng đắt tiền, thậm chí phải tìm gặp bác sĩ, nhưng vẫn chẳng thể nào khỏa lấp được khoảng trống bên trong tâm hồn.
Ngay cả một người cá tính như Björk, khi thất tình ở độ tuổi 49, cũng phải thừa nhận trong Vulnicura (2015) rằng: “Những cảm xúc phức tạp khó hiểu này, tôi chẳng biết làm sao để điều khiển chúng nữa” (Lion Song).
Trong album mới nhất của mình, Melodrama, Lorde không hề dấu diếm về việc mình vừa chia tay.
Vũ điệu con tim tan vỡ
Ngay từ những giây đầu tiên, cô đã thừa nhận về một mối quan hệ không còn được nguyên vẹn: “Tôi trang điểm trong xe của một người khác, chúng tôi gọi những món khác nhau trong cùng một quán bar.”
Bài hát mở màn, Green Light, là một ca khúc thất tình được viết theo thể loại dance-pop, tương tự như Dancing On My Own của Robyn hay Crying for No Reason của Katy B. Nhưng khác với hai ca khúc của đàn chị chỉ ngập tràn nỗi đau và tuyệt vọng, thì Lorde lại dồn tất cả sự tức giận vào sáng tác của mình. Cô gọi người yêu cũ là “kẻ dối trá” và muốn “hét lên” cho tình địch biết “sự thật” về hắn ta. Thậm chí, cô còn hy vọng cá mập sẽ hốt xác cả hai ở dưới biển sâu.
Câu chuyện của Melodrama sẽ thú vị hơn nếu ta soi chiếu vào chính cuộc đời thật của nữ ca sĩ và đặt câu hỏi vì sao cô gần như vắng bóng trong suốt gần 4 năm qua, nhất là sau thành công vang dội của Pure Heroine (2013).
Thực tế, Lorde đã ấp ủ về album thứ hai từ cuối năm 2013 cùng Joel Little – nhà sản xuất của Pure Heroine – nhưng quá trình thực hiện gặp phải một số trục trặc. Đĩa nhạc chỉ thực sự “thành hình” vào năm 2015 với một nhà sản xuất mới (Jack Antonoff) sau khi cô chia tay người bạn trai lâu năm là James Lowe. Sự kiện này tác động rất lớn đến Melodrama về mặt nội dung. Theo Lorde chia sẻ, đĩa nhạc sẽ kể lại “câu chuyện về hai năm hoang dại và huỳnh quang gần đây của cuộc đời tôi.”
Khi Melodrama ra đời cũng là lúc Lorde vừa tròn 20 tuổi, vừa đúng với độ tuổi của Britney Spears khi hát I’m Not a Girl, Not Yet a Woman (2001) cách đây hơn một thập kỷ. Cái cảm giác không thể quyết định khi đứng giữa ranh giới của một “cô bé” và một “người đàn bà” mà Britney từng trải qua được Lorde tái thể hiện trọn vẹn trong Melodrama, chỉ là theo một cách hoàn toàn khác.
Green Light là một minh chứng rõ ràng nhất. Khi phần điệp khúc bắt đầu, Lorde lập tức xoay 180 độ và thể hiện bản ngã yếu đuối trong con người mình. Cô không ngừng gọi người yêu là “honey” và thú nhận rằng vẫn chưa thể quên được anh.
“Em đến để lấy đồ của mình, nhưng lại chẳng thể nào buông bỏ”, cô hát.
Sự mâu thuẫn về mặt nội tâm khiến cho cấu trúc của bài hát cũng liên tục bị chao đảo: phần đầu chậm rãi theo kiểu ballad với piano, phần sau lại dồn dập theo phong cách electropop với nhịp điệu nhanh, mạnh. Cách bộ gõ được rải đều và phần synth sử dụng rất tiết chế tạo cảm giác hoài cổ theo phong cách nhạc pop thập niên 90, pha với một chút disco. Việc này hoàn toàn trái ngược với chất nhạc tối giản (minimalist) mang âm hưởng hip-hop mà Lorde từng khai thác trong Pure Heroine – điều khiến David Bowie phải thốt lên rằng Lorde chính là “tương lai của âm nhạc.”
“Đây không phải là thứ mà tôi thực sự quen viết”, Lorde thừa nhận. “Phải mất một thời gian tôi mới có thể hình dung ra cách viết về nó – nỗi đau lớn đầu tiên của tôi.”
Theo đó, bài hát gom nhặt những cảm xúc hỗn độn lẫn trái ngược của một cô gái vừa bị người yêu bỏ: đau đớn, tức giận, hoang mang, đầy bất lực… Đứng giữa giao lộ, Lorde không biết mình nên bước tiếp hay quay lại, hệt như lời Adele từng hát thuở 19: “Em nên bỏ cuộc hay cứ tiếp tục chạy theo những lề đường?” (Chasing Pavements).
Ánh đèn màu xanh ở nhan đề bài hát là một ẩn dụ buồn bã cho việc cô đang trông ngóng một tín hiệu để dẫn lối. Càng về cuối, âm nhạc của Green Light càng căng tràn, dữ dội và mạnh mẽ. Những tiếng vỗ tay xuất hiện, guitar rít lên từng hồi và giọng bè phụ họa như cỗ vũ để nữ ca sĩ bước tiếp. Thế nhưng, tất cả những gì cô làm là tiếp tục chờ đợi một điều gì đó rất mong manh.
Khi trái tim trở nên loạn nhịp
Những cảm xúc hỗn độn và sự loay hoay trong tình yêu của Green Light vẫn được thể hiện xuyên suốt trong Melodrama. Mười một ca khúc được sắp xếp theo mạch vui – buồn – vui, trong đó có hai bài được lặp lại xen kẽ với phần lời mới (Sober II và Liability) tạo thành một vòng luẩn quẩn.
Đứng sau thành công của Melodrama là Jack Antonoff – một trong số những nhà sản xuất đã nhào nặn nên đĩa 1989 của Taylor Swift. Anh cũng từng được biết đến như là tay guitar của Fun và hiện đang là giọng hát chính cho nhóm Bleachers.
Khác cách Joel Little tạo Pure Heroine, Jack Antonoff luồn lái tâm trạng “lúc này, lúc kia” của Lorde bằng những bản dance-pop ngập tràn năng lượng. Song, “Melodrama không phải là một đĩa nhạc thất tình”, Lorde phủ nhận. Dù phần lớn thời lượng của album, ta thấy cô vùi đầu vào những bữa tiệc đêm, tìm đến niềm vui trong hơi men, thuốc lắc và cả những kẻ lạ mặt không quen.
Ca khúc thứ hai, Sober, là cách cô vượt qua nỗi đau hậu chia tay bằng cách quên mình trên sàn nhảy. Cụm từ “sự thật” (the truth) trong Green Light tiếp tục được lặp lại nhưng với một góc nhìn hoàn toàn khác: “Đây là lúc chúng ta nhảy nhót cùng sự thật, di chuyển cùng sự thật…”
Phần sản xuất của ca khúc khiến người nghe phải chú ý khi đi theo tinh thần phản dòng chính (anti-mainstream); phản EDM (anti-EDM) lẫn phản tối giản (anti-minimalist). Jack Antonoff chủ động sử dụng trống làm nhạc cụ chủ đạo, synth gần như bị kìm hãm hoàn toàn, thi thoảng có kèn tạo điểm nhấn, và đặc biệt là những tiếng thì thào ở phần intro, outro lẫn điệp khúc. Tất cả đều ở mức độ “làm nền” cho giọng hát của Lorde và chừa đủ không gian để cô có thể tiếp nối câu chuyện của mình.
Những ca khúc tiếp theo đều thể hiện tinh thần đó. Homemade Dynamite (viết cùng Tove Lo) kể về những bữa tiệc xuyên màn đêm với thái độ bất cần mọi thứ. Bài hát có tiết tấu dồn dập và Lorde hát không ngừng nghỉ như thể một ngòi nổ đang cháy.
Đến The Louvre, cô hát về tình cũ một cách thẳng thắn nhưng hoàn toàn không đau khổ: “Em biết anh không phải là hình mẫu của mình, nhưng vẫn cứ yêu”. Mạnh bạo hơn, Lorde còn muốn biến nhịp đập con tim mình thành một vũ điệu và bắt mọi người phải nhảy nhót theo. Thế nhưng, âm nhạc sôi động của Jack Antonoff cũng chẳng thể nào giúp Lorde dấu nổi sự hỗn loạn đầy mâu thuẫn của mình.
Supercut là giấc mơ về một mối quan hệ hoàn toàn trái với thực tại: “Trong đầu em nghĩ, em làm đúng tất cả mọi thứ. Khi anh gọi, em sẽ tha thứ và không tranh cãi nữa.” Thậm chí, ngay cả khi đã chìm đắm trong những viên thuốc lắc, cô vẫn không thoát khỏi nỗi sợ hãi: “Nhưng rồi chúng ta sẽ làm gì khi tỉnh táo?” (Sober)
Tỉnh giấc sau cơn bão lòng
Sức nặng của Melodrama nằm ở phần giữa album khi Lorde thực sự “tỉnh táo” và không ngần ngại thổ lộ cảm xúc của chính mình. Nếu chú ý, thì phần này chiếm thời lượng hơn một nửa album với những bản ballad, điều chưa từng xuất hiện trong Pure Heroine.
“Thật kỳ quặc, tôi tỉnh giấc giữa đêm và đang nằm bên cạnh một ai đó.”, Lorde kể lại. Và thế là Writer in the Dark ra đời – một lời thú tội muộn màng và buồn bã giữa đêm tối. Lorde hát mộc trên nền piano như đang tự hứa với chính mình: “Em sẽ tìm cách để sống mà không có anh.”
Thú vị hơn, Hard Feelings/Loveless được xây dựng trên nền nhạc hip-hop theo phong cách thử nghiệm (experimental), là sự kết hợp giữa hai ca khúc với hai thái cực hoàn toàn khác nhau.
Ở ca khúc đầu, cô viết về những xúc cảm khó hiểu về tình yêu, về khoảng thời gian mà cô gọi là “những buổi trưa mùa hè vô tận”, về ba năm đắm đuối trong một tình yêu mà cô phải học cách để quên đi. Ở ca khúc thứ hai, cô gọi thế hệ của mình là “thế hệ không tình yêu” với những cuộc tình chóng vánh, sớm nở tối tàn.
“Chúng tôi đã nói với bạn rằng đây là phim melodrama rồi mà” (Sober II), Lorde nhắc lại lời cảnh báo của mình ngay từ nhan đề album, rằng đây sẽ là một đĩa nhạc ủy mị và ướt át. Điều người nghe thắc mắc, thực sự nhân xưng “chúng tôi” mà cô liên tục lặp lại xuyên suốt album là dùng để ám chỉ ai?
Câu trả lời nằm trong Liability – một bản ballad được hát trên nền piano dài chưa đầy 3 phút nhưng lại chất chứa tâm trạng. Khoảnh khắc khi Lorde khóc ròng rã trong xe taxi sau khi chia tay người yêu cũng chính là khoảnh khắc cô đơn và buồn bã nhất đĩa nhạc. Điều duy nhất cô có thể nghĩ đến là lặng lẽ đi về nhà và khiêu vũ cùng cô gái cô yêu, người mà cô tự nhận là “khó chiều” và mạnh mẽ như một “đám cháy rừng”.
Trước khi điệp khúc bắt đầu, Lorde thắt chặt bài hát của mình bằng một sự thật chua chát: “Nhưng tất cả những gì một người lạ trông thấy, chỉ là một cô gái đang lắc lư một mình, tự vuốt ve đôi má của mình…”
Sự nghiệt ngã của Liability khiến cho bầu không khí vốn đã tăm tối của Melodrama càng trở nên không có lối thoát. “Sự thật tôi chỉ là một thứ đồ chơi mà mọi người thích, cho đến khi những trò mưu mẹo không còn tác dụng thì họ sẽ phát chán”, Lorde hát như thể đang trút hết mọi tâm sự.
Tất nhiên, cô không hề có ý định “nhấn chìm” người nghe vào trong những ý nghĩ tiêu cực đó của mình. Trái lại, cô kết thúc album bằng một bản upbeat – một cái kết khá khuôn mẫu nhưng cần thiết để cân bằng mọi cảm xúc.
Perfect Places là lúc Lorde rời bỏ căn phòng nội tâm để bước ra thế giới bên ngoài tìm kiếm “nơi chốn hoàn hảo” dành cho mình. “Tôi chỉ 19 và tôi đang bốc cháy”, cô hát. Sau khi đưa người nghe đi hết chuyến “tàu lượn siêu tốc” mang tên Melodrama, Jack Antonoff khép lại đĩa nhạc bằng tiếng piano, hệt như cách nó bắt đầu.
Melodrama sẽ khó chiều lòng nhưng ai mong đợi một Pure Heroine thứ hai, nhưng chắc chắn không phải là đĩa nhạc chúng ta nên bỏ qua. Sự hòa quyện giữa giọng hát nội lực và ngòi bút sắc sảo của Lorde cùng bàn tay sản xuất điêu luyện của Jack Antonoff đã tạo nên một đĩa nhạc pop xuất sắc nhất trong năm.
Ở tuổi 20, cá tính Lorde thực sự trưởng thành và rõ nét. Trong tình yêu, cô có thể rắc rối và phiền phức, nhưng trong âm nhạc, cô thực sự là một ngọn lửa bùng cháy.
*Đọc thêm các bài viết về Lorde ở đây.