Câu chuyện của “Thang máy Sài Gòn” vẫn được phát triển dựa trên cái “sườn” trinh thám tương tự “T mất tích”, nhưng mở rộng hơn về không gian, đa dạng hơn về nhân vật và đào sâu hơn về chủ đề.
Hầu như mỗi cuốn tiểu thuyết của Thuận đều gắn liền với một sự kiện đáng chú ý. “T mất tích” (nhà xuất bản Hội nhà văn, 2007) bắt đầu bằng một tình tiết mang yếu tố bí ẩn (mystery): người vợ tên T, “không có gia đình lẫn bạn thân ở Pháp”, đột nhiên mất tích chẳng rõ nguyên do. Trong khi đó, “Chinatown” (nhà xuất bản Đà nẵng, 2005) lại thiên về ly kỳ, rùng rợn (thriller): “Người ta nghi âm mưu đánh bom một cái ga hiu hắt thế này chứa một âm mưu khác nguy hiểm hơn nhiều”. Đến “Thang máy Sài Gòn”, chị quyết định kết hợp cả hai yếu tố ấy vào một: người mẹ sau nhiều năm trở lại Sài Gòn, bỗng gặp tai nạn trong thang máy tư gia tại nhà của con trai cả.
Bí ẩn ở chỗ: “không hiểu tại sao buổi khánh thành, thang máy chạy êm, ba hôm sau vẫn chạy êm, sau tai nạn vẫn chạy êm, thế mà mẹ lại bị rơi vào khoảng trống, từ tầng thượng xuống tận tầng trệt, nơi hộp thang nằm lì như không nhận được lệnh nào.”
Rùng rợn ở chỗ: “Thi thể của cụ nhà rơi từ tầng thượng xuống tầng trệt nát bấy, chỉ còn mỗi khuôn mặt là nguyên vẹn.”
Từ phát súng mở màn vừa bí ẩn vừa rùng rợn đó, Thuận kéo thẳng người đọc vào một cuộc hành trình đi tìm sự thật mang nặng không khí trinh thám hình sự.
Nhân vật chính, (lại) không được nhắc đến về tên tuổi, vốn là một nữ giáo viên dạy thêm tiếng Việt ở Paris, nhưng có đầu óc lập luận không hề thua kém một thám tử chuyên nghiệp. Tai nạn đáng tiếc của người mẹ chỉ là cái cớ, là lý do, là cơ hội để cô có dịp được sử dụng tài phán đoán và trí tưởng tượng trời phú của mình vào một “vụ án” mà chính cô trở thành điều tra viên thụ lý.
Manh mối và nghi phạm không có nhiều, ngoài tấm ảnh đen trắng nằm trong cuốn sổ tay của người mẹ, chụp một người đàn ông mang tên Paul Polotski. Song, công việc ấy cũng khiến cô tốn mất sáu tháng trời ròng rã để rong đuổi theo người đàn ông lạ mặt, lần theo những thông tin còn sót lại ở Sài Gòn, Hà Nội cho đến khi sang tận Paris để điều tra, theo dõi.
Điều tra, theo dõi cũng chỉ là cái “cớ” để nhân vật chính tìm cách lẩn tránh vấn đề của chính mình: về cuộc đời làm mẹ đơn thân ở Paris, về đứa con trai mắc bệnh tự kỷ tên Mike, và về mối tình với người đàn ông (cũng bí ẩn không kém) tên Kai. Tấm ảnh Paul Polotski của mẹ chỉ là cái “cớ” để cô lấy lại chút niềm tin và hy vọng về tình yêu đã mất. Cô lý tưởng hóa chuyện tình của họ, cho rằng hai mươi năm sống chung với bố, mẹ vẫn âm thầm nuôi dưỡng tình cảm với Paul, ngay cả khi xa cách gần nửa vòng Trái đất.
Mối tình đó, có khi chính là động lực để người mẹ tiếp tục sống, tiếp tục “diễn” trong suốt sáu mươi chín năm qua, giờ đây lại trở thành lý do để người con gái diễn thay vai diễn của mẹ. Vấn đề của nhân vật chính không chỉ bó hẹp trong phạm vi cá nhân mà còn là một bi kịch gia đình sau một nửa thế kỷ vẫn chưa thể giải quyết nổi. Từ bố mẹ, anh em, cho đến con cháu, mang tiếng là máu mủ ruột thịt nhưng cư xử với nhau lại chẳng khác gì đoàn người đi chung một chiếc thang máy.
Những gì cô con gái biết về người mẹ – đã chết – cũng chẳng nhiều nhặn gì hơn so với những gì cô biết về ông anh trai – còn sống. Bi kịch cứ tiếp diễn từ đời này sang đời khác. Gia đình ấy cuối cùng cũng chỉ là một phiên bản lớn hơn của cái “thang máy”, nơi mọi người lướt qua nhau trong một thời gian ngắn, để rồi rốt cuộc cũng chỉ là những kẻ xa lạ.
Khôi hài ở chỗ, tấn bi kịch đó được Thuận bóc trần bằng một màn hài kịch mang hơi hướm Vũ Trọng Phụng: một tang gia không nước mắt (trừ khóc thuê) và một sân khấu để người sống thay nhau “diễn” – việc mà hầu như hàng ngày bọn họ vẫn làm. Đám tang của mẹ là cái “cớ” để cô con gái đặt chân đến Sài Gòn lần đầu tiên, lại là cái “cớ” để ông anh trai có dịp trổ tài sản xuất kiêm đạo diễn. Buồn cười ở chỗ, dù gần như cả cuộc đời người mẹ đã “diễn” không biết bao nhiêu vai, nhưng vai diễn để đời của bà chính là trong đám tang ấy. “Người chết thật diễn vai người chết?” – Câu hỏi vừa hài hước vừa chua xót ấy tác giả đặt ra để người đọc tự suy ngẫm.
Thủ pháp đặc trưng nhất trong văn của Thuận vẫn là lặp: lặp cấu trúc, lặp câu chữ, hay là những hình ảnh thuộc về quá khứ. Chẳng hạn như lời bài hát “Tuổi nào cho em” của Trịnh Công Sơn được chị nhắc đến không dưới ba lần trong “Thang máy Sài Gòn”. Chính điều này tạo nên hiệu ứng déjà vu (hiện tượng mô tả cảm giác một người đã nhìn thấy trước một điều gì đó, đã từng trải qua một điều gì đó mà họ biết chắc chắn rằng chưa từng trải qua) trong cả cuốn tiểu thuyết, khi mà những chuyện đã xảy ra hoàn toàn có thể tái diễn.
Ngòi bút của Thuận trong “Thang máy Sài Gòn” cũng linh hoạt hơn hẳn. Vừa “ngắn gọn, chính xác và bình thản”, như Camus; lại vừa “sắc sảo, hài hước và khiêu khích”, như Houellebecq (trích lời của Thuận trong một cuộc phỏng vấn), và tất nhiên, là một chút lãng mạn theo kiểu Duras. Cuốn tiểu thuyết được chia làm 40 chương ngắn, rõ ràng, mạch lạc, chứ không làm khó người đọc bằng những đoạn văn dài liên tục như trong “Chinatown”. Khi thì chị xưng “cô” thẳng thừng ở ngôi thứ nhất theo kiểu điều tra viên tường thuật lại vụ án, khi lại xưng “em” đầy tha thiết ở ngôi thứ ba như thể người bị hại đang đọc lời khai.
Cấu trúc đan xen giữa không gian (Paris, Hà Nội, Sài Gòn) và thời gian (quá khứ và hiện tại) nhưng không rối rắm, phức tạp mà trái lại liền mạch, cuốn hút như một kịch bản phim Hollywood được lên ý tưởng cụ thể từ trước khi viết. Chính vì thế, nếu như các tiểu thuyết trước Thuận thường kết thúc mở ở dạng lơ lửng, chưa đi đâu về đâu thì lời giải của bài toán trong “Thang máy Sài Gòn” được vạch ra khá rõ ràng ở cuối, trong khi những phán đoán liên tục được đặt ra trong suốt 265 trang tiểu thuyết, để cho người đọc tự nghiền ngẫm, suy nghĩ và đối chiếu, so sánh.
Và cuối cùng, là Sài Gòn, dù trước đây đã thấp thoáng đâu đó trong các tác phẩm của Thuận, thì nay đã bắt đầu có một hình hài rõ rệt hơn, từ khái quát: “đường Sài Gòn nói chung là thẳng, ít cây xanh và vỉa hè nhỏ”; cho đến cụ thể: “đường Lê Lợi xe chạy như mắc cửi”, “đường Huyền Trân Công Chúa la liệt quần áo thể thao”, “đường Cách Mạng Tháng Tám dài gấp mấy lần phố Huế”,… Sài Gòn hóa ra cũng trở thành một nhân vật trong số hàng chục nhân vật lần lượt xuất hiện trong tác phẩm, là một mắt xích quan trọng trong suốt quá trình điều tra “buồn ít hơn vui” nhưng rất thú vị và đầy sâu sắc này.
*Đọc thêm các bài viết về nhà văn Thuận ở đây.
Mình cũng là người yêu sách, đọc vài dòng cảm nhận của bạn về sách mình thấy có nhiều điều hấp dẫn với văn học VIệt Nam.
Ngày xưa đi học có biết đến Nam Cao. Dần già truyện hiện đại ít những tuyệt phẩm mà mang lại lối văn phong trào, đặc sắc cũng có nhưng đã ít và loãng đi.
Gần đây mình mới đi vào thể loại mới là sách kỹ năng, phong cách viết sách của nước ngoài nó mang tính giáo dục kết hợp với truyện kể một cách mượt mà.
Đây là bài viết của mình, các bạn tham khảo qua nhé.
[Tác giả blog xin phép bỏ link vì blog không dẫn link sang trang khác, cám ơn]