Cánh lan dại của Đồng Lan lại mắc phải một không đáng có ở khâu biên tập. Việc lồng ghép giữa hai phiên bản lời Việt và lời Pháp của một ca khúc vào một đĩa nhạc khiến cho cảm xúc khi nghe tụt hẳn xuống. Tâm trạng của người nghe khá khó chịu khi phải nghe lại phiên bản tiếng Pháp của một ca khúc sau khi bản tiếng Việt vừa kết thúc trước đó. Điều này hơi khó hiểu vì cách đây ba năm, nhà sản xuất của Cánh lan dại là Mai Khôi đã có một tính toán rất thông minh với Made in Mai Khoi (2010): tách ra làm hai đĩa, một tiếng Anh và một tiếng Việt. Câu hỏi đặt ra là chi phí làm một đĩa nhạc tốn kém đến mức phải thực hiện một biện pháp tiết kiệm như thế này? Tác hại của việc này khiến cho đĩa nhạc giống như được vội vã tung ra để bù lỗ chi phí thực hiện, mà không quan tâm đến việc chất lượng có bị ảnh hưởng hay không. Ấn tượng ban đầu là đĩa nhạc không tạo cho người nghe cảm hứng muốn được thưởng thức.
Tuy nhiên, nếu bỏ qua điểm thiếu sót nói trên thì Cánh lan dại không phải là một đĩa nhạc dở. Cho em được yêu thương (Mai Khôi) là sáng tác dễ nghe nhất, dễ được yêu thích nhiều nhất. Cách hát không quá trau chuốt của Đồng Lan ban đầu không gây nhiều thiện cảm, nhưng sau một hai lần thì bắt đầu có sức hút. Bài hát rõ ràng có thể xuất sắc hơn với một bản phối sáng tạo, nhưng giọng hát mộc và trầm của Đồng Lan nghe tự nhiên và tạo cảm xúc. Lời bài hát cũng đơn giản, không quá màu mè: “em vẫn mong chờ ai, chờ cánh tay ôm ấp, cho em được yêu thương”. Có vẻ như Đồng Lan cũng là một người phụ nữ dịu dàng đầy khao khát, trái ngược hẳn với hình ảnh tưng tửng hơi điên điên đôi khi làm quá như tự tạo trên sân khấu.
Phần còn lại hoàn toàn là những sáng tác của Quốc Bảo với bản phối thiên về alternative rock, đúng là có phần tăm tối nhưng lại dễ chịu theo kiểu pop. Ngoài trừ Lạnh và Bài ngợi ca tình yêu thì năm bài còn lại khá ngắn, trên dưới ba phút như một đoản khúc, thú vị vừa đủ để người nghe thèm thuồng mà bật đi bật lại. Tất nhiên, Mai Khôi viết Cho em được yêu thương là lời tự sự của một người phụ nữ, nên tâm trạng của Đồng Lan khi hát phải khác. Bước vào không gian của một nam nhạc sĩ với phong cách đặc trưng như Quốc Bảo, buộc Đồng Lan phải đổi cách hát khác.
Mở đầu là Đồng dao tuổi nhỏ nghe vui tươi với phần lời lúc đầu dễ thương và ngọt ngào về một kỷ ức thuở ấu thơ: “lúc bé thấy sông trôi thành dòng bích ngọc, lúc bé đón cánh hoa rơi nghiêng làm thơm tóc”. Ngay lập tức, tác giả dội vào người nghe một gáo nước lạnh khi đưa ta trở về với thực tại tàn khốc: “đến lớn thấy sông đen một dòng ô trọc, đến lớn ngó thấy hoa nơi đâu là đâu đó”. Song, cái thực sự xoắn vào đầu óc người nghe chính là câu hỏi ở cuối: “Nay ta đi đâu nay ta đi đâu, về đâu thế?”. Có thể thấy rõ ở bài hát, cá tính Quốc Bảo nhiều hơn là Đồng Lan. Tuy nhiên, ca khúc thực sự đã dập tan ấn tượng ban đầu về Cánh lan dại, khiến ta hồ hởi muốn nghe tiếp đĩa nhạc.
Cơn giông nối tiếp trăn trở của bài trước: “Tôi đang trôi hay tôi đang bay nghiêng, nắng mưa hay đang tìm lại phận đời dại khờ?”. Thế nhưng, rõ ràng Quốc Bảo không chủ định may áo cho Đồng Lan mặc, mà bắt cô tự biến hóa để vừa vặn tác phẩm của mình, khiến ta chưa thực sự thấy được cá tính của Đồng Lan. Đơn giản là vì sáng tác như được tác giả viết cho bất kỳ ca sĩ nào hát. Cách hát của Đồng Lan lại đáng khen vì thực sự có biển đổi, tự biến mình phù hợp với bài hát.
Trong khi đó, Đoản ca mùa hạ lại thiếu sáng tạo nhất, với những hình ảnh cũ kỹ quen thuộc trong âm nhạc Quốc Bảo: “tình ta”, “mùa”, “xanh”,… Bản phối cũng không lạ với kiểu nhẹ nhàng ban đầu, tạo cao trào về sau, và phần guitar của Dũng Đà Lạt chèn giữa hai đoạn lời thực sự chính là “cứu cánh” cần thiết cho cả bài. Tương tự là Bài ngợi ca tình yêu, bản song ca lạc giọng và lạc nhịp toàn đĩa với Nathan Lee. Cũng mừng là đặt ở cuối đĩa nên tạm chấp nhận, giống như trường hợp Phút cuối cùa Khánh Linh và Minh Quân trong Giấc mơ mang tên mình.
Lạnh là ca khúc dài nhất, hơn năm phút, nghe khá uể oải và lê thê. Cái cảm giác đó lại được kéo dài ra bởi độc tấu piano ở những phút ban đầu. Ngược với tên bài hát thì giọng của Đồng Lan vẫn còn rất “ấm”. Bài hát như một bước chuyển tông của đĩa nhạc, đến phần sau thiên về pop. Trệch nhịp nhất vẫn là Yêu hơn ngày xưa nữa lại gợi đến Vuông tròn của Hoàng Anh, cái kiểu tình yêu ngọt ngào vừa chớm nở, không u tối nữa mà bắt đầu sáng trong.
May mắn là Đồng Lan đã có được Cánh lan dại, ca khúc chủ đề với cái tên dễ khiến người ta nghĩ về cô. Bài hát giàu năng lượng nhất, nghe tươi mới hẳn so với những gì u buồn, cũ kỹ mà các ca khúc khác đem lại. Đồng Lan trở thành một cô gái loay hoay với chính mình, đứng trước một vấn đề nhưng không biết quyết định thế nào. Cuối cùng đành giữ lại cho riêng mình.
Như vậy, sau Hoàng Anh, thì Cánh lan dại của của Đồng Lan rất có nhiều khả năng để trở thành một sản phẩm xuất sắc như Nửa. Đáng tiếc vì nhiều lý do, đĩa nhạc không đạt được hiệu quả như vậy. Dù sao Đồng Lan cũng đã có một đĩa nhạc đầu tay khá so với mặt bằng chung. Về phần các bài hát tiếng Pháp, ngay cả khi bạn không hiểu rõ về ngôn ngữ này thì vẫn có thể hòa cùng giai điệu sau khi đã có thiện cảm với bản tiếng Việt. Bản Vietnam để ở cuối nghe khá thư giãn.