Goodreads là gì?
Những ai thích đọc sách chắc hẳn chẳng xa lạ gì với mạng xã hội Goodreads. Có thể xem Goodreads là Facebook dành cho người đọc sách. Cộng đồng Goodreads chia sẻ với nhau suy nghĩ, nhận xét về những cuốn sách vừa đọc, đưa ra lời khuyên cuốn sách nào nên đọc cuốn nào không, so sánh rating với nhau, và còn nhiều thứ thú vị khác nữa.
Biết Goodreads cũng khá lâu nhưng thời gian gần đây mới tạo tài khoản tập tành làm librarian. Tôi đang rất vui sướng vì vừa phát hiện ra tính năng combine sách trong Goodreads và đang tiến hành cập nhật vào thư viện các ấn bản sách tiếng Việt mà mình đã đọc để người ta biết rằng Việt Nam cũng đang được đọc sách bản quyền chứ chẳng hề thua kém ai.
Song song đó tôi cũng viết quick review cho một số cuốn ngẫu nhiên vì làm xong được cuốn nào thì tôi viết cho cuốn đó. Nay cũng xin được đưa lên blog để chia sẻ với mọi người.
1. Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới – Haruki Murakami (***)
Cuốn này được viết sau Cuộc săn cừu hoang và rõ ràng là có một bước nhảy đáng kể giữa hai cuốn sách. Haruki Murakami đã dụng công rất nhiều bằng cách nhồi nhét kha khá kiến thức cả Đông lẫn Tây vào. Phong cách ảnh hưởng từ Raymond Carver rõ rệt. Tác phẩm có thể được coi là đồ sộ (về số trang) cũng có thể bị chê là dài dòng. Cảm giác khi đọc là rất mệt mặc dù chẳng có nhiều nhặn chi tiết để kéo dài đến vậy. Đôi chỗ rất nên tóm gọn lại nhưng không. Có lẽ Haruki Murakami muốn dồn hết những gì còn sót lại của một nhà văn tay ngang vào cuốn tiểu thuyết này trước khi bắt tay vào với Biên niên ký chim vặn dây cót. Vậy nên, cuốn tiểu thuyết vẫn mang vẻ thô ráp của một tiểu thuyết gia mới vào nghề mặc dù đây đã là cuốn thứ tư (nếu nhớ không nhầm).
Tuy nhiên, tôi nghĩ Murakami đã không làm độc giả của mình phải thất vọng. Nếu bỏ qua hết những hạt sạn đáng nói ở trên thì cái chốn tận cùng thế giới mà Haruki Murakami vẽ ra là rất tuyệt vời, đầy chất thơ. Tôi chưa bao giờ thấy ông tả cảnh đẹp như vậy trong các cuốn tiểu thuyết khác.
Tôi không đánh giá cao cuốn này. Nhưng tôi thích cái ý tưởng cùng với cái nhan đề 🙂
2. Người tình Sputnik – Haruki Murakami (****)
Phải đến khi đọc xong một mạch Người tình Sputnik, tôi mới có thể nói rằng Haruki Murakami chính là tác giả ưa thích của tôi, rằng tôi say mê các cuốn sách của ông, rằng tôi thực sự bị ám ảnh bởi các nhân vật của ông, rằng tôi đắm chìm trong những giấc mơ hoang đường mà ông tạo ra, rằng rằng rằng …
Thật lạ vì đây lại là một câu chuyện về đồng tính nữ. Nhưng Haruki Murakami đã chứng tỏ với độc giả rằng, tôi viết về phụ nữ cũng chẳng kém cạnh khi viết về đàn ông, thậm chí là còn giàu xúc cảm hơn nữa.
Tôi còn nhớ mình từng được đọc ở đâu đó rằng trong một cuộc hội thảo về Haruki Murakami và Banana Yoshimoto, mười lăm câu hỏi được đặt ra thì chỉ có mỗi một câu về Banana. Điều đó chẳng có gì là lạ. Ở Haruki Murakami có những điều mà Banana hay các nhà văn nữ Nhật Bản khác chưa thể làm được.
3. Kafka bên bờ biển – Haruki Murakami (****)
Tôi hoàn toàn bị ấn tượng bởi cuốn sách này. Từ trận mưa cá trích bất ngờ rơi xuống cho tới những cuộc nói chuyện giữa con mèo với ông già Nakata. Tất cả đều thú vị và mệ hoặc lạ kỳ. Phải nói là tôi đọc cuốn sách dày này một lèo từ đầu đến cuối như thể không tài nào dứt ra được. Tôi mà khen cuốn này nhiều thì lại cliché (tật của tôi là vậy, không kìm nổi lòng là cứ cliché thoải mái), chê mà không đúng thì lại bị thiên hạ dập. Có điều, đoạn khu rừng với hai người lính đọc hơi mệt. Thế, chỉ nhớ có thế vì đọc cũng lâu rồi 🙂
4. Chuộc tội – Ian Mcewan (****)
Tôi yêu cuốn sách này, thực ra nó chỉ đáng bốn sao nhưng tôi sẵn sàng đưa lên năm. Tôi cực kỳ thích cái cách Ian McEwan miêu tả tỉ mỉ từng chi tiết, giống như một bức tượng dù nhỏ nhưng cũng được ông dụng công đẽo gọt rất tinh xảo. Văn phong này đã từng lấy được thiện cảm của tôi từ cuốn Trên bãi biển Chesil, đến khi kết hợp với một cốt truyện đơn giản mà tinh tế như thế này thì quả thực khó có thể chê được điểm nào. Khi đọc cuốn sách này tôi vui sướng không kìm nổi cảm xúc liền lên mạng viết một lèo
5. Phía nam biên giới, phía tây mặt trời – Haruki Murakami (***)
Tôi khá đồng cảm với nhân vật trong cuốn sách này, bởi tôi cũng là con một nên có thể hiểu được nỗi cô đơn của một đứa con một. Cuốn sách này như là một ly cocktail giàu mùi vị Haruki Murakami nhất. Nó chân thật, gần gũi và vẫn ám ảnh lạ thường. Cá nhân tôi thích cách dịch của Cao Việt Dũng.
6. Cuộc săn cừu hoang – Haruki Murakami (***)
Cuốn sách này đã cho ta thấy được rằng tài năng của Haruki Murakami và những thành công sau này của ông không phải ngẫu nhiên hay là nhờ may mắn. Vẫn là cái cách dẫn chuyện khi chậm rãi như đạp xe leo dốc khi lại gấp gáp như xổ dốc. Vẫn là những chi tiết kỳ lạ đến nao lòng như cô gái với đôi tai đẹp. Vẫn là nhân vật không tên bỏ vợ và mất mèo. Nhưng cuốn hút như vừa làm quen với một người bạn mới vậy.
Tôi còn viết linh tinh ở đây nữa
7. Tôi nói gì khi tôi nói về chạy bộ – Haruki Murakami (***)
Tôi nói gì khi tôi nói về cuốn sách này? Tôi còn nói được gì nữa ngoài vô cùng vui sướng khi biết được rằng trên đời này còn có một người đồng quan điểm với mình. Vui hơn nữa khi đó chính là tiểu thuyết gia nổi tiếng Haruki Murakami :D.
Có điều cảm giác của tôi khi đọc cuốn này giống như đi bộ nhiều hơn là chạy bộ.
8. Đo thế giới – Daniel Kehlmann (***)
Đo thế giới là một minh chứng cụ thể rằng tiểu thuyết lịch sử không hề khô khan mà vẫn hấp dẫn và thú vị như thường. Bạn có thể đọc cuốn sách này một lèo rồi gấp lại và cho nó hai sao. Nhưng nếu bạn chịu khó tìm tòi, nghiên cứu thì mới thấy được tài năng của nhà văn trẻ tuổi Daniel Kehlmann và tình cảm của bạn dành cho cuốn sách cũng tăng lên. Bởi viết được một cuốn tiểu thuyết như Đo thế giới không phải là chuyện đơn giản. Với tôi, ba sao là đủ rồi.
Những tràng cười mà cuốn sách đem đến cho người đọc rất tự nhiên, cảm giác như thể tác giả chẳng hề sử dụng tí công sức nào.
9. Giết con chim nhại – Harper Lee (***)
Khi bắt đầu đọc trang đầu tiên tôi đã tưởng rằng đây lại là một cuốn sách khó nhằn như đa số các cuốn classic mà tôi đã từng được đọc. Nhưng không. Cảm giác của tôi là như đang xem một bộ phim dành cho gia đình, dẫu rằng vấn đề mà cuốn sách đặt ra là rất lớn và cái không khí trong truyện lẽ ra cũng rất căng thẳng. Nhưng tất cả dường như đã được Harper Lee giảm bớt bằng những suy nghĩ rất vô tư của Scout. Dẫu vậy, bộ phim gia đình này vẫn có kịch tính, có nút thắt và tất cả được giải quyết một cách hết sức nhẹ nhàng nhưng để lại cho độc giả nhiều suy nghĩ. Với tôi, đây là cuốn sách mà bạn có thể đọc đi đọc lại vào bất cứ lúc nào rảnh rỗi.
10. Lụa – Alessandro Baricco (***)
Cuốn sách này đẹp hệt như cái tên của nó vậy. Tinh tế đến độ có cảm giác như là tác giả đã loại bỏ hết tất cả những câu chữ thừa thải để “tút” cho nó một dáng vẻ mảnh khảnh như thế này.
Cuốn sách đã từng được chuyển thể thành phim, nhưng không hay, không truyền tải được hết cái không khí của câu chuyện. Thứ nữa là lại có sự góp mặt của nữ diễn viên nổi tiếng Keira Knightley, thành thử làm tăng thêm cảm giác của tôi là các phim mà có cô này đóng đều không hay.
11. Lược sử máy kéo bằng tiếng Ukraina – Marina Lewycka
Thay vì bỏ thời gian và tiền bạc ra một bộ phim hài nhạt nhẽo thì bạn hãy để vào mua cuốn sách này. Cuốn tiểu thuyết hài hước nhẹ nhàng thú vị và sâu sắc. Khá dễ đọc. Hình như các tác phẩm sau này của Marina Lewycka chưa có cuốn nào vượt qua được cuốn này.
12. Mùa thu của cây dương – Kazumi Yumoto (***)
Mua cuốn này hoàn toàn ngẫu hứng khi không hề biết chút thông tin gì về sách cũng như tác giả. Đập vào mắt là hai cuốn sách: một màu xanh (Khu vườn mùa hạ), một màu vàng (Mùa thu của cây dương). Đọc cuốn này trước và khá thích.
13. Cánh đồng bất tận – Nguyễn Ngọc Tư (***)
Cuốn sách đầu tiên của Nguyễn Ngọc Tư mà tôi được đọc. Tôi không dấu diếm rằng tôi đọc nó vì tò mò. Các truyện ngắn được viết khá ổn. Tôi chỉ đặc biệt thấy xúc động với hai truyện, một đầu tiên và một cuối cùng. Nhưng tôi thích giọng văn Nam Bộ của chị Tư. Những cuốn sau chưa thể vượt qua được cái bóng của cuốn này. Hay nói cách khác là lặp lại. Chính chị Tư cũng đã thừa nhận như vậy. Nhưng đôi khi cũng có lúc người ta đã thích thứ gì rồi thì chỉ muốn nó mãi như vậy, chẳng cần đổi thay làm gì.
14. Vân Vy – Thuận (***)
Ngoại tình. Ly dị. Và đồng tính. Nhưng vui và khá thú vị.
15. Cà phê… mưa – Dương Thụ (***)
Tôi yêu các ca khúc của nhạc sĩ Dương Thụ. Đó là lý do đầu tiên và duy nhất tôi đọc cuốn sách này. Tôi biết cuốn sách này không phải là tất cả vì nhạc sĩ đã viết rất nhiều và vẫn không ngừng viết. Theo tôi, mấy chục năm viết văn của nhạc sĩ tập hợp lại trong một cuốn sách với giá bìa 135 nghìn đồng như thế này là còn khá rẻ. Chắc chắn sẽ chẳng có ai phải hối tiếc khi mua cuốn sách này.
16. Khu vườn mùa hạ – Kazumi Yumoto (**)
Cuốn sách thứ hai của Kazumi Yumoto được đọc, sau “Mùa thu của cây dương”. Vì cuốn trước để lại dư vị khá buồn bã nên đã rất trông đợi vào cuốn này. Giọng văn vẫn trong trẻo nhưng câu chuyện lại trẻ con. Có lẽ sẽ hợp hơn nếu được đọc ở độ tuổi cấp 1 hay cấp 2.
17. Nỗi cô đơn của các số nguyên tố – Paolo Giordano (**)
Tôi không thích cái cách những bạn khác ca tụng cuốn sách này. Vì điều đó tôi sẵn sàng hạ nó xuống còn một sao. Như đã từng nói trong blog. Đọc cuốn sách có cảm giác như tác giả cố ép buộc các nhân vật của mình vào nỗi cô đơn không đáng có. Thậm chí là quá mức đi. Sách gì mà u ám đen tối quá trời. Các nhân vật thay phiên nhau rạch tay rạch cổ gì đấy mà chắng hề khiến độc giả động lòng thương xót. Thậm chí chỉ muốn tát vào mặt chúng mà bảo rằng, ngu như thế thì chết là đáng. Mà thực ra câu chuyện này cũng chẳng có gì đặc biệt. Nguyên cái cách thay đổi ngôi kể qua từng chương là cũng đáng chán rồi. Dẫu sao thì cũng là tác phẩm đầu tay, phải không nhỉ?
18. Ngàn mặt trời rực rỡ – Khaled Hosseini (**)
Thực ra tôi cho hai sao là còn khá nhẹ tay vì tôi kỳ vọng rất nhiều vào cuốn sách này. Một phần phải đổ lỗi cho phía Nhã Nam vì cái text bìa đã spoil hết trơn nội dung sách hoàn toàn phá hỏng cảm giác của người đọc.
19. Sống xanh – Ngô Thị Giáng Uyên (**)
Đắn đo khi chấm điểm cuốn sách này. Có lẽ sẽ thêm một sao nữa nếu như Uyên chăm chút nhiều hơn cho nó. Các ý tưởng không mới, nếu như ai chăm đọc tạp chí thì thấy rõ là cũ rích, nhưng Uyên đã làm được một việc là tập hợp và viết lại bằng cách viết của mình. Một giọng văn dễ gây thiện cảm. Độc giả trẻ tuổi nên đọc qua cuốn này một lần.
20. Những ghi chép vụn – Quốc Bảo (**)
Mua cuốn sách này chỉ vì quá yêu mến những ca khúc của Quốc Bảo. Quốc Bảo đã thành công trong âm nhạc, nhưng văn chương thì chưa thuyết phục. (Vài dòng ghi trên trang đầu tiên của sách khi vừa đọc xong, quả thực không trông đợi nhiều nên cũng chẳng hề thất vọng)
21. Thị dân – Quốc Bảo (**)
Lại một lần nữa, sách của Quốc Bảo thuộc dạng đọc cũng được mà không đọc cũng chẳng sao. Quốc Bảo có vẻ rất biết làm màu bìa đĩa cũng như bìa sách của mình. Vừa ra Q+B với hai màu đỏ và đen thì đã có Thị dân với khổ vuông rất bắt mắt. Còn nội dung sách ư? Không cần phải quan tâm nhiều lắm vì đã được đăng gần hết trên blog cá nhân của Quốc Bảo.
22. Hồi ức của kẻ sát nhân – Amélie Nothomb (*)
Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Amélie Nothomb được xuất bản nhưng tôi không biết có phải là cuốn đầu tay của cô không mà chán không thể ngờ. Dẫu vậy, tôi vẫn đọc hết từ đầu đến cuối. Thật lạ vì thông thường một cuốn sách chán không thể giữ chân tôi nổi đến quá giữa. Chẳng phải vì Amélie Nothomb tài giỏi hay gì cả. Cuốn này vẫn rất chán. Năm phóng viên là một số lượng nhiều vì chỉ cần qua ba người là đủ làm nổi bật tính cách của nhân vật Prétextat Tach. Đáng lẽ với một cốt truyện đầy tính gợi mở như thế này, với cách dẫn truyện qua những đoạn hội thoại mà nhẽ ra phải lôi cuốn và hấp dẫn như thế này, nếu vào tay một ngòi bút khác chắc là sẽ thu hút nhiều hơn. Đôi chỗ tác giả có ý chọc cười nhưng dường như không mấy tác dụng.
Dù chẳng liên quan gì với nhau nhưng tôi xin được so sánh thế này. Bạn đã đọc Mùi hương của Patrick Suskind chưa? Nếu rồi, thì tình cảm của bạn dành cho Mùi hương dù ít dù nhiều bao nhiêu thì tình cảm của bạn dành cho cuốn này chỉ bằng một phần mười. Còn chưa đọc? Thì… thôi 😛
23. Một lít nước mắt – Aya Kito
Tôi chỉ đọc được nửa cuốn rồi ngưng. Đoạn đầu rất trẻ con bởi đây là cuốn nhật ký mà Kito Aya viết từ khi phát hiện những triệu chứng đầu tiên của căn bệnh. Có thể thông điệp mà nó mang lại ý nghĩa, nhưng cách truyền tải không lôi cuốn.
24. Dưa – Marian Keyes (*)
Đây (hình như là) cuốn chicklit đầu tiên mà tôi được đọc. Nhân vật chính (hay tác giả) quá nhiều chuyện. Đúng là bạn đang gặp một người bạn nhưng cô ấy là bà tám. Cứ thử nghĩ thế này. Nếu bạn hỏi anh trai cô ấy khỏe không. Cô ấy sẽ không ngần ngại kể cho bạn nghe rằng vợ anh ấy mới mua cái áo đầm kiểu X màu Y cỡ Z ở tiệm A đường B đối diện với quán C với giá …Nếu như chưa đủ độ phê thì chuyện con trai anh ấy đi học ra sao, con gái anh ấy yêu đương thế nào.
Cũng như vậy, Claire nói quá nhiều về mọi thứ. Đọc năm chục trang bạn biết em gái cô ấy thế này. Năm chục trang nữa cô ấy sẽ nhắc lại cho bạn nhớ. Năm chục trang nữa, bạn muốn quát lên, biết rồi khổ lắm nói mãi. Năm chục trang nữa là điều bất khả thi vì bạn quăng sách đi mất rồi.
Trách được ai khi mà tôi đọc cuốn này trong lúc muốn tìm một thứ gì đó nhẹ nhàng để đọc. Có lẽ những ai thích chicklit sẽ thấy cuốn này ổn. Riêng tôi thì không.
25. Oxford thương yêu – Dương Thụy (*)
Cuốn sách đầu tiên và cũng là cuối cùng của Dương Thụy mà tôi đọc. Mua vì nghe lời bạn quảng cáo. Thực ra cũng chưa đọc được hết đến nửa cuốn. Tốn tiền bạc. Phí thời gian. Thêm bực mình và khó chịu. Vậy thì có nên mua cuốn sách này không?
—
Note #1: Những nhận xét trên gọi là quick review vì tôi viết khá nhanh mà không dành nhiều thời gian để chăm chút. Vì vậy đã có nhiều lỗi chính tả, viết sai tên riêng,.. cũng như một số cuốn tôi đã đọc rất lâu nên không nhớ rõ cho lắm. Rất may là đã có các bạn trên Goodreads tinh ý nhắc nhở. Đây không phải là bản cuối cùng vì tôi sẽ cập nhật và sửa chữa trên Goodreads chứ không sửa trong bài viết này. Vì vậy hoan nghênh mọi người “kết bạn” với tôi trên Goodreads. Hiện tại tôi đang để Goodreads của mình ở chế độ Public nhưng trong tương lai sẽ khóa chỉ dành cho bạn bè.
Note #2: Một số bạn trên Goodreads dùng cách không rate (tức không sao) để chỉ những cuốn còn tệ hơn cả tệ nữa. Tôi không làm vậy vì có một số cuốn tôi chưa đọc xong hoặc đang đọc nên chưa biết rate thế nào. Tệ, rất tệ, cực kỳ tệ hay vô cùng tệ, tôi đều cho một sao.
Có Shelfari cũng lý thú lắm đó P. Giao diện “kệ sách” (shelf) khá đẹp, nhưng tính kết nối thì có lẽ không bằng Goodreads. 🙂 Được cái Shelfari được owned bởi Amazon nên nguồn tựa sách khá là nhiều. 😀
(Sorry vì comt bên lề)
Shelfari nhìn cũng hay nhỉ. Cám ơn vì đã chia sẻ 😀
Nhưng mình vẫn đang rất hài lòng với sự đơn giản của Goodreads 🙂
su dung goodreads the nao z
Em cũng vừa gia nhập Goodreads, còn gà nhiều. Hy vọng anh chỉ dạy thêm ạ. Em cũng đọc nhiều quyển anh đề cập đến trên kia ^^ Rất vui nếu có cùng gu đọc với anh.
Mình cũng bắt đầu thích Haruki Murakami, nhưng chưa đến mức đổ rụp như Fredric Beigberder vì mình chưa đọc hết các tác phẩm của Haruki như Beigberder. Không biết bạn đọc tác phẩm nào của Beigberder chưa, nhưng mình thấy rất hài hước nhưng cũng sâu sắc.
Giống bạn ở 1 điểm là không có cảm tình với Keira Knightley, mà ngẫm ra cô này được đóng nhiều phim chuyển thể thế cơ chứ, nhưng phim nào mình thấy cứ bị ác cảm. Ngay cả Chuộc Tội có vẻ đạt hơn cả thì lại bị diễn xuất của nhân vật Briony lúc nhỏ ấn tượng hơn nhiều.
Nỗi cô đơn của các số nguyên tố thì ấn tượng nhất với những dòng viết về số nguyên tố, nên kéo lại phần khó cảm thụ về cuốn này 😀
Mình khác bạn đọc Khu vườn mùa hạ trước, nhưng thấy Mùa thu của cây dương hay hơn. Nên có lẽ Mùa thu hay hơn mùa hạ 😀 không phải vì đọc trước hay sau 😉 Tuy nhiên 2 cuốn này đều hay.
Amélie Nothomb cũng thấy khó đọc, hơi khó nhọc mới hết Axit Sunfuric, nhưng dù sao cuốn này cũng không đến nỗi quá nhạt nhẽo.
Review của bạn rất thú vị, cho phép mình giới thiệu nó trong 1 chương trình có 1 mục là Bảng xếp hạng sách của tôi nhé. Cảm ơn bạn.
Cám ơn bạn 🙂
Cháu đã đọc hầu hết những cuốn sách mà nsphuoc nhắc đến trong này (trừ Sống Xanh và Cà phê…mưa). Cháu muốn chia sẻ cảm nhận của cháu về những tác phẩm của Haruki Murakami. Cháu thích nhất cuốn Rừng Na Uy, còn những cuốn khác cháu không còn thích nhiều như vậy nữa. Đối với Banana Yoshimoto, kể cả tình tiết có hoang đường đến đâu thì cháu tiếp nhận tất cả như lẽ tự nhiên và thật thoải mái. Còn đối với những tác phẩm của Haruki Murakami, theo ý kiến của cháu thấy, đọc rất là mệt vì hình như cái đặc điểm của chủ nghĩa hậu hiện đại là sự bành trướng ngôn ngữ khi thể hiện vào tác phẩm làm cháu cảm thấy khó cảm nhận.
Những chia sẻ về sách của chú cháu thực sự rất thích, dù có những chỗ cháu không hẳn đồng tình lắm. Mong chú tiếp tục viết về sách như vậy.
😀
Thật sự là Kafka bên bờ biển có sức lối cuốn khi đọc, mình cũng đọc 1 mạch từ đầu đến cuối. Nhưng nó dễ lãng quên cũng y như việc nó dễ thấm. Một câu chuyện quá hỗn tạp, nhiều chi tiết mà cuối cùng mình chẳng hiểu được những chi tiết đó có liên quan gì? Giống như bạn, đọc đến phần mấy người lính trong rừng thật mệt. Mình đọc Rừng nauy đầu tiền, và mình thích nội dung đơn giản như thế chứ không vĩ mô, cố tình phức tạp hóa như cuốn này. Ở nhà vẫn còn biên niên ký chim vặn giây cót với 1Q84 ( chưa có tinh thần đọc, mua vì thích cách dẫn truyện của haruki)
Còn cuốn chuộc tội thì mình xem phim trước rồi mới đọc và mình thấy hơi thất vọng, vì truyện rề rà quá, đi vào tiểu tiết nhiều quá. Mình phải lượt bỏ rất nhiều mới đi đến đích (đúng là không hợp với mấy thể loại dòng ý thức), tương tự như bãi biển Chesil (chẳng hiểu sao mình lại mua cuốn này dù đã không thích chuộc tội, và đọc cuốn này càng không thích tác giả đưa quan điểm chính trị vào, đặc biệt lại trái ngược với mình).
Mình thích cuốn lụa, thi thoảng vẫn lấy ra đọc. Mạch truyện đơn giản, cách hành văn, dùng từ, cách lập đi lặp đi 1 đoạn văn, phải gọi là những thủ pháp nghệ thuật, nó khiến mình liên tưởng đến thơ haiku, vô cùng tinh tế.
Mình cũng thích Giết con chim nhại vì câu chuyện hay, mang 1 không khí rất hoài cổ. Tuy nhiên, mình cũng đôi chút khó chịu vì những giáo điều mà nó mang lại.
Bạn đã đọc thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai chưa? Đây là 1 trong những cuốn mình thích nhất, mình đã đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần.
Và cuốn lều đỏ, trên mạng khá ít thông tin về cuốn này, nó chìm hoàn toàn vì không được pr tốt ở VN, nhưng cuốn sách bìa khá đẹp và câu chuyện thì tuyệt vời.
1 số sách hay mà mình đã đọc, có thể bạn cũng sẽ thích: hoa trên mộ Algernon, bắt trẻ đồng xanh, Alabama song, Game of thrones ( nếu bạn thích viễn tưởng, sách lược, âm mưu,… mà mình nghĩ chắc bạn cũng phải nghe qua bộ này rồi, hiện đang rất hot), nước cho voi, mãi đừng xa tôi ( phim cũng hay vô cùng, dù có Keira Knightley đóng, hên là cô này chỉ đóng vai phụ, xem để thấy diễn xuất tuyệt vời của Carey Mulligan), sách thiếu nhi thì có Coraline, câu chuyện nghĩa địa (vô cùng thích Neil Gaiman), lũ trẻ nhà Penderwicks (chỉ nên đọc tập đầu), người đọc ( nhắc đến là thấy tiếc, cho bà chị mượn và làm mất), nhẫn thạch. Mình mua giảm giá cuốn những thứ họ mang và vô cùng tâm đắc, cuốn sách mà ban đầu mua chỉ vi nó đã giảm 1/2 nhưng lại yêu thích lạ lùng, từng truyện từng truyện được kể lại và mình thấy có 1 sự đồng điều đến lạ, có lẽ do những hình dung của mình về chiến tranh ( qua lời ba mẹ kể chứ không phải sách giáo khoa) phảng phất đâu đó trong quyển sách này.
Rất cám ơn bạn. Mình nhất định sẽ tìm đọc một số cuốn sách mà bạn gợi ý. Đặc biệt là cuốn Những thứ họ mang.
Quá nhiều review cùng quan điểm nên em viết comment chúc anh một ngày tốt lành ạ 😀