Vài ghi chép trong lúc đọc vội “Cuộc săn cừu hoang” của Haruki Murakami giữa những tiếng tranh luận ồn ã của mấy đứa cùng phòng, tiếng biên tập viên thời sự đọc bản tin phát ra từ tivi, tiếng quạt máy chạy vù vù vù khiến cho đầu óc không tài nào tập trung được.
Một
Trong cuốn tiểu thuyết này, Haruki Murakami không chỉ đề cập đến cứu mà còn có cả mèo, chuột, rắn, voi, rùa, hươu cao cổ, gấu trúc, dê, chó, chim (bồ câu, gõ kiến), ngựa, cá (cá trích, cá hồi, cá heo, cá ngừ, cá voi), tôm, bò, ma mút, sói, ruồi, muỗi, nai, châu chấu, bọ cánh cứng, nhậy, quạ, và lẽ đương nhiên, là có con người. Nhân vật chính là một gã không có bất kỳ ai để chuyện trò ngay giữa một thành phố mà có hàng triệu người đang đi trên phố, sống trong một căn hộ không sinh khí và thậm chí tên của anh ta cũng không được tác giả đề cập tới. Tôi tạm gọi là Người-không-tên. Người-không-tên có một cuộc sống khá buồn tẻ trong vòng gần ba mươi năm đầu của cuộc đời nhưng cũng kịp trải qua một vài sự việc kỳ lạ, cho đến ngày anh ta nhận được một lời đề nghị, hay nói đúng hơn là hăm dọa, về việc tìm kiếm một con cừu, một con cừu có màu hạt dẻ với hình ngôi sao trên lưng. May mắn cho Người-không-tên là ở Nhật Bản chỉ có khoảng năm ngàn con cừu thay cho dự tính ban đầu là hàng trăm ngàn con, ngoài ra thì chẳng có bất kỳ một manh mối nào ngoại trừ bức ảnh được gửi từ một người bạn mà anh ta đã không gặp trong vòng năm năm nay. Và như thế, Người-không-tên cùng cô bạn gái có đôi tai đẹp khác thường lên đường đi tìm con cừu. Cuộc săn cừu hoang bắt đầu.
Hai
Thứ nhất, theo lời Haruki Murakami viết trong cuốn tự truyện “Tôi nói gì khi tôi nói về chạy bộ” thì “Cuộc săn cừu hoang” là cuốn sách đánh dấu mốc khi ông quyết định từ bỏ việc tiếp tục viết kiểu tiểu thuyết theo bản năng như “Nghe gió hát” và “Pinball” và quyết định trở thành nhà văn chuyên nghiệp, một tiểu thuyết gia. Theo đó, “Cuộc săn cừu hoang” có thể được coi là cuốn định hình phong cách Haruki Murakami sau này, thêm nữa, nó là cuốn thứ ba trong “Trilogy of the Rat”. Tuy nhiên, tôi không muốn so sánh cuốn này với bất kỳ cuốn nào đã đọc trước đó. Thứ hai, về bốn ông Raymonds (Chandler, Carver, Massey, Queneau) mà Frederick Barthelme đã đề cập đến khi đọc “Cuộc săn cừu hoang”, tôi duy chỉ quen biết mỗi một ông và cũng loáng thoáng nhìn thấy ông ấy khi đọc tác phẩm này, song cũng không có ý định dùng thử bất kỳ phép so sánh nào. Tôi đọc “Cuộc săn cừu hoang” với ý nghĩ rằng nó là cuốn “Cuộc săn cừu hoang”.
Ba
Bìa ấn bản tiếng Việt do Đỗ Hữu Chí thiết kế rất đẹp, đẹp hơn so với bìa các ấn bản khác trên thế giới vì phần nào truyền tải được ý đồ của tác giả: con cừu có ngôi sao được đặt ở hồng tâm là cách thể hiện khá rõ ràng về một cuộc săn cừu, cách phối màu vàng cũng rất bắt mắt. Nhưng điều mà Haruki Murakami hơn một lần nhắc đến trong tác phẩm này chính là trung tâm, như cái phần trống không ở giữa chiếc bánh vòng, hay như cái vòng xoáy lớn lao của số phận ở trên cái tai mà sẵn sàng hút chính ta vào trong. Bạn có hiểu điều tôi đang nói?
Bốn
Đọc cuốn tiểu thuyết này của Haruki Murakami giống như lắng nghe một đĩa nhạc được biên tập cẩn thận và kỹ lưỡng, có khúc dạo đầu, có phần kết, và mỗi phần còn lại trong cuốn sách là một liên khúc bao gồm những đoản khúc khi được tấu lên một cách ngẫu hứng, khi lại gắn kết với nhau một cách chặt chẽ khiến người nghe không tài nào dứt ra được. Cá nhân tôi cho rằng đó là những bản nhạc jazz sâu lắng và đẹp buồn. Chẳng vì lý do gì cả, chỉ là mỗi khi đọc các tác phẩm của Haruki Murakami, tôi đều liên tưởng đến nhạc jazz. Không phải là thứ nhạc pop đương đại, cũng không phải là nhạc rock cổ điển. Nhất định phải là nhạc jazz.
Năm
Không biết vì lý do gì (vì khả năng đoán mò của độc giả, vì độc giả đã đọc khá nhiều tiểu thuyết của tác giả, hay vì cuốn tiểu thuyết được tác giả viết cách đây ba chục năm,…) mà các tình tiết trong câu chuyện không khó để đoán được. Cuộc săn cừu diễn ra có vẻ khá suôn sẻ như một kịch bản đã được dựng sẵn mà không gặp phải nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với những ai chưa từng đọc qua Haruki Murakami, nếu như chọn cuốn sách này làm xuất phát điểm thì tôi nghĩ rằng họ vẫn sẽ dành trọn tình cảm của mình cho tiểu thuyết gia tài năng này.
Sáu
Bạn tôi nhận xét tiểu thuyết của Haruki Murakami đọc rất khó hiểu. Tôi không biết nên xem đây là một lời khen hay là chê nữa. Tuy nhiên, cảm giác khi đọc tiểu thuyết của Haruki Murakami giống như tham gia vào một trò chơi rất phổ biến ở nước ngoài. Bạn ngồi vào vị trí của mình trên tàu tốc hành, hạ đai an toàn xuống. Con tàu chuyển động chầm chậm đưa bạn vào một nơi mà có tên gọi là vùng đất tử thần (hay là nhiều cái tên khác) rồi dần dần tăng tốc đến chóng mặt. Bạn nhắm mắt và cho đến khi chuyến tàu kết thúc vẫn không biết rằng người ta đã dùng cả thảy bao nhiêu trò để hù dọa bạn. Nhưng điều quan trọng là bạn đã sợ, rất sợ. Và cảm giác đó thật là tuyệt, đúng không? Còn nếu như bạn muốn biết rõ có bao nhiêu ma quỷ ở trong đó, đơn giản thôi, hãy mua thêm một vé nữa và tiếp tục trở lại chuyến hành trình đầy những hoang đường.
Dear bạn , liệu bạn có thể tặng tớ một quyển này không? nếu được thì gửi cho tớ theo địa chỉ thư và nhớ viết lời đề tặng nhé.
Hôm thứ sáu tuần trước là sinh nhật tớ ,tớ nhận được nhiều quà nhưng không nhận được quyển sách nào cả 😉
Tớ cũng sẽ tặng bạn 1 quyển nào đó hay 1 thứ gì đó nhé, cho bạn chọn hoặc để tớ tự chọn tùy bạn ạ ^^
Mình gửi mail cho bạn rồi đó 🙂
Sơn Phước ơi, mình đã đăng bài này trên trang web Nhã Nam tại đây:
http://nhanam.vn/Desktop.aspx/Nguoi-doc-sach/Nguoi-doc-sach/Ghi_chep_ve_Cuoc_san_cuu_hoang/
Em chưa đọc cuốn này, cảm ơn anh đã chia sẻ bài viết, nhưng sao em không thấy anh viết review các cuốn khác của Haruki Murakami nữa?
#6: word 😛