Placeholder Photo
/

Về Thủy Tiên

Bắt đầu
8 phút đọc

Phải lâu lắm rồi mới có thể nằm giữa đêm lắng nghe Ngọt và đắng. Trong sự nghiệp ca hát của mình, Thủy Tiên có hai đĩa nhạc được đánh giá cao là hai đĩa đầu làm chung với Quốc Bảo. Riêng tôi thích Ngọt và đắng hơn cả.

Thông thường một ca sĩ khi làm đĩa đầu tay phải cố gắng rất nhiều để thể hiện cá tính của mình. Nhất là những ca sĩ càng trẻ thì nhiệt huyết càng lớn, nỗ lực càng nhiều. Song ở Ngọt và đắng (2005), ta không thấy sự háo hức muốn chứng tỏ bản thân của một ca sĩ mới vào nghề, cũng không tìm ra chút khát khao mong được chia sẻ. Thủy Tiên hát trong tâm thế của một người đứng giữa bốn bức tường, đơn giản cất lên những gì thuộc về mình, chẳng hề lo ngại bất kỳ ai nghe được.

Thuy Tien - Ngot & Dang

Dễ nghe nhất và được nhiều người biết đến nhất là Ta đã yêu trong mùa gió, với bản phối rất êm khi lấy piano làm chủ đạo. Giọng Thủy Tiên khi mềm mại xuống thấp khi bất ngờ vút cao, rồi lại ngân nga kéo dài. Có thể Ta đã yêu trong mùa gió dễ hát, nhưng không phải ai cũng hát hay được như Thủy Tiên. Trong khi nhiều ca sĩ muốn hòa giọng hát của mình vào tổng thể của bản phối thì giọng hát của Thủy Tiên tự nhiên lúc nào cũng tách bạch ra khỏi nhạc cụ. Ngay cả khi thủ thỉ, nhỏ nhẹ trong Vui hay là gào thét giữa cái u tối, ảm đạm của guitar và trống trong Chờ, giọng hát của Thủy Tiên vẫn bật ra, trong niềm vui có cay đắng và giữa nỗi đau là một giọng hát quá trong trẻo, ngọt ngào.

Ngọt và đắng còn có ba đoản khúc là Bóng tối, Điệu ru vực sâuÀ ơi. Tuy ngắn nhưng cả ba bài đều không nhạt nhòa mà có chỗ đứng riêng. Bóng tối như lời tâm sự của một người mộng du, cất lên trong vô thức giữa màn đêm. Điệu rơi vực sâu lại có chút ca trù, từng lớp bè chồng chất lên nhau một cách nhức nhối giữa câu hát chính là tiếng buông ám ảnh: “Anh đã xa lìa em, em đã chia lìa, đau đớn khó khăn…”. Trong khi đó, À ơi đặt ở cuối, là bài ru Thủy Tiên dành tặng cho chính mình, cho tuổi thơ thiếu vắng hơi ấm của cha. Nhưng thay vì xoa dịu nỗi đau trước đó của Vỡ, ca khúc khép lại đĩa nhạc bằng một cảm giác trống trải lạ lùng.

Thuy Tien Vol 2

Đáng tiếc, đến đĩa thứ hai Thủy Tiên (2006) lại đánh mất đi tinh thần của đĩa đầu. Quốc Bảo muốn Thủy Tiên từ trong bóng tối bước ra ánh sáng, cũng là tự tay đập đi bốn bức tường của cô. Thay vào đó, anh tặng cho cô những bản tình ca vừa phải, dễ chịu hơn. Ta cũng kịp thấy, à, hóa ra Thủy Tiên cũng như bao người con gái khác, cũng phân vân không biết rằng mình đã yêu hay chưa: “Có anh thật không hay là đã yêu thật chưa hay chỉ như…” (Ngày bình thường), sâu thẳm bên trong cũng “ước một bàn tay đặt thật khẽ lên tim” (Mộng).

Thế nhưng, khi được giao một vai diễn mới, phải tuân theo ý đồ của đạo diễn thì giọng hát của Thủy Tiên lại mất đi cái bản năng vốn có và có phần “kịch” hơn. Cô khi thì phải vừa điên dại mà vẫn ngây thơ trong Thủy Tiên, khi thì dửng dưng trong Bao giờ. May thay, bên cạnh tình ca Quốc Bảo, Thủy Tiên có góp bốn bài tự sáng tác. Rất hay vì ngay từ đĩa đầu, Thủy Tiên đã chứng tỏ rằng mình là một người sáng tác tốt.

Thuy Tien - Giac Mo Tuyet Trang

Trong Ngọt và đắng, Thủy Tiên có hát một câu thế này: “Không chừng tôi già đi hơn tuổi tôi” (Vắng). Thực ra sau này cô lại làm điều ngược lại: Hát nhạc trẻ.

Tận dụng thành công mà bộ phim Tuyết nhiệt đới của Vũ Ngọc Đãng đem lại, đặc biệt là ca khúc Giấc mơ tuyết trắng được rất nhiều bạn trẻ ủng hộ, Thủy Tiên cho ra đời đĩa thứ ba, cũng là đánh dấu sự chia tay với Quốc Bảo. Nhưng thay vì có một concept rõ ràng, đơn giản Giấc mơ tuyết trắng (2007) lại chỉ là một tuyển tập những ca khúc được hát bởi Thủy Tiên. Ở đây ta thấy sự tham lam cũng như vụng về của một ca sĩ khi quyết định tự tay biên tập đĩa nhạc của mình mà không có sự giúp sức của nhà sản xuất. Không sao, vì ngay cả Mỹ Tâm cũng từng phạm sai lầm một lần với Đâu chỉ riêng em (2003).

Giấc mơ tuyết trắng “thập cẩm” nhưng nhìn ở một phía tích cực, nó cho thấy mong muốn được thể hiện mình với nhiều thể loại khác nhau của Thủy Tiên. Có thể nói rằng phải đến lần này thì cô mới thực sự “vào nghề” ca hát. Ngoài những Giấc mơ tuyết trắng hay Tuyết nhiệt đới đã tạo được tiếng vang, Thủy Tiên vẫn quyết định đi theo alternative với Ánh sáng, Ngôi nhà lạc lõng. Song thay vì luồn lái bài hát thì giọng hát của Thủy Tiên hoàn toàn “lạc lõng”, đôi chỗ hụt hơi như thể cô không lên cao hơn được nữa. Phần còn lại của đĩa hoàn toàn là pop với những ca khúc cũ đã quen thuộc như Đi về nơi xa, Lắng nghe mùa xuân về mà Thủy Tiên chỉ chứng tỏ một điều: đó không phải là những bài hát của cô.

Có lẽ vì đã rút được kinh nghiệm, những đĩa sau này của Thủy Tiên đều toàn những bài hát mới, phần nhiều do cô tự sáng tác. Nhưng hơi buồn là từ đó tôi không còn nghe Thủy Tiên hát nữa.

Thuy Tien - Kiss Me

Năm 2011 tôi lại được thấy Thủy Tiên trong Bước nhảy hoàn vũ. Mặc dù ngay từ khi công bố thí sinh tham gia tôi đã biết Thu Minh sẽ chiến thắng, bằng cách này hay cách khác, nhưng vẫn theo dõi và ủng hộ cho Thủy Tiên. Đêm chung kết, cô đem một con trăn thật lên sân khấu, tôi nhớ mãi. Thủy Tiên nói rằng cô không còn xem đây là một cuộc thi mà muốn tiết mục của mình là một món quà dành tặng cho khán giả. Với riêng tôi, như vậy đồng nghĩa Thủy Tiên đã là người chiến thắng.

Mới đây, Thủy Tiên có trở lại với âm nhạc sau một thời gian chăm lo cho gia đình. Trả lời lý do chọn Kiss me (2013), cô nói rằng cô tin vào cảm giác của mình, nếu cô hài lòng thì khản giả của mình cũng sẽ yêu thích. Tôi chưa bao giờ nghi ngờ vào thẩm mỹ của Thủy Tiên. Đĩa nhạc phim Ngôi nhà hạnh phúc của cô được rất nhiều bạn trẻ ủng hộ.

Tôi mừng cho cô ấy.

 

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

2 Comments

  1. hồi đầu nghe thủy tiên, từ album quốc bảo, rồi đến ngọt và đắng, em mừng vì còn có thứ âm nhạc như thế ở vn. nó là thứ nhạc đêm chảy vào đêm thấm nhuyễn cô đơn vào người.

    giờ chỉ tiếc.

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

‘So Young’ – Gửi tuổi thanh xuân chúng ta sẽ mất

Tiếp theo

Parallel Lines – Kings Of Convenience (Quiet is the new loud)

Latest from Âm nhạc