Stoker (2013), bộ phim nói tiếng Anh đầu tiên của đạo diễn Hàn Quốc Park Chan-Wook, bắt đầu với cảnh India đứng giữa con đường và cũng kết thúc bằng chính cảnh quay đó, hệt như cái vòng luẩn quẩn diễn ra trong gia đình kỳ lạ mang tên Stoker.
Đầu tiên phải kể đến India, cô con gái duy nhất trong gia đình, được miêu tả là một người lạnh lùng với những ý nghĩ khác thường như “tai tôi nghe được thứ người khác không thể nghe”. India không kết bạn với bất kỳ ai trong trường và thậm chí xa cách với cả mẹ đẻ của mình, Evelyn (do Nicole Kidman đóng). Thay vào đó, cô thường đi săn cùng cha. Mỗi lần bắn hạ được con gì, ông lại đem về nhà làm thành bộ sưu tập. Những kinh nghiệm có được từ việc săn bắn đã dạy cô biết kiên nhẫn chờ đợi và tấn công con mồi một cách bất ngờ. Do đó, cô luôn thủ sẵn cây viết ở trong tay như một vũ khí và ra đòn ngay lập tức khi có kẻ trêu chọc mình.
Thủ vai India là nữ diễn viên người Úc Mia Wasikowska, nàng Alice của Tim Burton. Đã từng thử sức với thể loại vai con cái chịu ảnh hưởng của gia đình trong The kids are all right (2010), nhưng phải đến Stoker thì Mia mới hoàn toàn độc chiếm đất diễn. Có thể nói gương mặt cổ điển của cô khá phù hợp với những thể loại phim kỳ bí, huyền ảo, ánh mắt lại toát lên vẻ lạnh lùng của kẻ chuyên đi săn mồi. Từ đầu cho đến cuối phim India không hề tỏ ra xúc động hay thương xót cho cái chết của cha mình, ngay cả trong tang lễ của ông. Duy chỉ có một lần cô vô tình trả lời câu hỏi của bà giúp việc một cách bản năng rằng cha mình đã chết. Vô tình như thể cô cũng quên bén rằng sự việc vừa mới xảy ra đúng vào sinh nhật lần thứ mười tám của mình.
Như vậy, cái chết của cha không ảnh hưởng nhiều đến India mà điều khiến cô lo sợ là sự trở về đầy bất ngờ lẫn trùng hợp của người chú mang tên Charles, do nam diễn viên người Anh Matthew Goode đóng. Với Charles, Matthew vẫn giữ nguyên vẻ đểu cáng vốn có của mình trong Match Point (2005) nhưng ánh mắt, nụ cười lại mang nét bí hiểm của một người nắm giữ những bí mật. Không ai biết rõ hành tung cũng như quá khứ của Charles trong suốt bao nhiêu năm qua. Người cho rằng anh đào đồ cổ ở Istanbul, người lại bảo là đào vàng ở Indonesia. Nhưng việc anh ta không mặc đồ đen trong tang lễ của anh trai mình, rõ ràng là không đón đợi hoặc đã biết trước về điều này.
Một mặt, Charles tìm cách tiếp cận, tìm hiểu về Evelyn, mặt khác lại bí mật theo dõi, tấn công India, “muốn được làm bạn” với cô bé. Nhưng điều khiến cho vai diễn của Matthew trở nên đáng nhớ chính là sự lạnh lùng của một sát thủ vốn có bên trong dòng máu Stoker. Thật khó để đoán được động cơ, mục đích cuộc trở về của Charles cho đến khi hắn ra tay giết hại cô ruột mình một cách tàn nhẫn không thương tiếc. Như kẻ đi săn vẫn chờ chực ở trên cao rồi bất ngờ tấn công con mồi.
Có thể thấy rằng kịch bản của Stoker hoàn toàn cũ kỹ, do ngôi sao Vượt ngục (Prison Break) Wentworth Miller lần đầu tiên chắp bút. Nội dung xoay quanh một gia đình bí ẩn bắt đầu với cái chết của người cha đi kèm với sự trở về của người chú. Những tình tiết dần dần được hé lộ mà không quá khó đoán. Song, dưới bàn tay đạo diễn tài hoa của Park Chan-Wook, bộ phim vẫn giữ được mạch hấp dẫn và lối cuốn. Đặc biệt phải kể đến sự nhập vai xuất sắc của bộ ba diễn viên chính, nhất là Mia Wasikowska.
Đầu tiên, India xuất hiện với những hành động và lời nói rất kỳ quặc. Trái ngược với vẻ đen tối của bộ phim, Park đưa cái kỳ quặc ấy vào những khung hình hết sức thơ mộng và huyễn hoặc, hệt như trong một câu chuyện cổ tích. Sau đó, ông tập trung vào India để xoáy sâu vào bi kịch của một gia đình, vốn đã tồn tại từ trước cái chết của người bố. Cái chết của người bố và sự xuất hiện của người em chỉ làm cho bi kịch ấy càng thêm rõ ràng và sâu đậm. Đó là một người con hoàn toàn xa cách với mẹ mình, nói chuyện như với người dưng. Người mẹ lại chưa từng chải tóc cho con lấy một lần, nài nỉ một buổi chiều ăn kem với con mà cũng không được. Người em hoàn toàn không tồn tại trong gia đình suốt mấy chục năm, như nỗi xấu hổ mà tốt nhất càng ít người biết càng tốt.
Chính cái bi kịch ấy đã khiến cho bộ phim quay trở về vạch xuất phát, đúng như lời mà India nói ở đầu phim: “Như một bông hoa không thể chọn màu, chúng ta không chịu trách nhiệm cho việc mình sẽ trở thành gì”. Duy chỉ một lần India khóc trong phòng tắm, sau những ý nghĩ dục vọng với chính người chú của mình cũng là lúc cô phát hiện bộ mặt sát nhân của hắn. Cuối cùng hắn cũng xâm chiếm được đầu óc cô, hệt như hình ảnh con nhện chui vào váy áo. Đáng buồn là giờ đây cô không còn một ai bên cạnh để chia sẻ, khi mà người cha thân yêu đã mất, còn người mẹ thì quá đỗi xa lạ.
Âm nhạc trong Stoker được sử dụng rất tiết chế. Thậm chí đơn giản chỉ là tiếng tích tắc của đồng hồ, tiếng reng của điện thoại hay tiếng rú của tàu hỏa nhưng cũng tạo được cảm giác hồi hộp và căng thẳng. Phải nói là Park đã vận dụng hiệu quả những âm thanh này khi lồng vào những cảnh phim đan xen liên tiếp với nhau giữa hai không gian khác biệt, khiến cho mạch phim trở nên gấp gáp, hối hả, tạo kịch tính.
Và cuối cùng, không thể kể đến máu – điều không thiếu trong các phim của Park, dẫu tính bạo lực trong Stoker đã có phần suy giảm. Phải đến khi bộ phim gần kết thúc thì máu mới xuất hiện, nhẹ nhàng nhưng đầy ẩn ý. Máu bắn tung tóe lên những bông hoa khiến chúng chuyển từ màu trắng sang màu đỏ, không hề vấy bẩn mà lại mang một vẻ đẹp riêng. Hình ảnh này trái ngược hoàn toàn với câu nói của India ở đầu phim. Hoa có thể không chọn màu, nhưng ta thì chọn được. Cùng lúc đó, Becomes the Color của Emily Wells vang lên một cách ấn tượng, kết thúc bộ phim.
Vậy là đã mười năm trôi qua kể từ Old boy (2003), dù Stoker thật khó để so sánh với các tác phẩm trước đó của Park (vì không phải đích thân ông viết kịch bản), nhưng dẫu sao cũng nên hoan nghênh tinh thần cầu tiến cũng như đón chờ những tác phẩm tiếp theo của ông ở thị trường ngoại quốc.
Poster phim ấn tượng quá! Những đôi mắt biết nói.
Gia đình trong phim là Nhà Stoker mà nhỉ?
Nhiều đoạn lại ghi Staker
Đánh nhầm bạn ạ.