Sắc đẹp và tài năng của một người phụ nữ thường đi cùng với những ghen ghét và đố kỵ. Ngay xưa thì thâm cung nội chiến, đoạt tước tranh quyền. Ngày nay thì có thể bắt gặp ở bất cứ nơi đâu, từ hàng xóm láng giềng cho đến chốn văn phòng công sở. Mượn ý tưởng đó đó, Passion – bộ phim mới nhất của đạo diễn Brian De Palma, kể về những xung đột trong một công ty quảng cáo, giữa hai người đàn bà là cô trợ lý và nữ giám đốc của mình, dẫn đến cái chết kinh hoàng.
Đã năm năm trôi qua kể từ khi Brian De Palma thực hiện Redacted, bộ phim chính kịch kinh phí thấp về đề tài chiến tranh Irắc gây nhiều tranh cãi, từng đem lại cho ông giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại liên hoan phim Venice lần thứ 64. Thời gian này quả thực vị đạo diễn khá loay hoay và gặp nhiều trắc trở. Cả ba dự án phim khác nhau trong đó có phần tiếp theo (prequel) của The Untouchables hợp tác cùng hãng Paramount đều phải bỏ dở giữa chừng vì không tìm được diễn viên và nhà sản xuất thích hợp. Từng sự kiện không may liên tiếp xảy ra cộng với những đánh giá tiêu cực về Redacted đã phần nào khiến cho De Palma trở nên chán nản và quyết định lựa chọn một con đường an toàn: thực hiện lại Passion dựa trên câu truyện sẵn có của Love Crime – bộ phim cuối đời của nam đạo diễn người Pháp Alain Corneau phát hành năm 2010, với sự tham gia của nữ diễn viên gạo cội Kristin Scott Thomas và ngôi sao đang lên Ludivine Sagnier. Do đó, có thể xem Passion là một cuộc xả hơi của De Palma để tìm nguồn cảm hứng cho các tác phẩm mới.
Tuy nhiên, việc thực hiện lại một sản phẩm cũ không phải lúc nào cũng dễ dàng và nhận được nhiều đón nhận. Các khán giả hâm mộ De Palma tỏ ra thất vọng với thần tượng của mình, cho rằng ông đã xuống tay hơn trước. Cá nhân vị đạo diễn thì suy nghĩ rất đơn giản. Ông muốn làm một bộ phim tâm lý hình sự dành cho phái nữ, nên sự kịch tính và bộ bạo lực hẳn sẽ thua thiệt so với các tác phẩm từng mang lại tên tuổi cho ông như The Untouchables, Scarface (vốn cũng là một remake).… Thay vì vậy, Passion mang một vẻ sexy đầy hiểm nguy đúng chất mà De Palma từng thực hiện với những Femme Fatale (2002) hay Dressed to Kill (1980) trước đó. Vốn đặc biệt ấn tượng với các nhân vật nữ trong Love Crime nhưng lại không thích cách dẫn dắt của Alain Corneau nên De Palma đã kể lại câu chuyện theo cách riêng của mình, vẫn tôn trọng nguyên tác nhưng có một số thay đổi nho nhỏ cho phù hợp.
Thay đổi dễ nhận ra nhất là tuyến nhân vật nữ được sắp đặt ở thế cân bằng, nhằm tạo ra một cuộc đấu trí thú vị. Vai diễn Christine của Kristin Scott Thomas trong phiên bản gốc chỉ là một nhân vật phụ, nhưng vì quá hấp dẫn nên De Palma quyết định mở rộng đất diễn trong bộ phim của mình. Lần lượt đảm nhận các vai nữ chính là hai diễn viên trẻ đẹp Rachel McAdams và Noomi Rapace, khiến cho khoảng cách tuổi tác giữa hai nhân vật được rút ngắn lại (cả hai hơn kém nhau một tuổi), câu chuyện vì thế cũng dễ chấp nhận hơn. Đội bạn lại từng cộng tác với nhau trong Sherlock Holmes: A Game of Shadows vào năm 2011 nên có nhiều thuận lợi khi quay, nhanh chóng tìm được tiếng nói chung. Do đó, có thể thấy rằng hai hai nữ diễn viên phối hợp với nhau rất ăn ý, “kẻ đấm người xoa” tạo nên điểm hấp dẫn trong bộ phim.
Vốn nhận được sự ưu ái từ phía đạo diễn nên Rachel McAdams không khó để hoàn thành tốt nhân vật của mình. So với Kristin Scott Thomas thì nữ giám đốc Christine của cô vừa trẻ trung quyến rũ, lại vừa gian xảo, thủ đoạn. Đạo diễn De Palma cho rằng Christine là một vai hay nhưng ít người muốn đảm nhận. “Tôi nghĩ ai cũng muốn một đóng vai được yêu thích”, ông chia sẻ. Chính Rachel McAdams đã tạo cảm hứng cho ông phát triển thêm về kịch bản, tạo chiều sâu cho nhân vật này. Vai diễn khiến ta liên tưởng ngay đến “cô nàng lắm chiêu” Regina mà Rachel từng thể hiện trong bộ phim tuổi teen Mean Girls, nhưng là phiên bản trưởng thành, chững chạc hơn. Một mặt cô đưa đẩy những lời hứa hẹn ngọt ngào, mặt khác lại ngấm ngầm tìm cách hạ gục đối phương. Khi thì làm bộ quan tâm ân cần, biết cách chia sẻ, khi lại “nước mắt cá sấu”, bịa ra những câu chuyện không thật về bản thân để tạo sự thương cảm.
Bạn diễn Noomi Rapace cũng tỏ ra không hề kém cạnh. Nữ diễn viên người Thụy Điển vốn nổi tiếng với những vai diễn có cá tính mạnh mẽ trong các bộ phim hành động như Dead man down, Prometheus hay bộ ba phim trinh thám hình sự The girl with the dragon tatoo. Đến Passion thì cô lại khiến khán giả bất ngờ khi trở thành một cô trợ lý văn phòng với vẻ ngoài ngây thơ, khù khờ. Tuy nhiên, đó chỉ là lớp vỏ bọc để Isabelle che giấu suy nghĩ thực sự của mình. Ẩn sâu bên trong thì nhân vật Isabelle vốn là một con người thông minh, có đầu óc và cũng tính toán không thua kém gì cô sếp. Nếu như Christine liên tục chơi “trò ném đá giấu tay” thì thật khó để đoán được Isabelle có những âm mưu gì trong đầu. Thoạt tiên, cô tìm cách hớt tay trên bạn trai của giám đốc, đến khi bị “chơi xỏ” thì lại lăm le ý định trả thù và quyết tâm giành lại cho mình cái ghế cao nhất. Chính De Palma cũng phải thừa nhận rằng diễn xuất “nguy hiểm” của Noomi Rapace không ít lần khiến ông cảm thấy sợ hãi.
Ngoài ra, kịch bản do De Palma viết không phơi bày tất cả sự kiện ra ánh sáng như phiên bản gốc mà pha một chút trinh thám, ly kỳ bằng cách che dấu bí mật đến phút chót. Thay vì luồn lái câu chuyện theo cách thông thường, ông tìm cách nhấn mạnh vào những điểm bất thường của nhân vật để cho bộ phim trở nên đáng nhớ. Chẳng hạn, Christine vốn là một người có tâm sinh lý kỳ lạ. Cô đam mê dục vọng và xem đàn ông như một trò tiêu khiển, là nô lệ giường chiếu. Mặc dù đã có bạn trai nhưng Christine lại liên tục có những cử chỉ tình tứ đối với Isabelle, khiến người xem hoang mang, không biết cô có thật sự là lưỡng tính, muốn thử chút “của lạ”, hay đơn giản chỉ là ve vỡn lừa lọc.
Trong khi đó, Isabelle lại có chút vấn đề bất ổn về thần kinh, từ một cô gái mạnh mẽ lại trở nên điêu tàn trước những đòn công kích của bà sếp trẻ. Stress nặng, Isabelle đến văn phòng với vẻ mặt mệt mỏi, đầu tóc rối bù và phải nhờ đến thuốc an thần để giải tỏa. Diễn xuất của Noomi Rapace là một phần, nhưng De Palma lại chuyển toàn bộ góc nhìn của bộ phim về phía Isabelle, khiến cho không khí trở nên ngột ngạt, căng thẳng. Những giấc mơ kỳ lạ với góc máy chao đảo khiến khán giả hoang mang không biết đâu là giả đâu là thật.
Bên cạnh diễn xuất của các diễn viên thì Passison vẫn trung thành với phong cách kinh điển của De Palma trong các phim trước, như cách đặt góc máy quay tài tình, để ánh sáng hắt qua màn cửa sọc ngang, hay là tạo đối nghịch giữa cái chết đau đớn và cuộc sống đang ngày đêm quay cuồng. Một trường đoạn trong Passion gợi nhớ đến cảnh kinh điển của The Untouchables khi nhân vật của Sean Connery bị ám sát thì ông trùm Al Capone (do Robert De Niro đóng) lại đang vui vẻ xem kịch hát. Song lần này, đạo diễn không lồng ghép các cảnh quay vào nhau mà tách màn hình ra làm hai hai nửa riêng biệt, cùng diễn ra song song (giống như trong Carrie). Và không thể không nhắc đến những cảnh quay phụ nữ đậm chất De Palma, vừa mềm mại, uyển chuyển lại quyến rũ, gợi tình. Nhân vật cô nhân viên Dani trong nguyên tác là nam, nhưng cuối cùng lại được “chuyển giới” cho cùng tông. Thế mới biết vị đạo diễn “đam mê” phụ nữ đến thế nào. Khi Passion được công chiếu đến đông đảo khán giả cũng là lúc De Palma vừa bước sang tuổi 72. Thế nhưng khi xem phim, ta vẫn thấy một tâm hồn khoáng đạt và cái nhìn độc đáo, khéo léo lồng ghép phong cách làm phim cổ điển vào một hình hài tươi mới, trẻ trung hơn. Sau Passion, vị đạo diễn vẫn tiếp tục theo đuổi dự án phim tội phạm mới mang tên Heat nói về Vegas thập niên 70. Có lẽ niềm đam mê của ông dành cho điện ảnh vẫn còn sâu nặng lắm.