Placeholder Photo

‘Lovelace’ – Góc khuất một ngôi sao khiêu dâm

Bắt đầu
13 phút đọc

Có thể xem “Lovelace” là một dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp diễn xuất của Amanda Seyfried khi dũng cảm từ bỏ hình ảnh “gái ngoan” quen thuộc để trở thành một ngôi sao phim khiêu dâm nổi tiếng.  

Đều là diễn viên nhưng so với các đồng nghiệp thì những gương mặt đóng phim khiêu dâm luôn chịu nhiều thua thiệt. Không ít người tỏ ra kinh rẻ thể loại này dù cho ngành công nghiệp phim khiêu dâm cũng có một lịch sử phát triển lâu dài và đã trở thành một món ăn tinh thần phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Các ngôi sao khiêu dâm vừa phải sống giữa sự dòm ngó của những người xung quanh, vừa phải đối diện với nguy cơ mắc phải các căn bệnh hiểm nghèo, thậm chí là cái chết bất thình lình. Trái lại, khán giả không hề quan tâm đến đời tư của họ ra sao, báo chí cũng chẳng thèm đoái hoài, săn đón.

Riêng với Linda Susan Boreman thì lại khác. Năm 1971, cô xuất hiện trong bộ phim khiêu dâm “Deep Throat” khi vừa tròn hai mươi tuổi và ngay lập tức trở thành một ngôi sao thời bấy giờ. Bộ phim với kinh phí vỏn vẹn chưa đầy 50.000 đôla, cuối cùng lại đạt được thành công vượt cả mong đợi, đem lại lợi nhuận lên đến 600 triệu đôla đồng thời đưa tên tuổi nữ diễn viên chính trở thành một biểu tượng của ngành công nghiệp làm phim khiêu dâm với nghệ danh Linda Lovelace. Nhưng mọi thứ đều có cái giá của nó. Năm 1980, Linda Lovelace cho ra đời cuốn tự truyện mang tên “Ordeal” thú nhận về tuổi trẻ tàn khốc trong quá khứ. Theo đó, cô đã bị hãm hiếp nhiều lần trong quá trình quay phim cũng như phải sống trong nỗi sợ hãi trước thói vũ phu và sự độc đoán của người chồng. Cuối cùng, chính Linda Lovelace lại trở thành một người hoạt động vì quyền lợi của phụ nữ và lên tiếng phản đối phim ảnh khiêu dâm.

lovelace review sonphuoc 01

Nếu xét về điểm này thì bộ phim “Lovelace” (do bộ đôi Rob Epstein và Jeffrey Friedman đạo diễn với kịch bản của Andy Bellin), vốn được xây dựng dựa trên cuốn tự truyện của Linda Lovelace, đã hoàn toàn trung thành với nguyên tác. Nửa đầu của tác phẩm đơn thuần là tiểu sử về của một con người. Kịch bản lướt qua cuộc đời của Linda Lovelace từ khi còn vô tư sống dưới sự bảo bọc của bố mẹ cho đến khi tình cờ gặp và cưới người đàn ông tên Chuck Traynor làm chồng.

Để làm nổi bật bối cảnh của câu chuyện, hai vị đạo diễn đã sử dụng nhiều bài hát phổ biến trong thập niên 70 cũng như lựa chọn phục trang, hình ảnh mang màu sắc hoài cổ. Một cách làm phim không mới nhưng vẫn có thể chấp nhận được. Những bản hit vang bóng một thời như “Fooled Around and Fell in Love”, “Spirit in the Sky”, “If You Ain’t Gettin’ Your Thing”,… được lồng giữa tông màu cũ kỹ như vừa được đưa qua bộ lọc Instagram, tạo nên một không khí thập niên 70 đúng chất, cũng như tô đậm sự sốc nổi của tuổi trẻ, của những niềm vui bất chợt, thoáng qua rồi lại bỗng biến mất trong phút chốc.

Tuy nhiên, các nhà làm phim cũng đã cố gắng để thoát khỏi những lối mòn quen thuộc dễ nhận ra. Nửa sau của “Lovelace” có sự thay đổi rõ rệt trong cấu trúc kịch bản. Thay vì miêu tả vở bọc hào nhoáng bên ngoài của một ngôi sao, bộ phim đi vào bóc trần sự thật trần trụi đen tối bên trong.

Nếu như Lovelace là diễn viên đóng phim khiêu dâm thì Chuck lại là người biến cuộc đời cô thực sự trở thành một bộ phim khiêu dâm.  Hắn không chỉ hành hạ cô về tinh thần mà còn sử dụng thân xác cô như một công cụ để trục lợi cho bản thân. Tông nhạc giờ đây cũng biến đổi hoàn toàn. Không còn những bản disco sôi động một thời, thay vào đó là từng nốt dương cầm chậm rãi, vĩ cầm kéo da diết, tạo cảm giác hoang mang, trống trải trước một sự thật nhiều cay đắng. Nhưng điểm sáng nhất trong bộ phim vẫn thuộc về diễn xuất đầy bất ngờ của Amanda Seyfried trong vai Linda Lovelace.

lovelace d04 _24.NEF

Bắt đầu xuất hiện trên màn ảnh rộng vào năm 2004 bằng một vai diễn nhỏ trong bộ phim tuổi teen “Mean Girls”, Amanda Seyfried đã nhanh chóng lọt vào mắt xanh của các nhà làm phim bởi một vẻ đẹp ngây thơ, trong sáng. Sự nghiệp của cô bắt đầu lên như diều gặp gió kể từ khi thủ vai chính trong bộ phim nhạc kịch “Mamma Mia!”, bên cạnh nữ diễn viên gạo cội Meryl Streep. Kể từ đó, cô đã thử qua rất nhiều thể loại từ kinh dị (“Jennifer’s Body”), hài hước (“Boogie Woogie”), tình cảm lãng mạn (“Dear John”, “Letters to Juliet”), cho đến hành động bom tấn (“In Time”). Với năng khiếu ca hát, một lần nữa Amada trở lại với thể loại phim nhạc kịch qua vai Cosette trong “Les Misérables” – bộ phim của đạo diễn Tom Hooper vừa dành được 3 tượng vàng trong kỳ Oscar năm ngoài. Thế nhưng, nếu nhìn một cách tổng quát thì sự nghiệp diễn xuất của nữ diễn viên 27 tuổi chỉ gắn liền với những kiểu vai na ná nhau, không phải thiếu nữ hiền lành thì cũng là tiểu thư đài các, con nhà giàu có.

Vì vậy, khi vai diễn Linda Lovelace chính thức được công bố thuộc sẽ về Amanda Seyfried thì có rất nhiều ý kiến trái chiều, phần lớn phản đối vì cho rằng cô chưa đủ khả năng để thể hiện một vai diễn nặng ký như vậy, nhất là khi bộ phim sử dụng nhiều cảnh khỏa thân trần trụi, những màn ân ái nóng bỏng . Bên cạnh đó, cũng không ít khán giả tỏ ra tin tưởng, ủng hộ và đặt hy vọng vào sự lột xác của nữ diễn viên trẻ.

Kết quả hóa ra lại vượt ngoài mong đợi. phân đoạn Lovelace ban đầu hoàn toàn là sở trường của cô. Amada trở thành một cô nàng “tóc nâu môi trầm” đang chập chững bước chân vào đời, có một chút gì đó ngây thơ và vô tư như gái mới lớn. Đến đoạn sau lại hoàn toàn ngược lại. Cô thực sự trở thành một phụ nữ phải đối diện với nhiều suy nghĩ, lo sợ. Amada hoàn thành vai diễn của mình một cách một cách xuất sắc, thậm chí có nhiều cảnh cô chuyển đổi tâm lý rất tự nhiên và ngọt ngào.

lovelace review sonphuoc 03

Cảnh đáng nhớ nhất trong phim là khi Lovelace bị chồng (do Peter Sarsgaard đóng) ép phải làm “gái cao cấp” cho một cuộc mây mưa tập thể. Trên đường về nhà, cô tìm cách bỏ chạy giữa màn đêm vắng lặng và bỗng chốc gục ngã nơi con phố không người. Trong suốt cảnh phim chưa đầy hai phút ấy, vai diễn của Amanda Seyfried không sử dụng nhiều lời thoại mà chỉ nói đúng một từ duy nhất. Do đó, cô phải thể hiện cảm xúc bằng khuôn mặt, bằng ánh mắt và cử chỉ. Đến lúc này thì Amada hoàn toàn gạt bỏ được cụm từ “bình bông di động” thường hay được gắn với các người đẹp. Đôi môi cô run rẩy như thể có điều muốn nói nhưng lại không thoát ra được thành lời. Gương mặt chẳng dấu nổi vẻ mệt nhoài, sợ hãi. Còn đôi mắt to tròn khi thì hoang mang lạc lối, khi lại lóe lên tia hy vọng mong manh, chưa kịp sáng lên thì đã vội vụt tắt.

Bên cạnh Amanda Seyfried thì Sharon Stone cũng gây bất ngờ với vai diễn mẹ ruột của Lovelace. Tạo hình của Sharon chính là một điểm đặc biệt của bộ phim: tóc xoăn cắt ngắn đúng kiểu một bà nội trợ thập niên 70, gương mặt thì đầy những nếp nhăn như thể đã trải qua một tuổi trẻ bạo liệt không kém gì cô con gái. Bộ dạng đó khiến cho người xem khó có thể nhận ra cô đào bốc lửa ngày nào của “Basic Instinct”.

Nếu còn trẻ, hẳn vai diễn Lovelace phải thuộc về “biểu tượng sex” một thời. Tuy nhiên, vai diễn người mẹ của Sharon tuy ít đất nhưng cũng rất quan trọng. Chính cái tát điếng người của bà mẹ cay nghiệt là ngòi nổ để đẩy cô con gái vào con đường lạc lối. Đến khi con gái trở về, bà lại nhẫn tâm xua đuổi và bắt nó phải phục tùng chồng, đúng như cái cách mà bà đã thực hiện đối với cuộc đời mình. Cuối phim, Lovelace nhắc lại lời răn của mẹ như thể đó là một vết sẹo mà cô không bao giờ xóa được.

lovelace d06 _138.NEF

Nhiều nhận xét cho rằng “Lovelace” giống như là phiên bản nữ của bộ phim “Boogie Nights” do Paul Thomas Anderson đạo diễn năm 1997. Điều đó cho thấy một thực tế rằng các bộ phim về đề tài này còn rất hiếm hoi. Điểm đáng tiếc là “Lovelace” chưa khai thác được những nét thú vị riêng biệt trong câu chuyện của Linda Lovelace, cũng như chưa giải thích một cách rõ ràng nhiều chi tiết, mà chỉ lướt qua như một cuốn phim tài liệu được làm sơ sài. Thực tế thì phần lớn khán giả vẫn quan tâm đến Linda Lovelace ở thời kỳ sau với vai trò là một người phản đối dòng phim khiêu dâm, hơn là tìm hiểu những bí mật đằng sau ánh đèn sân khấu, vốn đã được đề cập ở rất nhiều bộ phim.

Tất nhiên, với 90 phút ngắn ngủi sẽ không thể nào kể hết được cuộc đời của một con người trải qua hàng thập kỷ. Nếu nhận xét công bằng thì “Lovelace” đã cho thấy những góc khuất đằng sau tiếng tăm của một người phụ nữ, nhưng vẫn chưa thể tạo được nhiều đột phá mới lạ cũng như để lại dấu ấn sâu đậm. Tuy nhiên, Amanda Seyfried đã hoàn thành tốt vai diễn và chắc chắn Lovelace sẽ là một điểm mốc đáng nhớ trong cuộc đời cô.

Đánh giá: ** (2/5)

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

2 Comments

  1. Còm không liên quan bài viết trên hehe: Có phim About Time mới ra, nghe nói hay, nhạc nền hay và trailer thì dễ thương. P xem rồi review nhé. 🙂

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

‘Passion’ – Remake theo phong cách Brian De Palma

Tiếp theo

‘About Time’ – Hãy trân quý thời gian

Latest from Điện ảnh