Happy As Lazzaro – tác phẩm thứ ba của nữ đạo diễn người Ý Alice Rohrwacher (The Wonders) – là một hành trình kỳ lạ, huyễn hoặc, huyền bí và đầy bất ngờ. Bộ phim xê dịch giữa quá khứ và hiện tại, đan xen giữa hiện thực và siêu thực, pha trộn giữa màu sắc tôn giáo và yếu tố ngụ ngôn, cổ tích.
*Bài review phim Happy as Lazzaro tiết lộ nội dung tác phẩm.
Happy As Lazzaro (tên gốc: Lazzaro Felice) bắt đầu bằng một buổi tối ở vùng quê nghèo nước Ý. Nhân vật chính, cậu bé Lazzaro (Adriano Tardiolo), đang ôm đàn đứng một mình trong đêm thì được một người đàn ông gọi về nhà. Cảnh quay sau đó nối tiếp bằng tiếng khóc bất ngờ của trẻ con, như xé toang màn đêm thinh lặng.
Trong nhà có hai cô gái đang tranh cãi về một cái bóng đèn: “đến lượt chúng tôi rồi,” một trong hai nói. Ngoài sân có mấy anh thanh niên đang đứng thổi kèn, ca hát, mời gọi một cô nàng tên là Mariagrazia. Sau đó tất cả mọi người, từ già đến bé, tập trung vào một căn phòng nhỏ chỉ có độc mỗi một chiếc bóng đèn trên trần nhà. Kẻ đứng người ngồi, vây quanh một đôi trai gái trẻ trông rất hạnh phúc.
Đó là đám cưới của Mariagrazia. Sau đêm nay, hai vợ chồng họ sẽ rời khỏi Inviolata để đến thành phố, tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn – người chồng tuyên bố.
Kịch bản xuất sắc nhất từ Cannes 2018
Trong tiếng Ý, từ “Inviolata” có nghĩa là bất khả xâm phạm. Trong phim, Inviolata là một vùng đất “bị cô lập” hoàn toàn theo đúng nghĩa đen. Nhưng chỉ khi bộ phim đi được một nửa, người xem mới được chứng kiến toàn cảnh nơi ấy: một chốn hoang vắng, tách biệt khỏi thế giới bên ngoài. Khuất sau núi đồi trùng điệp, sau những cánh rừng bạt ngàn, sau dòng sông chảy dài đến vô tận, là cả một biệt phủ bao quanh bởi ruộng vườn, nông trại. Xa xa có mấy người đàn ông đang làm đồng, mấy người phụ nữ đang gặt mùa. Họ làm việc dưới sự quản lý sát sao của quý bà Marchesa Alfonsina De Luna (Nicoletta Braschi), vốn được mệnh danh là “nữ hoàng thuốc lá”.
Vợ chồng Mariagrazia không phải là người duy nhất muốn thoát khỏi Inviolata. Ngay cả Tancredi (Luca Chikovani), cậu quý tử độc nhất của nhà Marchesa, cũng đã chán ngấy nơi đây. Bất chấp gia sản kếch xù của gia đình, Tancredi lên kế hoạch khiến cho mẹ lẫn cô em gái phát điên vì sự mất tích đột ngột của mình. Cậu tự viết thư tống tiền, gọi điện về nhà báo tin rằng mình đã bị bắt cóc, mạng sống sẽ bị đe dọa nếu mẹ cậu không đưa đủ tiền theo yêu cầu (có cả chữ ký lẫn máu tươi để xác nhận). Tất nhiên, kế hoạch ấy chẳng thể thành công nếu thiếu vắng sự giúp đỡ của Lazzaro, người bạn mà Tancredi mới quen.
Góc nhìn tương phản về xã hội Ý
Kịch bản của Happy As Lazzaro do chính Alice Rohrwacher chấp bút (giúp cô thắng giải ở LHP Cannes 2018) chia bộ phim thành hai phần rõ rệt: trước và sau sự kiện Inviolata. Nửa đầu phim xoay quanh câu chuyện giữa Lazzaro và Tancredi – một mối quan hệ đặc biệt, ám ảnh nhân vật chính đến tận cuối phim. Hàng ngày, Lazzaro tranh thủ trốn việc để đến thăm Tancredi, người vừa nhận cậu là “em cùng cha khác mẹ”.
Sự khăng khít giữa hai chàng trai ở lưng chừng tuổi đôi mươi dưới cái nắng chói chang của mùa hè nước Ý ít nhiều khiến ta liên tưởng đến hình ảnh cặp đôi Elio – Oliver (Call Me By Your Name, 2017). Nhưng không, tình cảm mà Tancredi dành cho Lazzaro chẳng phải tình yêu mà cũng chưa hẳn đã là tình bạn, bởi giữa họ luôn tồn tại một vách ngăn vô hình: sự khác biệt về giai cấp.
Xuyên suốt bộ phim, Alice Rohrwacher đã vạch rõ khoảng cách giữa hai tầng lớp giàu – nghèo trong xã hội Ý. “Tao bóc lột chúng nó, chúng nó lại bóc lột thằng bé tội nghiệp đó,” Alfonsina De Luna thẳng thừng nói với con trai trong lúc đứng nhìn Lazzaro cặm cụi làm việc không quản ngày đêm. Câu nói đó cũng lý giải vì sao gia đình cậu vẫn phải trả nợ hàng tháng dù lao động vất vả, đến nỗi một cái bóng đèn cũng phải chia nhau dùng. Theo bà, đó là một vòng lặp “không thể dừng lại”: cuối phim, cô con gái nhà De Luna vẫn trơ trẽn đòi “cướp” khay thức ăn mà gia đình Lazzaro vừa dùng hết số tiền dành dụm được để mua.
Bên cạnh phần kịch bản, Happy As Lazzaro còn cho thấy độ chín trong phong cách đạo diễn của Alice Rohrwacher. Ở những phút ban đầu, nữ đạo diễn cố tình sử dụng những thước phim hết sức hoài cổ: quay theo kiểu phim tài liệu dưới định dạng Super 16mm, khung hình bo tròn bốn góc, thiết kế bối cảnh và phục trang theo phong cách những thập niên trước – khiến người xem khó lòng đoán định được mốc thời gian chính xác của câu chuyện. Thực tế, ý tưởng của bộ phim được lấy cảm hứng từ một sự kiện có thật mà cô được trên báo, kể về nạn lĩnh canh bất hợp pháp những năm 80 ở Ý, khi người lao động bị chiếm hữu không khác gì nô lệ thời trung cổ.
Ánh nắng vĩnh cửu
của một tâm hồn thuần khiết
Sinh năm 1982, Alice Rohrwacher được xem là gương mặt đại diện cho thế hệ đạo diễn trẻ của điện ảnh Ý đương đại. Tôn giáo và đức tin xuất hiện trong phim của cô như một nỗi ám ảnh thường trực, bất kể sự thật đáng ngạc nhiên rằng Rohrwacher chưa một lần bước chân vào nhà thờ. Bộ phim đầu tay của cô mang tên Heavenly Body (2011), kể về Marta, cô bé 13 tuổi vừa cùng mẹ và chị gái dọn từ Thụy Sĩ đến sống ở một vùng duyên hải miền Nam nước Ý. Hàng ngày, Marta phải tham gia những lớp học do giáo hội địa phương tổ chức, nơi tôn giáo được nhồi vào đầu những đứa trẻ ngây thơ trong khi một vị linh mục già lại đang hoang mang về chính đức tin của mình. Cô bé Gelsomina, nhân vật chính trong bộ phim thứ hai The Wonders (2014), thì tin rằng một chương trình truyền hình thực tế sẽ thay đổi số phận gia đình mình, vốn đang làm nghề nuôi ong lấy mật, để rồi vỡ mộng trong sự bàng hoàng.
Khác hai tác phẩm trên đều thuộc thể loại coming-of-age (hành trình trưởng thành), nhân vật chính Lazzaro không có nhiều biến động cả về thể xác lẫn tâm hồn. Trung thành với gương mặt phúc hậu và cặp mắt xoe tròn ngơ ngác, có thể xem nhân vật này như là minh chứng hoàn hảo cho cụm từ “ánh nắng vĩnh cửu của một tâm hồn thuần khiết” (Eternal Sunshine of the Spotless Mind – tên một bộ phim của Michel Gondry), một hiện thân của nhân vật Chance trong Being There (Hal Ashby, 1979) nhưng trẻ trung và ít nói hơn. Giữa hai mặt sáng tối của cuộc đời, Lazzaro gần như “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”, nhưng số phận lại đưa đẩy khiến cậu trở thành nhân chứng sống cho cả một quá trình chuyển mình của nước Ý xuyên suốt hai thế kỷ.
Những ẩn dụ về tôn giáo và đức tin vẫn được Happy As Lazzaro bảo toàn. Ở đầu phim, Lazzaro phát hiện dưới giường một bức ảnh của Thánh Agatha – người đã dâng trọn cuộc đời cho Thiên Chúa, đến mức tử vì đạo. Tên gọi của cậu trong tiếng Ý dùng để ám chỉ Lazarus, người mà theo Phúc âm John trong Kinh Thánh, đã được Chúa Jesus hồi sinh sau bốn ngày mất mạng. Gia đình Lazzaro vì tin tưởng nhà Marchesa mà chấp nhận số phận cuộc đời như những nô bộc, còn cậu thì tin tưởng Tancredi nên sẵn sàng cắt tay lấy máu hộ bạn. Đến gần cuối phim, họ vì say mê tiếng nhạc nên lạc bước vào một thành đường, nhưng lại bị những người truyền giáo xua đuổi. Ngay lập tức, âm nhạc từ bỏ nơi tôn nghiêm để lần theo bước chân những con người tội nghiệp, như thể muốn nói rằng Chúa vẫn đang dõi theo ở trên cao, dù ta đang ở đâu.
Mệnh đề cuối cùng (và cũng là đầu tiên) Alice Rohwarcher muốn đặt ra đối với khán giả xem Happy as Lazzaro, không gì hơn ngoài hai chữ “hạnh phúc” – thứ mà cả người nghèo (vợ chồng Mariagrazia) lẫn kẻ giàu (Tancredi) đều khao khát có được, thứ mà theo gợi ý từ nhan đề: phải “như Lazzaro”, bất kể cậu là người duy nhất trong phim không mưu cầu hạnh phúc. Đáng tiếc, thứ hạnh phúc đó không hề tồn tại vĩnh cửu. Bộ phim kết thúc trong sự choáng váng khi mà bản chất thánh thiện nơi tâm hồn Lazzaro cũng phải bất lực trước những cái nhìn hằn học đầy ác ý của xã hội. Cái xấu đã chiến thắng cái tốt bởi một lẽ rất đỗi thường tình: đời không như cổ tích. Tất cả mọi niềm tin đều sụp đổ, hệt như những gì còn sót lại ở Inviolata chỉ là một đống đổ nát.
Đánh giá: **** (4/5)
Thông tin:
- Phim Happy as Lazzaro tham gia tranh cử tại LHP Cannes 2018.