Far from the madding crowd – tiểu thuyết Thomas Hardy – tiếp tục được chuyển thể lên màn ảnh rộng dưới bàn tay chỉ đạo của Thomas Vinterberg.
Một lần nữa câu chuyện nổi tiếng của Thomas Hardy lại được chuyển thể lên màn ảnh rộng, với dàn diễn viên trẻ đẹp, bối cảnh và phục trang được đầu tư chăm chút, dưới sự chỉ đạo của Thomas Vinterberg (The Hunt) – một trong những nhà làm phim Đan Mạch nổi bật nhất hiện nay.
Song, phần kịch bản chắp bút bởi David Nicholls (One Day) lại lược bỏ quá nhiều tình tiết, khiến bộ phim kết thúc một cách chóng vánh, chưa thực sự thỏa mãn người xem.
Đây là lần thứ tư Far from the madding crowd được chuyển thể thành phim. Trong đó, nổi tiếng nhất là phiên bản điện ảnh năm 1967 của John Schlesinger (Midnight Cowboy) với sự tham gia của Julie Christie trong vai nữ chính Bathsheba Everdene.
Điểm đáng chú ý là bản phim của Schlesinger được chia làm hai phần, dài tổng cộng gần 3 tiếng đồng hồ, trong khi phiên bản mới nhất chỉ vọn vẹn 2 tiếng. Điều đó đồng nghĩa với việc một số đoạn phải được rút ngắn hoặc lược bỏ để vừa vặn với thời lượng phim.
Nhận xét một cách tóm gọn, thì phiên bản 1967 của Schlesinger khá chi tiết, với những cảnh quay đẹp như tranh vẽ và cao trào được đặt ở cuối phim. Đáng tiếc là diễn xuất của Julie Christie lại không quá xuất sắc, nhân vật Everdene của cô được miêu tả hời hợt và thiếu cảm xúc.
Trái lại, bản phim 2015 của Thomas Vinterberg ngắn gọn, cô đọng hơn về nội dung mà vẫn giữ được vẻ đẹp về hình thức. Nhân vật Everdene do Carey Mulligan thể hiện có chiều sâu hơn hẳn phiên bản cũ, kịch bản mới cũng có nhiều điểm đáng khen, nhưng có lẽ vì bị cắt tỉa quá nhiều nên nhịp phim ở phần sau lại trở nên gấp gáp.
Lối kể chuyện gần gũi, dễ cảm
Ở nửa tiếng đầu tiên, Thomas Vinterberg giữ mạch phim rất tốt, cả năm nhân vật quan trọng trong phim đều được giới thiệu đầy đủ mà không tạo cảm giác vội vàng. Thậm chí, để câu chuyện trở nên gần gũi và dễ hiểu hơn với khán giả phổ thông, nam đạo diễn sử dụng voice-over cho nhân vật chính tự kể lại chuyện đời mình.
Người kể chuyện tự nhủ rằng tên nàng là Bathsheba Everdene, ba mẹ nàng qua đời từ khi nàng còn bé, điều đó khiến nàng trở nên độc lập hơn so với nhiều cô gái khác.
Chính vì vậy, khi chàng chăn cừu Gabriel Oak (Matthias Schoenaerts) ngỏ lời cầu hôn, nàng đã thẳng thừng từ chối vì điều nàng hiện muốn chưa phải là một người chồng. Chuyện phim tiếp nối khi Everdene được thừa hưởng toàn bộ gia tài mà bác cô để lại, trở thành bà chủ của một trang trại ở Weatherbury, tình cờ gặp lại Gabriel Oak hiện đang xin vào làm thuê cho cô.
Mối quan hệ giữa Bathsheba và Gabriel từ đầu đến cuối phim được khai thác triệt để, đủ để người xem tin rằng giữa họ có nảy sinh tình cảm, nhưng vì nhiều lý do lại không đến được với nhau.
Việc đẩy mạnh tình cảm giữa Bathsheba với Gabriel trong phim, vô tình lại khiến cho sự xuất hiện của hai người đàn ông còn lại trong đời cô trở nên mờ nhạt.
Một người là quý ngài William Boldwood (Michael Sheen) giàu có, được giới thiệu cụ thể là ông chủ trang trại láng giềng của Everdene, gã đàn ông có trái tim sắt đá lại mềm lòng trước vẻ đẹp của cô hàng xóm.
Người kia là chàng trung sĩ cảnh vệ Frank Troy (Tom Sturridge) đẹp trai, kẻ khiến trái tim Everdene si mê, nhưng vẫn còn đang vướng vào mối quan hệ tình cảm với cô hầu gái Fanny Robin (Juno Temple).
Hai nhân vật này bước vào cuộc đời của Everdene rất nhanh và mối quan hệ tình cảm của họ với cô cũng không được đào sâu như với Gabriel Oak.
Chẳng hạn, phiên bản 1967 trở nên đáng nhớ vì cảnh Frank Troy trổ tài đấu kiếm trước Everdene, khiến cho nàng thổn thức và đem lòng yêu anh. Cảnh quay được thực hiện ở vùng Maiden Castle với những thành lũy nối tiếp nhau thành hình gợn sóng, tạo hiệu quả cao về mặt thị giác.
Phiên bản của Thomas Vinterberg lại đưa hai nhân vật vào trong rừng, tạo không khí cổ tích nhưng lại thiếu sự màu nhiệm của phiên bản cũ.
Những điểm cộng đáng nhớ
Diễn xuất của ba diễn viên nam đều ổn, nhưng không một ai thực sự nổi bật giữa một kịch bản như vậy. Ngoài vẻ điển, Matthias Schoenaerts chưa thể toát lên được sự hiền lành, chân thật của một chàng chăn cừu như Alan Bates từng thể hiện Gabriel Oak trong phiên bản cũ.
Dáng vẻ điềm đạm của Michael Sheen lại đánh mất hoàn toàn sự hấp tấp, điên loạn từ trong trí óc của William Boldwood, khiến cho cao trào đáng có của bộ phim cũng trở nên rất đỗi bình thường. Và Tom Sturridge, dẫu đã cố gắng tỏ ra rất đểu, nhưng làm sao có thể vượt qua được cái vẻ đểu cáng khó quên mà Terence Stamp từng thể hiện. Thậm chí, biên kịch David Nicholls còn châm cho nhân vật này một chút tàn độc, khiến cho Frank Troy trở thành một kẻ đáng ghét, thay vì có được tình cảm của người xem.
Điểm đáng khen lớn nhất của Far from the madding crowd phiên bản 2015 chính là đã khắc họa nhân vật Bathsheba Everdene rõ nét hơn trước. Ở đầu phim cô tự giới thiệu mình là một người độc lập, và xuyên suốt bộ phim Carey Mulligan đã thể hiện trọn vẹn tính cách độc lập đó.
Everdene dưới ống kính của Vinterberg là một cô gái tài giỏi, biết đua ngựa, bắn chim. Nàng thông minh và kiêu kỳ, không ngần ngại đuổi người làm công vì làm việc thiếu hiệu quả, thẳng thắng trả giá không thua kém bất kỳ một người đàn ông nào khác. Có thể nói Bathsheba Everdene không phải là một vai quá khó đối với Carey Mulligan, nhất là khi cô sở hữu một vẻ đẹp rất cổ điển, rất hợp với những dòng phim này, nhưng để gọi là xuất sắc, đáng để nhận được một đè cử hay giải thưởng thì vẫn chưa đến mức đó.
Nói vậy, phải chăng phiên bản của Thomas Vinterberg kém hẳn so với bản cũ? Không hẳn. Cả bản mới và bản cũ đều có những điểu ưu và khuyết riêng biệt. Phiên bản mới dù sao vẫn dễ xem và gần với khán giả ngày nay hơn phiên bản cũ, nhưng thực sự lại chưa thể tạo nên một ấn tượng mạnh và thiếu hẳn cao trào.
Điểm đáng tiếc nhất là Thomas Vinterberg vẫn đi theo vết xe đổ của John Schlesinger, khi đơn giản kể lại câu chuyện của Thomas Hardy như một câu chuyện tình ngang trái thông thường. Cả hai phiên bản điện ảnh vẫn chưa thể hiện được ý đồ của tác giả trong nhan đề, mà như nhà phê bình Roger Ebert từng nhận xét, đó là thể hiện các nhân vật như “những con người phức tạp mắc kẹt trong một xã hội bị cô lập.”
*Viết cho Vnexpress.
Đánh giá: *** (3/5)
Thông tin:
– Ba phiên bản cũ, ngoài bản điện ảnh năm 1967 thì còn có một bản phim truyền hình và một bản phim câm.
– Nhân vật Bathsheba Everdene là một trong những hình mẫu mà Suzanne Collins từng tham khảo để xây dựng nhân vật Katniss Everdeen của The Hunger Games.