Là một tác phẩm mang tính ngẫu hứng của Jim Jarmusch, Coffee and cigarettes vẫn đậm chất điện ảnh và khó thể bỏ qua đối với người hâm mộ ông.
Coffee and cigarette (2003) có thể được xem như một tuyển tập gồm 11 phim ngắn với cùng chủ đề, được Jim Jarmusch lên ý tưởng và khởi quay suốt 18 năm ròng rã, trong đó có ba phim đã được ra mắt từ trước. Dù toàn cầu đã bước sang thế kỷ 21 nhưng vị đạo diễn không hề có ý định sử dùng công nghệ phim màu mà vẫn giữ nguyên phong cách “vintage” đặc trưng của mình với hai tông chủ đạo là đen trắng.
Quyết định này hoàn toàn ăn khớp với chủ đề của bộ phim. Màu đen tượng trưng cho tách cà phê đậm mùi ngọt đắng, màu trắng là điếu thuốc đang tỏa khói trên môi. Hai hình ảnh này xuất hiện xuyên suốt 95 phút của bộ phim, có nhiệm vụ gắn kết những câu chuyện tưởng chừng không liên quan nhưng lại hết sức chân thật, giản dị về cuộc sống. Trong đó, các nhân vật có thể là minh tinh màn bạc, diễn viên hài, ngôi sao nhạc rock,… từ mới nổi cho đến quen thuộc như Tom Waits, Cate Blanchett, Jack White,… Điểm đáng chú ý là họ đóng vai chính mình hoặc người thân của mình, đặt trong các tình huống do đạo diễn bày ra, xoay quanh những cuộc gặp gỡ, nói chuyện tán dóc hàng ngày bên bàn café.
Chủ định của Jim Jarmusch khi lựa chọn một loạt các gương mặt khác nhau trong làng giải trí vào bộ phim của mình là muốn thể hiện sự đa chiều của cuộc sống. Tương tự, bối cảnh cảnh của bộ phim tuy đơn giản nhưng liên tục thay đổi cho phù hợp với câu chuyện và nhân vật. Khi chỉ là một góc nhỏ trong quán café bình dân xập xệ, khi lại là một nơi sang trọng dành riêng cho giới sành điệu, tạo nên một bức tranh muôn màu, muôn vẻ. Ở đó, cuộc sống thông qua lăng kính hài hước của Jim Jarmusch vừa đơn giản vừa phức tạp, hệt như cách ta thưởng thức một tách cà phê hay nhâm nhi một điếu thuốc.
Không phải ngẫu nhiên mà hai món này trở thành thứ được ưa chuộng trên khắp thế giới. Thưởng thức cà phê hay thuốc lá đòi hỏi phải có kiến thức, kinh nghiệm và cả gu thẫm mỹ của mỗi người. Dựa vào đặc điểm đó, Jim Jarmusch cố tình xây dựng những tình huống hài hước, châm biếm sâu cay. Chẳng hạn như cô nàng Renée trong phân đoạn cùng tên, cầu toàn đến mức pha cà phê phải đúng màu, đúng lượng mới chịu được. Hay với một phân đoạn, ông đặt hẳn luôn cái tên These Things Will Kill You. Một lời cảnh báo quen thuộc nhưng chẳng phải ai cũng nghe theo.
Tất nhiên, mười một đoạn phim với độ dài ngắn khác nhau sẽ khó lòng nào tạo được ấn tượng giống nhau. Nhưng Jim Jarmusch đã thể hiện sự nhanh nhạy trong việc biên tập bằng cách rải đều cách nhân vật và sắp xếp các câu chuyện theo một trật tự vừa ngẫu hứng lại vừa có tính toán. Âm nhạc, vốn là điểm nổi bật trong phim của Jim, cũng được sử dụng hết sức tinh tế. Từng bản nhạc jazz mang đậm không khí hoài cổ của thế kỷ trước không chỉ có nhiệm vụ kết nối mạch truyện, mà còn tạo nên nét u buồn lạ lẫm giữa những tiếng cười tưởng như vô nghĩa nhưng lại hết sức thâm thúy.
Phân đoạn Strange to Meet You đặt ở đầu cũng chính là nguyên bản của Coffee and Cigarettes năm 1986, với nội dung là cuộc nói chuyện giữa hai diễn viên Roberto Benigni và Steven Wright về cà phê và thuốc lá. Tiếp sau đó là Coffee and Cigarettes II năm 1989 (Twins) và Coffee and Cigarettes III năm 1993 từng chiến thắng tại Cannes (Somewhere in California). Riêng phần còn lại là những câu chuyện với với sự xuất hiện đầy bất ngờ của Bill Murray trong vai nhân viên bồi bàn, hay là Cate Blanchett cùng lúc đóng hai vai.
Chủ đề những cuộc hội thoại của các nhân vật cũng thay đổi liên tục, nếu ban đầu chỉ đơn thuần là thuốc lá, cà phê thì về sau lại mở rộng ra từ lợi ích của nicotin trong việc trừ sâu cho đến Paris thập niên 20. Qua từng lời nói, cử chỉ của nhân vật, ta cũng thấy được mối quan hệ, cách ứng xử giữa người với người. Họ có thể ghét nhau ra mặt nhưng vẫn phải nói chuyện như Iggy Pop và Tom Waits trong Somewhere in California. Hoặc cũng có thể chỉ vì công việc mà dùng đủ lời ngon ngọt để ca ngợi nhau, thậm chí là “thấy sang bắt
quàng làm họ” (Cousins?).
Cousins của Cate Blanchett có lẽ là một trong những phân đoạn đáng nhớ nhất của bộ phim. Nữ diễn viên Úc vừa là chính mình khi đã nổi tiếng, vừa đảm nhận luôn cả vai diễn cô em họ Shelly. Qua vài phút ngắn ngủi của đoạn phim, ta vẫn dễ dàng thấy được hai hình ảnh tuy giống nhau nhưng lại hoàn toàn trái ngược. Cô chị quá bận rộn đến nỗi không còn thời gian gặp gỡ người thân, không nhớ nổi tên bạn trai của em. Trong khi đó cô em lại quá xa lạ với cuộc sống nổi tiếng của chị, vừa dè bỉu vừa giữ khoảng cách. Cả hai tuy ngồi cùng một bàn café nhưng lại không tìm được tiếng nói chung, không thể đến gần nhau.
Hẳn Jim Jarmusch đã thay Cate Blanchett nói hộ tâm sự của mình. Cô chân thành thổ lộ về cuộc đời với ánh mắt tha thiết muốn tìm được sự thấu hiểu từ em gái. Song, điều duy nhất gắn kết hai chị em chỉ có cà phê và thuốc lá, đặc biệt khi Cate nhận điếu thuốc từ cô em cũng là lúc cô sẵn sàng trút bỏ vẻ ngoài ngôi sao của mình giữa chốn công cộng. Cái kết cũng đáng nhớ với cảnh Shelly bần thần cất điếu thuốc trên tay. Vấn đề là liệu người nhân viên có yêu cầu cô ngừng hút nếu người chị minh tinh còn ngồi bên cạnh?
Mười một phim ngắn không chỉ có chung một công thức mà còn gắn kết bằng những hình ảnh lặp đi lặp lại. Chẳng hạn như cái cách các nhân vật cụng tách cà phê như uống bia rồi nói “cheer”, hay là những cảnh quay từ trên xuống chỉ để lại mặt bàn đặt đầy những ly cà phê, đặc biệt là những họa tiết caro trắng đen kinh điển. Từ cách đặt vấn đề, chọn bối cảnh cho đến việc đặt góc máy hẹp, gói gọn trong một không gian cố định đều thể hiện đúng chất phim của Jim Jarmusch vốn dùng những điều đơn giản để nói lên cái phức tạp. Mà chỉ riêng cà phê và thuốc lá cũng đã đủ phức tạp lắm rồi.
hay đấy. tớ quyết định sẽ down phim này về xem. Cám ơn vì một bài viết đầy cảm hứng.
-Tỵ