Placeholder Photo

Broken Flowers – Jim Jarmusch (2005)

Bắt đầu
10 phút đọc

Jim Jarmusch bắt đầu Broken Flowers (2005), bộ phim “dramedy” bi-hài của mình bằng một tình huống bí ẩn kỳ lạ: một người đàn ông sắp sửa bước sang độ tuổi gần đất xa trời, bất ngờ nhận được lá thư không tên của người tình cũ, viết rằng cả hai vốn có một đứa con trai, nay đã được 19 tuổi.

Từ phát súng mở màn đó, nam đạo diễn đưa người xem bước vào một câu chuyện mang hơi hướm trinh thám, lần theo dấu chân của người đàn ông đi tìm tình cũ và con trai. Tất cả manh mối có được chỉ là bức thư màu hồng với dòng mực đỏ viết bằng máy đánh chữ. Bên cạnh đó là bảng danh sách những cái tên còn vương lại trong đầu, mà giờ ông cũng không chắc họ còn nhớ đến mình hay không. Cùng với sự trợ giúp của người bạn hàng xóm, cả hai nảy ra một kế hoạch vừa đơn giản vừa tinh tế. Ông sẽ lần lượt đến gõ cửa từng người một, tìm kiếm bất cứ thứ gì liên quan đến bức thư, và quan trọng là phải đem theo hoa hồng, “luôn luôn là hoa hồng”.

broken flowers 1

Cái chất hài hước của Jim Jarmusch thể hiện ngay từ cách đặt vấn đề và tên nhân vật: Don Johnston. Cái tên dễ khiến người ta nhầm lẫn ngay từ lần đầu tiên mà trong bộ phim, có hai lần ông phải đính chính lại rằng mình không phải “Johnson”. Chính chữ “T” thiếu sót ấy lại ứng với số phận của nhân vật, khiến ông trở thành một người hay dính vào rắc rối chỉ vì hiểu nhầm. Đơn cử là đầu phim, khi cô bạn gái hiện tại Sherry đang chuẩn bị khăn gói ra đi cũng là lúc Don nhận được bức thư bí ẩn. Cô nàng liền đỏng đảnh cho rằng đây là thư tình và buộc tội ông vẫn còn lăng nhăng với nhiều cô khác. Hay nặng nề hơn ở đoạn gần cuối phim, cũng vì hiểu nhầm mà Don bị người ta đánh cho tối tăm mặt mũi.

Sự việc khiến cho nhân vật (và cả người xem) từ đầu đến cuối không hề biết rằng tình huống này đích thực là sắp đặt để dành cho mình hay cũng chỉ là nhầm lẫn với một Don Johnson nào đó khác. Hài hước là tên gọi này lại hoàn toàn toát lên được tính cách của nhân vật, một “Don Juan” thời hiện đại. Anh “Don Juan” này vì trước đây đã quan hệ với quá nhiều phụ nữ cho nên bây giờ cũng chẳng thể biết được ai mới thực sự là người có con với mình. Cũng vì cái thói lăng nhăng đó mà đến độ tuổi này anh vẫn chưa lập gia đình, chưa có con và không ít lần ta thấy anh ta ngồi một mình bần thần trong căn nhà vắng lặng.

Đó là lúc tấn bi kịch cuộc đời một con người bắt đầu hiện ra. Chính cái ngẫu nhiên hài hước ấy đã làm nảy sinh niềm khao khát mà bấy lâu nay Don vẫn giữ kín trong lòng. Chuyến đi đi tìm con trai cũng chính là hành trình đi tìm bản thân, cuộc độc hành vào trong tiềm thức, đến với những ước muốn tưởng trừng đã vị vùi dập nay lại lóe lên những tia hy vọng; đồng thời cũng là con tàu trở về miền hồi ức xa xăm gắn với những người phụ nữ trong quá khứ. Chính lúc này, Jim Jarmusch lần lượt bày ra những nhân vật cũng không kém phần lạ kỳ, đi cùng đó là các tình huống khiến người xem phải bật cười. Điển hình là bốn lần “gõ cửa” của Don đến nhà bốn người tình cũ.

Người thứ nhất vắng nhà, nhưng có cô con gái rất niềm nở đón tiếp. Cô gái tự giới thiệu là Lola, nhưng nhấn mạnh tên thật của mình là Lolita như để bật tín hiệu rằng mình cũng giống như nhân vật trong tiểu thuyết của Vladimir Nabokov: say mê những quý ông lớn tuổi. Để chứng minh bằng hành động, cô không ngừng bày đủ trò để ve vỡ Don từ những cái liếc mắt đưa tình hay sốc hơn là việc khỏa thân trước mặt người khách xa lạ.

Mẹ của Lolita có vẻ cũng thoải mái không kém khi mời tình cũ ở lại dùng bữa cơm thân mật. Tất nhiên sau đó hai người còn thân mật hơn trên giường và điều buồn cười là sau khi tỉnh dậy, bà không hề nhớ mình đã làm gì mà chợt hỏi: “Donny, anh đang làm gì ở đây?”

Người thứ hai lại không lập tức nhận ra Don, đã kết hôn và già hơn hẳn cô đầu. Tuy nhiên, chồng cô ta thì cứ liên tục gọi vợ là “bé nhỏ”, là “đáng yêu”, thể hiện tình cảm như đôi tình nhân mới cưới và khoe đủ thứ với anh tình cũ. Trong khi đó thì Don cũng tỏ ra khá tình tứ khi hỏi những câu như: “anh tặng em phải không?”, “anh chụp bức hình đó phải không?”.

Người thứ ba lịch sự đón tiếp Don nhưng thực ra chẳng tha thiết cuộc gặp mặt này. Trong khi đó, người thứ tư thì kỳ lạ hơn cả. Ở nhà cô vừa có máy đánh chữ vừa có màu hồng. Thế nhưng, có vẻ là giữa hai người đã không có một quá khứ tươi đẹp cho lắm. Nhất là là khi nhận được câu hỏi của tình cũ, cô liền quăng ngay một câu chửi thề và đóng sập cửa lại.

broken flowers 3

Nhân vật chính Don do nam diễn viên chuyên trị vai hài Bill Murray đảm nhận. Trái với những tình huống hài hước được đặt ra, Bill Murray khoác lên mình một vẻ vừa buồn bã vừa âu lo của một người đàn ông nhiều trải nghiệm và lắm tâm sự. Thậm chí Don chỉ cần im lặng thì tất cả những gì cần nói đã được thể hiện trên gương mặt, từ ánh mắt trầm ngâm, mái đầu bạc trắng cho đến những nếp nhăn hằn trên trán. Đôi lúc ông cũng cười nhưng chỉ là những nụ cười bẽ lẽn như chàng trai mới lớn. Càng tìm về quá khứ thì Don càng thấy mình như trẻ lại. Đầu phim ông xem Don Juan nhưng cuối phim lại xem hoạt hình.

Cái tính cách trẻ con trong một thân hình giã cỗi ấy tạo nên một sự đối lập trong bộ phim đầy những đối lập này. Đạo diễn Jim Jarmusch đặt những đối lập ấy vào hai bên của cán cân và luôn tìm cách giữ cân bằng. Liên tục là những tình huống gây cười nhưng cả bộ phim lại mang một không khí nặng trĩu u buồn, đôi lúc lại ngẫu hứng theo kiểu nhạc jazz. Hình ảnh những cánh hoa tàn chính là ám chỉ cuộc đời của Don, người đàn ông khi về già vẫn không ngừng khao khát yêu thương nhưng cái tia sáng hy vọng vừa lóe ở đầu phim càng về sau lại càng mờ dần. Như mọi người đàn ông khác, Don cũng luôn “mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ”. Ông liên tục quan sát những chàng trai tình cờ gặp trên đường mà không dấu được cái ước vọng tìm con. Nhưng vì tính cách vốn có nên Don cũng có những hành động trẻ con không kém. Đặc biệt đáng nhớ là cảnh cuối cùng của bộ phim khi Don rượt theo “cậu con trai”. Cảnh quay những tưởng sẽ khiến người xem xúc động đến rơi nước mắt thì sau đó Jim Jarmusch lại khiến người xem phải bật cười.

Âm nhạc cũng là một điểm khiến phim của Jim trở nên đáng nhớ. Broken Flowers tập hợp nhiều bản nhạc đủ thể loại khác nhau từ jazz, rock, soul vừa tạo không khí buồn bã lại vừa sưởi ấm trái tim người nghe. Ngoài ra, tuy không có sao trẻ nhưng những cái tên như Julie Delpy, Sharon Stone, Tilda Swinton… chỉ xuất hiện trong vài cảnh nhưng cũng đủ để tạo nên điểm nhấn thú vị.

broken flowers poster

8/8/2013
Viết để chuẩn bị chào đón phim mới nhất của Jim Jarmusch, Only Lovers Left Alive.

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

Broken Embraces (2009)

Tiếp theo

‘Coffee and Cigarettes’ – Ngẫu hứng cà phê và thuốc lá

Latest from Điện ảnh