Khởi nghiệp ca hát với các bài dance-pop trẻ trung, nhưng Hoàng Thùy Linh lại được khán giả yêu thích qua loạt ca khúc đậm màu dân gian đương đại.
Việc kết hợp chất liệu dân gian, nhạc cụ dân tộc vào âm nhạc vốn không phải là điều gì quá mới mẻ. Thế nhưng, trong làng nhạc Việt chưa có nghệ sĩ nào thực hiện điều đó thành công như Hoàng Thùy Linh. Từ bản hit Bánh trôi nước (2016) đến thành công rực rỡ của album Hoàng (2019) cho thấy giọng ca sinh năm 1988 khá “mát tay” khi đưa chất liệu dân gian vào âm nhạc.
Chưa dừng lại ở đó, sau hai năm Hoàng Thùy Linh chính thức trở lại với những dự án mới. Gieo quẻ, See tình hay Đánh đố tiếp tục khai thác chất liệu dân gian nhưng mở rộng biên độ, đi từ văn hóa Bắc Bộ đến đặc trưng Nam Bộ. Điều đó cho thấy chất liệu dân gian vẫn là một mảnh đất màu mỡ, không giới hạn tính sáng tạo nếu các ca sĩ khai thác hiệu quả.
Hoàng Thùy Linh và cột mốc album Hoàng
Hoàng là album phòng thu thứ ba, cũng là sản phẩm thành công nhất của Hoàng Thùy Linh tính đến thời điểm hiện tại. Trước đó, ca sĩ phát hành hai album đầu tay đều theo định hướng dance-pop, khai thác âm nhạc sôi động, hướng đến đối tượng khán giả trẻ. Không chỉ giữ được chất dance pop/electro, Hoàng còn khéo léo đưa màu dân gian đương đại vào từng ca khúc để tạo thành những giai điệu bắt tai, hợp thời.
Xét về tổng thể, Hoàng là một album khá ngắn với 7 ca khúc, tổng thời lượng vỏn vẹn chỉ hơn 26 phút. Thế nhưng, các bài hát lại gắn kết với nhau một cách chặt chẽ theo đúng cấu trúc của một concept album (album chủ đề) có kết có mở.
Điểm nhấn của album là phần ca từ lồng ghép nhiều điển tích văn học và yếu tố văn hoá Việt Nam quen thuộc. Lời hát tếu táo, khéo léo kết hợp những câu ca dao tục ngữ đầy tính trào phúng như: “ba đồng một mớ đàn ông”, “lắm mối tối ngồi không”, “kẻ cắp gặp bà già”,… tạo nên đặc trưng chưa album nào có. Ê-kíp còn lồng ghép những cụm từ mang đậm ngôn ngữ mạng như “thả thính”, “ế”, “ba hoa”,… để các ca khúc mang hơi thở thời đại, biến hình ảnh cô Tấm (Kẽo cà kẽo kẹt) hay Thúy Kiều (Em đây chẳng phải Thúy Kiều) trở nên gần gũi.
Khó thể tưởng tượng sau hơn sáu thập niên, nàng Mị – nhân vật chính của tác phẩm Vợ chồng A Phủ (1953) của nhà văn Tô Hoài – lại xuất hiện trong một câu hát quốc dân, được mọi thành phần rêu rao từ người lớn đến trẻ nhỏ (Để mị nói cho mà nghe).
Đảm nhận phần âm nhạc của Hoàng là DTAP – một nhóm sản xuất gồm ba thành viên đều thuộc Gen Z (thế hệ sinh sau năm 1996). Tuy còn trẻ và chưa có tiếng tăm lúc bây giờ, các bạn đã cho thấy tư duy văn minh và cập nhật, không hề kém cạnh khi xử lý giọng hát của một đàn chị nổi tiếng như Hoàng Thùy Linh, lại đủ bản lĩnh để đưa dấu ấn cá nhân vào từng bài hát.
Người nghe khó thể ngồi yên khi tiếng sáo trong Để mị nói cho mà nghe vang lên, hay khi đoạn drop EDM chen vào Duyên âm – ca khúc mang âm hưởng đồng dao Bắc Bộ. Sự xuất hiện của rapper BinZ trong Kẻ cắp gặp bà già hay giai điệu chill-out của Em đây chẳng phải Thúy Kiều cũng là điểm nhấn, tạo nên một album đa dạng với những bản pop nhiều màu sắc, mỗi bài là một hơi thở riêng.
Nhào nặn album, Hoàng Thùy Linh và ê-kíp gần như đã chọn lọc được tất cả những nguyên liệu đặc sắc. Nếu vào tay một đầu bếp tồi, chưa hẳn chúng đã trở thành một món ăn ngon. Thế nhưng, DTAP đã biến Hoàng trở thành một sản phẩm vừa vặn, không chỉ dễ nghe mà còn gây nghiện.
Nếu ví Bánh trôi nước như màn dạo chơi của Hoàng Thùy Linh với âm nhạc dân gian đương đại, thì Hoàng thực sự là một cuộc tấn công đúng nghĩa. Cả năm đĩa đơn trích từ album đều thành công vang dội, mang về cho ca sĩ hàng loạt giải thưởng lớn nhỏ, bao gồm sự công nhận từ phía công chúng.
Tái xuất với Gieo quẻ, See tình
Đáng chú ý, Hoàng ra đời vào thời điểm các ca sĩ Vpop đua nhau làm MV, ít ai dám đầu tư làm hẳn một album dài hơi, chỉn chu. Do đó, thành công của album thực sự là bất ngờ lớn, không chỉ khẳng định vị thế Hoàng Thùy Linh trên bản đồ nhạc Việt mà còn xếp DTAP vào hàng ngũ “hit maker” được săn đón. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng Hoàng đã thay đổi cả nền âm nhạc tưởng chừng chìm vào các bản ballad ủy mị, cũng như vực dậy dòng nhạc dân gian đương đại vốn tưởng đã ngủ quên khá lâu.
Thành công của album Hoàng đặt cho khán giả nhiều nghi ngại đối với Hoàng Thùy Linh. Liệu rằng cô sẽ tiếp tục làm gì để vượt qua cái bóng quá lớn của sản phẩm có thể nói là để đời? Liệu ca sĩ có còn chiêu trò gì để chinh phục khán giả khi mà ngày càng có nhiều gương mặt mới xuất hiện khiến thị trường âm nhạc liên tục thay đổi?
Gieo quẻ chính là lời đáp hoàn hảo dành cho những câu hỏi nêu trên. Vẫn là Hoàng Thùy Linh với ca từ đậm chất văn học, phần âm nhạc đậm màu dân gian và giai điệu bắt tai, bám vào tâm trí người nghe ngay từ lần đầu.
Trong Gieo quẻ, Hoàng Thùy Linh không còn cộng tác DTAP mà “chọn mặt gửi vàng” nơi Khắc Hưng – cũng là một nhà sản xuất được săn đón và khá mát tay của Vpop. Nếu trong Hoàng, DTAP tìm cách dung hòa hai yếu tố “dân gian” và “đương đại” thì Khắc Hưng biến nhạc cụ dân tộc trở thành đặc trưng của ca khúc, lấn át tất cả yếu tố còn lại.
Ngay từ giây đầu tiên, tiếng đàn nhị bất ngờ chen vào đưa người nghe bước sang một không gian khác, sau đó kéo dài từ đầu đến cuối tạo thành vòng hòa thanh độc đáo. Tiếng trống mõ trải dài xuyên suốt, kết hợp cùng những âm thanh đặc trưng của nhạc điện tử như kick, snare và hi hat… đẩy tiết tấu bài hát nhanh hơn, cuốn ta vào thế giới ma mị mà Khắc Hưng tạo ra.
Lời hát đầy ẩn ý cũng là điều khó thể bỏ qua. Ca từ được sắp xếp trở thành lời đối đáp của một cô gái với thầy xem quẻ trong dịp “xem bói đầu năm”. Nhân vật liên tục đặt câu hỏi về chuyện “năm nay kinh tế thế nào, bao nhiêu đồng ra đồng vào, công danh sự nghiệp ra sao” thế nhưng lại tỏ ra hờ hững với chuyện tình duyên. “Tình yêu đến như phép màu chẳng ai bói ra được đâu/ Gặp nhau có duyên không hẹn tự nhiên ý hợp tâm đầu…” là điều cô tự rút ra, cũng là phần điệp khúc khó quên của bài.
So với Gieo quẻ, See tình lại là một phong cách trái ngược, ít màu dân gian và nhiều màu đương đại hơn. Lần này, DTAP quay trở lại đảm nhận phần sáng tác và sản xuất.
Bản phối thiên về dance-pop/R&B và không sử dụng bất kỳ nhạc cụ dân tộc nào. Dẫu vậy, ca khúc có một câu mang âm hưởng “tình tính tang là tang tính tình” – vốn là lời hát quen thuộc trong những bài dân ca ba miền, từ Nam Bộ (Lý Đất Giồng), Trung Bộ (Lý Tình Tang) cho đến Quan họ Bắc Ninh (Cò Lả).
Có thể xem See tình là màn lột xác với DTAP lẫn Hoàng Thùy Linh khi tìm cách rũ bỏ lớp áo “dân tộc”, “văn học” của Hoàng để hướng đến màu sắc trẻ trung, cập nhật và tiệm cận thế giới hơn. Ca khúc cũng cho thấy khai thác màu dân gian đôi khi chỉ cần phết nhẹ vài đường nét, thay vì cứ phải cố gắng lồng ghép nhiều nhạc cụ truyền thống theo lối mòn.
“Đánh đố” cùng Thanh Lam, Tùng Dương
Sau Gieo quẻ và See tình, Hoàng Thùy Linh lập cú hat-trick trong năm với Đánh đố. Ngay từ khi công bố, dự án gây chú ý khi có sự tham gia của hai giọng ca hàng đầu Việt Nam là Thanh Lam và Tùng Dương.
Khó có thể tưởng tượng rằng ba cái tên này có thể được đặt cùng nhau trong một sản phẩm âm nhạc. Khi điều đó xảy ra, bất lợi phần lớn nghiên về giọng ca Để Mị nói cho mà nghe, bởi lẽ hai đàn anh đàn chị đều là những “cây đa cây đề”, sở hữu cá tính âm nhạc mạnh mẽ và giọng hát nội lực, thiên nhiều về kỹ thuật.
Trái lại, Hoàng Thùy Linh chưa bao giờ là người hát có kỹ thuật tốt. Trong phần lớn các ca khúc, cô gần như trung thành với cách xử lý đơn giản, không đòi hỏi phải luyến láy quá nhiều hoặc chinh phục những nốt cao. Điểm vớt vát cho Hoàng Thùy Linh vẫn là cô đã quá quen với chất liệu dân gian đương đại, cùng một ê-kíp thấu hiểu điểm mạnh yếu của ca sĩ, từ đó biết cách cân chỉnh sao cho phù hợp nhất.
Nếu ví Đánh đố là một bộ phim, nó phải thuộc hàng bom tấn của Hollywood. Ngoài bộ đôi Thanh Lam – Tùng Dương góp giọng, đội ngũ thực hiện toàn là những tên tuổi lớn trong ngành như: Hồ Hoài Anh (viết nhạc), Ngân Vi (soạn lời) và Triple D (sản xuất âm nhạc) – bộ ba từng làm nên thành công của Tứ Phủ. Ngoài ra, đảm nhận phần lời còn một cái tên hoàn toàn mới là Khánh Ly. Lần này, Khắc Hưng không tham gia nhưng DTAP vẫn góp mặt, giữ vai trò tinh chỉnh phần giọng (vocal) và khâu xử lý hậu kỳ (mastering) để sản phẩm đạt kết quả tốt nhất.
Màu sắc âm nhạc của ca khúc nặng về dubstep gợi nhớ Tứ phủ, cũng là thế mạnh của Triple D. Lời hát đậm màu dân gian đương đại với câu gợi mở về nhân duyên, kiếp người. Nội dung được chia làm ba phần ứng với từng ca sĩ, sắp xếp hợp lý để ai cũng có đất diễn mà không khiến ca khúc trở nên rối rắm.
Điểm nhấn cả bài là khi Hoàng Thùy Linh không hát mà chuyển sang đọc rap ở giữa. Lúc này, cô chẳng cần mời đến dân chuyên nghiệp như Đen Vâu (Gieo quẻ) vẫn có thể tự tin làm rapper trong một ca khúc của chính mình. Ca từ đoạn rap cũng khá trẻ trung với những câu gieo vần hài hước như: “Em là nàng thơ trong đêm thâu / Tỉnh giấc thèm một chiếc bánh dâu”. Thái độ dửng dưng với tình yêu vẫn còn đó. Theo cô, đó là thứ mà nếu cần hoàn toàn có thể đem “quăng cửa sổ thế cho ngầu”.
Dòng nhạc dân gian đương đại từng lên đến thời đỉnh cao với những cái tên như Trần Tiến, Phó Đức Phương, Nguyễn Vĩnh Tiến, Lê Minh Sơn để rồi dần dần tụt dốc và không còn là món ăn phổ biến trên thị trường nhạc Việt. Chỉ đến khi Hoàng Thùy Linh quyết định phải làm đến nơi đến chốn với nguyên liệu, khán giả mới được thưởng thức những bữa tiệc âm nhạc độc đáo và lôi cuốn.
Qua những sản phẩm đậm chất dân gian đương đại, Hoàng Thùy Linh đã đạt được những thành tựu mà nhiều đồng nghiệp phải thèm khát. Song, cô dường như vẫn chưa thỏa mãn, không ngừng tìm tòi và khai thác những chất liệu mới để làm phong phú sự nghiệp âm nhạc. Thành công của Gieo quẻ, See tình hay sự xuất hiện của Đánh đố là những tín hiệu tốt, cho thấy ca sĩ vẫn dồi dào năng lượng và chưa hề cạn sức sáng tạo.
Điều khiến người nghe thắc mắc là cả ba sản phẩm chưa có sự kết nối. Qua bàn tay của những nhà sản xuất khác nhau, mỗi bài vẫn mang một màu sắc riêng, không hề liên quan. Điều đó khiến cho định hướng mà Hoàng Thùy Linh theo đuổi trong album sắp tới vẫn là một ẩn số. Song, chất liệu dân gian chắc hẳn vẫn là màu không thể thiếu trong các sản phẩm âm nhạc của cô.
* Bài viết độc quyền cho L’Officiel Vietnam.
Thông tin về sự nghiệp Hoàng Thùy Linh:
- Cả ba album Hoàng Thùy Linh phát hành đều theo đuổi phong cách dance-pop trẻ trung, sôi động. Riêng Hoàng đậm màu dân gian đương đại hơn cả.
- Năm 2022, Hoàng Thùy Linh ra mắt album phòng thu thứ 4 tên LINK, đánh dấu sự trở lại sau ba năm kể từ album Hoàng (2019).