'Black Coal, Thin Ice' - Bạch Nhật Diễm Hỏa của Điêu Diệc Nam
/

‘Black Coal, Thin Ice’ – Dấu ấn noir của Điêu Diệc Nam

Bắt đầu
12 phút đọc

Phim Back Coal Thin Ice (Bạch nhật diễm hỏa) mang đến làn gió mới cho dòng phim noir Trung Quốc, tiếp tục chứng tỏ Điêu Diệc Nam là cái tên khán giả cần phải ghi nhớ.


*Bài review phim Black Coal Thin Ice (Bạch nhật diễm hỏa) tiết lộ nội dung tác phẩm.

Trồi lên giữa lớp đất đá nâu đen là vật gì đó màu trắng, chỉ chừa đủ chỗ để một mảnh vải nhỏ lất phất bay trong gió. Khung hình đang rung lắc bỗng chốc tối sầm rồi lại chuyển vàng.

Máy quay dịch chuyển từ cận cảnh phía dưới, dần nâng lên thành toàn cảnh phía xa, cho biết góc nhìn được đặt trên một chiếc xe tải chất đầy than đá đang tiến vào đường hầm. Những cảnh sau đó tiếp tục lần theo hành trình của vật thể bí ẩn. Nó được trút xuống mỏ than, bị máy xúc nuốt chửng, theo đường băng chuyền tiến vào nhà máy, cho đến khi có người phát hiện và báo cảnh sát…

Đẳng cấp Gấu Vàng Berlin

Không khó hiểu vì sao phim Black Coal Thin Ice (Bạch Nhật Diễm Hoả) đoạt cú đúp tại LHP Berlin 2014 với giải Gấu Vàng cho “Phim xuất sắc” và Gấu Bạc cho “Nam chính xuất sắc” (Liêu Phàm). Trung thành với thể loại neo-noir (phim đen hiện đại) và phong cách tối giản, phim giữ nhịp điệu chậm rãi đến nghẹt thở.

Như nhiều tác phẩm cùng dòng, phim Black Coal Thin Ice bắt đầu bằng một vụ giết người: vật màu trắng kia hoá ra là một túi bọc vải, bên trong đựng một bàn tay bị chặt đứt.

Giống nhiều tác phẩm neo-noir, phim Black Coal Thin Ice bắt đầu bằng một vụ án mạng.
Giống nhiều tác phẩm neo-noir, phim Black Coal Thin Ice bắt đầu bằng một vụ án mạng.

Thủ phạm sau khi giết người tìm cách phi tang cái xác. Gã chia nó ra thành nhiều mảnh rồi ném mỗi thứ một nơi rải rác khắp các mỏ than trong tỉnh. Sự việc gây chấn động cả vùng Hắc Long Giang. Dân chúng sợ hãi không một ai dám đi làm. Đến viên cảnh sát có mặt tại hiện trường cũng phải thừa nhận: “Đây là vụ khủng khiếp nhất tôi từng thấy”.

Hẳn vì vậy mà khi vụ án xảy ra năm 1999, người ta không tìm được hung thủ. Nghi phạm duy nhất đã bị giết trong quá trình điều tra, kéo theo cái chết của hai viên cảnh sát. Mãi đến tận năm năm sau – năm 2004 – khi có thêm hai cái xác nữa được tìm thấy, hồ sơ vụ án mới được lật lại.

Chuyện phim Black Coal, Thin Ice không tạo đột phá so với thể loại. Thậm chí, biên kịch kiêm đạo diễn Điêu Diệc Nam còn cố tình cài cắm những yếu tố kinh điển trong phim noir Mỹ để dẫn dắt câu chuyện.

Nhân vật chính Zhang Zili (Liêu Phàm) là hình mẫu tiêu biểu cho dòng phim: một cựu cảnh sát nghiện rượu đã ly dị vợ. Giống nhân vật Jack trong Chinatown (1974), Frank trong Sea of Love (1989) hay Nick trong Basic Instinct (1992), Zhang cũng nhanh chóng rơi vào vòng xoay tình ái với nữ đối tượng trong vụ án.

Khi đó, Quế Luân Mỹ xuất hiện với vai Wu Zhizhen – vợ nạn nhân trong vụ giết người năm xưa. Cô hiện đang làm nhân viên cho một cửa hiệu giặt ủi nhỏ trong thị trấn, đồng thời cũng là người có liên quan đến cái chết của những gã đàn ông trong phim.

Phong cách làm phim tối giản

Dù không theo thể loại neo-noir, hai phim trước của Điêu Diệc Nam đều đề cập chủ đề tội phạm (crime). Nhân vật chính trong Uniform (2003) là một thanh niên hành nghề giặt ủi, sử dụng đồng phục của khách hàng để giả dạng làm cảnh sát giao thông. Night Train (2007) lại kể về một nữ cán bộ trại giam, vô tình vướng phải “mối quan hệ nguy hiểm” với chồng cũ của một tử tù.

Quế Luân Mỹ vào vai nữ chính trong phim Black Coal Thin Ice (Bạch nhật diễm hỏa)
Quế Luân Mỹ vào vai nữ chính trong phim Black Coal Thin Ice (Bạch nhật diễm hỏa)

Nếu nói về phong cách, Black Coal Thin Ice mất đi sự thô ráp của hai tác phẩm đầu. Bù lại, Điêu Diệc Nam sử dụng nhiều cú máy dài (long take) với cách di chuyển mượt mà, uyển chuyển như những điệu valse. Anh kết hợp âm nhạc cổ điển phương Tây tạo nên vẻ bồng bềnh, lãng đãng cho từng thước phim.

Tuy nhiên, cái không khí tĩnh lặng đến cô đặc trong Night Train vẫn được giữ nguyên ở tác phẩm này. Trùng hợp là cả hai đều lấy bối cảnh mùa đông tại những thị trấn nhỏ miền Bắc Trung Quốc.

Có ai ngờ được chốn tưởng chừng bình yên lại là nơi diễn ra hàng loạt vụ ám sát thảm khốc? Những con đường trải đầy tuyết trắng, xung quanh không một bóng người. Mỗi khung cảnh phủ lên nỗi sợ hãi vô hình xuyên suốt phim, gợi nhớ tuyệt phẩm Fargo (1996) của anh em nhà Coen – những đạo diễn mà Điêu Diệc Nam thừa nhận có ảnh hưởng.

Nhìn lại con đường Điêu Diệc Nam chọn có nhiều điểm tương đồng với Giả Chương Kha. Cả hai đều là những đạo diễn đi theo trường phái tối giản (minimalism), đã và đang có những bước chuyển nhất định trong phong cách làm phim.

Nếu Điêu Diệc Nam mất tám năm để chuẩn bị kịch bản phim Black Coal Thin Ice, Giả Chương Kha vừa kịp trở lại sau năm năm vắng bóng với A Touch Of Sin ra mắt tại Cannes năm ngoái. Hai bộ phim đều thể hiện sự cách tân trong phong cách của họ Giả lẫn họ Điêu, dù là về đề tài hay thể loại.

Đặc biệt, sự xuất hiện của yếu tố bạo lực là điểm đáng chú ý. Trong khi Giả Chương Kha chủ ý tô đậm bạo lực, những cảnh chém giết, bắn nhau trong phim Black Coal Thin Ice của Điêu Diệc Nam chỉ đóng vai trò thứ yếu. Bởi lẽ, phần lớn các cảnh quay hướng đến cái đẹp và sự lãng mạn nhiều hơn là muốn lột trần sự xấu xa, tàn bạo.

Đây là điểm then chốt, vừa là thành công cũng là thất bại của bộ phim. Dù thuộc thể loại neo-noir, kịch bản Black Coal Thin Ice không đặt ra những bài toán hóc búa khiến người xem phải vắt óc suy đoán. Thay vì xoáy sâu vào con đường truy tìm hung thủ, đạo diễn lại muốn người xem chú ý đến mối quan hệ giữa các nhân vật.

Theo đó, phần đầu phim đi theo đúng trình tự của một bộ phim trinh thám, tội phạm điển hình: án mạng xảy ra, hai nhân vật chính gặp nhau, và yêu nhau. Nhưng sau khi câu chuyện đi được một nửa, Điêu Diệc Nam thay đổi mạch phim bằng cách tiết lộ chân tướng thủ phạm thực sự – kẻ ra tay sát hại những người đàn ông rồi ném xác xuống xe chở than đá.

Càng về sau, anh lại cố gắng tạo ra sự phản cao trào (anti-climax) để bẻ gãy con đường mình chọn ban đầu. Do đó, Black Coal Thin Ice không phải cuốn phim dành để suy luận phá án, mà để người xem đắm chìm vào nó, để hít thở tiết trời cuối đông lạnh lẽo đến tê người.

Than đốt ban ngày, pháo hoa diễm lệ

Nhan đề tiếng Anh Black Coal Thin Ice mang ý nghĩa khác hẳn tên gốc tiếng Trung – Bai Ri Yan Huo (Bạch nhật diễm hoả) dù cả ba hình ảnh – than đen, băng đá và pháo hoa – đều lần lượt xuất hiện trong phim.

Theo đạo diễn, hai nhan đề khi sóng đôi với nhau có dụng ý làm nổi bật ý đồ tác phẩm: thể hiện ranh giới mong manh giữa thực và ảo.

Trong phim, “than” là nơi thi thể nạn nhân được tìm thấy, “băng” ám chỉ nơi án mạng xảy ra, còn “pháo hoa ban ngày” lại là hình ảnh chỉ xuất hiện ở những phút cuối cùng – một thứ hiếm hoi xảy ra trong đời thực. Hai tên gọi ghép lại như “hai mặt của một đồng tiền.” Trong đen có trắng, trong trắng có đen.

Âu cũng là một quan niệm cũ, nhưng Điêu Diệc Nam đã rất khôn khéo khi lựa chọn những chi tiết đắt giá để làm đậm nét cho câu chuyện. Chẳng hạn, hình ảnh chiếc giày trượt tuyết vừa là cầu nối để hai nhân vật chính xích lại gần nhau, lại vừa là thứ hung khí giết người tàn bạo.

Hai nhân vật chính trong phim Black Coal Thin Ice dần xích lại gần nhau theo thời gian.
Hai nhân vật chính trong phim Black Coal Thin Ice dần xích lại gần nhau theo thời gian.

Cái hay của bộ phim là luôn tạo sự cân bằng giữa hai thái cực chông chênh tương phản nhau. Thứ khởi nguồn của bạo lực cũng chính là xuất phát điểm cho một cuộc tình đầy đau thương, không tìm ra lối thoát.

Khán giả phương tây hẳn sẽ thích Black Coal, Thin Ice (mà giải Gấu Vàng Berlin là một minh chứng). Bởi lẽ, với họ neo-noir Châu Á vẫn là một món ăn còn khá mới lạ.

Song, cũng có thể thấy rõ Điêu Diệc Nam hoàn toàn muốn đi ngược thể loại bằng sự phản cao trào trong phim. Điều bí ẩn của câu chuyện không phải kẻ thủ ác, mà lại chính là người đi tìm công lý. Anh ta đang nghĩ gì ở trong đầu?

Cảnh cuối cũng là cảnh đẹp và ấn tượng nhất trong phim. Zhang leo lên nóc sân thượng một mình, đốt thuốc lá và bắn pháo hoa. Những bông hoa lửa nổ lộp bộp trên nền tuyết trắng, rồi bay tung toé giữa nền trời xanh thẳm. Khói trời rực rỡ hẳn là đây, nhưng mấy ai hiểu thấu cho nỗi lòng người đốt pháo?

Vui hay buồn, đắng cay hay hạnh phúc. Anh đốt pháo để ăn mừng, để tiễn biệt, hay đơn giản chỉ là để thay cho ba từ ngắn ngủi nhưng khó nói nên lời: anh yêu em.


Đánh giá: **** (4/5)


Thông tin phim Black Coal Thin Ice (Bạch nhật diễm hỏa):
  • Cảnh con ngựa xuất hiện tại đồn cảnh sát trong phim cũng là ám chỉ đến cảnh sát Mỹ khi cưỡi ngựa tuần tra.
  • Bản dựng đầu tiên của phim Black Coal Thin Ice (Bạch nhật diễm hỏa) dài 210 phút.

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

1 Comment

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

Pleiku Phố

Tiếp theo

‘Maps to the Stars’ – Đằng sau ánh hào quang

Latest from Điện ảnh