Bài review phim "A Touch of Sin" của Giả Chương Kha.
/

‘A Touch Of Sin’: Chạm đáy tội ác

Bắt đầu
12 phút đọc

“A Touch Of Sin” của Giả Chương Kha mượn nhan đề từ phim võ thuật kinh điểm “A Touch Of Zen”, từ đó bóc trần xã hội Trung Quốc rối rắm.


Chiếc xe tải nằm lật nhào giữa sườn núi, những quả táo đổ ra lăn lóc trên mặt đường, tạo thành một vũng máu đỏ tươi. Cách đó vài cây số, một người đàn ông chạy mô tô bị ba thanh niên từ đâu xông ra chặn đường.

“Bọn tao muốn tiền của mày”, tên cầm đầu vừa nói vừa quay rìu trên tay đe dọa. Thay vì đưa tiền, gã đàn ông tặng cho mỗi đứa một phát đạn, và máu tiếp tục chảy.

Trong A Touch Of Sin, Giả Chương Kha một lần nữa “chạm” đến những góc khuất của xã hội Trung Quốc đương thời, bằng một phương thức bạo liệt chưa từng có trong phong cách làm phim. Tác phẩm bắt đầu bằng máu, tiếp nối bằng máu, và kết thúc bằng rất nhiều máu.

Sự trở lại của Giả Chương Kha

Kể từ 24 City (2008), sự nghiệp của Giả Chương Kha có vẻ chững lại và khá im ắng. Anh không tham gia thực hiện một dự án điện ảnh nào khác, ngoại trừ bộ phim tài liệu I Wish I Knew (2010) lấy đề tài lịch sử Thượng Hải. Trở lại sau năm năm, đạo diễn khiến người xem phải sững sờ bởi một thần thái hoàn toàn khác biệt.

A Touch Of Sin dùng bạo lực làm ngòi nổ, đồng thời dựa vào bạo lực giải quyết mọi vấn đề. Tương tự Still Life (2006), bộ phim lồng ghép giữa bốn câu chuyện của bốn nhân vật khác nhau, tưởng không liên quan nhưng đều có điểm chung: họ đều bị xã hội bỏ rơi, hoặc dồn đến bờ vực thẳm, không còn cách nào khác đành phải buông mình rơi vào vòng xoáy của tội ác.

"A Touch of Sin" đánh dấu sự trở lại của Giả Chương Kha.
“A Touch of Sin” đánh dấu sự trở lại của Giả Chương Kha.

Trong phim, khoảng cách giữa hai giai cấp giàu, nghèo bị kéo căng hết mức có thể. Nhân vật chính của câu chuyện đầu tiên là Đại Hải (do Khương Vũ đóng), người đàn ông trung niên trú tại một ngôi làng nghèo khó làm nghề khai thác than. Trong khi mọi người trong làng phải sống chật vật từng ngày, trưởng làng lại câu kết với doanh nhân Jiao Shengli, bòn rút tiền của dân làng để mua xế hộp về trưng trong nhà.

Cảm thấy bất bình, Đại Hải đã tự mình viết đơn kiến nghị lên ủy ban, đồng thời kêu gọi mọi người vạch trần sự thật này, nhưng chẳng ai chịu nghe mà trái lại còn nhạo báng anh. Họ thà đến mua vui cho Jiao để đổi lấy một bao gạo còn hơn chuốc vạ vào thân. Không đâu xa, chính Đại Hải khi tìm cách nói lý lẽ với Jiao thì liền bị đàn em của hắn dùng xẻng đập vào đầu đến mức phải nhập viện.

Đại Hải là người duy nhất dám đứng ra lên tiếng chống lại Jiao, nhưng Giả Chương Kha không chủ định xây dựng nhân vật này như một anh hùng thực thụ.

Tên gốc của phim trong tiếng Hoa là “Thiên chủ định”, hàm nghĩa rằng vận mệnh mỗi con người là do ý trời sắp đặt. Thực tế, Đại Hải và Jiao Shengli là những người bạn học cùng lớp, cả hai đều xem tiền bạc là quan trọng nhất trong cuộc đời.

Song, nếu một kẻ trở nên giàu có nhờ những đồng tiền bất chính, kẻ kia vẫn phải chịu cảnh cơ cực một mình không vợ con, dù đã bước qua tuổi xế chiều. Thậm chí hành động của Đại Hải cũng không hẳn là để đại diện cho dân làng đòi lại công lý, mà xuất phát từ nhiều động cơ, bao gồm cả trả thù lẫn trút bỏ cơn giận, cuối cùng cũng chỉ là dùng cái ác để trừng trị cái ác.

YouTube player
Trailer phim “A Touch of Sin” của Giả Chương Kha.

Phải chăng sự nghèo đói về tiền bạc lẫn học thức là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực diễn ra hàng ngày?

Không hẳn. Giả Chương Kha dần dần dịch chuyển bối cảnh phim từ vùng nông thôn ra đến thành phố hiện đại, cho thấy rằng bạo lực có thể diễn ra ở khắp mọi nơi.

Bám sát ý tưởng “thiên định”, anh đặt vận mệnh của các nhân vật chính ứng với bốn con giáp trong lịch Trung Quốc, theo thứ tự bao gồm: dần (hổ), sửu (trâu), tỵ (rắn) và dậu (gà).

Đến câu chuyện thứ hai, người xem gặp lại gã sát nhân ở đầu phim, đang trên đường về quê dự đại lễ mừng thọ mẹ. Hắn tên là Sơn Nhi (do Vương Bảo Cường đóng), một gã ăn cướp chuyên nghiệp, vì đồng tiền mà sẵn sàng tước đi mạng sống của người khác.

Trong khi đó, Tiểu Ngọc trong câu chuyện thứ ba do “nàng thơ” Triệu Đào của đạo diễn họ Giả đảm nhận, là một cô gái thôn quê nghèo lên thành phố làm nghề tiếp tân tại một nhà tắm sauna. Cô yêu một người đàn ông đã có vợ, nhưng hình như hắn cũng chỉ muốn vui đùa với cô, thay vì xác định một mối quan hệ nghiêm túc.

Những linh hồn lạc lối

Các nhân vật trong A Touch Of Sin cũng không khác Still Life hay hầu hết các tác phẩm trước của Giả Chương Kha, đều là những “linh hồn lạc lối” lang thang trên đường đời. Ở một xã hội thiếu vắng công lý, bản thân họ cũng không biết mình đang tìm kiếm điều gì.

Lồng giữa mỗi câu chuyện là những cú máy dài (long take) đặc trưng trong phong cách của đạo diễn, nhưng luôn luôn có một cú máy dài giữ vai trò chủ chốt, thiết lập bầu không khí căng thẳng, đẩy kịch tính phim lên cao trào. Chẳng hạn như trường hợp của Tiểu Ngọc, vì không không chịu “phục vụ” khách hàng theo yêu cầu mà bị hắn tát lia lịa vào mặt.

Trường đoạn gợi nhớ cảnh người đàn ông tra tấn ngựa trong câu chuyện của Đại Hải, nhưng thực ra đã từng được Giả Chương Kha sử dụng cách đây mười năm trong Unknow pleasures (2002). Nếu nhân vật Xảo Xảo của bộ phim trước chỉ biết nhẫn nhục chịu đựng khi bị bạn trai đánh, giờ đây Tiểu Ngọc đã có sự phản kháng nhất định, song cũng chẳng giải quyết được gì mà càng khiến cho số phận cô trở nên tăm tối.

Cảnh bạo lực trong "A Touch of Sin" của Giả Chương Kha.
Cảnh bạo lực trong “A Touch of Sin” của Giả Chương Kha.

Câu chuyện cuối cùng của A Touch Of Sin cũng tiếp nối mạch tư tưởng của Unknow pleasures, nhưng thay vì thế hệ 8x thì bây giờ là 9x. Nội dung xoay quanh mối quan hệ giữa Tiểu Huy (do La Lam Sơn đóng), một cậu thanh niên vừa nghỉ việc công nhân ở nhà máy, và cô gái mới quen tại chỗ làm mới.

Trái với ba nhân vật ở trên, Giả Chương Kha để cho Tiểu Huy lựa chọn một con đường hoàn toàn khác. Cái cách cậu đi đến quyết định cuối cùng cũng điềm tĩnh đến lạ thường, nhưng đó lại là kết quả của một quá trình dồn nén nội tâm hết sức dai dẳng. Bị bạn bè đuổi đánh, người yêu chối bỏ, ngay cả mẹ ruột cũng không tin tưởng, Tiểu Huy đi từ nơi này đến nơi khác để tìm việc làm, nhưng dường như chẳng có nơi nào thích hợp để anh tồn tại.

A Touch Of Sin thực sự là một bộ phim gây sốc. Nó không chỉ đánh dấu một cuộc lột xác ngoạn mục của Giả Chương Kha, mà còn dũng cảm “động chạm” đến những vấn đề nhức nhối trong xã hội Trung Quốc, một đất nước hết sức hà khắc ngay cả với việc kiểm duyệt phim.

Bốn câu chuyện được đạo diễn lựa chọn, cũng chính là bốn sự kiện có thật từng gây chấn động trong khoảng thời gian từ năm 2001 đến tận 2013, khi phim đang trong quá trình thực hiện. Thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 quả thật là một giai đoạn kinh hoàng đối với những người dân nghèo ở Trung Quốc. Đúng như tên phim, số phận của họ được định đoạt trước, không còn cách nào thay đổi.

Cảnh quay trong phim lột trần xã hội đen tối.
Cảnh quay trong phim lột trần xã hội đen tối.

Cảnh quay cuối cùng, khi người diễn viên kinh kịch đặt ra câu hỏi: “Ngươi có hiểu được tội lỗi của mình chưa?”, Giả Chương Kha ngay lập tức xoay ống kính vào mặt toàn bộ những người dân làng.

Hình như trong mỗi người chúng ta, ai cũng mang tội lỗi, chỉ là nhận ra được hay chưa. Một khẩu súng có thể cướp đi sinh mạng một người, nhưng dưới đôi mắt của trẻ thơ, lại là thứ công cụ kỳ lạ phát ra pháo hoa rực rỡ.


Đánh giá: **** (4/5)


Thông tin bên lề:
A Touch Of Sin thắng giải Kịch bản xuất sắc nhất tại liên hoan phim Cannes 2013.
– Tên gọi tiếng Anh bắt nguồn từ bộ phim võ thuật A Touch of Zen (1971), những cảnh hành động trong phim cũng mang nhiều màu sắc võ hiệp và xã hội đen.
– Đạo diễn Giả Chương Kha đóng một vai phụ trong câu chuyện của Tiểu Huy, là người khách mặc vest đen vừa hút thuốc vừa gọi điện thoại.

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

Trước đó

‘The Grand Budapest Hotel’ – Thế giới sinh động của Wes Anderson

Tiếp theo

‘Địa đàng 2’: Nguyên Hà ru ta vào những dịu dàng

Latest from Điện ảnh