/

‘Nocturnal Animals’: Ám ảnh ‘thú ăn đêm’

Bắt đầu
12 phút đọc

Nocturnal Animals, tác phẩm điện ảnh thứ hai gắn mác Tom Ford là câu chuyện về tình yêu và sự lừa dối, mất mát và lòng thù hận. Hơn hết, bộ phim còn đại diện cho chủ nghĩa hiện sinh khi lựa chọn chủ đề “lạc lõng trong xã hội” (social alienation).


Không giống như nhiều nhà làm phim khác, Tom Ford bước chân vào thế giới điện ảnh khi bản thân đã là một tên tuổi lẫy lừng. Song, cái mác nhà thiết kế thời trang danh tiếng cũng khiến ông phải hứng chịu không ít sự hoài nghi khi ra mắt bộ phim đầu tay của mình. Vì thế, thành công của A Single Man (2009) đã đem lại cho cả thế giới một cái nhìn khác hoàn toàn về Tom Ford, cũng như xóa bỏ định kiến về việc giới thời trang chuyển sang làm điện ảnh. Sự trở lại lần này của Tom Ford sau tận 7 năm vắng bóng với Nocturnal Animals (tạm dịch: Mãnh thú trong đêm) lại tiếp tục đặt ra một câu hỏi: liệu ông có đem đến cho điện ảnh điều gì mới mẻ, hay rốt cuộc cũng chỉ là một “one-hit wonder”?

Sự trở lại của một đạo diễn duy mỹ

Được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết Tony and Susan (1993) của Austin Wright, Nocturnal Animals tiếp tục xoáy sâu vào những góc khuất phía sau vẻ ngoài hào nhoáng của giới thượng lưu tư bản, chủ đề mà Tom Ford đã khá thành công trong A Single Man. Nhân vật chính của bộ phim là Susan Morrow (Amy Adams), bà chủ của một phòng trưng bày nghệ thuật giàu có ở Los Angeles, người đang đứng bên bờ vực của cuộc hôn nhân sắp sửa đổ vỡ. Ở những cảnh quay đầu tiên, người xem trông thấy Susan lặng lẽ lái chiếc xế hộp tiến vào một căn biệt thự kín cổng cao tường, nơi mà hằng đêm cô vẫn phải chịu cảnh “chăn đơn gối chiếc” trong khi chồng mình thì đang ôm ấp người phụ nữ khác.

nocturnal animal sonphuoc review 2

Chuyện phim tiếp tục khi Susan nhận được bản thảo một cuốn tiểu thuyết mang tên Nocturnal Animals được viết bởi Edward Sheffield (Jake Gyllenhaal), người chồng trước đó và cũng là mối tình đầu của cô. Không sớm cũng chẳng muộn, món quà bất ngờ sau 19 năm không gặp lại trở thành đòn trời giáng xuống cuộc đời vốn đã lắm chông chênh của Susan. Bị ám ảnh bởi câu chuyện của Edward, cô mất ăn mất ngủ hàng đêm liền. Lật mở từng trang sách, những ký ức về cuộc hôn nhân tan vỡ cũng lũ lượt quay trở lại khiến cô không khỏi có một cảm giác rằng, từng câu từng chữ trong sách là lời trách móc sâu cay mà người chồng cũ dành cho mình.

Điều bất ngờ là, những gì mà Edward viết lại không có nhiều liên hệ trực tiếp đến cuộc tình giữa anh và Susan. Trái lại, câu chuyện của cuốn tiểu thuyết đưa người xem đến với vùng West Texas hoang vu giữa màn đêm thinh lặng. Ở đó, Tony Hastings (Jake Gyllenhaal) đang chở người vợ xinh đẹp (Isla Fisher) và cô con gái tuổi vị thành niên đi trên một quốc lộ vắng vẻ trong đêm tối. Hành trình của gia đình anh đã không được suôn sẻ như ý muốn khi họ vô tình chạm mặt một nhóm côn đồ gồm ba thành viên, đứng đầu là Ray Marcus (Aaron Taylor-Johnson). Sự nhu nhược và yếu đuối của Tony đã đẩy vợ và con gái anh vào tay những kẻ lạ mặt trong đêm đen. Phần còn lại của cuốn sách tiếp nối sự kiện ấy, dõi theo hành trình đi tìm công lý của Tony với sự giúp sức của thám tử Bobby Andes (Michael Shannon).

nocturnal animal sonphuoc review 2

So với cuốn tiểu thuyết gốc, phần kịch bản do chính Tom Ford chắp bút đã gọt giũa khá nhiều tình tiết. Vì thế nên dù bộ phim đi theo cấu trúc truyện trong truyện (story within story) nhưng không hề rối rắm mà rất dễ theo dõi. Thực tế, Nocturnal Animals kể lại cho người xem ba tuyến truyện cùng diễn ra song song: tuyến hiện tại về chuyện đời buồn chán của Susan Morrow, tuyến quá khứ về chuyện tình giữa cô với Edward, và tuyến giả tưởng về câu chuyện của Tony trong cuốn tiểu thuyết của Edward. Tương ứng với mỗi tuyến truyện là một chủ đề mà nam đạo diễn muốn cài cắm: sự hối tiếc (regret), sự trả thù (revenge) và tội lỗi (evil).

Phải nói rằng Tom Ford vẫn giữ được lối dẫn truyện quyến rũ của mình từ tác phẩm trước đến tác phẩm này. Ba tuyến truyện trong phim được lồng ghép với nhau nhịp nhàng thông qua những đoạn cắt cảnh hết sức uyển chuyển. Cách sắp đặt của đạo diễn cũng đầy dụng ý. Chẳng hạn như việc lựa chọn Jake Gyllenhaal cho cả hai vai diễn Edward và Tony, hay Amy Adams và Isla Fisher là hai nữ diễn viên vẫn thường xuyên bị nhầm lẫn, phần nào cho thấy những gì mà Susan tưởng tượng trong đầu khi đọc sách đều được gom nhặt từ chính những hình ảnh có thật trong đời của cô.

Có lẽ sẽ hơi dư thừa khi nhận xét phim của Tom Ford đẹp. Nhưng từ phần thiết kế sản xuất, diễn viên cho đến trang phục trong Nocturnal Animals trong đều toát lên một vẻ đẹp rất chỉnh chu. Ngay cả một nhân vật phụ xuất hiện thoáng qua như vai diễn của Jena Malone trong phim cũng được chăm chút như một tín đồ thời trang lâu năm. Giữa hai tuyến thực và ảo cũng có một sự tương phản dữ dội về mặt hình ảnh. Bối cảnh phù hoa ở Los Angeles nơi Susan sinh sống được tô vẽ bằng những mảng màu trắng, xám xanh lạnh lẽo đến vô hồn như chính sự trống rỗng bên trong cô. Ở phía đối diện là vùng West Texas hoang vu, nghèo nàn với những tông màu nóng và rực đến mức ngột ngạt, là nơi khởi nguồn của mọi tội ác.

nocturnal animal sonphuoc review 4

Đáng tiếc, Nocturnal Animals dù đẹp nhưng lại không gây được ấn tượng mạnh về mặt thị giác như những gì mà A Single Man từng thể hiện. Nói cách khác, bộ phim thiếu đi những chi tiết mang tính “signature” (dấu ấn) để người xem nhận biết đây là một tác phẩm của Tom Ford. Có vẻ như trong lần thứ hai ngồi ghế đạo diễn này, nhà thiết kế thời trang không muốn lặp lại chính mình nên đã chấp nhận “lùi một bước, tiến ba bước”. So với bộ phim đầu tay, Nocturnal Animals có phần kịch bản được xây dựng chắc chắn với tâm lý nhân vật phát triển rõ ràng và rành mạch. Tận dụng cấu trúc truyện trong truyện độc đáo, Tom Ford muốn người xem tập trung vào câu truyện giả tưởng của Tony, từ đó làm nổi bật tâm lý của Susan cũng như mối quan hệ trong quá khứ giữa cô và Edward.

Theo thời gian, những chi tiết trong cuốn tiểu thuyết tuy không liên hệ trực tiếp đến Susan nhưng lại soi rọi vào cuộc đời cô như một phép ẩn dụ khéo léo. Ban đầu hai tuyến truyện được xây dựng theo những thể loại khác nhau – phần của Susan thiên về bi kịch (drama); phần của Tony mang màu sắc phim neo-noir xen lẫn rùng rợn (thriller) – nhưng càng về sau không khí của phim gần như hòa làm một. Những ranh giới giữa thực và ảo từ màu sắc khung hình cho đến nhịp phim đều bị xóa nhòa. Đặc biệt, ở những trường đoạn cuối cùng, khi trái tim của Susan cùng chung nhịp đập với Tony, cũng là lúc cái kết trong cuốn sách Edward viết tặng Susan đã linh ứng với chính số phận mà cô đang phải gánh chịu.

nocturnal animal sonphuoc review 3

Dù sinh trưởng tại Texas, nhưng Tom Ford lại tự nhận rằng mình là một con người “yếu đuối”, “nhạy cảm”, hoàn toàn khác biệt so với rất nhiều người ở quê nhà. Chính vì vậy mà chủ đề “cô đơn”, “lạc lõng” (social alienation) thể hiện rất rõ trong tác phẩm lần này của ông. Tương tự như A Single Man, nam đạo diễn thấy được chính bản thân mình khi đọc cuốn tiểu thuyết của Austin Wright, đặc biệt là qua hai nhân vật Susan và Tony. Phần lớn thời lượng phim là khoảnh khắc Susan gậm nhấm nỗi cô độc của mình trong căn biệt thự xa hoa bằng cách đọc sách của chồng cũ. Đó cũng là những cảm giác mà Tony phải trải nghiệm sau khi đánh mất vợ và con gái.

Cảnh giới thiệu mở màn (opening credit) đầy tranh cãi của Nocturnal Animals cũng là một phép ẩn dụ mà Tom Ford muốn đặt ra: đứng nhảy múa chậm rãi giữa khung hình là những người phụ nữ lớn tuổi trần truồng với thân hình quá khổ. Theo ông, những người phụ nữ này là hình ảnh đại diện cho việc từ bỏ tất cả mọi lời đàm tiếu của xã hội để tận hưởng cuộc sống của chính mình. Có thể họ không được nhiều người xem là xinh đẹp nhưng lại luôn giữ được nụ cười hạnh phúc nở rộ trên môi – điều mà xuyên suốt bộ phim nhân vật Susan không hề có. Trái lại, Susan là tượng trưng cho sự hào nhoáng của giới thượng lưu: thành công, xinh đẹp nhưng tâm hồn lại đang chết mòn.

Chuyện gì thực sự đã xảy ra? Đây có lẽ là câu hỏi quen thuộc mà khán giả thường đặt ra sau khi xem mỗi bộ phim của David Lynch. Vẫn còn một khoảng cách rất xa để có thể đặt Tom Ford cùng tầm với những bậc tiền bối. Tuy nhiên, với những cố gắng trong tác phẩm điện ảnh thứ hai, Tom Ford đã thành công trong việc vượt qua chính mình để thực hiện một điều gì đó “to lớn hơn”, như lời ông chia sẻ.


Đánh giá: ***½ (3.5/5)


Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

‘Elle’ – Quyền lực đàn bà trước những cám dỗ

Tiếp theo

Sài Gòn khổ vuông (Saigon in square format)

Latest from Điện ảnh