Nếu xem “Trời còn mưa mãi” là một bộ phim thì Hoàng Bách đã may mắn có trong tay phần kịch bản độc đáo. Thế nhưng, một kịch bản độc đáo chưa hẳn đã làm nên bộ phim hay!
Cơn mưa tình yêu đổ mãi khôn nguôi
Cần có một lời khen ngợi dành cho đội ngũ biên tập của đĩa nhạc. Mười một ca khúc trong “Trời còn mưa mãi” đều là những sáng tác hay của âm nhạc Nhật Bản, có giai điệu đẹp, dễ nghe và các bản dịch cũng đã trở nên rất quen thuộc với khán thính giả Việt Nam trong những năm thập niên 90 của thế kỷ trước. Phần sắp xếp các bài hát trong đĩa nhạc cũng hợp lý, tạo thành một câu chuyện có chủ đề xuyên suốt: tình yêu đôi lứa không được trọn vẹn, mong ước hạnh phúc không thành hiện thực.
Đĩa nhạc mở đầu bằng “Khi cô đơn anh gọi tên em”, dịch từ nhạc phẩm nổi tiếng “Kokoro No Tomo” của nữ tác giả Mayumi Itsuwa. Đây có lẽ là khoảnh khắc vui tươi ngắn ngủi duy nhất trong gần 45 phút của đĩa nhạc. Bài hát vẽ ra một không gian mơ mộng đầy lãng mạn và ngọt ngào của đôi lứa khi được ở bên nhau: “Nắng mai tràn về, bướm hoa cười đùa, cùng sánh bước bên nhau dưới con phố dài”. Phần điệp khúc của bài hát lại là lời hứa vững chãi của người đàn ông, nguyện sẽ chung tình đến suốt cuộc đời, khi cô đơn chỉ gọi tên một người, không ai khác ngoài em.
Nhưng cái hạnh phúc mong manh ấy cũng chẳng kéo dài được bao lâu. Ca khúc thứ hai, “Sa mạc tình yêu”, bắt đầu cũng là lúc đôi lứa chia lìa, mỗi người một ngả. Phần còn lại sau đó cũng bám sát, phát triển ý tứ của bài hát: “Một lần yêu phải trăm lần khổ đau”. Vì lẽ đó, nhân vật chính đành ngậm ngùi ra về trong cô đơn. Trên đường về quá xót xa, vô tình nghe tiếng tiêu của ai anh chợt nhớ đến người thương (“Niềm đau chôn dấu”). Khi cơn mưa bắt đầu xuất hiện ở bài hát chủ đề, “Trời còn mưa mãi”, cũng là lúc những kỷ niệm ngày cũ bỗng nhiên ùa về, khiến cho con tim quặn thắt, nỗi lòng tê tái.
Trái lại, hai bài hát cuối, “Giã biệt tình tôi” và “Vòng tay người ấy”, có giai điệu hân hoan, tươi vui hơn hẳn các ca khúc trước. Sau cơn mưa trời lại sáng, giữa những đắng cay, sầu thảm đã có chút le lói niềm tin và hy vọng. Đặc biệt là ca khúc cuối cùng, cũng chính là lời nhắn nhủ dành cho tất cả những ai đều sẽ bước qua ngưỡng cửa của tình yêu: “Tình như giấc mơ, hãy giữ ai ơi cho giấc mơ còn đầy”
Người đàn ông yếu đuối trong tình yêu
Trong toàn bộ đĩa nhạc thì duy chỉ có “Sa mạc tình yêu” là ca khúc song ca duy nhất. Bản gốc vốn là nhạc phẩm “Ai No Shinkiro” của nữ tác giả Mayumi Itsuwa. Bản dịch tiếng Việt do nữ ca sĩ Khúc Lan viết, thể hiện nỗi đau đớn, trăn trở của người con gái nguyện hết lòng vì tình yêu, ngay cả khi bị người tình phụ bạc. Bởi vậy, hình như chưa từng có nam ca sĩ nào thể hiện ca khúc này. Ngay cả trong đĩa “Sa mạc tình yêu” của Thanh Lam và Đàm Vĩnh Hưng làm chung năm 2011 thì hai người cũng không song ca với nhau mà để cho nữ ca sĩ được thể hiện nỗi lòng theo cách riêng của mình.
Trở về bản của Hoàng Bách, anh cùng với Mai Khôi, mỗi người hát một câu, liên tiếp nối nhau như kiểu vấn đáp. Thoạt tiên thì có vẻ sáng tạo nhưng vô tình lại làm cho nội dung của Khúc Lan bị đứt đôi, nghe cụt và hỏng mất ý nghĩa ban đầu. Dù đã có tính toán và sắp xếp nhưng những câu hát của nam ca sĩ vẫn rơi đúng vào đoạn tâm sự của nữ tác giả. Chẳng hạn như câu “vòng tay khát khao bao ân tình”, nếu để cho Mai Khôi hát sẽ hợp hơn, bởi dù gì đây cũng là cử chỉ của người phụ nữ.
Về cách hát, Hoàng Bách nhẩn nha cất từng câu chữ như không có gì phải vội vàng, như thể dửng dưng trước số phận, kết quả có ra sao cũng được. Trái lại, cách hát của Mai Khôi nếu so với Hoàng Bách thì lại quá “quằn quại”. Khi thì cô nhấn mạnh, khi lại kéo dài, cố gắng để tạo kịch tính cho bài hát. Nếu là một cuộc thi thì Mai Khôi sẽ là người chiến thắng. Bởi dù gì đây vẫn là bài hát dành cho nữ, và cô thể hiện được đúng tinh thần của tác giả hơn. Một điều không đáng có bởi vì nhân vật khách mời lẽ ra nên giúp cho giọng ca chính được thăng hoa, thay vì tìm cách lấn át. Nghe bản song ca của hai người, chẳng có gì khó hiểu nếu đôi lứa trong bài hát không thể đến được với nhau.
Tương tự là “Hận tình trong mưa” – chuyển nghĩa từ nhạc phẩm “Koibitoyo” của Mayumi Itsuwa. Ngoài bản dịch của cố nhạc sĩ Phạm Duy do Hoàng Bách thể hiện thì còn có hai bản dịch khác đều mang tên “Người yêu dấu ơi”. Gần gũi thì có nữ ca sĩ Mỹ Tâm, đã từng trình bày ca khúc này trong đĩa “Hoàng hôn thức giấc” phát hành năm 2005 được rất nhiều bạn trẻ yêu thích. Nội dung bài hát của Mayumi Itsuwa là tâm sự của chính cô khi nghe tin người bạn thân vừa mới qua đời. Các bản tiếng Việt dù đã cố gắng dịch sát nghĩa nhưng cũng lái sang thành nỗi cô đơn của người con gái khi thiếu vắng người thương. Tuy nhiên, chính vì giai điệu đẹp và ca từ gần gũi nên bài hát được đông đảo khán giả nam nữ ái mộ. Có lẽ vì thế mà năm 1991, ca sĩ Ngọc Tân, với giọng nam trầm ấm sẵn có, có dịch và trình bày lại bài hát cũng rất thành công.
Riêng bản dịch của nhạc sĩ Phạm Duy thì được rất nhiều ca sĩ, cả nam (Lam Trường, Quang Dũng, Dương Triệu Vũ) lẫn nữ (Lệ Thu, Ngọc Lan, Carol Kim) thể hiện. Tuy nhiên, nếu bám sát về câu chữ thì có thể thấy ông vẫn thay người phụ nữ viết hộ nỗi lòng. Do đó, khi các nam ca sĩ thể hiện bài hát, lại tạo ra cảm giác ủy mị, yếu đuối không nên có. Chẳng hạn như với Hoàng Bách, anh trở thành chàng trai để vụt mất người yêu, chẳng thể làm gì chỉ biết ngồi khóc thầm dưới cơn mưa, không chỉ một lần mà là “đêm đêm khóc lóc như mưa rầm”. Hàng đêm anh vẫn mong chờ người yêu quay trở về để “vuốt mái tóc cho tôi”, để rót cho anh những lời mật ngọt yêu thương dù chỉ là giả dối.
Tương tự, đa phần các ca khúc trong bài hát đều được dịch từ những nhạc phẩm đã được hai ca sĩ nữ nổi tiếng là Mayumi Itsuwa của Nhật Bản và Đặng Lệ Quân của Đài Loan trình bày. Bản dịch tiếng Việt đa phần cũng gắn liền với sự thể hiện của các nữ ca sĩ như Lưu Bích, Ngọc Lan. Nên khi nghe một nam ca sĩ trình bày có phần hơi… chói.
Âm nhạc cũ kỹ, cách xử lý thiếu sáng tạo nên cảm xúc không tròn đầy
Những điểm nêu trên dù sao cũng không phải là điều quá to tát, nếu không phải là người nghe khó tính thì có thể dễ dàng bỏ qua được. Nguyên nhân khiến cho “Trời còn mưa mãi” chưa thể trở thành một “bộ phim” hay là do cách thể hiện của ca sĩ không thực sự xuất sắc và phần hòa âm phối khí cũng không mới, không hấp dẫn người nghe. Chính vì muốn trung thành với nguyên tác nên Hoàng Bách quyết định giữ nguyên các bản phối cũ. Song, điều đó lại khiến cho các bài hát của anh, nếu so với bản gốc, hay của các đàn anh đàn chị trước đó thì quả là một trời một vực.
Đây không phải là lần đầu tiên Hoàng Bách hát nhạc xưa, trước đó anh đã từng thử sức với đĩa “Thoáng mây bay” phát hành năm 2011. Thế nhưng, dường như nam ca sĩ vẫn chưa tìm được cho mình một phong cách riêng biệt đối với dòng nhạc này. Cách anh xử lý các ca khúc vẫn còn hời hợt lắm lắm. Từ đầu đến cuối đĩa nhạc, Hoàng Bách giữ vững một phong cách đều đều nhàm chán. Anh xử lý bài hát nhẹ nhàng, đơn giản, đôi lúc là đơn điệu!
Điều này hơi lạ vì anh vốn cũng là dân nhạc viện, được đào tạo bài bản nhưng đôi chỗ lại hát như thể một người không chuyên! Cách hát này có thể phù hợp với một hoặc hai bài, nhưng nếu dàn trải cả 45 phút của đĩa nhạc sẽ khiến người nghe cảm thấy nhàm chán, thậm chí là mệt mỏi, đặc biệt với phần nội dung vốn đã não nề. Giá như Hoàng Bách biết nắm bắt những khoảnh khắc “đinh” trong từng bài hát để đẩy lên cao trào, hoặc cố gắng luyến láy hơn một chút thì giá trị của đĩa nhạc thực sự sẽ nâng cao.
Thuận lợi và cũng chính là khó khăn của “Trời còn mưa mãi” là tập hợp các ca khúc hay nổi tiếng. Có lẽ những khán giả trẻ sẽ thích đĩa nhạc này. Bởi dù gì nó cũng là một tuyển tập hiếm hoi các nhạc phẩm đáng nghe của Nhật Bản, phần nhiều còn xa lạ với thế hệ bây giờ. Tuy nhiên, đối với những người đã trót yêu mến các ca khúc vốn đã ăn sâu vào tâm trí này, thì đĩa nhạc chưa thể nào chinh phục được. Một nỗ lực đáng ghi nhận nhưng chưa thực sự thành công.