Placeholder Photo
/

‘Upstream Color’ – Phim độc lập hay nhất năm 2013

Bắt đầu
8 phút đọc

Bằng một kịch bản cô đọng với rất ít lời thoại và cũng không nhiều cảnh hành động, Upstream Color (2013) gây ấn tượng bởi cách cách dẫn truyện độc đáo, vừa đơn giản vừa phức tạp. Đây là bộ phim thứ hai Shane Carruth đóng vai trò là đạo diễn, nhưng lại mạnh dạn đảm nhiệm gần như hầu hết những khâu quan trọng khác như sản xuất, biên tập, viết kịch bản, quay phim, làm nhạc và đặc biệt không quên sắm cho mình vai nam chính.

Upstream Color xoay quanh những xáo trộn trong cuộc sống của Kris (do Amy Seimetz đóng), khi cô bất ngờ bị tấn công bởi một kẻ lạ mặt và buộc cô phải nuốt những viên thuốc có chứa giòi ở bên trong. Bằng cách nào đó, con giòi sẽ sống ký sinh trong cơ thể vật chủ và trở thành một công cụ để hắn điều khiển Kris. Trước tiên, hắn giao cho cô làm những công việc hết sức kỳ quặc và vặt vãnh ở nhà, chẳng hạn như uống nước theo quy định, đọc sách rồi chép lại vào giấy và xếp thành những vòng tròn nối với nhau như sợi xích. Cho đến khi đã chắc chắn rằng mình hoàn toàn có thể điều khiển được cô gái, hắn ra lệnh cho cô rút hết tiền trong tài khoản ở ngân hàng, không để lại một xu.

Vấn đề là Kris không hề nhớ gì về kẻ lạ mặt kia lẫn những sự kiện có phần rùng rợn xảy ra sau đó. Tất cả như một giấc mơ mà cô thấy mình tỉnh giấc ngay trong chiếc xe đậu bên lề đường, mình mẩy đầy thương tích, không một xu dính túi và cả việc làm cũ cũng mất. Những gì còn lại trong nhà chỉ là một vũng máu ngay giữa căn bếp và đống bề bộn mà cô cũng chẳng thể nhớ là do mình gây ra. Cuộc đời của Kris lật sang một trang mới khi “tái hòa nhập” với cộng đồng và phải khởi động mọi thứ lại từ đầu. Có điều giờ đây Kris trở thành một cô gái rụt rè, e ngại tiếp xúc với mọi người trong khi vẫn còn hoang mang bởi những gì đã trải qua. Cho đến một ngày Kris tình cờ gặp được Jeff (do Shane Carruth thủ vai) trên xe điện ngầm và yêu anh, thì mọi chuyện mới bắt đầu có tia hy vọng.

Upstream color - son phuoc review

Với nội dung tưởng chừng như đơn giản như vậy, Shane Carruth lại chọn một cách thể hiện có phần gây thách thức người xem. Bộ phim vẫn đi theo trật tự thời gian từ đầu đến cuối nhưng không liền mạch theo kiểu thông thường mà nối với nhau bằng những sự kiện rời rạc giống như những bức ảnh trong một cuốn album. Nhiệm vụ của người xem là phải tập trung, suy đoán và nối chung lại với nhau. Điều đó cũng không dễ dàng khi mà đạo diễn gần như chuyển cảnh liên tục trong cùng một sự kiện, và thậm chí trong cùng một bối cảnh thì góc may vẫn không ngừng thay đổi.

Sẽ chẳng hề kỳ lạ nếu như Upstream Color kết thúc trong sự ngẩn ngơ của khán giả. Shane Carruth gần như tiết chế kịch bản một cách đối đa. Từ đầu đến cuối bộ phim không hề có một lời dẫn truyện nào, ngay cả những lời thoại của các nhân vật cũng hết sức khó hiểu, đôi khi bâng quơ như chẳng hề liên quan gì đến mạch phim. Điều đó đồng nghĩa với việc âm thanh và hình ảnh phải được vận dụng hết công suất trong việc dẫn dắt câu chuyện. Đôi khi ta có cảm giác như đang xem một cuốn phim khoa học hay sinh vật học với cảnh bón cây, chăn lợn, cảnh những con giòi di chuyển. Đôi khi lại hoa mắt với cảnh quay xoay chuyển từ ngày sang đem, từ xe điện ngầm sang xe lửa. Song song với việc biến hóa hình ảnh liên tục thì Shane Carruth vẫn tỏ ra chắc tay khi giữ được những khung hình đẹp và đậm chất nghệ thuật.

Âm nhạc cũng được sử dụng một cách đơn giản nhưng hiệu quả, có thể chỉ là những nốt dương cầm chậm rãi hoặc tiếng keyboard đơn độc vang lên nhưng mang đậm âm hưởng “ambient”. Việc sử dụng rất ít nhạc cụ, có khi chỉ duy nhất một nhạc cụ tạo nên cảm giác cô đơn, lẻ loi giống hệt như những gì các “vật chủ” đang phải trải qua. Họ không biết chuyện gì đang xảy ra với mình và cũng không thể chia sẻ với bất kỳ ai. Bên cạnh đó, Shane Carruth cũng cho ta “no tai” với một bữa tiệc âm thanh khi sử dụng liên tiếp những tiếng động đơn giản trong đời thường để nối liền mạch phim như tiếng kin kít của máy in, tiếng vòi nước chảy, tiếng hòn đá lăn, tiếng lá rơi xào xạc, tiếng chạy của máy may,…

Upstream Color - Sonphuoc review 2

Có thể nhận thấy rằng Upstream Color được chia ra làm ba phân đoạn rõ ràng. Phần đầu là những sự kiện của Kris, phần giữa tập trung vào mối quan hệ giữa Kris và Jeff trong khi phần cuối đi vào hành trình giải mã những bí ẩn đã xảy ra với cô. Lồng ghép giữa một nội dung mang yếu tố kỳ dị, huyền bí và giả tưởng là một câu chuyện không kém phần lãng mạn giữa hai con người luôn mang trong mình những ám ảnh về quá khứ và bí mật cần che dấu. Một trong những cảnh đáng nhớ nhất trong bộ phim là khi Kris và Jeff cùng nhau ngắm nhìn chim bay giữa chiều tà. Anh và cô cứ lặp đi lặp lại câu nói: “Chúng có thể là chim sáo, chúng có thể là chim sáo”.

“Có thể” là những gì mà chính người xem lặp lại nhiều nhất. Khán giả phải tự đặt câu hỏi và tự trả lời. Chuyện gì thực sự đã và đang xảy ra. Đạo diễn phớt lờ và im lặng. Anh rút hết những miếng ghép không cần thiết trong bức tranh và để lại một bài toán mà người xem phải tự tìm ra đáp án. Giống như mối quan hệ giữa Kris và Jeff. Họ gặp nhau, làm quen và yêu nhau, rồi thì có mâu thuẫn, có tranh cãi, chối bỏ nhau rồi lại tìm đến nhau. Một câu chuyện tình “có thể” dài năm tháng nhưng đạo diễn chỉ gói gọn trong vòng năm phút bằng cách kể chuyện rất riêng của mình.

Chín năm sau tác phẩm đầu tay nhận được nhiều lời khen ngợi Primer (2004), giờ đây ta có thể xếp Shane Carruth vào danh sách những đạo diễn có sở thích đấu trí khán giả. Chẳng vì thế mà khi trả lời cho tờ Entertainment Weekly, Steven Soderbergh đã thẳng thắng nhìn nhận Shane như là một “hậu duệ” của James Cameron và đặc biệt, David Lynch.

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

3 Comments

  1. Mình vừa mới xem phim này hôm qua và ám ảnh mãi cho tới bây giờ. Search google thì thấy bài viết của bạn, cứ tưởng ở VN ko có ai xem phim này chứ ^^. Đạo diễn tiết chế một cách tối đa khiến cho khán giả rất khó theo dõi, bản thân mình phải xem tới lần thứ hai mới hiểu chuyện gì đang xảy ra, nhưng nói chung còn khá mơ hồ và có nhiều điều chưa rõ ràng. Tuy vậy mình vẫn bị hút vào bộ phim bởi sự huyền bí và ngôn ngữ tuyệt diệu của hình ảnh và âm thanh. Câu hỏi lớn nhất còn lại của mình là về mối quan hệ giữa Kris và Jeff, có vẻ như đạo diễn muốn để người xem tự trả lời.

  2. […] Tác phẩm thứ hai của Shane Carruth hội tụ rất nhiều điểm cần có của một bộ phim tình cảm ăn khách: diễn viên trẻ đẹp, cảnh quay lãng mạn, âm nhạc ngọt ngào. Thế nhưng, Shane đã biến các yếu tố quen thuộc đó trở thành từng mặt của khối rubik trong trò chơi xếp hình của mình. Nội dung ban đầu có thể hơi khó nắm bắt, nhưng âm nhạc – hình ảnh – diễn xuất liên kết với nhau chặt chẽ. Lần đầu tiên đảm nhận cùng lúc mọi khâu quan trọng (đạo diễn, kịch bản, diễn xuất, sản xuất,…), Shane hoàn toàn thành công trong việc tạo ra một trong những chuyến hành trình thú vị nhất năm. Đọc thêm ở đây. […]

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

Milo Greene – Milo Greene (2012)

Tiếp theo

‘Tuổi 25’ của Lê Cát Trọng Lý

Latest from Điện ảnh