Link mang đến cho khán giả hình ảnh mới về Hoàng Thùy Linh với màu sắc âm nhạc trẻ trung, hiện đại hơn so với dự án Hoàng trước đó.
Có nhiều lý do để Hoàng Thùy Linh tự tin giới thiệu album phòng thu thứ 4 Link. Sự ủng hộ từ phía khán giả, kinh nghiệm thực hiện 3 album đầu, chưa kể ê-kíp vẫn là những cộng sự thân thiết giúp cô gặt hái thành công với Hoàng – dự án từng gây chấn động làng nhạc Việt khi ra mắt năm 2019.
Một số ý kiến cho rằng Hoàng sẽ là cái quá bóng lớn trong sự nghiệp nữ ca sĩ sinh năm 1988. Thực tế, cả ba sản phẩm phát hành trước album Link đều cho thấy tín hiệu khác.
Gieo quẻ, See tình, Đánh đố lần lượt tạo tiếng vang. Mỗi bài mang một màu sắc khác nhau, chứng tỏ Hoàng Thùy Linh và ê-kíp không muốn lặp lại chính mình cũng chẳng chạy theo thị hiếu khán giả. Thay vì cập nhật xu hướng, họ trở thành những người đi trước đón đầu để tạo xu hướng.
Ngôn ngữ Gen Z
So với Hoàng, album Link có thời lượng dài hơn (30 phút 32 giây), số lượng ca khúc cũng vượt trội (9 bài). Cấu trúc đóng, mở bằng intro – outro bị phá vỡ. Đổi lại, album được chia làm hai phần, ngăn cách ở giữa là một sáng tác có cái tên gây chú ý: Không một bài hát nào có thể diễn tả cảm xúc của em lúc này (ft. Thanh Bùi).
Giống See tình, nhan đề album Link là một cách chơi chữ. Nó vừa ám chỉ tên ca sĩ, vừa thể hiện ý nghĩa tiếng Anh: Liên kết hay kết nối.
Từ cách đặt tên album đến loạt bài hát cho thấy ca sĩ không chỉ bay nhảy với âm nhạc mà còn chơi đùa với câu chữ. Trước đó, Hoàng cũng được đánh giá cao ở phần ca từ. Các sáng tác trong album liên tục sử dụng điển tích, hình ảnh văn học hoặc ca dao tục ngữ để dẫn dắt câu chuyện.
Những yếu tố đó vẫn được giữ nguyên trong album Link nhưng ở mức độ tiết chế. Thay vào đó, ngôn ngữ sử dụng trẻ trung hơn, hợp thời hơn, “Gen Z” hơn. Lời hát có thể đan xen giữa tiếng Anh và tiếng Việt, điển hình như câu “xin em đừng turn away” (Bắt vía) hay “tình yêu không cần flashy nhưng đừng flash sale” (Trưởng nữ chạy trốn).
Ca từ cũng có thể là những con chữ được giới trẻ ưa dùng hoặc phổ biến trên mạng xã hội (“chốt đơn”, “cho anh bơi”, “úi xời”). Đôi lúc, bài hát khiến người nghe nhạc nhiên với những hình ảnh lạ, chẳng hạn ly trà đá mà “nóng hơn tô bún cá” (Bắt vía), hay trái tim giống “cây gỗ vì hơi lắm mối” (Trưởng nữ chạy trốn).
Cách sử dụng ngôn ngữ tương đối đa dạng. Có khi là thủ pháp nói lái (buông lơi – bơi luôn, bá nhàn – bán nhà), khi lại là từ đồng âm khác nghĩa (nhà thương – để thương).
Các yếu tố văn hóa truyền thống được lồng ghép khéo léo, không gượng ép, dù là tín ngưỡng bấm quẻ hay trò chơi phỏm, là câu nói “bo xì bo xì” hay câu hát mang âm hưởng “tình tính tang là tang tính tình” – vốn quen thuộc trong những bài dân ca ba miền từ Nam Bộ (Lý Đất Giồng), Trung Bộ (Lý Tình Tang) đến Quan họ Bắc Ninh (Cò Lả).
Vì được giới thiệu trước, hai ca khúc mở đầu – Gieo quẻ và See tình – không tạo được nhiều bất ngờ. Thế nhưng, cả hai đều là minh chứng rõ ràng cho tinh thần chơi chữ của ê-kíp trong album.
Gieo quẻ – Khắc Hưng sáng tác – kể chuyện xem bói đầu năm nhưng lại ẩn ý chuyện tình duyên. Lời hát đặt góc nhìn của một người đang nhắn nhủ với thầy bói. Cô thắc mắc hàng loạt vấn đề từ kinh tế, công danh, sự nghiệp đến tấm visa hết hạn. Duy chỉ có tình yêu là bị phớt lờ.
Mượn đề tài bấm quẻ, sáng tác muốn làm nổi bật câu hát cuối cùng: “Tình yêu đến không mong cầu / Rồi mai có khi dài lâu”. Đó cũng là điều nhân vật tự rút ra và xác định từ trước, không cần lời khuyên của bất kỳ ai.
Bài hát thứ hai See tình – DTAP sáng tác – nối tiếp tư tưởng “gặp nhau có duyên không hẹn tự nhiên ý hợp tâm đầu”. Tên bài vừa có nghĩa là “thấy tình” lại vừa là “si tình”. Nội dung thuật lại lời cô gái tâm sự khi bị chàng trai “hớp hồn” ngay từ lần đầu tiên. “Anh như tia cực hiếm xuyên ngay vào tim” hay “đem ngay vô nhà thương, đem ngay vô nhà anh để thương” là những câu ấn tượng nhất cả bài.
Âm nhạc “kết nối”
Như tên gọi, album Link tiếp tục mở rộng con đường Hoàng Thùy Linh lựa chọn: Tìm cách dung hòa hai yếu tố “dân gian” và “đương đại”.
Giữ vai trò sản xuất âm nhạc chủ yếu vẫn là DTAP – bộ ba từng giúp Hoàng thành công. Ngoài ra còn có Khắc Hưng (Gieo quẻ), Triple D (Đánh đố), Mew Amazing (Bắt vía),…
Công thức như cũ, ê-kíp gắn các nhạc cụ dân tộc vào các bản phối điện tử hiện đại. Nhưng các nhạc sĩ không quá đặt nặng yếu tố “dân gian” mà đôi lúc, họ sẵn sàng để cho phần “đương đại” lất lướt.
Đơn cử là See tình, hoàn toàn có thể “xuất khẩu” ra quốc tế với chất nhạc dance-pop hợp thời, giai điệu bắt tai, phần hook (câu nhấn) gây nghiện. Thực tế cho thấy, ca khúc cũng “gây bão” trên mạng xã hội suốt một thời gian dài, được nhiều khán giả ngoại quốc đón nhận nồng nhiệt.
Với mong muốn album mang hơi thở mới, tiệm cận các dòng chảy âm nhạc thế giới, nhóm sản xuất tìm sự giao thoa giữa EDM, hiphop, synthwave lẫn nhạc giao hưởng,… rồi trộn tất cả vào nhau trong nửa tiếng đồng hồ.
Sự kết nối còn được thể hiện ở việc cô mời hàng loạt khách mời không phân biệt tiêu chuẩn, từ “cây đa cây đề” như Thanh Lam – Tùng Dương, tân binh Gen Z Wren Evans, rapper đang được yêu thích Đen Vâu, cho đến một gương mặt vắng bóng khá lâu trên thị trường âm nhạc là Thanh Bùi.
Ngoại trừ Đen Vâu (Gieo quẻ), Hoàng Thùy Linh luôn nhún nhường để hòa hợp với các đồng nghiệp trong mỗi ca khúc. Thậm chí, cô sẵn sàng nương theo khách mời, chịu lép vế để giành đất cho họ tỏa sáng.
Điển hình là Bắt Vía – hợp tác Wren Evans và Mew Amazing. Bài hát được phối theo phong cách nu-disco vốn là đặc trưng của giọng ca Gen Z. Dấu ấn âm nhạc Hoàng Thùy Linh chỉ được thể hiện một chút trong tiếng đàn tranh ở đầu bài.
Ca khúc cũng tuân theo cấu trúc quen thuộc mà Wren Evans ưa dùng trong loạt sáng tác gồm Gặp may, Cơn đau, Thích em hơi nhiều,… Khi bài qua 2/3 thời lượng, ca sĩ không hát mà chuyển sang đọc rap để thay đổi không khí trước khi kết thúc.
Nội dung lại có điểm tương đồng See tình, kể về khoảnh khắc người hát gặp phải “tiếng sét ái tình”. Có điều, lần này bộ đôi ca sĩ luân phiên trình bày như đang đối đáp.
Hay Đánh đố – hát cùng Thanh Lam, Tùng Dương – cũng là một thử nghiệm khó khăn. Bởi lẽ, cả hai khách mời đều là những cái tên thừa sức “thổi bay” bất cứ ai hát chung, trong khi Hoàng Thùy Linh lại là ca sĩ không mạnh về giọng hát.
Về cơ bản, ca khúc có màu sắc giống Tứ Phủ vì cả hai đều do Triple D sản xuất. Lồng giữa phần nhạc nặng về dubstep là phần lời đậm màu dân gian đương đại.
Nhóm sáng tác – gồm Hồ Hoài Anh, Ngân Vi và Khánh Ly – cố tình chia nhỏ ca khúc thành từng phần ứng với ba ca sĩ, để ai cũng có đất để thể hiện. Song, giọng Tùng Dương vẫn nổi trội và hoàn toàn “hạ gục” chủ nhà.
Ê-kíp cũng tìm cách bắt cầu nối giữa hai phần trước sau của album – vốn đậm chất dance-pop – bằng một bản ballad R&B ở giữa. Hay nối liền hai ca khúc có cùng thông điệp – See tình và Bắt vía là Lúc có lúc không – tái hiện cảm xúc bất an trong tình yêu khi mà “nửa kia” cứ thoát ẩn thoát hiện.
Gần nhất, album Link là sản phẩm Vpop đầu tiên được đánh giá trên chuyên trang âm nhạc Pitchfork với số điểm 7.2 (chưa tính 2 album nhạc Việt trước đó thuộc thể loại Experimental).
Khi rapper Hoàng Thùy Linh vùng lên
Đặt lên bàn cân, nửa sau của album Link thú vị hơn nửa đầu. Phần vì có nhiều ca khúc mới, phần lại vì Hoàng Thùy Linh chịu thử thách bản thân hơn. Ca sĩ cũng không hát về cảm giác si tình hay yêu từ cái nhìn đầu tiên, mà mở rộng chủ đề sang những nội dung khác.
Trong Bo xì bo, DTAP viết về một mối quan hệ độc hại. Bài hát đặt vấn đề ngay từ câu mở màn: “Trời trong xanh, nhưng thấy anh vẫn cau mày”. Tiếp đó, phiên khúc (verse) lẫn điệp khúc (chorus) đều vẽ nên hình ảnh một người đàn ông có tính cách xấu xí, thường “hay gào”, tìm người yêu mỗi khi say mèm nhưng thực ra “chỉ yêu mỗi anh và mình anh thôi”.
Đứng trước tình huống này, ca sĩ không tránh khỏi cảm giác mệt mỏi. Phương án cô chọn là nói “bo xì” với anh người yêu chưa trưởng thành, tính cách trẻ con.
Ca khúc tiếp theo, Trưởng nữ chạy trốn nối tiếp tư tưởng khi người hát vùng lên, tự nhận mình là nhân vật đột ngột biến mất giữa lễ vu quy, khiến “quan viên hai họ sắp trở nên mất trí”. Hình ảnh gợi nhớ Julia Roberts trong Runaway Bride (1999) nhưng âm nhạc lại có hơi hướm Kpop và một chút nổi loạn của Britney Spears.
Bản phối cũng thuộc hàng phức tạp nhất album, với tiếng trống mở màn lấy mẫu từ giai điệu kinh điển của Here Comes the Bride – ca khúc thường được bật trong đám cưới. Theo DTAP, nhóm còn dùng tiếng mõ trâu để ám chỉ nhân vật trong bài như “con trâu bị dắt mũi”.
Đặc biệt, album Link tạo được sự thú vị khi Hoàng Thùy Linh liên tục biến mình trở thành rapper trong các ca khúc. Ở Bo xì bo, cô dùng hip hop để lật tẩy bộ mặt thật của bạn trai. Trưởng nữ chạy trốn là tuyên ngôn nữ quyền từ một cô gái bước qua tuổi 30: Tình yêu không phải Dior Chanel, em Hermes (chơi chữ “hơi mệt”) chả buồn theo. Ấn tượng nhất là Đánh đố. Hoàng Thùy Linh hoàn toàn tỏa sáng trong đoạn rap sau khi bị các đàn anh đàn chị “đè đầu cưỡi cổ”.
Đây không phải là đầu tiên giọng ca thử sức với hip hop. Trước đó, cô từng hát một vài câu có tiết tấu nhanh, có âm hưởng tương tự trong Để Mị nói cho mà nghe hay Duyên âm. Tuy nhiên, phần rap trong album Link được trau chuốt và đầu tư, trở thành điểm nhấn chính trong bài.
Phần lớp lời rap được viết đơn giản và dễ nghe, chủ yếu theo vần đơn. Hướng đi đúng đắn và có phần thông minh, khiến phần lớn các ca khúc trong Link trở nên phức tạp, đa sắc hơn hẳn Hoàng.
Có nhiều khoảnh khắc thú vị xuyên suốt nửa tiếng thưởng thức album Link. Đó là tiếng đàn nhị réo rắt liên hồi trong Gieo quẻ. Đó là phần điệp khúc bám chặt vào tâm trí người nghe trong See tình. Đó còn là đoạn kết của Bo xì bo, mở đầu của Trưởng nữ chạy trốn hay phần rap trong Đánh đố.
Link là câu trả lời hoàn hảo cho việc âm nhạc Hoàng Thùy Linh sẽ ra sao nếu không có những cô Mị, nàng Kiều hay Tấm. Thông qua album, có thể thấy giọng ca Hà Nội hoàn toàn thoát ly khỏi các hình mẫu kinh điển để trở về với chính mình: Một Hoàng Thùy Linh có cá tính không trộn lẫn.
Đáng tiếc, album vẫn còn đó những điểm trừ khó chối bỏ. Giống Hoàng, tổng thời lượng 9 ca khúc khá ngắn ngủi, chưa đủ “nặng đô” để tạo ấn tượng mạnh.
Trái ngược nhan đề album Link, các ca khúc thiếu sự liên kết nhất định. Bước chuyển từ bài này sang bài khác chưa mượt khi mỗi bài một màu sắc, thể hiện rõ ở hai bài đầu. Một số bài khó cảm, khó “hạ gục” khán giả ngay từ lần đầu như Đánh đố.
Chưa kể, giọng hát Hoàng Thùy Linh vẫn còn hạn chế, không có nhiều tiến bộ so với Hoàng. Điều này thể hiện rõ trong bản ballad hát chung với Thanh Bùi, cũng là bài lệch tông nhất album.
Ca sĩ lộ nhiều khuyết điểm khi xử lý bài hát có tiết tấu chậm, đòi hỏi kỹ thuật hay yêu cầu luyến láy. Các nhà sản xuất phải dựa vào kỹ thuật phòng thu để chỉnh sửa phần giọng (vocal) khiến ca khúc ít nhiều mất đi cảm xúc cần phải có.
Một số hình ảnh, cách ví von còn cũ, như “mặc áo đỏ chứng tỏ yêu anh” (Bắt vía) hay “điệu valse cô đơn” (Không một bài hát nào…)
Cuối cùng, Hạ phỏm có ý tưởng tốt nhưng lại chưa phải là cái kết đẹp. Bài hát khép lại cả album trong sự lửng lơ thay vì trọn vẹn, như một khoảng lặng sau hai ca khúc khá bùng nổ trước đó.
* Bài viết độc quyền cho L’Officiel Vietnam.
Thông tin về album Link của Hoàng Thùy Linh:
- Album Link là album phòng thu thứ 4 của Hoàng Thùy Linh, sau ba album trước gồm: Hoàng Thùy Linh (2010). Đừng vội vàng (2011) và Hoàng (2019).
- Đến nay, ca sĩ phát hành 3 MV để giới thiệu album Link là: Gieo quẻ, See tình và Đánh đố.