Thông qua câu chuyện hài hước về một đôi nam nữ mắc kẹt trong vòng lặp thời gian, “Palm Springs” nhắc khán giả nhớ rằng bất kỳ ai trong đời cũng cần có một người để yêu.
Palm Springs là bộ phim rom-com (hài lãng mạn) có yếu tố sci-fi (viễn tưởng) do Max Barbakow làm đạo diễn, Andy Siara viết kịch bản. Với kinh phí sản xuất vỏn vẹn 5 triệu USD, bộ phim lập kỷ lục tại liên hoan phim Sundance 2020 khi được Hulu mua lại với giá cao nhất tại thời điểm đó (22 triệu USD).
Tác phẩm cũng gây chú ý khi nhận được hai đề cử tại Quả cầu Vàng 2021 ở hạng mục Phim truyện xuất sắc – Thể loại hài/ca vũ nhạc và Nam diễn viên chính xuất sắc – Thể loại hài/ca vũ nhạc cho Andy Samberg.
Hôm nay là hôm qua, cũng là ngày mai
Một buổi sáng, Sarah Wilder (Cristin Milioti) thức dậy và thấy mình trở thành “phiên bản nữ” của Bill Murray trong Groundhog Day (1993), Jake Gyllenhaal trong Source Code (2011) hay Tom Cruise trong Edge of Tomorrow (2014).
Hôm qua, “ngày 9/11”, là một ngày đặc biệt kỳ lạ đối với Sarah. Cô được mời đến Palm Springs để dự lễ cưới của em gái với tư cách phù dâu. Tại đây, cô gặp gỡ Nyles (Andy Samberg) – người hiện là bạn trai của một phù dâu khác. Chàng trai lạ mặt tiến đến tán tỉnh cô bằng một điệu nhảy điên khùng, nhưng hóa ra lại thành công.
Cả hai đang vui vẻ bên nhau thì Sarah lạc mất Nyles khi anh bất ngờ bị một kẻ lạ mặt tấn công. Sau đó, cô phát hiện anh đang cố bò vào một hang động kỳ lạ, nên bèn bám theo chàng trai để thỏa mãn trí tò mò.
Hậu quả là Sarah bị mắc kẹt trong vòng lặp thời gian. Dù làm bất cứ điều gì, cô cũng bắt đầu ngày mới trên cùng một chiếc giường, trong cùng một căn phòng, và tại cùng một thời điểm: 9 giờ 40 phút sáng thứ bảy, ngày 9/11.
“Hôm nay, ngày mai, hôm qua, đều giống nhau cả”, Nyles giải thích.
Khác với Sarah, Nyles đã sống tại đây đến cả nghìn lần. Chàng trai vui vẻ tận hưởng cuộc sống bất tử, nhưng người bạn mới của anh lại mong muốn thoát ra. Mỗi ngày, họ cùng nhau thử nghiệm những điều điên rồ để tìm ra lời giải cho vòng lặp bí ẩn.
Trong khi mọi vật xung quanh đều bất biến, thì tình cảm giữa cả hai lại ngày càng sâu đậm.
Cách xây dựng câu chuyện thông minh, hóm hỉnh
Vòng lặp thời gian (time loop) là chủ đề từng được Hollywood khai thác rất nhiều lần, nhưng Palm Springs vẫn giữ được nét duyên dáng riêng biệt, phần lớn nhờ vào cách xây dựng câu chuyện thông minh của bộ đôi biên kịch Andy Siara và đạo diễn Max Barbakow.
Siara và Barbakow vốn là hai người bạn học chung trường phim. Khi kết thúc khóa học, cả hai quyết định sẽ cùng thực hiện tác phẩm đầu tay. Một người đảm nhận kịch bản, một người làm đạo diễn. Họ dẫn nhau đến Palm Springs và lên ý tưởng cho bộ phim từ tháng 6/2015.
Suốt quá trình viết kịch bản dài hơn một năm, hàng loạt bản nháp đã bị gạt bỏ cho đến khi họ hoàn thiện bản chính thức. Kết quả, Siara cho ra đời một kịch bản giàu chi tiết và có sự liên kết cao. Rất nhiều tình tiết được cài cắm khéo léo bằng kỹ thuật “foreshadowing” (báo trước), nhưng các mảnh ghép chỉ thực sự trọn vẹn khi khán giả theo dõi hết bộ phim.
Để thêm thắt gia vị cho một câu chuyện tưởng chừng đã cũ, Andy Siara vay mượn nhiều yếu tố từ các tác phẩm kinh điển. Có thể hình dung bộ phim là ly cocktail hoàn hảo giữa sự dí dỏm của Wedding Crashers (2005), nét hài hơi lố của Bridesmaids (2011), và một chút hành động của Die Hard (1988). Dĩ nhiên, không thể không nhắc đến Groundhog Day – tác phẩm kinh điển vốn là nguồn cảm hứng lớn cho cốt truyện.
Khác với Phil Connors trong Groundhog Day chập chững bước chân vào chuỗi ngày không hồi kết, Nyles là người đã quá giàu kinh nghiệm. Andy Siara chia sẻ anh có cảm giác mình cũng mắc kẹt trong thế giới của chàng trai ấy, đến mức trở nên quen thuộc và cảm thấy không cần thiết phải giới thiệu về nhân vật.
Cuộc hội ngộ giữa hai tư tưởng đối nghịch
Có thể xem Nyles là hậu duệ của Nietzsche với niềm tin bất tận vào chủ nghĩa hư vô (nihilism). Cuộc sống bất tử ban cho chàng trai cơ hội để trải nghiệm nhiều điều. Anh dành thời gian vô hạn để phê thuốc, phát hiện bí mật của cô người yêu, thậm chí là thử quan hệ đồng tính.
Song, đối với Nyles, mọi thứ đều vô nghĩa. Điều duy nhất anh thực sự tận hưởng là nằm phơi nắng trên chiếc phao hình miếng pizza, trôi bồng bềnh giữa hồ bơi.
Ngược lại với Nyles, Sarah hẳn là “học trò cưng” của Robin Williams trong Dead Poets Society (1989) với khẩu hiệu “carpe diem” (nắm bắt khoảnh khắc) trên môi.
Vòng lặp vô hạn khiến cho phong cách YOLO (bạn chỉ sống một lần) của Sarah hoàn toàn bị phá vỡ. Điều cô muốn là quay về nhà ở Austin, chứ không phải bị nhốt trong Palm Springs mãi mãi. Hài hước đến chua chát: Sarah quyết tâm tự sát mỗi ngày chỉ để được sống trọn từng phút giây.
Sự bất cần và vẻ tỉnh bơ của Nyles tạo thành nét tương phản “cười ra nước mắt” khi đặt cạnh loạt hành động rối trí của Sarah. Hai nhân vật trên giấy đều trở nên sống động thông qua diễn xuất hóm hỉnh của đôi viên chính.
Sinh năm 1978, Andy Samberg trông có vẻ trẻ trung hơn nhiều so với tuổi 42. Anh thích thú kịch bản ngay từ lần đọc đầu tiên và liền gật đầu đồng ý đóng vai trò sản xuất dự án.
Samberg thực sự thuyết phục khi vào vai một thanh niên ngoài 30 không màng thế sự. Nhân vật không có nhiều chiều sâu nội tâm, không có quá khứ và nguồn gốc rõ ràng, nhưng vẫn cuốn hút người xem mỗi khi lên hình.
Cristin Milioti thì chứng tỏ mình sẽ là cái tên đáng gờm trong lĩnh vực phim hài. Cô được mời tham gia dự án mà không cần casting (thử vai), như thể nhân vật Sarah được sinh ra dành cho cô.
Cuộc đời Milioti cũng từng luẩn quẩn như Sarah. Cô theo học diễn xuất rồi bỏ học ngay năm đầu. Hơn 10 năm qua, nữ diễn viên để lại dấu ấn trên sân khấu và một vài vai diễn nhỏ trong các series How I Met Your Mother, Fargo, The Sopranos,….
Nếu Andy Samberg lôi cuốn bằng kinh nghiệm và kỹ thuật, thì Cristin Milioti lại ghi dấu bằng nét diễn tự nhiên. Sự kết hợp hài hòa của bộ đôi giúp cho tác phẩm chứa đựng nhiều khoảnh khắc ấm áp sau những tiếng cười.
Cuộc sống không thể thiếu tình yêu
Palm Springs, bối cảnh chính của bộ phim, vốn là một thành phố sa mạc nằm tách biệt với thủ phủ Los Angeles. Con người đã biến vùng đất cằn cỗi ấy trở thành thiên đường để nghỉ dưỡng, tiệc tùng, ăn chơi và… cưới hỏi.
Những chuỗi ngày sống “thác loạn” ở Palm Springs đã dạy cho đôi bạn trẻ nhiều bài học đắt giá. Một kẻ cóc cần đời như Nyles rốt cuộc trở nên rối bời khi mỗi ngày thức dậy không nhìn thấy cô gái mình đem lòng yêu. Một kẻ chán ghét đám cưới như Sarah cuối cùng lại tìm thấy tình yêu tại một hôn lễ – điều mà cô từng gọi là “nhảm nhí”.
Sau quá trình “đập phá” thế giới, Nyles và Sarah bỗng nhận ra cuộc sống cũng không quá tệ nếu có một người để yêu. “Ta có thể sinh ra lạc lõng, nhưng giờ đây, ta được tìm thấy”, lời thoại của Nyles ở đầu phim hóa ra lại là điều anh học được ở cuối phim.
Dù bạn đang “lạc lõng” hay đã “được tìm thấy”, 90 phút của Palm Springs cũng sẽ là khoảng thời gian thư giãn, sảng khoái để thưởng thức.
Đánh giá: ****(4/5)
(Bài viết độc quyền cho Zing News. Tên bài do Ban biên tập đặt.)