Nhắc đến phim Hong Sang Soo là nhắc đến rượu soju, những cuộc hàn huyên vô thưởng vô phạt, những lần gặp gỡ tình cờ và những mối quan hệ không lối thoát. Nhưng đó cũng là cách mà ông chinh phục khán giả lẫn giới phê bình, ghi danh như là một trong những đạo diễn nổi bật của điện ảnh Hàn Quốc đương đại.
* Lời người viết: Bài viết về phim Hong Sang Soo khởi động chuyên mục Movie List sẽ bao gồm danh sách các phim theo đạo diễn hoặc đề tài nào đó. Mong các bạn đón đọc.
Đến hiện tại, Hong Sang Soo đã bước sang tuổi 64 và thực hiện được 31 phim điện ảnh. Trung bình mỗi năm ông lại cho ra đời 1-2 phim, tốc độ “đẻ trứng” không thua kém Woody Allen hay Takashi Miike.
Ở giai đoạn sau, Hong Sang Soo chủ yếu tập trung vào các dự án kinh phí thấp, bối cảnh và tuyến nhân vật đơn giản. Không phải phim nào của ông cũng dễ xem và dễ ngấm. Có phim trôi tuột, gần như chẳng đọng lại gì nhưng cũng có phim nặng nề, u uất.
Thế nên, thật khó để các “cinephile” tiếp cận gia tài đồ sộ của đạo diễn Hàn Quốc nổi tiếng này. Dưới đây là 5 phim đặc sắc, có thể như cánh cửa dẫn lối vào thế giới điện ảnh độc đáo của Hong Sang Soo.

1. Turning Gate (2002)
Nhân vật chính trong phim là Gyung Soo (Kim Sang Kyung), một diễn viên thất nghiệp, gần như trắng tay ở tuổi trên dưới 35. Mất tất cả, anh rời thủ đô Seoul về tỉnh lẻ để “chữa lành” – đúng theo cách giới trẻ Việt đang sử dụng.
Trên đường, Gyung Soo gặp và yêu hai người phụ nữ. Một là vũ công được bạn giới thiệu; người kia vô tình gặp trên tàu, đã có chồng nhưng không hạnh phúc. Hai mối quan hệ với hai người phụ nữ khác nhau nhưng lại có những chi tiết trùng khớp đến kỳ lạ. Từ những cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên, truyện trò trên bàn rượu cho đến làm tình trong khách sạn. Tất cả tạo cảm giác “deja vu” – thủ pháp ưa thích mà đạo diễn sử dụng nhiều trong các tác phẩm sau đó.
Turning Gate là một tác phẩm mang tính bước ngoặt của Hong Sang Soo. Phim có một chút hài hước, chút lãng mạn và chút bi kịch. Đạo diễn cho thấy sự chắc tay trong cách kể truyện, bóc tách “khủng hoảng tuổi trung niên” một cách nhẹ nhàng và tinh tế.
Cảnh cuối trong Turning Gate đơn giản nhưng đáng nhớ. Gyung Soo đứng chờ người mình yêu giữa cơn mưa tầm tã. Anh lẳng lặng bước đến trước cổng nhà cô nhưng không gọi. Chẳng ai biết anh nghĩ gì dưới làn mưa mịt mù, chỉ thấy anh đứng chờ rồi quay lưng bỏ đi, từ bỏ điều tưởng chừng sẽ thay đổi cuộc đời anh mãi mãi.
Trùng hợp là, Gyung Soo cũng lặng lẽ đi trong mưa, ngay từ đầu phim.
*Turning Gate có tên đầy đủ là On the Occasion of Remembering the Turning Gate.

2. Hahaha (2010)
Rất đời thường, rất Hàn Quốc và cũng rất Hong Sang Soo. Có lẽ, đó là lý do Hahaha chiếm được thiện cảm từ giới phê bình quốc tế và giành giải Un Certain Regard (Nhãn quan độc đáo) tại LHP Cannes 2010.
Như tên gọi, tác phẩm hài hước và vui vẻ nhẹ nhàng, tạo nên một phong cách hoàn toàn khác Turning Gate dù Kim Sang Kyung đóng chính trong cả hai. Phim bắt đầu bằng câu chuyện phiếm trên bàn nhậu của hai người đàn ông: Một đạo diễn thất nghiệp (Kim Sang Kyung) và một nhà phê bình phim (Yu Jun Sang). Cả hai cùng ôn lại kỷ niệm xưa tại một thị trấn ven biển Tongyeong.
Theo thời gian, những sự kiện trùng khớp bắt đầu đan xen vào nhau. Họ phát hiện ra các mối quan hệ và sự kiện từng trải qua đều có sợi dây liên kết vô hình với cùng một phụ nữ. Tất cả dẫn đến một cái kết không quá bất ngờ nhưng vừa đủ để khiến người xem bật cười – đúng như tên phim gợi ý. Cuộc sống thật kỳ lạ, nhưng qua lăng kính của Hong Sang Soo, ngay cả những điều trớ trêu nhất cũng không bị bi kịch hóa mà lại mang đến sự vui vẻ, dễ chịu.

3. In Another Country (2012)
Hài hước và duyên dáng là những gì có thể nói về In Another Country. Bộ phim đánh dấu cú bắt tay đầu tiên của Hong Sang Soo với biểu tượng điện ảnh Pháp Isabelle Huppert.
Trong phim, Hupper vào vai Annie – một phụ nữ Pháp du lịch đến Hàn Quốc, bối rối trước những khác biệt văn hóa và lạc lối trong những cuộc gặp gỡ bất ngờ. 89 phút được chia làm ba phần với ba câu chuyện tách biệt nhưng có nhiều điểm chung. Nhà nghỉ, bãi biển, ngọn hải đăng, anh chàng cứu hộ viên địa phương ngờ nghệch nhưng nhiệt tình, những câu thoại lặp đi lặp lại và tình huống tréo ngoe.
Thông qua góc nhìn ngoại quốc của minh tinh Pháp, Hong Sang Soo làm nổi bật văn hóa Hàn Quốc một cách nhẹ nhàng. Ông chứng minh mình có thể làm nên một câu chuyện thú vị chỉ từ những chi tiết đời thường và giản dị. Tất nhiên, không thể làm khó Isabelle Huppert với ba phiên bản Annie đều nhã nhặn và lịch thiệp. Sau In Another Country, bà tiếp tục xuất hiện trong hai phim khác của Hong Sang Soo là Claire’s Camera (2017) và Traveler’s Needs (2024). Cả ba đều đáng xem.
Đọc thêm: ‘In Another Country’ – Phim ‘ba trong một’ của Hong Sang-soo

4. On the Beach at Night Alone (2017)
Một cột mốc quan trọng khác trong sự nghiệp của Hong Sang Soo. On the Beach at Night Alone ra đời vào giai đoạn tên tuổi ông gắn liền với nàng thơ Kim Min Hee. Nội dung phim cũng có nhiều chi tiết là tự truyện nên chân thực và giàu cảm xúc. Thật kỳ lạ, tác phẩm còn phảng phất phong vị lãng mạn và giàu chất thơ – điều hiếm gặp trong phim của đạo diễn.
Nhân vật chính là nữ diễn viên Young Hee (Kim Min Hee). Sau khi kết thúc mối quan hệ ngang trái với một đạo diễn có gia đình, cô đến Hamburg (Đức) tìm kiếm bình yên. Sóng biển trở thành bạn, bãi cát là điểm tựa tâm hồn. Nhưng dù có thử mọi cách, Young Hee vẫn không thôi nhớ người yêu.
Hong Sang Soo biến nỗi cô đơn trở nên đặc quánh, bóp chặt trái tim nữ chính. Diễn xuất của Kim Min Hee càng khiến cho câu chuyện dễ chạm đến người xem. Sau tất cả, phim đặt ra một câu hỏi khó giải đáp: Liệu có xứng đáng đánh đổi tất cả danh vọng, địa vị và cả sự tự do, chỉ để giành lấy tình yêu?
Đọc thêm: ‘On the Beach at Night Alone’ – Nỗi buồn của kẻ thứ ba

5. The Day He Arrives (2011)
Bộ phim đen trắng duy nhất trong danh sách, cũng là phim đáng xem nhất trong rất nhiều phim đen trắng của Hong Sang Soo.
Phim kể về Seong Joon (Yoo Jun Sang), một đạo diễn phim độc lập đã nghỉ việc, chuyển sang giảng dạy tại một trường đại học. Anh lên Seoul thăm một người bạn cũ nhưng không liên lạc được. Thế là Seong Joon quyết định lang thang quanh thủ đô và rơi vào những tình huống kỳ lạ, lặp đi lặp lại.
Trong tác phẩm này, Hong Sang Soo chơi đùa với cấu trúc vòng lặp mà ông đã gây dựng từ những tác phẩm trước, tiêu biểu là Turning Gate. Về bản chất, phim giống như một phiên bản khác của Groundhog Day (1993) – mơ hồ và mang tính suy tưởng hơn.
Nhưng ngay cả khi bạn không hiểu hết câu chuyện, The Day He Arrives vẫn cuốn hút và đáng thưởng thức nhờ không khí mà Hong Sang Soo mang lại qua từng thước phim. Người xem có thể cảm nhận được cái giá rét của mùa đông Hàn Quốc, độ ấm nóng của rượu soju và cảm giác chếnh choáng của những cuộc trò chuyện trong men say.

Kết
Phim Hong Sang Soo không quá dài, nhưng đôi lúc cũng không có kịch tính hay cao trào. Xem xong, có thể điều đọng lại chỉ là một cảm giác. Có thể là nỗi cô đơn bên tiếng sóng vỗ về, hay nỗi buồn không nói nên lời giữa cơn mưa.
Đọc thêm: