Hai mươi ba tuổi, người ta học nhảy, làm nhạc điện tử, nhạc EDM cho hợp xu hướng. Hoàng Quyên thì khác, cô tìm cách quay trở lại với những ca khúc nhạc xưa, nhưng vốn không bao giờ cũ trong lòng công chúng yêu nhạc.
Là một ca sĩ trẻ, nhưng Hoàng Quyên lại có những bước đi rất quyết liệt trên con đường sự nghiệp của mình. Tính đến nay, cô đã cho ra đời ba đĩa nhạc tác giả, bao gồm: Phác thảo mùa thu (Đặng Hữu Phúc), Cửa thơm mùi nắng (Lê Minh Sơn) và Góc Em (Trần Viết Tân). Đáng chú ý là cả ba đĩa nhạc đều hướng đến đối tượng người nghe nhỏ, hẹp – đa phần là lớn tuổi, có đòi hỏi cao về thẩm mỹ – hơn là khán giả trẻ. Thực tế thì Hoàng Quyên đã từng thử chinh phục khán giả trẻ, bằng cách tham gia cuộc thi Vietnam Idol năm 2012 và phát hành một đĩa EP trực tuyến mang tên Người em đã yêu. Bản thân cô cũng là một cái tên khá được yêu thích, nhưng các sản phẩm cô thực hiện cho thấy một cá tính âm nhạc riêng biệt so với những ca sĩ đồng trang lứa.
Về là đĩa nhạc thứ tư của Hoàng Quyên, cũng là đĩa nhạc thứ hai của cô được phát hành trong năm nay (bên cạnh Góc em). Khác với ba đĩa trước, lần này cô chọn hẳn dòng nhạc xưa, với bảy ca khúc đều là những ca khúc quen thuộc với các khán giả lớn tuổi. Nói không ngoa, lần này Hoàng Quyên muốn “chiều” đối tượng khán giả lớn tuổi của mình, hơn là tìm cách làm mới các ca khúc nhạc xưa để phù hợp với khán giả trẻ. Cách xử lý các ca khúc của cô thiên về trau truốt, kỹ thuật, vừa đủ để khoe giọng hát vốn đẹp và hiếm. Phần hòa âm phối khí cũng sử dụng những nhạc cụ mang âm hưởng thính phòng (kèn clarinet, đàn accordion, cello) kết hợp với dân tộc (sáo, nhị, đàn tranh), tạo cảm giác hoài cổ cần có, đúng như tên gọi của đĩa nhạc đã gợi mở.
Ở ca khúc đầu tiên, Giọt nước mắt ngà (Ngô Thụy Miên), bắt đầu bằng phần đàn dây réo rắt, nghe rất não nề. Trái lại, Hoàng Quyên hát về cuộc tình buồn một cách rất thản nhiên, như thể mọi chuyện xảy ra là do số phận. Cô nhìn về dĩ vãng và chấp nhận sự thật đó. Nhưng lý trí làm sao ngăn được cảm xúc, khi mà bỗng nhiên nước mắt chợt tuôn rơi. Trong Ru đời đi nhé (Trịnh Công Sơn), nữ ca sĩ tiếp tục sử dụng cách hát thản nhiên của mình. Giữa tiếng piano chậm rãi giữ nhịp, cô bước từng bước nặng trịch trên con đường cô quạnh. Kịch tính dồn vào phần điệp khúc mỗi khi tiếng đàn dây rít lên, thi thoảng lồng vào tiếng sáo càng làm cho không khí trở nên ngột ngạt. Nhưng phải đến Hẹn hò (Phạm Duy), phần đàn dây mới phát huy hết “công suất” của mình khi trở thành “cột sống” của bài hát. Phần dàn dây khiến mỗi bài hát trôi qua như một tiếng thở dài đến mệt nhoài. Chính vì vậy, Hoàng Quyên không cần “làm màu” trong cách hát của mình. Cô không ngắt nhịp, không lên xuống, thủ thỉ như cách nhiều người từng thể hiện bài hát này, mà trở thành một người kể chuyện thẳng thắn, trung thực.
Song, những ca khúc mang sự tươi mới trong Về lại là những ca khúc sử dụng tiết chế đàn dây, thậm chí phần hòa âm càng tinh giảm thì giọng hát của Hoàng Quyên lại càng sáng đẹp. Chẳng hạn như Bài không tên số 8 (Vũ Thành An) được phối theo phong cách blue jazz nhẹ nhàng, dễ chịu, nhưng cách xử lý bài hát của Hoàng Quyên lại có chút kiêu kỳ. Hay trong bản acoustic Về đi em (Trần Tiến) với tiếng guitar chủ đạo, cô chọn cách hát bùng nổ, thể hiện nội lực. Hoàng Quyên vốn hát những ca khúc viết về làng quê rất dạt dào cảm xúc (như À Í A trong Cửa thơm mùi nắng) và có lẽ đây là một thế mạnh mà cô nên phát huy. Trong khi Để em mơ (Nguyễn Cường) lại là một sắc thái hoàn toàn trái ngược. Bản phối chuyển hẳn về acappella, giọng Hoàng Quyên mềm mại, nữ tính, nũng nịu như muốn đem cả mùa xuân về.
Đĩa nhạc khép lại bằng Đưa em tìm động hoa vàng (Phạm Duy) với bản phối có thể nói là vừa vặn nhất với cách hát thư thả của Hoàng Quyên từ đầu đĩa. Cô không hề gồng mình khi thể hiện bất cứ ca khúc nào. Điều đó khiến cho các ca khúc dù đều rất nổi tiếng, từng gắn liền với tên tuổi nhiều ca sĩ, nhưng lại không trở thành cái áo quá khổ đối với nữ ca sĩ. Với Về, Hoàng Quyên chứng tỏ rằng mình không chỉ có một giọng hát thuộc dạng quý hiếm, mà cách cô đang đi trên con đường âm nhạc của mình cũng thực sự đáng quý.