Short Movie – album phòng thu thứ 5 của Laura Marling – là album đầu tiên cô dùng nhạc cụ điện tử, được thu âm tại Mỹ chứ không phải Anh.
Nếu phải chọn một gương mặt xứng đáng là “hậu duệ” của Joni Mitchell, chắc chắn không thể bỏ qua Laura Marling.
Dễ nhận thấy hình ảnh của Mitchell hiện rõ qua phong cách của Marling. Từ cách cô ôm đàn guitar ngồi ngân nga những bản folk do mình sáng tác, đến cách viết lời ca khúc đậm chất tự sự và ngập tràn cảm xúc như người kể chuyện.
Hành trình từ Anh đến Mỹ
Laura Marling phát hành album đầu tay mang tên Alas, I Cannot Swim khi vừa tròn 18 – sớm hơn Joni Mitchell tận bảy năm – bao gồm tất cả các ca khúc do cô sáng tác và thể hiện. Trong 5 năm, cô thực hiện liên tiếp 4 album – một con số đáng ghen tị với bất cứ nghệ sĩ nào.
Mỗi album ra đời sau của Marling đều có sự thay đổi nhất định, thậm chí hay hơn album trước. Chẳng hạn album thứ tư – Once I Was an Eagle (2013) – nhận được rất nhiều lời tán thưởng từ giới phê bình. Một đĩa nhạc thất tình u tối nhưng cũng đầy bản lĩnh. Người hát thẳng thừng tuyên bố, trong tình yêu mình là “đại bàng”, còn đối phương chỉ là “bồ câu”, để rồi “tôi sẽ bay ở trên cao, săn tìm anh.”
Thành công của Once I Was an Eagle trở thành sức ép quá lớn với một người luôn đề cao sáng tạo như Laura Marling. Sau khi album ra mắt, cô chuyển đến Los Angeles sống một thời gian để thay đổi không khí. Song, chuyến xê dịch lại càng đem đến nhiều khó khăn. Những bản nháp cho album thứ 5 không khiến Marling hài lòng. Cô phải từ bỏ âm nhạc trong vòng 6 tháng để tìm nguồn cảm hứng mới.
Cuối 2014, Maring trở về Anh với hình ảnh hoàn toàn mới. Mái tóc cắt ngắn, trên tay là cây guitar điện tử. Sự hào nhoáng của L.A. phần nào ảnh hưởng đến âm nhạc lẫn con người cô khi mà chất folk mộc mạc nay đã pha chút rock sôi nổi.
“Sống ở đây là trò chơi mà tôi không biết cách chơi”, Laura đã hát như thế trong Short Movie (Don’t Let Me Bring You Down). Album được thực hiện tại Mỹ, ghi lại toàn bộ cảm xúc trong khoảng thời gian sống tại nơi đất khách quê người. Nỗi cô đơn, lạc lõng, mất mát và kiếm tìm. “Một cuốn phim ngắn” – như cách Laura Marling đặt tên album.
Âm nhạc đổi mới hơn
Short Movie mang sắc thái khác lạ so với Once I Was an Eagle. Âm nhạc vui tươi, rộn ràng hơn, nhưng lời hát lại yếu đuối và đầy lo sợ. Chẳng hạn như ca khúc đầu tiên – Warrior – là một bản dạo đầu (intro) đầy nỗi niềm. Laura Marling chuyển mình, từ vị trí của một kẻ cầm cương, trở thành chú ngựa chiến lang thang tìm kiếm chàng dũng sĩ của mình, trong vô vọng.
Toàn bộ ca khúc là hình ảnh ẩn dụ cho việc cô rời bỏ quê nhà để đến với vùng đất mới. Nhạc điệu chậm rãi, lời hát uể oải, Laura như đang lê từng bước chân trên con đường mòn mà không hề biết đích điểm. Khí chất và sự tự tin ở đĩa nhạc trước đã hoàn toàn bay biến. Đến khi kết bài, người hát vẫn ôm trong lòng câu hỏi: “Where is the warrior I’ve been looking for?” (“Chàng dũng sĩ tôi kiếm tìm hiện đang ở đâu?”)
“Cuốn phim ngắn” trở nên thú vị hơn khi bass và trống hòa cùng guitar điện tử ở bài thứ hai, False Hope. Trong khi người nghe vẫn còn lạ lẫm với những âm thanh chưa từng có trong âm nhạc của Laura trước đây, thì cô lại hát về cảm giác xa lạ của mình khi ở Los Angeles. Một cơn bão ập đến thành phố, mất điện khiến cho cả khu phố dưới chìm trong bóng tối. Ở phố trên người ta đang tiệc tùng mà cô lại cảm thấy mình không thuộc về nơi đó. “Và vấn đề tồi tệ nhất là tôi không ngủ về đêm”, cô hát.
Tiếp đó là Don’t Let Me Bring You Down, một ca khúc uptempo có cấu trúc tương tự. Âm nhạc ban đầu nhẹ nhàng, rồi từ từ bùng nổ. Laura Marling thong thả để giọng chìm giữa tiếng guitar, bass và trống đan xen, hệt như cách cô vượt qua bóng tối ở L.A. Lời hát thì vẫn chưa thoát khỏi được sự hoang mang: “Love seems to be some kind of trickery… I’m not sure I can do it.” (“Có vẻ tình yêu là một mánh khóe gì đó… mà tôi không chắc mình làm được”)
Tình yêu vẫn là chủ đề chính mà Laura Marling muốn thể hiện. Song, người hát trở nên mềm yếu và vụn vỡ hơn trước. Điều đó cũng thể hiện trong cách sắp xếp các bài hát. Cô không tìm cách liên kết các bài hát với nhau hay chia album thành hai phần như Once I Was an Eagle.
Trái lại, Marling đặt những bản nhạc nhanh và chậm xen kẽ với nhau, theo trật tự cuộc hành trình. Đó là khi cô tìm thấy tình yêu mới (I Feel Your Love) rồi lại để vụt mất (Don’t Let Me Bring You Down), khi cô chuyển từ căn hộ ở phía Tây (False Hope) để trở về quê nhà ở phía Đông (How Can I).
Dùng nhạc điện tử là một thay đổi lớn với Laura Marling, nhưng cô không hề lạm dụng. Những ai yêu mến tiếng guitar mộc của Laura vẫn có thể thỏa mãn với những bản tình ca buồn như I Feel Your Love, How Can I, Divine – gợi nhớ đến Joni Mitchell một thời của đĩa Blue (1971).
Trong khi đó, những bản folk-rock như Walk Alone, Easy, hay Howl, với giai điệu nhẹ nhàng, cũng khoe được chất giọng nhiều cảm xúc của người hát.
Cách hát của Laura Marling trong Short Movie cũng có một vài sự thay đổi, nghe thoải mái như đang chơi đùa. Cô hát như nói trong Strange, quở trách một người đàn ông đã có gia đình nhưng lại yêu cô. Một bài hát lạ lùng như cái tên của chính nó.
Gurdjieff’s Daughter là một trong những ca khúc xuất sắc nhất album. Bài hát lấy cảm hứng từ những lời George Gurdjieff từng truyền lại cho con gái.
Laura Marling liên tục nhắn nhủ với người nghe, như đang tự nhủ với chính mình. Cô hát: “Never give orders, just to be obeyed”, “Don’t be impressed by strong personalities”,… Đến điệp khúc, Laura lại thú nhận chân thành, thi thoảng mình cũng khóc vì những điều đó.
13 sáng tác trong album đủ sức để làm nên một “cuốn phim dài”, với tất cả nỗi niềm chất chứa. Nhưng với Laura, sáng tác trước hết là một cách tìm hiểu chính mình, thay vì chia sẻ với người khác. “Tôi càng tập trung vào sáng tác, tôi càng thấu hiểu bản thân”, cô nói.
Short Movie tiếp tục chứng tỏ tài năng và bản lĩnh của Laura Marling. Album được chăm chút, cẩm thận cho thấy nữ ca sĩ luôn đề cao sự sáng tạo hơn danh tiếng. Dù thắng giải Brit năm 2011, cái tên Laura Marling chưa bao giờ thuộc về đám đông. Bằng chứng là cô đã tìm cách rời bỏ Anh quốc, để rồi khi trở về, cô vẫn tự nhận mình “chỉ là một cô gái có thể chơi guitar” – lời bài hát Short Movie.
*Đọc thêm về Laura Marling ở đây.
Đánh giá: ****1/2 (4.5/5)