“A single man” – phim đầu tay của Tom Ford – dựa vào xu hướng tính dục để lột tả nỗi cô đơn cùng cực của một người đàn ông.
Chuyển thể dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên xuất bản năm 1964 của nhà văn Christopher Isherwood, bộ phim đầu tay của đạo diễn Tom Ford đưa chúng ta trở về với nước Mỹ trong những năm đầu của thập niên 1960 đầy biến động, đặc biệt là khủng hoảng tên lửa Liên Xô đặt tại Cuba và Mỹ rục rịch chuẩn bị đặt chân vào Việt Nam. Nhân vật chính là George Carlyle Falconer, một giáo sư người Anh ở độ tuổi trung niên hiện sinh sống và làm việc tại Los Angeles, đang ngồi chờ điện thoại của Jim, bạn tình và cũng là người đã chung sống với George trong vòng 16 năm qua.
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như vào cái ngày mưa ấy cú điện thoại mà George nhận được không phải là từ người thân của Jim báo rằng anh vừa mới qua đời ngày hôm trước vì tai nạn ô tô. Với George, đó là lần đầu tiên trong cuộc đời anh không thể thấy được tương lai của mình, hàng ngày trôi qua trong những hoang mang và rối rắm. Những gì George còn lại xung quanh mình chỉ là một căn hộ tràn ngập nỗi cô đơn. Mỗi sáng thức dậy không còn được nhìn thấy nụ cười của người mình yêu, mỗi tối khi đi làm về không còn ai ngồi đọc sách chung với mình. Cuộc sống của một người đàn ông đơn độc cứ thế trôi qua trong suốt tám tháng trời cho đến ngày George đi đến quyết định kết thúc đời mình.
Ngay từ những phút đầu tiên, A Single Man đã nhốt người xem trong cái không gian trầm buồn của những thước phim quay chậm, của những bản nhạc ngập tràn tiếng vĩ cầm réo rắt, thu hẹp trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ trong cuộc đời vị giáo sư đại học. Một ngày của George khi không có Jim trôi qua vô cùng sức tẻ nhạt. Tỉnh dậy sau cơn ác mộng là vệ sinh thân thể, đánh răng rửa mặt như thường lệ, sau đó lái xe đến trường, lên lớp với học sinh, ghé qua một vài nơi rồi cuối cùng lại trở về với căn hộ trống trải của mình. Xen lẫn với thực tại đau buồn đó là những mảnh ký ức vỡ vụn của một thời quá khứ tươi đẹp khi Jim còn sống và vui vẻ bên cạnh Goerge.
Dễ nhận thấy là ở A single man không có một điều mà các bộ phim cùng chủ đề đồng tính khác thường hay sử dụng (mà đa phần với mục đích câu khách là chính), đó là các cảnh làm tình. Tình dục được sử dụng trong điện ảnh vừa là cách kích thích cảm giác của người xem vừa là công cụ để nối liền mạch truyện. Ở đây, đạo diễn Tom Ford đã chủ ý không đưa vào bất kỳ cảnh nhạy cảm cấm trẻ em dưới 18 tuổi nào vào bộ phim của mình. Với bản năng vốn có của con người, George không tránh khỏi những xúc cảm nhục dục từ những chàng trai ngực trần đánh tennis, từ gã thanh niên đẹp mã người Tây Ban Nha tình cờ gặp tại tiệm tạp hóa hay là chàng sinh viên với gương mặt non choẹt của mình. Nhưng với cương vị là một giáo sư đã đứng tuổi, George có đủ trí tuệ và bản lĩnh để vượt qua được những cám dỗ thể xác đó. Tuy nhiên, điều đó chỉ càng làm tô đậm nỗi trống trải, cô đơn trong con người George – người đàn ông phải sống trong sự hẫng hụt, đau đớn về tinh thần, mệt mỏi về thể xác.
Ở đây, đạo diễn đã rất tài tình trong việc sử dụng màu sắc tương phản làm nổi bật cảm xúc của nhân vật. Nếu như những kỷ niệm với Jim được tái hiện với đầy đủ màu sắc thì hiện tại của Goerge là một tông màu xám lạnh, hệt như nỗi cô đơn đang vây bám anh từng ngày từng giờ. Màu sắc cũng là phương tiện để đạo diễn truyền tải ý đồ của mình. Màu sắc đậm nét trên đôi môi cô gái, sặc sỡ trên da thịt của những chàng trai chơi tennis hay rực rỡ trên gương mặt của gã thanh niên Tây Ban Nha đều thể hiện xúc cảm của George với người đối diện. Màu sắc lại trở nên tươi tắn hơn khi George khẽ hôn lên chú chó con, khi nói chuyện với cô bé nhà hàng xóm trong ngân hàng hay khi anh gặp Carlos, chàng sinh viên trẻ tuổi của mình, trong quán bar. Mọi thứ xung quanh như truyền thêm sức sống cho Goerge ngay vào lúc anh rối bời nhất, tuyệt vọng nhất nhưng rồi màu sắc lại nhợt nhạt dần trở lại khi anh quay về với nỗi cô đơn của chính mình.
Rõ ràng là cách sử dụng màu sắc như vậy đã đem lại hiệu ứng rất tốt. Người xem như đồng hành cùng mạch cảm xúc nhân vật, hiểu rõ được cảm giác hiện tại của nhân vật. Nhưng bên cạnh đó cũng phải kể đến sự nhập vai tuyệt vời của “ông vua” Colin Firth, nhất là những trường đoạn đòi hỏi diễn xuất nội tâm. Từ ánh mắt đau buồn cho đến khi nổi giận với cô bạn thân đều lột tả được một George chìm sâu trong cô đơn đồng thời giúp cho chúng ta biết rõ hơn tình cảm sâu đậm không thể dễ dàng xóa bỏ của George đối với Jim. Được biết, Colin Firth không phải là sự lựa chọn đầu tiên cho vai diễn này nhưng anh đã hoàn thành xuất sắc và nhận được một đề cử Oscar năm 2010 cho hạng mục Nam diễn viên chính.
A single man là tác phẩm đầu tay của nhà tạo mẫu thời trang nổi tiếng Tom Ford nhưng ông đã không ngần ngại đưa tác phẩm được xem là kinh điển trong văn học Anh ngữ, được giảng dạy tại đại học Mỹ của nhà văn Christopher Isherwood lên màn bạc. Với con mắt thiết kế của mình, Tom Ford đã cho người xem thấy được những khung hình tinh tế, phô bày hình thể đẹp đẽ của con người nhưng không dung tục. Điều đó không chỉ được thể hiện qua cách chọn gam màu tùy biến mà còn qua những bộ trang phục lịch lãm của thập niên 60. Tất cả khiến cho A single man trở thành một bộ phim rất thời trang mang đậm dấu ấn Tom Ford.
Ngoài ra còn phải kể đến sự góp mặt của nữ diễn viên xinh đẹp Julianne Moore trong vai Charley, cô bạn thân thiết của George, người đã đem lòng yêu anh ngay trước khi anh chung sống với Jim và vẫn giữ mãi mối tình đó trong suốt bao nhiêu năm qua. Dẫu không xuất hiện nhiều nhưng Julianne Moore đã diễn xuất hết sức thành công một người đàn bà cũng không kém phần cô đơn đằng sau những nụ cười của mình.
Cũng như các bộ phim đồng tính khác, A single man cho chúng ta thấy được cuộc sống cũng như thân phận của những người đồng tính. Nhất là lại đặt trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ khi phải sống trong sự e dè, lo ngại trước những con mắt của người đời hay cụ thể hơn cả là gia đình Jim khi ngăn không cho George biết tin anh chết và cũng cấm tiệt George đến dự đám tang. Một hình ảnh được lặp lại trong bộ phim là khi George với thân hình lõa lồ đang bồng bềnh trong đại dương. Đó cũng chính là phép ẩn dụ cho người đàn ông ngày qua ngày cũng đang bị dấn chìm vào sâu trong nỗi cô đơn của riêng mình này. Tuy nhiên, điều đáng buồn là ngay cả khi đến đoạn cao trào, kịch tính nhất thì đạo diễn vẫn không thể đẩy cảm xúc người xem được cao hơn được dù đây là điều mà nó phải đạt được. Có lẽ những khán giả yêu thích bộ phim này sẽ tìm được nhiều trải nghiệm hơn nữa khi được đọc qua tác phẩm gốc cùng tên.
Bi kịch cho những số phận vốn đã không may.
Đây là nỗi cô đơn ăn mòn con người…
Rất tiếc là kết film còn lơ lửng quá. Giá phim đẩy lên được đoạn kết thì sẽ có sức nặng hơn.
Đây là một bộ phim hay nhưng không hiểu sao không cho mình cảm giác tiếc nuối và day dứt nhiều như khi xem Brokeback mountain. Anh Colin diễn phim này quá hay <3
Không thể nói gì ngoài hai từ “xuất chúng”. Thực sự chưa có bộ phim nào về chủ đề này làm mình cảm thấy nặng nề và day dứt như vậy. Cái kết như vậy cũng đẹp, không phải là cứ happy ending là vui! Cuối cùng thì 2 người cũng đã được “đoàn tụ” ở một nơi nào đó!