‘Sharp Objects’ – Những vết cắt nội tâm

Bắt đầu
14 phút đọc

Chuyển thể từ tiểu thuyết của Gillian Flynn, Sharp Objects khắc họa một cách tàn bạo những sang chấn tâm lý của một người phụ nữ đầy bất ổn.


Phải nói rằng việc làn sóng nữ quyền ngày một dâng cao ở Hollywood đã phần nào củng cố vị thế của nữ văn sĩ Gillian Flynn khi cả ba tiểu thuyết của bà (đều thuộc dạng thriller, lấy nhân vật nữ chính là trung tâm) lần lượt được chuyển thể thành phim và gây sự chú ý.

Nếu Gone Girl (David Fincher, 2014) là một cú “hit” bất ngờ nhờ được lòng cả giới chuyên môn lẫn khán giả đại chúng thì Dark Places (Gilles Paquet-Brenner, 2015) lại là quả “bom xịt” đáng thất vọng. Ngay cả sự xuất hiện của cô đào nổi tiếng Charlize Theron cũng không thể nào vớt vát được những thất bại của bộ phim đáng quên lãng.

So với hai tác phẩm trên, Sharp Objects (dựa trên tiểu thuyết đầu tay phát hành năm 2006 của Flynn) là một câu chuyện có chiều sâu và thú vị hơn hẳn. Trong phim, Amy Adams vào vai Camille Preaker, một nữ phóng viên chuyên viết bài hình sự cho một tờ báo ở St. Louis, được yêu cầu quay về quê nhà để theo dõi vụ án mạng vừa xảy ra, liên quan đến hai cô gái trẻ.

Không lười biếng và hám tiền như Libby của Dark Places, lại càng không ma quái và quỷ quyệt như Amy của Gone Girl, Camille Preaker là một nhân vật có nội tâm vô cùng phức tạp. Một người phụ nữ bị tổn thương nặng nề cả về thể xác lẫn tâm hồn.

Amy Adams thủ vai chính Camille Preaker trong "Sharp Objects", cùng bạn diễn Chris Messina.
Amy Adams thủ vai chính Camille Preaker trong “Sharp Objects”, cùng bạn diễn Chris Messina.

Một nghiên cứu điển hình về tâm lý học

Theo chân hành trình truy tìm tội ác của Camille, người xem dấn sâu vào thế giới tâm lý đầy những mê cung của những người tưởng như bình thường. Họ hào nhoáng bên ngoài “nhưng nội tâm thì có hố sâu tăm tối” – đúng như lời nhận xét của một nhân vật.

Xuyên suốt bộ phim, Camille luôn bị ám ảnh bởi những ký ức thời thơ ấu khi phải chứng kiến cái chết của em gái Marian. Luôn thủ sẵn trong túi xách một vài chai rượu để định thần, Camille bắt đầu buổi sáng bằng cồn và qua đêm ở bất kỳ nơi nào khi đã say khướt. Cho đến khi sự căng thẳng của tâm trí đạt đến tột đỉnh, cô không còn cách nào khác ngoài việc tự hủy hoại bản thân: khắc lên cơ thể mình vô số vết sẹo.

Tương tự hai vụ án mạng, quá khứ và gia cảnh của Camille cũng là một ẩn số đối với khán giả.

Bố ruột cô chưa từng xuất hiện một lần, mẹ cô Adora Crellin (Patricia Clarkson) đã tái giá và sinh được một đứa con gái tên là Amma (Eliza Scanlen), người mà gần đây cô chẳng hề biết mặt.

Hồn ma của cô em gái đã chết thì liên tục thoắt ẩn thoắt hiện qua những đoạn hồi tưởng (flashback), khi lướt qua trong căn nhà tăm tối mang phong cách gothic của gia đình Crellin, khi lại lảng vảng trong những cánh rừng của Wind Gap, biến nơi đây trở thành một “thị trấn ma” đúng nghĩa.

Camille liên tục đối đầu với mẹ ruột và em cùng mẹ khác cha trong phim.
Camille liên tục đối đầu với mẹ ruột và em cùng mẹ khác cha trong phim.

Không chỉ đứt kết nối với gia đình, Camille còn liên tục hứng chịu những “gáo nước lạnh” từ người mẹ.

Adora không hề trông đợi Camile trở về. Bà luôn xem cô là đứa con gái bướng bỉnh, khó trị và dễ đem tai tiếng về phần mình trước những dị nghị của người dân trong thị trấn.

Một cảnh quay đắt giá khó quên trong phim, là khi Camille tranh cãi với mẹ trong một cửa hàng quần áo. Quá bất mãn, cô để lộ cơ thể đầy vết sẹo là rất nhiều chữ cái có nghĩa tiêu cực: chữ “wrong” (sai trái) hằn ngay trước ngực, chữ “fuck u” (mẹ kiếp) chạy dọc vùng eo và hằng hà sa số những chữ cái khác do cô tự tay rạch vào người mình.

Nỗi ám ảnh mang tên Wind Gap

Trong phim, Wind Gap được mô tả như là một thị trấn nhỏ nằm ở bang Missouri nước Mỹ. Đây vốn là một địa danh không có thật, nhưng nó khiến ta phải sởn gai ốc mỗi khi nghĩ về.

Giống như những con người sống ở đó, Wind Gap cũng yên bình ở bên ngoài, nhưng mục rỗng bên trong. Đó là nơi mà đàn ông kéo nhau vào quán bar ngay cả khi trời sáng, đàn bà tranh thủ nói xấu chủ nhà trong đám tang, những đứa trẻ chỉ được ra đường trong sự giới nghiêm của cha mẹ, chưa kể có quá nhiều mối nguy hiểm đang rình rập chúng ở bên ngoài.

“Phải công nhận là dân Wind Gap giỏi buôn chuyện hơn bất cứ ai khác”, Camille nhận xét khi trở về quê nhà.

Tất nhiên, sự trở lại của cô cũng chẳng được hoan nghênh. Những bài báo cô viết về vụ án khiến người dân ở đây phẫn nộ. Một số lời đồn đại bắt đầu được lan truyền. Thay vì đứng ra bảo vệ và an ủi, họ biến thân nhân của nạn nhân trở thành những nghi can số một.

Bố và anh trai của hai cô gái đã chết vô tình làm mũi rìu của dư luận lẫn cảnh sát mà đại diện tiêu biểu là cảnh sát trưởng Bill Vickery (Matt Craven). Thay vì tỏ ra hữu dụng trong công tác điều tra, ta thấy nhân vật này chỉ lảng vảng sửa chữa biển báo trên phố hoặc lui tới nhà Crellin để “nói xấu” Adora về hai cô con gái của bà.

Hai vợ chồng Adora Crellin và Alan Crellin trong "Sharp Objects"
Hai vợ chồng Adora Crellin và Alan Crellin trong “Sharp Objects”

Đỉnh điểm của sự hào nhoáng và “có vấn đề” ở Wind Gap chính là ngày Calhoun – một lễ hội đặc biệt được tổ chức hàng năm ở đây.

Để tưởng niệm ngài Zeke Calhoun, người sáng lập nên Wind Gap, trường trung học đã thiết kế hẳn một vở kịch cho các học sinh của mình.

Chuyện kể rằng khi quân đồng minh đến tìm bắt Zeke trong cuộc nội chiến, vợ ông là Millie đã kiên quyết phản kháng. Kết quả, chúng “trói cô vào một cái cây và làm những thứ tồi tệ với cô”, khiến Millie mất đi đứa con đang mang trong bụng. Cảnh “cưỡng hiếp” tàn bạo ấy được tái hiện một cách hết sức bình thường trên sân khấu của Wind Gap.

Mọi người ăn diện đẹp đẽ, tụ tập xem kịch, tán dóc và rượu chè trong sự phấn khích của Emma khi được vào vai chính Millie.

Đội ngũ sản xuất tên tuổi

Đứng sau thành công của Sharp Objects chính là đạo diễn người Canada Jean-Marc Vallée. Kể từ khi Dallas Buyers Club (2013) gây được tiếng vang, tên tuổi của ông phất lên như diều gặp gió và tiếp tục lấn sân sang màn ảnh nhỏ với Big Little Lies – bom tấn truyền hình của HBO trong năm 2017.

Giữa hai tác phẩm truyền hình do Vallée đạo diễn có nhiều điểm tương đồng đến lạ: cả hai đều xảy ra ở những địa điểm tưởng chừng yên bình, bắt đầu bằng các vụ án mạng, sau đó hé lộ bí mật của những người phụ nữ nơi đây.

Tám tập phim Sharp Objects tiếp tục cho thấy sự chín muồi trong phong cách đạo diễn của Jean-Marc Vallée, đặc biệt là ở phần biên tập trau chuốt với âm nhạc được chắt lọc kỹ càng để tạo hiệu ứng cao. Không chỉ liên tục “hack não” người xem bằng những đoạn hồi tưởng đan xen giữa thật vào ảo, quá khứ và hiện tại, Vallée còn cố tình rải đều các “manh mối” về đường dây câu truyện xuyên suốt bộ phim.

Đạo diễn Jean-Marc Vallée (trái) là một trong những nhân tố làm nên thành công của "Sharp Objects".
Đạo diễn Jean-Marc Vallée (trái) là một trong những nhân tố làm nên thành công của “Sharp Objects”.

Giống như những vết sẹo trên người của Camille, đó là những cái có nghĩa xuất hiện thoáng qua trên màn ảnh (một tấm áp phích quảng cáo trên tường, một biển báo giao thông chỉ đường) hoặc đập vào mắt khán giả một cách đầy dụng ý, đòi hỏi sự tập trung cao độ khi xem phim.

Ngoài ra, không thể không nhắc đến diễn xuất tuyệt vời của dàn diễn viên chính, nhất là Amy Adams. Có thể nói, sau nhiều lần bị giải Oscar hắt hủi (năm lần được đề cử nhưng chưa một lần thắng giải) thì Amy Adams đã hạ quyết tâm rinh một giải Emmy về bộ sưu tập của mình. Để hóa thân thành một nhân vật có nội tâm phức tạp như Camille Preaker, cô đã phải tăng cân rất nhiều và trải qua quá trình hóa trang dài ba tiếng trước khi quay.

Hai nhân vật của nữ diễn viên gạo cội Patricia Clarkson (vai Adora) và gương mặt mới từ Úc Eliza Scanlen (vai Amma) cũng góp phần tạo nên sức nặng cho bộ phim. Đặc biệt, Eliza Scanlen (sinh năm 1999) hứa hẹn sẽ là một cái tên đầy tiềm năng trong tương lai ở Hollywood.

Ứng cử viên sáng giá của Emmy 2019

Phải mất 12 năm để Sharp Objects đến được với người yêu phim. Tác giả Gillian Flynn đã từng từ chối rất nhiều lời đề nghị khác trước khi gật đầu cùng HBO sản xuất dự án này.

Chấp bút cho phần kịch bản là nữ biên kịch Marti Noxon – người từng viết kịch bản cho bộ phim truyền hình Buffy the Vampire Slayer (Tạm dịch: Buffy Khắc tinh của ma cà rồng) nổi tiếng ở thập niên 90. Thay vì cố gắng xây dựng một tác phẩm hình sự điều tra phá án theo kiểu thông thường, đội ngũ sản xuất đã biến bộ phim trở thành một “case study” (trường hợp điển hình) về tâm lý học.

Một nhân vật chỉ xuất hiện thoáng qua nhưng để lại ấn tượng sâu sắc trong phim là cô bệnh nhân trẻ tuổi cùng phòng của Camille – một hình ảnh phản chiếu của chính cô cũng là còi nổ báo hiệu cho những vấn nạn về tâm lý của thế hệ trẻ hiện nay.

"Sharp Objects" chắc chắn sẽ là một trong những đại diện xuất sắc của Emmy 2019.
“Sharp Objects” chắc chắn sẽ là một trong những đại diện xuất sắc của Emmy 2019.

Dù thuộc thể loại mini series (phim truyền hình ngắn) nhưng Sharp Objects không dễ xem và hơi kén khán giả. Cách xử lý nhịp phim cực kỳ chậm theo phong cách “đun chậm” (slow-burn) của đạo diễn Jean-Marc Vallée có thể sẽ đánh gục những người thiếu kiên nhẫn.

Tuy nhiên, đây là một tác phẩm không nên bỏ qua nếu bạn yêu thích dòng phim thriller, phim về tâm lý học và đặc biệt là tâm lý phụ nữ. Ngoài ra, bộ phim còn là một “lát cắt cuộc sống” (slice of life) về những rạn vỡ trong xã hội của người Mỹ da trắng đương đại. Mà đã là “cắt” thì chắc chắn sẽ đau, không ít thì nhiều.


Đánh giá: **** (4/5)


Thông tin bên lề:

  • Sharp Objects đánh dấu sự tái hợp sau mười năm của Amy Adams và Chris Messina từ Julie & Julia (2009).
  • Bộ phim có một “end credit” ở cuối tập tám thay cho lời giải thích về cái kết của đội ngũ sản xuất.
  • Hai vợ chồng Adora Crellin và Alan Crellin. Vai diễn Adora do nữ diễn viên gạo cội Patricia Clarkson đóng. Bà từng thắng giải Emmy cho vai diễn trong phim “Six Feet Under”.


Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

‘Thiên thần sa ngã’ – Chưa đủ liều lượng để trở thành doping

Tiếp theo

‘Disobedience’ – Mối tình đồng tính trong xã hội Do Thái