Bài review album "Semper Femina" của Laura Marling.
/

‘Semper Femina’ – Chân dung phụ nữ của Laura Marling

Bắt đầu
13 phút đọc

Các ca khúc trong “Semper Femina” được Laura Marling nối dài thành câu chuyện dịu dàng, kín đáo về phụ nữ.


Laura Marling từng đạt những thành công khiến nhiều người phải ganh tị, cũng có những quyết định lạ lùng khiến ta không khỏi hoài nghi.

17 tuổi, cô thực hiện album đầu tay – Alas, I Cannot Swim (2008) – rồi ngay lập tức trở thành “cục cưng” của giới phê bình âm nhạc Anh quốc. Đến năm 21, cô đánh bại những cái tên như Cheryl Cole, Ellie Goulding, Paloma Faith, giành giải Brit đầu tiên trong sự nghiệp, khẳng định vị trí chắc chắn trong lòng khán giả.

Không phải ngẫu nhiên mà cô luôn được đánh giá là một trong những ca nhạc sĩ (singer-songwriter) xuất sắc nhất của thế hệ. Suốt 10 năm ca hát, cô cho ra đời 6 album với những sắc màu hoàn toàn khác biệt, mang tính thử nghiệm và gần như đĩa nào cũng được khen ngợi ngất trời. Tổng cộng Laura Marling đã từng 3 lần được đề cử giải Mercury và 4 lần xuất hiện trong danh sách của giải Brit, tính đến thời điểm hiện tại.

Laura Marling có nhiều quyết định táo bạo trong sự nghiệp.
Laura Marling có nhiều quyết định táo bạo trong sự nghiệp.

Sự nghiệp của Laura Marling cũng có những bước ngoặt đầy bất ngờ. Năm 24 tuổi, cô từ bỏ quê hương để đến Los Angeles khi đang ở thời kỳ đỉnh cao, mục đích không phải để theo đuổi “giấc mơ Mỹ” mà đúng hơn là đang trốn chạy một điều gì đó (sự thật là Laura đã yêu và thất tình ở đây).

Cô từ bỏ âm nhạc, cắt tóc ngắn, sống ẩn danh như một người bình thường, trở thành giáo viên dạy yoga như một cách để chiêm nghiệm bản thân. Khoảng thời gian cô độc khi phải rời xa ánh hào quang sân khấu đã trở thành nguồn cảm hứng để Laura Marling thực hiện đĩa Short Movie. Đó cũng là lần đầu tiên cô tự tay sản xuất album và quyết định thử nghiệm các nhạc cụ điện tử trong âm nhạc của mình.

Tất cả là về phụ nữ

Ngã rẽ từ dòng chính (mainstream) sang nhánh độc lập (indie) là một lựa chọn táo bạo nhưng lại phù hợp với cá tính và con người của Laura Marling. Càng trưởng thành, cô càng trở nên kiệm lời trước truyền thông. Cho rằng nghệ sĩ không có nghĩa vụ phải giải thích các sản phẩm của mình với báo giới, Laura Marling viết nhạc trước hết để khẳng định cái tôi của chính mình.

Cái tôi ấy phần nào được bộc lộ rõ ràng hơn trong album mới mang tên Semper Femina – nhan đề vốn được lấy từ một bài thơ của Virgil, dịch từ tiếng Latin có nghĩa là “luôn là phụ nữ” (“always a woman”). Nếu Short Movie là hành trình tìm kiếm sáng tạo trong nghệ thuật, Semper Femina lại là hành trình tìm kiếm bản ngã của chính mình, thông qua thế giới quan của một phụ nữ về phụ nữ.

Bìa album "Semper Femina" của Laura Marling.
Bìa album “Semper Femina” của Laura Marling.

Trước khi album ra đời, Laura Marling từng thực hiện một kênh podcast cá nhân tên là Reversal of the Muse, nơi cô trao đổi về tính nữ trong sáng tạo nghệ thuật nói chung, với những khách mời cũng đều là phụ nữ, làm những công việc liên quan đến âm nhạc (Haim, Shura, Marika Hackman).

Mối quan hệ giữa những người phụ nữ trở thành chủ đề xuyên suốt trong Semper Femina. Đó có thể là khoảnh khắc hạnh phúc khi Laura ngồi nghe cô bạn thân đánh đàn (Nouel), cảm giác bất lực khi chứng kiến nỗi đau của người bạn gái vừa mất cha (The Valley) hay nỗi cô đơn sau khi chia tay một cô gái (Always This Way). Ý định ban đầu của Laura Marling là viết về phụ nữ dưới góc nhìn của một người đàn ông, nhưng cuối cùng cô lại nhận ra rằng, những gì cô đang viết thực ra là nhãn quan của chính cô.

Theo đó, Semper Femina ra đời vào khoảng thời gian mà Laura Marling tự nhận thấy rằng mình “nam tính” nhiều hơn là “nữ tính” (cắt tóc ngắn như con trai, tự làm nhạc, tự đi tour,…), dù rằng đây không phải là lần đầu tiên cô viết nhạc về phụ nữ.

Trong phiên bản Director’s Cut của Short Movie, Laura Marling có phần nào úp mở về dự án mới bằng một ca khúc có nhan đề Daisy, viết về một cô bạn gái cùng tên. Có lẽ vì nhận thấy được sự lạc tông về chủ đề nên cô đã không đưa ca khúc này vào phiên bản tiêu chuẩn của album. Bài hát kết thúc bằng một câu khẳng định khá chắc nịch: “A woman alone is not a woman undone” (Phụ nữ cô đơn không phải là người phụ nữ dang dở”).

Nỗi cô đơn lẩn khuất

Dù không đề cập một cách chính diện, nỗi cô đơn luôn là đề tài thường trực trong âm nhạc của Laura Marling (bản thân cô cũng tự nhận mình thuộc kiểu người cô độc).

Âm nhạc của Laura Marling trong "Semper Femina" mang nặng nỗi cô đơn.
Âm nhạc của Laura Marling trong “Semper Femina” mang nặng nỗi cô đơn.

Kể về cô bạn Nouel trong ca khúc cùng tên, Laura Marling hát: “cô ấy như kiểu phụ nữ tự do nhưng vẫn không thể ở một mình được.” Sau đó như để bày tỏ nỗi lòng, cô thêm vào: “tôi cũng vậy!”

Trong Always This Way, Laura tổng kết 25 năm tuổi trẻ của mình là “không có gì để phô trương” và “tôi chưa học được gì từ những lỗi lầm của bản thân.” Luôn luôn là như vậy, cô thú nhận. Những ca khúc như Don’t Pass Me By, Next Time hay Nothing, Not Nearly tiếp tục thể hiện sự đứt kết nối của Laura Marling, ngay cả với những người bạn cùng giới. Để rồi cuối cùng cô lại trở về với nỗi cô đơn của bản thân, một mình trong căn phòng nội tâm với cánh cửa khóa chặt.

Mong muốn khỏa lấp nỗi cô đơn ấy được thể hiện ngay từ bài hát mở màn của Semper Femina mang tên Soothing. Đây là ca khúc đầu tiên và cũng là duy nhất cô đồng sáng tác với Blake Mills, nhà sản xuất của album lần này, cũng là người từng làm nhạc cho Fiona Apple, Sky Ferreira, Alabama Shakes…

Rất thú vị, Blake đã thẳng thừng bỏ đi chất folk quen thuộc của Laura để thay bằng một chút smooth jazz. Bài hát bắt đầu bằng bass bập bùng, guitar chậm rãi như đang lê từng bước. Phần lời tối giản đến độ không rõ ca sĩ đang hát về nam hay nữ, bởi cô chỉ gọi đối phương là “kẻ lang thang tuyệt vọng” (hopeless wanderer). Nhưng dù là hát về ai, thì Laura Marling cũng không dấu được sự thật: “Tôi cần vuốt ve, môi tôi không cử động, Chúa tôi đang khắc khoải.”

YouTube player
MV ca khúc “Soothing” trong album “Semper Femina”.

Giống như Laura Marling, nhạc cụ chủ đạo của Blake Mills cũng là guitar. Tuy nhiên, kinh nghiệm của anh với âm nhạc lại phóng khoáng hơn cô khi có thể xử lý nhiều thể loại từ pop (Fiona Apple, Sky Ferreira), R&B (John Legend) cho đến bluesrock (Alabama Shakes). Blake đã không tiếp tục khai thác các nhạc cụ điện tử như cách Laura từng làm với Short Movie mà quyết định đưa cô trở về đúng với gốc rễ của mình. Song, anh không gói gọn âm nhạc cô trong khuôn khổ của folk mà thêm vào một chút jazz (Soothing), một chút rock của Neil Young (Nothing, Not Nearly), một chút âm hưởng của Portishead (Don’t Pass Me By) hay Nick Drake (The Valley).

So với Short Movie, Semper Femina mới có dung lượng khiêm tốn hơn khi chỉ vỏn vẹn gồm 9 ca khúc. Trong số đó, Soothing không phải là ca khúc duy nhất khó hiểu. Ngòi bút sáng tác kỳ tài cùng khả năng chơi đàn guitar của Laura Marling thường được đặt lên bàn cân cùng Joni Mitchell, nhất là khi cả hai đều là những người kể chuyện qua âm nhạc. Thế nhưng trong Semper Femina, Laura Marling lại chọn lối viết thiên về ẩn dụ và tái hiện cảm giác nhiều hơn là câu chuyện. Phần lời không chỉ lột tả những xúc cảm cô đơn, quyến luyến, tiếc nuối,… mà thậm chí đôi chỗ còn tinh tế khơi gợi nhục cảm. Đó có thể đơn giản chỉ là một cái luồn nhẹ những ngón tay qua mái tóc (Next Time), hoặc giây phút ngắn ngủi khi Laura Marling ngắm nhìn cô bạn nằm trên giường và liên tưởng đến bức L’Origine du monde của Gustave Courbet (Nouel).

Laura Marling viết về phụ nữ như một nhà thơ.
Laura Marling viết về phụ nữ như một nhà thơ.

Phong cách sáng tác của Laura Marling trong Semper Femina chịu nhiều ảnh hưởng từ nhà thơ yêu thích của cô là Rainer Maria Rilke. Cô thổ lộ: “Ông là lý do tôi viết đĩa nhạc này trong chừng mực nào đấy, khi tôi đang nghiên cứu về cuộc đời của ông để viết lời cho một vở nhạc kịch. Ông đã ăn mặc như một cô gái mãi đến năm 8 tuổi, điều này đã ảnh hưởng khá sâu sắc đến mối quan hệ của ông với phụ nữ và khiến ông trở thành một người khá sành sỏi về phụ nữ.”

Nhiều người hẳn sẽ cho rằng không ai hiểu phụ nữ bằng phụ nữ, nhưng Laura Marling lại chứng tỏ điều ngược lại. Với cô, phụ nữ không chỉ khó hiểu mà còn “không kiên định và dễ thay đổi” (fickle and changeable) như lời thơ của Virgil mà cô tiếp tục sử dụng trong Nouel.

Hẳn là vì thế, Laura Marling thể hiện tình cảm với những người phụ nữ xung quanh mình rất đỗi dịu dàng. Trong Wild Fire, cô hát: “tôi sẽ làm mọi thứ cho cô ấy miễn phí, tôi không cần gì về phía mình” và tiếp tục trong Nouel: “tôi sẽ làm thật tốt để phục vụ Nouel, bất cứ dịch vụ nào tôi có thể.”

Cuối cùng, Laura Marling khép lại “bài nghiên cứu” phụ nữ bằng một nhận định hết sức quen thuộc nhưng chưa từng bị bác bỏ: “không có gì quan trọng bằng tình yêu” (Nothing, Not Nearly). Quan điểm vô tình gợi nhớ lời trích dẫn nổi tiếng từ Oscar Wilde: “Phụ nữ là để yêu thương, chứ không phải để thấu hiểu.”

*Đọc thêm về Laura Marling ở đây.


Đánh giá: **** (4/5)


Lời người viết: Bản thân tôi cũng thường hay so sánh Laura Marling với Joni Mitchell. Dần dần, tôi nhận ra điều đó là bất công bằng với Laura. Cô ấy thực sự đã và đang có những bức phá đáng kể trong sự nghiệp của mình. Một nỗ lực cần phải được công nhận.

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

‘Lust For Life’ – Lana Del Rey và những ảo vọng cuộc đời

Tiếp theo

‘Portrait’ của Uyên Linh – Chân dung một cô gái thất tình

Latest from Âm nhạc