Các câu chuyện trong “The French Dispatch” (Công văn Pháp) gộp thành bức thư tình Wes Anderson dành tặng những ai đang làm trong ngành báo chí.
*Bài review phim The French Dispatch tiết lộ nội dung tác phẩm.
Từ khi còn là học sinh trung học, Wes Anderson luôn dành tình cảm đặc biệt cho tờ New Yorker. Khoảnh khắc phát hiện cuốn tạp chí đầu tiên trong thư viện cũng là lúc anh bị hút hồn ngay lập tức, quyết định dành tiền đặt mua ấn bản hàng tuần để theo dõi, sưu tập hàng trăm số báo như người hâm mộ truyện tranh DC lẫn Marvel.
Đến khi trở thành nhà làm phim trứ danh nước Mỹ, đạo diễn vẫn có thể đọc ngấu nghiến từng mẩu chuyện, say sưa ngắm nghía từng bức tranh minh họa, thậm chí nhớ như in tên các tác giả dù nhiều thập kỷ trôi qua.
Trong The French Dispatch, Wes Anderson dùng ký ức tuổi thơ để nhào nặn tuyển tập gồm năm truyện ngắn đan xen, xoay quanh sự ra đời và kết thúc của một cuốn tạp chí. Ngôn ngữ điện ảnh trở thành công cụ để anh tri ân những gì New Yorker từng sáng tạo, thành tựu làng báo nói chung, cũng như các cây viết thậm lặng đầu tư chất xám phía sau con chữ.
Cha đẻ của The French Dispatch
Chuyện phim xảy ra tại một thị trấn hư cấu đặt ở Pháp tên gọi Ennui-sur-Blasé, dịch thoáng nghĩa là: một thế giới buồn chán và thờ ơ.
Một ngày năm 1975, ban biên tập tạp chí The French Dispatch đang hết sức đau buồn vì ngài Arthur Howitzer Jr (Bill Murray) – tổng biên tập – đột ngột qua đời ở tuổi 75. Dù không còn, hình ảnh ông dần hiện lên qua giọng kể của Berensen (Tilda Swinton), vốn là một trong những cây viết kỳ cựu của tạp chí.
Sinh thời, Arthur mất mẹ khi mới lên năm, là con trai của ông chủ tờ Liberty, Kansas Evening Sun (Liberty, Kansas Tối chủ nhật) khá tiếng tăm ở Mỹ. Vì đam mê báo chí, ông quyết định thôi học đại học ngay năm nhất, thuyết phục cha cho mình chuyển đến Pháp sinh sống và làm việc cho tạp chí Sunday Picnic, một ấn phẩm của tờ Kansas.
Chỉ trong vòng mười năm, Arthur nhanh chóng thể hiện tài năng, tuyển được những nhà báo ngoại quốc giỏi nhất về làm việc. Sau đó, ông đổi tên tạp chí thành The French Dispatch, biến đứa con tinh thần trở thành nơi chuyên điểm tin hàng tuần. Chủ đề thì đủ thể loại, từ chính trị toàn cầu đến ẩm thực địa phương, từ nghệ thuật chuyển sang thời trang rồi đá qua chuyện người xứ khác.
Trong một phân đoạn, đạo diễn dựng lại khung cảnh khi Arthur còn sống, ban biên tập ngồi trong phòng ông cùng bàn luận về số báo mới nhất. Một biên tập viên liên tục chỉ ra những lỗi sai trong bài viết, dửng dưng như thẩm phán luận tội trên tòa. Người khác than thở rằng tác giả quá nhiệt tình, bài yêu cầu hơn hai ngàn từ nhưng hào phóng viết gấp năm, không quên tặng kèm ghi chú và lời bạt.
Chẳng ai biết rằng đó là số báo cuối cùng Arthur phụ trách, cũng là lời tạm biệt ban biên tập The French Dispatch gửi đến độc giả vì tòa soạn sẽ đóng cửa sau khi ông mất.
Những mẩu truyện ngắn trích từ tạp chí
The French Dispatch là tác phẩm thứ 10, cũng là phim tuyển tập (anthology) đầu tiên của Wes Anderson. Cấu trúc tác phẩm gồm năm phần: một bản cáo phó, một hướng dẫn du lịch ngắn và ba đặc ký (feature). Mốc thời gian trải dài từ năm 1925 đến năm 1975, vừa đúng vòng đời nửa thế kỷ của tạp chí cùng tên.
Khung hình mở màn đóng vai trò là mục lục giới thiệu vắn tắt nội dung phim, trong khi phần đầu được sắp đặt như ghi chú của biên tập viên (editor’s note).
Sau khi lướt qua chuyện đời Arthur, đạo diễn tiếp tục lật mở những trang tiếp theo trong tạp chí. Ở phần hai – The Cycling Reporter (Phóng viên xe đạp), anh dẫn người xem đi vòng quanh thị trấn Ennui qua lời giới thiệu của Herbsaint Sazerac (Owen Wilson).
Địa điểm được mô tả là vùng đất tồn tại hơn 250 năm, nơi chìm trong bầu không khí ô nhiễm, đầy ắp tệ nạn và hàng loạt vấn đề bất ổn về an sinh xã hội, thống kê trung bình có 8,25 xác chết được với khỏi sông mỗi tuần. Khi màn đêm buông xuống, những điều bí mật ở Ennui bắt đầu ẩn hiện, chờ đợi người khai phá.
Mảnh đất đó là bối cảnh diễn ra ba câu chuyện tiếp theo, cũng là nội dung trọng tâm phim.
The Concrete Masterpiece (Kiệt tác vững bền) kể về họa sĩ tâm thần bị tống giam vì tội giết người, nhưng lại đem lòng yêu cô quản trại. Một nhà buôn tranh vì quá si mê tác phẩm của họa sĩ nọ, bèn lên kế hoạch đưa ông thoát khỏi vòng lao lý.
Revisions to a Manifesto (Hiệu đính bản tuyên ngôn) lồng ghép chính trị và thơ, xoay quanh cuộc bạo loạn của sinh viên. Giữa bối cảnh ấy, một nhà báo lớn tuổi phải lòng cậu sinh viên dẫn đầu nhóm biểu tình đã có bạn gái, tạo thành mối quan hệ tay ba rắc rối.
Cuối cùng, The Private Dining Room of the Police Commissioner (Phòng ăn riêng của Ủy viên cảnh sát) là câu chuyện của một phóng viên ẩm thực đi viết chân dung nhân vật, nhưng lại vướng vào vụ bắt cóc con trai ủy viên cảnh sát. Sau đó, anh tường thuật lại cách người ta giải cứu cậu bé.
Các câu chuyện đều gợi nhớ phong cách New Yorker – một trong những tạp chí danh tiếng nhất Hoa Kỳ.
Lời tri ân đến New Yorker
Ra đời tháng 02/1925, New Yorker do Harold Ross thành lập cùng vợ Jane Grant – phóng viên New York Times. Tạp chí nhanh chóng nổi tiếng, thu hút lượng độc giả đông đảo nhờ phong cách độc đáo, đề cao tính hài hước nhưng vẫn đảm bảo tính thời sự.
Ban biên tập luôn lấy sự chính xác làm tôn chỉ. Từng bài viết đều được phê duyệt kỹ lưỡng, thông tin được kiểm tra chặt chẽ trước khi giới thiệu đến người đọc.
Đến nay, nhiều tờ bìa tạp chí trở thành biểu tượng, được rao bán trên mạng như những tác phẩm nghệ thuật độc lập với mức giá không rẻ.
Hình ảnh xã hội đương thời được đội ngũ họa sĩ vẽ lại bằng loạt tranh biếm họa có thể chọc lét bất kỳ ai mỗi khi liếc nhìn, như trường hợp tổng thống Bush hóa thân thành chàng Jack trong Brokeback Mountain (số tháng 02/2006) hay Barack Obama vào vai người Hồi giáo đứng cạnh vợ đang nhoẻn miệng cười đầy nham hiểm trong căn phòng treo ảnh Osama bin Laden (số tháng 7/2008).
Trong The French Dispatch, Wes Anderson dùng New Yorker làm nguồn cảm hứng để hoàn thành tác phẩm.
Các câu chuyện lấy cảm hứng từ những bài cũ đăng trên tạp chí, từ số phát hành năm 1951 đến năm 1968 (*). Nhiều nhân vật được xây dựng dựa trên người thật việc thật, như vai Arthur của Bill Murray lấy Harold Ross làm hình mẫu, hay chàng phóng viên do Owen Wilson đóng là phiên bản giả tưởng của Joseph Mitchell – cây viết nổi tiếng chuyên viết phóng sự phi hư cấu trên New Yorker (**).
Cách đạo diễn chia nhỏ cuốn phim thành nhiều phần với thời lượng dài ngắn khác nhau hệt như những trang tạp chí được dựng lại bằng hình ảnh. Mỗi phần là một mục với chủ đề riêng, nội dung hoàn toàn độc lập.
Cấu trúc phim có thể gây khó khăn cho những ai trải nghiệm một lần duy nhất tại rạp, nhưng lại phù hợp với thời điểm hiện tại khi các dịch vụ phát trực tuyến (streaming) lên ngôi. Người xem hoàn toàn có thể nhảy vào bất kỳ câu chuyện nào, thậm chí xem phim từ cuối về đầu như cách độc giả lật ngược tờ báo.
Khi Wes Anderson dụng công
Trong The French Dispatch, Wes Anderson dồn tất cả kinh nghiệm tích lũy suốt 25 năm làm nghề đưa hết vào phim. Anh trưng trổ từ kỹ thuật làm hoạt hình đến nghệ thuật dàn cảnh (mise-en-scène) đạt mức hoàn hảo.
Tương tự The Grand Budapest Hotel (2014), đạo diễn hoán đổi từ tỷ lệ hàn lâm (Academy ratio, gần bằng 4:3) sang 2.39:1 hiện đại, sẵn sàng phá vỡ tính đối xứng làm nên thương hiệu để chơi với từng khung hình như nhà thiết kế đang dàn trang báo. Có lúc anh đặt chủ thể ở giữa, có lúc dồn vào một góc rồi lại xếp hai khung hình ngang hàng để so sánh.
Màu sắc cũng biến chuyển liên tục. Những màu nhạt theo xu hướng pastel dùng biểu thị hiện tại, hai màu đen trắng lại tái hiện quá khứ. Đôi lúc, tông màu thay đổi bất ngờ không theo quy tắc, tạo hiệu ứng tương phản cao.
New Yorker không chỉ gắn liền với ký ức tuổi thơ mà còn ảnh hưởng đến quan điểm nghệ thuật của Wes Anderson, thể hiện rõ nhất trong The French Dispatch.
Từng dòng kịch bản anh viết đều xoáy vào tính hài hước. Các nhân vật dù chính hay phụ đều có tính cách khác thường, hành xử kỳ quặc như bước ra từ thế giới tranh biếm họa. Mỗi khi xuất hiện, họ bắn lời thoại bằng tốc độ máy phát thanh mà không cần thời gian suy nghĩ hay chờ đợi người đối diện trả lời.
Như tên gọi, đạo diễn phết lên phim màu sắc lãng mạn từ những tác phẩm nổi tiếng của điện ảnh Pháp như Amélie (2001) hay Mood Indigo (2013). Đôi lúc nhân vật khiến người xem ngỡ ngàng khi nhìn đời bằng con mắt trong veo của trẻ thơ.
Ở đầu phim, Benicio del Toro vào vai tù nhân có tài vẽ tranh thiên bẩm. Sau khi dồn hết năng lượng lẫn sáng tạo vẽ nên loạt tác phẩm để đời, anh chỉ quay sang hỏi người thưởng lãm một câu duy nhất: có thích không?
Đến cuối phim, Saoirse Ronan xuất hiện với tư cách một vũ nữ vô danh – thành viên nhóm bắt cóc trẻ em – nghe con tin đoán trúng màu mắt mà như tìm thấy tri kỷ, sẵn sàng hát ru phục vụ yêu cầu.
Như thường lệ, bộ ba Bill Murray – Owen Wilson – Adrien Brody dần đầu dàn diễn viên ngôi sao tạo nên “vũ trụ phim” Wes Anderson thân thuộc. Lần này, đạo diễn dành nhiều ưu ái cho những gương mặt mới như Léa Seydoux, Benicio del Toro hay Timothée Chalamet, với nhiều đất diễn trong hai câu chuyện đầu.
Những gương mặt thầm lặng phía sau con chữ
Bước sang tuổi 52, Wes Anderson không chỉ ghi dấu như là đạo diễn kỳ tài mà còn là cây viết xuất chúng, từng ba lần nhận đề cử Oscar ở hạng mục “Kịch bản xuất sắc” qua các tác phẩm: The Royal Tenenbaums (2001), Moonrise Kingdom (2012) và The Grand Budapest Hotel (2014).
Kinh nghiệm biên kịch cùng năm tháng lớn lên cùng New Yorker giúp anh thấu hiểu những giọt mồ hôi thầm lặng của người cầm bút. Trong The French Dispatch, đạo diễn liên tục cài cắm những chi tiết mang tính ẩn dụ về sự hy sinh của các tác giả, phóng viên lẫn biên tập viên trong tạp chí.
Các nhân vật nhà báo thường xuyên xuất hiện ở một góc nhỏ khung hình, hoặc quay lưng về phía ống kính hoặc không lộ mặt. Giọng kể (voice-over) của họ liên tục dẫn dắt người xem đi từ câu chuyện này đến câu chuyện khác. Tiếng máy đánh chữ gõ lọc cọc trở thành nhạc hiệu ám ảnh, lấn át phần âm nhạc quá đỗi êm dịu của Alexandre Desplat.
Dù thoáng qua, các cây viết luôn đóng vai trò như những người kể chuyện quan trọng trong phim. Không có họ, mạch truyện trở nên rời rạc còn hình ảnh mất đi ý nghĩa.
Trong vài trường hợp, người viết làm cho thế giới trở nên tươi đẹp hơn.
Điển hình là nhân vật phóng viên xe đạp của Owen Wilson. Bằng ngôn từ lãng mạn, anh biến xứ Ennui nhiều vấn nạn thành vùng vừa bí ẩn vừa quyến rũ, thu hút khách du lịch. Song, ngòi bút của anh cũng rất trung thực, kiên quyết không thêm thắt những chi tiết như tiệm hoa hay bảo tàng chỉ để làm đẹp Ennui.
Nhà báo cũng là người phát hiện những điều mà người khác không nhìn thấy. Họ sẵn sàng bổ sung phụ lục cho một bản tuyên ngôn vớ vẩn của đám trẻ chưa lớn. Họ quyết tâm thu thập mọi dữ kiện của nhân vật, từ bức ảnh khi bé đến tấm chân dung trước lúc vào tù. Họ chấp nhận đối đầu mọi hiểm nguy, thậm chí là cái chết, để phóng sự chi tiết và chân thật nhất có thể.
Hồi kết không tiếng cười
Một cái tên không thể không nhắc đến là ngài Arthur Howitzer Jr của Bill Murray.
Ông luôn xuất hiện khi mỗi câu chuyện kết thúc, đưa lời khuyên giúp bài viết tốt hơn, có khi xóa bớt vài đoạn bị lặp, khi lại yêu cầu phục hồi đoạn bị cắt bỏ, đơn giản chỉ vì nó là đoạn hay nhất cần phải được viết ra. Nhân vật trở thành sợi chỉ gắn kết các phần phim, giúp những câu chuyện tưởng chừng không liên quan trở thành tác phẩm thống nhất.
So với quan điểm các biên tập viên, Arthur có góc nhìn hoàn toàn khác. Ông ra sức bảo vệ tác giả bằng những lý lẽ riêng, đồng ý thu nhỏ tiêu đề, cắt quảng cáo và mua thêm giấy để không có bài viết nào bị gạt bỏ.
Khi những trang cuối cùng của cuốn tạp chí The French Dispatch khép lại, Wes Anderson không khiến khán giả bật cười mà kết phim bằng một nốt lặng. Ban biên tập lại lần nữa quây quần bên nhau trong phòng Arthur, nhưng lần này, ông không còn trên cõi đời.
Chẳng ai nói với ai câu gì, cũng không một người rơi nước mắt vì khi còn sống, Arthur cấm nhân viên được khóc trong phòng ông.
Số báo tri ân đính kèm lời cáo phó cho tang lễ Arthur cũng là lần cuối cùng độc giả được cầm tạp chí trên tay. Nhưng có lẽ, ở đâu đó xa xôi trên thế giới vượt khỏi phạm biên giới nước Pháp, vẫn có một cậu bé đang đọc những mẩu truyện ngắn được in trong tạp chí, say sưa và ngấu nghiến như cách Wes Anderson dành trọn tình yêu cho New Yorker.
*Bài nằm trong mục Oscar 2022 sẽ tiếp tục được cập nhật. Bản quyền thuộc về WowWeekend.
Đánh giá: **** (4/5)
Chú thích:
(*) The Concrete Masterpiece (Kiệt tác vững bền) được viết dựa trên dựa trên câu chuyện về Lord Duveen từng được đăng trên New Yorker năm 1952.
Revisions to a Manifesto (Hiệu đính bản tuyên ngôn) được viết dựa trên truyện “The Events in May: A Paris Notebook,” kể về cuộc biểu tình của sinh viên vào Tháng 5/1968 ở Pháp.
(**) Nhân vật nhà buôn tranh – Adrien Brody đóng – dựa trên câu chuyện về Lord Duveen từng được đăng trên New Yorker năm 1952.
Nhân vật Roebuck Wright (Jeffrey Wright) – người kể chuyện đồng tính trong phần cuối – là sự kết hợp giữa James Baldwin và A. J. Liebling.
(***) The French Dispatch tham gia tranh giải tại LHP Cannes 2021.