Với sự góp mặt của minh tinh Cate Blanchett, phim chính kịch “Tár” hiện là một trong những ứng cử viên sáng giá tại cuộc đua Oscar 2023.
(*) Bài review phim Tár tiết lộ một phần nội dung phim
Tár không thuộc thể loại tài liệu, nhưng tác phẩm sống động đến mức nhiều khán giả nghĩ rằng câu chuyện hoàn toàn có thật, kể về một nhân vật có thật. Trong phim, minh tinh Cate Blanchett vào vai chính Lydia Tár – nữ nhạc trưởng danh tiếng đang đứng trên đỉnh cao sự nghiệp. Thế rồi bỗng một ngày cô đánh mất tất cả, tụt dốc không phanh vì cáo buộc về những hành động trong quá khứ.
Quả thật, chỉ riêng cái tên Cate Blanchett và 6 đề cử tại Oscar 2023 cũng đủ bảo chứng cho một tác phẩm chất lượng, đáng thưởng thức. Nhưng với giới mộ điệu, Tár khó thể bỏ qua vì nó đánh dấu sự trở lại của đạo diễn tài năng Todd Field, sau 16 năm không làm phim điện ảnh.
Chân dung nữ nhạc trưởng quyền lực
Dùng nhan đề gói gọn một chữ, Todd Field muốn biến đứa con tinh thần trở thành một character study (bản nghiên cứu nhân vật). Thế nên, kịch bản cũng tập trung xây dựng tâm lý, khắc họa tính cách nữ chính để phát triển, dẫn dắt câu chuyện.
Ngay từ đầu phim, Lydia Tár được giới thiệu như là “một trong những gương mặt âm nhạc quan trọng nhất thời đại”, tên tuổi nổi tiếng, xuất hiện khắp nơi trên thế giới. Đặc biệt, cô còn là một trong số 15 người hiếm hoi từng đạt EGOT – danh hiệu dành cho những ai thắng 4 giải thưởng giải trí lớn nhất hành tinh gồm: Emmy, Grammy, Oscar và Tony.
Lydia Tár dường như có tất cả những gì mọi người khao khát: Sự nghiệp lẫy lừng cùng gia đình viên mãn. Trên sân khấu, cô giữ vị trí thủ lĩnh dàn nhạc hàng chục thành viên, một cái vẫy tay cũng khiến tất cả phải dừng lại. Rời ánh hào quang, cô luôn có chỗ dựa tinh thần là người bạn đời đồng giới Sharon (Nina Hoss). Cả hai không sống bên nhau toàn thời gian, nhưng thường xuyên kết nối vì cùng nuôi một bé gái đang ở độ tuổi tiểu học. Chưa kể, Sharon hiện cũng là bè trưởng đàn dây trong dàn nhạc Tár dẫn dắt.
Tár tài giỏi, hẳn rồi. Sự kỹ tính thể hiện ngay từ cách cô yêu cầu dàn nhạc tập đi tập lại cho đến khi hài lòng nhất có thể. Phát hiện trên kệ sách mất đi một cuốn, nhân vật bồn chồn, đứng ngồi không yên vì nguyên tắc hoàn hảo bị phá vỡ. Thế nên mới có chuyện một phụ nữ lần đầu giữ chức chỉ huy dàn nhạc Berlin Philharmonic – vị trí vốn được mặc định là dành cho đàn ông.
Tár “lắm tài nhiều tật” nhưng không hề cho ai biết “gót chân Achilles” ở đâu, bởi lẽ cô luôn tìm cách kiểm soát mọi thứ dù là nhỏ nhất. Giữa giảng đường, Tár không ngại tranh luận, ném vào mặt học sinh những lời nói bẽ bàng. Phát hiện nữ trợ lý Francesca (Noémie Merlant) có dấu hiệu nghi vấn, nhân vật tìm cách truy cập vào hộp thư cá nhân, thu thập thông tin cần thiết.
Thậm chí, khi biết tin con gái bị bạn bắt nạt, Tár cũng sẵn sàng đến trường để dằn mặt kẻ có ý định xấu, dù cho đó chỉ là một cô bé còn đang tuổi chơi tuổi học.
Trong bất kỳ tình huống nào, Tár đều muốn giữ vị trí cầm cương, tất cả rủi ro đều bị dập tắt trong gang tấc. Tính cách, thần thái lẫn hành xử của nữ nhạc trưởng phần nào gợi nhớ nhân vật Michèle Leblanc trong Elle (2016) do minh tinh Pháp Isabelle Huppert đảm nhận. Cả hai đều là những phụ nữ thích làm chủ, tận dụng quyền lực điều khiển cuộc sống thay vì để nó điều khiển bản thân.
Có điều, tác phẩm của đạo diễn Paul Verhoeven thuộc dòng giật gân tâm lý, còn phim của Todd Field thuộc thể loại chính kịch nhưng vẫn thừa khả năng khiến người xem phải… sởn da gà.
Ẩn ý của Todd Field
Tính đến hiện tại, Todd Field chỉ giới thiệu 3 tác phẩm điện ảnh. Nhưng cả 2 phim trước – In the Bedroom (2001) và Little Children (2006) – đều gây chấn động giới phê bình. Đặc biệt, đạo diễn liên tục nhận đề cử Oscar ở hạng mục Kịch bản xuất sắc cho mỗi dự án. Thành tích phần nào cho thấy tỏ ngòi bút sắc sảo của nhà làm phim sinh năm 1964 có xuất phát điểm là một diễn viên.
Để hoàn thiện câu chuyện về Lydia Tár, Todd Field ấp ủ ý tưởng hàng năm trời. “Cô ấy xuất hiện trong đầu tôi khoảng 10 năm trước”, đạo diễn trả lời phỏng vấn Vanity Fair. Trong quá trình viết kịch bản, anh chỉ ngắm đến Cate Blanchett cho vai chính, tuyên bố bộ phim sẽ không được thực hiện nếu chẳng may minh tinh lắc đầu từ chối.
Với thời lượng 2 tiếng 27 phút, khó thể nói Tár là tác phẩm dễ tiếp cận với khán giả đại chúng. Khoảng một tiếng đầu, đạo diễn dẫn dắt câu chuyện bằng một nhịp điệu chậm rãi đến mức uể oải. Tính cách và số phận của Lydia Tár chỉ được lật mở qua những đoạn hội thoại dài đằng đẵng. Đơn cử là cảnh phỏng vấn trên sân khấu và màn đối đáp với sinh viên giữa giảng đường.
Để tăng tính chân thật, đạo diễn thêm thắt một số cái tên như Marin Alsop, JoAnn Falletta – những nữ nhạc trưởng có thật ngoài đời. Song, điều ai cũng có thể nhận ra chính là Todd Field đã xóa nhòa đặc trưng giới tính của nhân vật. Tár dù là đàn ông hay đàn bà, cũng không hề ảnh hưởng đến điều phim muốn truyền tải. Khi xây dựng kịch bản, bản thân anh cũng muốn giữ kín mọi tình tiết với hãng sản xuất vì cho rằng họ sẽ nghĩ mình đang viết về một nhân vật nam.
Thực tế, giới tính không phải là nội dung trọng tâm. Trên Radio Times, Todd Field giải thích thông điệp phim nói về mặt trái của quyền lực, cách mà con người đối diện với những cám dỗ nó mang lại. Khi đứng trước hấp lực đó, cả nam giới lẫn nữ giới đều có thể sa ngã. Đến một thiên tài cũng có lúc tha hóa.
Và bi kịch của Lydia Tár chỉ bắt đầu khi cô trượt chân, đánh mất sự kiểm soát quyền lực nắm giữ trong tay.
Màn trình diễn xuất thần của Cate Blanchett
Todd Field đặt câu chuyện của Lydia Tár trong bối cảnh thủ đô Berlin nước Đức – cái nôi của nhạc giao hưởng, quê hương của những bậc thầy như Bach, Beethoven, Schumann,… Điều đáng bàn là từng căn nhà, con phố, nội cảnh lẫn ngoại cảnh đều toát lên vẻ lạnh lẽo đến đáng sợ.
Xuyên suốt bộ phim, người xem chứng kiến 2 phân đoạn lặp đi lặp lại. Một là khi Tár tập dượt cùng dàn nhạc trước sự căng thẳng của từng thành viên. Hai là khi cô chạy bộ hàng ngày giữa hầm cầu, những con đường vắng vẻ, khu phố ổ chuột hoàn toàn trái ngược hình ảnh Berlin thơ mộng.
Cảnh quay tưởng chừng vô nghĩa nhưng nói lên nhiều điều, bởi ta biết khi cơ thể vận động, trí não khó thể ngủ yên.
Nỗi sợ vô hình, gương mặt căng thẳng lẫn giọng nói đanh thép của Lydia Tár đều được Cate Blanchett lột tả hoàn hảo trên màn ảnh rộng. Nhiều ý kiến ca ngợi minh tinh trong phân đoạn dài 15 phút quay không cắt cảnh khi cô tranh luận với sinh viên về Bach, nhưng thực tế, Blanchett đã sống với nhân vật từ giây đầu tiên đến tận phút cuối cùng.
Trong 16 năm xa rời điện ảnh, Todd Field tập trung cho sự nghiệp làm quảng cáo. Đạo diễn tự nhận quá trình đó giúp anh trở thành một nhà làm phim mạnh mẽ hơn về kỹ thuật. Sự khắt khe của Tár phần nào là hình ảnh phản chiếu sự kỹ tính của Field, khi anh đòi hỏi từng âm thanh phải được thu trực tiếp ngay tại trường quay.
Với Cate Blanchett, bài toán Field đặt ra trở thành thử thách cô khát khao chinh phục. Để chuẩn bị cho vai diễn, minh tinh Australia từng 2 lần thắng Oscar quyết định nâng cấp bản thân bằng cách học tiếng Đức, học piano, học phong thái của một nhạc trưởng. Thậm chí cô còn tham gia vào quá trình sáng tạo album nhạc nền cho phim cùng nhà soạn nhạc Hildur Guðnadóttir.
Trên hết, thứ khiến Cate Blanchett dễ dàng chinh phục khán giả vẫn là diễn xuất. Đó là kỹ thuật nhập vai thượng thừa nhưng không thiếu hụt cảm xúc, đưa người xem đi từ khiếp sợ đến rung cảm trước nỗi đau nhân vật.
Khoảnh khắc dễ gây phấn khích nhất có lẽ là khi Lydia Tár cầm chiếc đũa chỉ huy như chiếc đũa thần Harry Potter, sung sướng điều khiển dàn giao hưởng, dẫn dắt âm nhạc “chạy” theo từng chuyển động nhỏ trên cơ thể. Nụ cười thỏa mãn, ánh mắt thắp sáng cả căn phòng. Đó là lúc nhân vật hạnh phúc nhất, được đắm chìm trong sự quyến rũ của quyền lực, để rồi bị nó ăn mòn lúc nào không biết.
Nỗi sợ mang tên “văn hóa tẩy chay”
Ở nửa sau, tác phẩm càng trở nên hấp dẫn khi Todd Field bắt đầu bóc tách những góc khuất khó ngờ trong đời sống nữ nhạc trưởng. Hóa ra, Tár dù “cáo già” đến đâu cũng không tránh khỏi cái bẫy của dục vọng. Hóa ra, tình yêu cô dành cho bạn đời Sharon không lớn đến thế. Và hóa ra, Lydia Tár vốn cũng chẳng phải tên thật của cô.
Một thiên tài dù có vĩ đại đến đâu cũng chỉ là người trần mắt thịt, mà tham vọng của con người thì vô hạn. Chính tham vọng kiểm soát quyền lực đã nuốt chửng Tár, trở thành vách ngăn giới hạn sự sáng tạo, nhốt cô vào nỗi cô đơn trong đêm tối.
Trèo cao thì ngã đau. Người xem chua chát chứng kiến nhân vật bắt đầu trượt dài, đứng trên đỉnh cao rơi tõm xuống đáy vực sâu. Từ một nhân vật được trọng vọng, Lydia Tár trở thành đối tượng của “văn hóa tẩy chay” (cancel culture), nhận lấy ánh mắt nghi hoặc của người đời. Bỗng chốc, nữ nhạc trưởng bị tước đoạt tất cả địa vị, quyền lực lẫn danh tiếng.
Sự sụp đổ của Lydia Tár dù không quá sát thương như cách Nhà Lannister đánh mất ngôi báu sắt trong Game of Thrones, vẫn đủ bẽ bàng để hạ gục một con người. Nhưng Tár, với bản tính thích kiểm soát đã không chịu khuất phục trước số phận. Cô hiên ngang trở lại sân khấu để giành lại dàn nhạc như một đứa trẻ quyết tâm đòi lại món đồ chơi đã mất.
Khi vỏ bọc hoàn hảo của Lydia Tár bị phá vỡ cũng là lúc Todd Field đặt cho người xem một câu hỏi hóc búa: Liệu ta có thể tách rời đời tư nghệ sĩ với tài năng, những cống hiến mà họ mang lại?
Lúc này, cuốn phim không còn gói gọn trong khuôn khổ nước Đức, mà dễ dàng phóng chiếu đến Hollywood với nhiều trường hợp người nổi tiếng bị khán giả quay lưng, điển hình như Woody Allen hay Roman Polanski.
Thế nên, kể từ khi Tár phát hành, hàng loạt tranh luận dấy lên xung quanh ý nghĩa bộ phim. Song, Todd Field không đưa ra câu trả lời cụ thể mà để khán giả tự suy ngẫm. Với đạo diễn, không có cách hiểu nào là sai, anh tôn trọng quan điểm của mọi người. Bởi lẽ tác phẩm cũng như tác giả, nếu không được khán giả quan tâm hay nhắc đến, tự khắc nó sẽ chết.
*Bài review phim Tar viết độc quyền cho ZingNews.