/

‘Broker’: Điều gì làm nên một gia đình?

Bắt đầu
11 phút đọc

Qua “Broker”, đạo diễn Hirokazu Kore-eda đặt câu hỏi nhức nhối về hai tiếng “gia đình”: liệu ta có thể tìm được hạnh phúc và mái ấm thực sự với những người không cùng huyết thống?


* Bài review phim Broker (Tựa Việt: Người môi giới) tiết lộ một phần nội dung tác phẩm.

Khi bắt đầu cảm nhận có một sinh linh đang dần lớn lên trong bụng mình, So Young (IU) thấy cả thế giới như sụp đổ. Một cô gái trẻ, chưa lập gia đình, không việc làm ổn định sẽ phải làm gì nếu trở thành mẹ đơn thân? Chưa kể, ở một đất nước có phần độc đoán như Hàn Quốc, việc sinh con ngoài giá thú vẫn bị xem là một tội ác đáng lên án.

Vì không chịu được sức ép lẫn sự kỳ thị từ xã hội, rất nhiều cô gái giống So Young đã tìm đến giải pháp an toàn hơn: đặt con vào những chiếc hộp em bé ở trước nhà thờ. Chiếc hộp như tia hy vọng cuối cùng của người mẹ dành cho những sinh linh vô tội, mong rằng con mình sẽ được lớn lên trong một gia đình tử tế, có cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác.

Thế nhưng, liệu đó có thực sự là giải pháp tốt?

Chuyến xe cuộc đời

Sau chiến thắng vang dội tại LHP Cannes 2018 – giành giải Cành cọ Vàng với Shoplifters, đạo diễn người Nhật Hirokazu Kore-eda không còn giới hạn bản thân trong phạm vi quê hương mà nhanh chóng đưa máy quay ra khỏi biên giới để kể lại những câu chuyện mang tính phổ quát hơn.

Nhân vật chính trong phim Broker (Người môi giới) là một người mẹ đơn thân.
Nhân vật chính trong phim Broker (Người môi giới) là một người mẹ đơn thân.

Nối tiếp The Truth (2019) thực hiện ở Pháp, tác phẩm Broker (Tựa Việt: Người môi giới) là tác phẩm đầu tiên của ông đặt bối cảnh tại xứ Kim chi, với toàn bộ dàn diễn viên đều là người Hàn, nói tiếng Hàn. Dẫu vậy, những câu hỏi mà nhà làm phim đặt ra lại gần gũi, dễ dàng chạm đến trái tim của người xem, không phân biên giới.

Chuyện phim bắt đầu vào một đêm mưa ở Busan, khi So Young mang con trai Woo Sung đến gửi ở một nhà thờ nhưng không để vào trong hộp em bé. Đến hôm sau sự việc càng trở nên phức tạp: nhân vật thay đổi quyết định vì bản năng người mẹ không cho phép cô làm điều đó.

Phút yếu lòng của cô gái bỗng trở thành cơ hội cho những kẻ môi giới như Sang Hyeon (Song Kang Ho) và Dong Soo (Gang Dong Won) – hai gã đàn ông không vợ, chuyên kiếm sống bằng cách đăng bán các đứa bé bị bỏ rơi trên “chợ đen”, gửi chúng cho những gia đình khao khát có con nhưng không thể.

Biết được tình cảnh của So Young, bộ đôi đưa ra lời đề nghị và được chấp thuận với điều kiện: cô sẽ tham gia vào quá trình tìm kiếm cha mẹ nuôi cho con, trực tiếp xem mặt để lựa chọn từng người. Thế là trên một chiếc xe tải cà tàng, chật chội, cũ kỹ đến mức thường xuyên bị bật cửa sau vì không chịu nổi sức gió, So Young cùng hai người đàn ông xa lạ rong ruổi khắp đất nước, mong muốn tìm được một bến đỗ an toàn cho đứa trẻ mới sinh.

review phim broker 2
Những con người xa lạ bỗng trở thành “gia đình” trên một hành trình kỳ lạ, nhiều tiếng cười và cũng không ít nước mắt.

Hành trình của bộ tứ trải dài từ những con dốc ở Busan đến vùng duyên hải Yeongdeok, dọc theo bờ biển Uljin đến khu vui chơi ở đảo Wolmido. Trên chuyến đi rao bán em bé, họ liên tục gặp phải những tình huống oái oăm nằm ngoài kế hoạch. Chẳng hạn như có một cặp vợ chồng đòi được giảm giá và mua trả góp chẳng khác một món đồ trong siêu thị. Một cặp khác tìm cách đóng giả khách hàng để gài bẫy, giúp cảnh sát lật mặt nhóm buôn bán người trái phép.

Hành trình đó không hề đơn giản nhưng cũng đầy ắp tiếng cười, càng trở nên ấm áp bởi sự xuất hiện của những vị khách không mời. Đó là cậu bé Hae Jin (Im Seung Soo) mồ côi cha mẹ, lớn lên ở cô nhi viện với khao khát có một gia đình bình thường và trở thành cầu thủ đá bóng. Đó còn là hai nữ thanh tra Soo Jin (Bae Doona) và Lee (Lee Joo Young) luôn âm thầm theo dõi So Young, để rồi tự lúc nào cũng bắt đầu mủi lòng trước số phận người mẹ trẻ mà không hề hay biết.

Kịch bản do Kore-eda chấp bút được xây dựng theo hướng road movie (phim hành trình) đúng nghĩa. Các nhân vật của ông có xuất thân và tính cách khác nhau, nhưng dường như ai cũng đang tìm cách che đậy nỗi đau trong quá khứ và một tâm hồn nhiều thương tổn. Sự xuất hiện của bé Woo Sung vô tình trở thành chất kết dính, giúp các số phận tìm được tiếng nói đồng điệu và dần xích lại gần nhau hơn. Đến cuối phim, người xem không chỉ thấu hiểu nội tâm từng người mà như được sống cùng họ, cùng khóc cùng cười trên từng cây số.

Trong phim Broker, đứa trẻ trở thành chất kết dính gắn các nhân vật lại gần nhau.
Trong phim Broker, đứa trẻ trở thành chất kết dính gắn các nhân vật lại gần nhau.

Gia đình là thứ gần ta nhất

Tác phẩm Broker vẫn duy trì phong cách làm phim đặc trưng của Hirokazu Kore-eda với nhịp điệu chậm rãi đến uể oải cùng những khoảng lặng đến rợn người. Ông dịch chuyển từng thước phim từ tốn với tốc độ của một chiếc xe đang leo dốc, xử lý chi tiết tinh tế chẳng khác đầu bếp đang chế biến món sushi. Ống kính thường xuyên bắt trọn những khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, nơi con người luôn bé nhỏ và lọt thỏm giữa khung hình, cô đơn và đầy bất lực.

Suốt 129 phút của tác phẩm, So Young cùng các nhân vật lái xe khắp nước Hàn để tìm một mái ấm cho Woo Sung. Song, cô không hề nhận ra điều mình đang tìm kiếm lại ở ngay trước mắt. Dù đã bán biết bao đứa trẻ, Sang Hyeon và Dong Soo vẫn mong muốn người mẹ trẻ có lựa chọn khác để không phải rời xa con trai mãi mãi.

Cách họ kẻ lông mày, bồng bế, đút sữa, luân phiên chăm sóc em bé chẳng khác những người cha thực thụ. Hae Jin thì không cần ai chỉ bảo, vẫn hồn nhiên tự nhận Woo Sung là em trai. Tất cả biến họ trở thành gia đình mới của Woo Sung dù không phải ruột thịt.

Chiếc ghế sờn rách là nơi So Young thay tã, hát ru cho con hằng ngày. Chiếc xe tải trở thành ngôi nhà che mưa che nắng. Không gian ấy chật hẹp và ngột ngạt nhưng không bao giờ thiếu thốn tình người – điều mà So Young luôn tìm kiếm và tưởng chừng không còn nữa.

Bối cảnh phim Broker không hào nhoáng nhưng chẳng phải tình cảm, tình người nên là thứ miễn phí hay sao?
Bối cảnh phim Broker không hào nhoáng nhưng chẳng phải tình cảm, tình người nên là thứ miễn phí hay sao?

Chọn một chủ đề nhạy cảm và nhức nhối trong xã hội Hàn, Hirokazu Koreeda kể câu chuyện bằng thứ ngôn ngữ điện ảnh tinh khiết nhưng vẫn giàu chất thơ. Nhà làm phim người Nhật chứng tỏ ông không chỉ là bậc thầy trong việc mổ xẻ khái niệm gia đình mà còn đặc biệt chú trọng từng khoảnh khắc cuộc sống. Đáng nhớ nhất tác phẩm không phải cái kết hay việc So Young có tìm được cha mẹ nuôi cho con hay không, mà là khi cô được hít thở bầu không khí gia đình mà những kẻ môi giới mang lại.

Trong một cảnh quay, chiếc xe tải chở cả nhóm chạy vào một chuỗi rửa xe tự động và sau đó, tất cả như được thanh tẩy tâm hồn. Một cảnh khác, họ cùng dắt tay nhau bước vào vòng đu quay ở khu vui chơi trẻ em, để rồi trút bỏ tâm sự một cách vô tư như những đứa trẻ.

Giữa thế giới của Kore-eda, không có gì đúng – sai hoàn toàn. Từ người mẹ, kẻ môi giới cho đến khách hàng đều biết rõ hành vi của mình là phạm luật, nhưng không một ai nghĩ rằng đó là tội ác. Họ chỉ mong mỏi linh hồn vô tội sẽ có được những điều tốt nhất trong tương lai khi số phận hiện tại quá khắc nghiệt.

Ngược lại, bộ đôi thanh tra Soo Jin và Lee vốn là người bảo vệ công lý, lại chỉ xem đứa bé vừa chào đời như một cơ hội để triệt phá đường dây buôn bán trẻ em. Đạo diễn chọn góc nhìn trung lập, không phát xét bất kỳ ai mà để khán giả tự chiêm nghiệm và rút ra bài học cho riêng mình. Thông điệp của tác phẩm Broker, vì thế, tưởng chừng to lớn mà lại rất gần gũi, rất đời. 

* Bài review phim Broker viết độc quyền cho Elle Vietnam.


Thông tin thêm về phim Broker:
  • Phim Broker tranh giải tại LHP Cannes 2022. Trước đó, Hirokazu Kore-eda vốn là gương mặt quen thuộc tại sân chơi này, thường xuyên có tác phẩm tranh giải.

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

2 Comments

  1. Thực sự khi xem Broker em cảm thấy phim chậm và buồn ngủ lắm luôn ạ. Nhưng mà đọc bài của anh Phước em kiểu “quaoooo” ra là vậy ư! Em thực sự rất thích đọc bài của anh ạ. Mỗi lần em đọc bài anh viết về nhạc là em phải mở cho bằng được bản nhạc đó để nghe ấy ạ. Còn những bài về phim làm em cảm thấy mình đang học về điện ảnh vậy. Rất nhiều khái niệm, thuật ngữ kể cả từ ngữ làm em phải search gg ngay. Huhu em thích đọc bài của anh Phước lắm.

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

‘LINK’: Cách Hoàng Thùy Linh ‘xuất khẩu’ âm nhạc

Tiếp theo

‘Decision to Leave’: Khi Park Chan Wook trở về nguyên bản

Latest from Điện ảnh