Tiếp tục khai thác chủ đề mẫu tử trong “Mommy”, Xavier Dolan chứng minh tình cảm gia đình là thiêng liêng nhất trên đời.
Nguyện ước lớn lao nhất của một người mẹ, hẳn là được nhìn thấy đứa con của mình trưởng thành, hạnh phúc. Nguyện ước ấy ngập tràn trong tâm trí Diane, khi bà đứng trước một quyết định hết sức khó khăn trong cuộc đời: từ giã đứa con trai duy nhất của mình.
Hơn hai tiếng đồng hồ của Mommy không gì hơn là hội ngộ và chia ly, là khổ đau và hạnh phúc, là nụ cười và những giọt nước mắt, để khi bộ phim kết thúc, đọng lại trong lòng người xem là một câu hỏi không bao giờ cũ: Còn gì bao la hơn tấm lòng của mẹ?
Chủ đề tình mẫu tử
Lần đầu tiên ra mắt tại LHP Cannes 2014, Mommy đã được cả khán giả lẫn giới phê bình đón nhận nhiệt liệt. Bộ phim thắng giải Jury Prize (giải thưởng của Ban giám khảo), tái khẳng định tài năng của đạo diễn trẻ mới 25 tuổi Xavier Dolan, đồng thời xác nhận anh như là một trong những gương mặt quan trọng nhất của nền điện ảnh Canada đương đại.
Có thể thấy Mommy mang nhiều điểm tương đồng với tác phẩm đầu tay của Xavier Dolan, I Killed My Mother (2009), khi cùng khai thác mối quan hệ mẹ – con, và nữ diễn viên Anne Dorval đảm nhận vai người mẹ trong cả hai bộ phim. Tuy nhiên, lần này Xavier Dolan đã tự lật ngửa “ván bài” của mình, thay đổi từ góc nhìn của đứa con ngỗ ngược trong I Killed My Mother, sang cái nhìn bao dung mà cũng đầy sợ hãi của một người mẹ đơn thân, phải tìm cách “hòa hợp” với đứa con trai có nhiều vấn đề tâm lý trong Mommy.
Ở những cảnh đầu tiên, người xem bắt gặp Diane đang mắc kẹt giữa một tai nạn giao thông. Trái ngược với vẻ hoảng sợ của kẻ đã tông mình, bà tự đẩy cửa xe bước ra, máu vẫn chảy ròng rã trên đầu, xem xét xung quanh rồi rút điện thoại ra nghe.
Có vẻ như trong cuộc đời, Diane đã gặp quá nhiều rắc rối, đến nỗi vụ “đụng độ” này cũng chẳng còn đủ lớn để bà có thể bận tâm. Hơn nữa, Diane đang phải đối diện với một khó khăn phức tạp hơn rất nhiều: Steve (Antoine-Olivier Pilon), con trai bà – cậu bé 15 tuổi vừa bị đuổi khỏi trường nội trú vì đã đốt cháy một quán ăn tự phục vụ, khiến bạn cùng lớp phải nhập viện.
Nửa tiếng đầu của Mommy thực sự gợi nhớ đến I Killed My Mother, khi xoay quanh mối quan hệ bị dồn nén giữa Diane và Steve sau nhiều ngày xa cách. Steve mắc chứng ADHD (rối loạn tăng động) khiến cho cậu bé có xu hướng bạo lực và dễ dàng nổi nóng bất cứ lúc nào.
Khi tức giận, cậu trở thành một con thú thực sự. Có khi cậu nhào lên chiếc taxi để chửi rủa người tài xế. Có lúc lại sẵn sàng đánh nhau tay đôi với mẹ, gọi bà bằng bất cứ từ ngữ thô tục nào, rượt đuổi bà như thể đang săn mồi. Ở tuyến đối diện, Diane hoàn toàn bất lực trước con thú ấy.
Những giọt nước mắt cứ lăn dài trên khóe mi người mẹ, khi không thể làm gì để giúp đỡ con trai mình. Thậm chí có lúc, bà phải tự nhốt mình vào “lồng” để không một ai bị tổn thương.
Sự xuất hiện của nhân vật thứ ba
Câu chuyện của Mommy dần rẽ sang hướng khác khi có sự xuất hiện của cô hàng xóm Kyla (Suzanne Clément) vừa mới dọn đến ở ngôi nhà đối diện. Nhân vật Kyla xem vào mối quan hệ giữa Diane và Steve, tạo thành ba cạnh không thể tách rời của một tam giác. Cô vừa là “thiên thần hộ mệnh” của Diane, vừa là ánh sáng soi rọi tâm hồn u tối của Steve.
Trước lời đề nghị của Diane, Kyle đồng ý sẽ trông nom và kèm cặp Steve, trong lúc bà phải đi đến từng căn hộ dọp dẹp để kiếm tiền nuôi con. Sự tận tình của Kyla dần dần đã “thuần hóa” được con thú trong người Steve, đưa cậu lại gần với mẹ hơn.
Giống hai nhân vật kia, Kyla cũng có những vấn đề của riêng mình. Là giáo viên nhưng cô lại gặp khó khăn trong vấn đề giao tiếp, hậu quả của một sự việc từng xảy ra trong quá khứ mà cô chưa từng sẻ chia với ai. Nếu chỉ nhìn bên ngoài, Kyla có một gia đình gần như hoàn hảo với cô con gái ngoan ngoãn và một người chồng thành đạt – hình ảnh trái ngược hoàn toàn với gia đình Diane và Steve.
Song, nỗi cô đơn chưa bao giờ biến mất trên gương mặt cô. Câu chuyện càng tiếp diễn, Kyle càng trở nên thân thiết với Diane và Steve như một thành viên trong gia đình họ, nhưng chính gia đình của cô dường như lại hoàn toàn thờ ơ trước mối quan hệ này.
Góc nhìn của Xavier Dolan
Tương tự những bộ phim trước, phong cách làm phim của Xavier Dolan được thể hiện rõ nét ở những gì thuộc về “bên ngoài”. Gần hết toàn bộ thời lượng phim được quay dưới khung hình vuông, tỷ lệ 1:1 theo kiểu hình ảnh trên Instagram.
Mỗi khung hình co hẹp lại như một khung cửa sổ, tạo cảm giác vừa chật chội vừa bức bối. Duy chỉ có hai lần khung hình được nới rộng ra theo tiêu chuẩn thông thường, đó là khi “cửa sổ tâm hồn” của các nhân vật ngập tràn ánh sáng hạnh phúc, dù có lúc thứ hạnh phúc ấy chỉ là ảo tưởng.
Với một khung hình chật hẹp như vậy, đạo diễn dành trọn không gian tập trung vào khuôn mặt của diễn viên, để người xem cảm nhận được tâm trạng và cảm xúc của từng nhân vật.
Bên cạnh những cảnh quay phần lớn được đặt cố định là những cú máy chậm (slow-motion), uyển chuyển như một điệu valse, giữa nền nhạc đóng một vai trò hết sức quan trọng trong phim. Từ những bản hit thập niên cũ như White Flag (Dido), On ne change pas (Céline Dion), cho đến nhạc hòa tấu của Ludovico Einaudi, đều được lồng vào những cảnh quay đầy bất ngờ mà lại hiệu quả, chính xác.
Lựa chọn một đề tài không mới, ngay cả với chính mình, Xavier Dolan xây dựng câu chuyện ở mức tối giản nhất có thể: tối giản về nhân vật, tối giản về bối cảnh, tối giản về cả bố cục.
Cuộc sống dưới con mắt của Dolan như một chiếc túi nilong đựng đồ, quá nhiều vật nặng khiến chiếc túi ấy rách toạc mà không có điều gì báo hiệu trước. Cũng như Diane, khi bà phải đứng giữa những quyết định không thể lường trước trong cuộc đời. Nhưng dù lựa chọn thế nào, người xem vẫn cảm nhận được tình cảm dạt dào mà bà dành cho Steve – người thân duy nhất trong cuộc đời bà.
Ẩn sau ba nhân vật ấy là rất nhiều nỗi đau và mất mát, nhưng khi ở bên cạnh nhau, họ đều là những người ngập tràn tình yêu và mưu cầu hạnh phúc. Song, “đôi khi tình yêu vẫn chưa đủ và con đường càng lúc càng gập ghềnh” – lời bài hát Born To Die của Lana Del Rey khép lại bộ phim một cách đầy xúc cảm.
Con đường của Diane trong Mommy thực sự là con đường một chiều, mà đôi lúc bà chỉ còn biết cách chấp nhận và bước tiếp.
Thông tin:
*Tính đến nay, Mommy nhận được hơn 40 giải thưởng lớn nhỏ, đáng chú ý như Phim nước ngoài xuất sắc nhất tại César 2015 (hay còn gọi là Oscar của nước Pháp), 09 giải thưởng tại Sceen Canada Awards lần thứ 3 năm 2015, trong đó có Phim xuất sắc nhất và 10 giải Jutra Awards lần thứ 17, trong đó có Phim xuất sắc nhất.
**The Guardian nhận xét về Mommy: “Một sự trải nghiệm hấp dẫn và căng thẳng, đem đến những chiều sâu cảm xúc đáng kinh ngạc“. Trong khi đó, website phê bình phim nổi tiếng Rotten Tomatoes chấm điểm 91% cho Mommy và bình luận: “Như một thách thức đáng khen thưởng, Mommy là bước tiến dài ấn tượng của đạo diễn – biên kịch Xavier Dolan“.
Đánh giá: **** (4/5)