‘Elle’ – Quyền lực đàn bà trước những cám dỗ
“Tôi nghĩ là mình đã bị hãm hiếp.”
Khoảnh khắc cuối cùng khi tất cả mọi sự thật trong Elle đều đã được phơi bày, Michèle LeBlanc (Isabelle Huppert) quay sang ôm lấy cậu con trai và nói: “Kết thúc rồi.” Tuy nhiên, bộ phim của đạo diễn Paul Verhoeven lại tạo cho người xem một cảm giác rất hoang mang, rằng sau những điều hỗn độn vừa xảy đến với người phụ nữ ấy, thì dường như mọi chuyện vẫn chưa thể dừng lại. Verhoeven đặt cho tác phẩm táo bạo của ông một nhan đề hết sức thanh lịch – Elle (tiếng Pháp nghĩa là “cô ấy”) – nhưng lại xây dựng một nữ nhân vật mà từ hành động đến tính cách đều khiến ta phải liên tưởng đến câu nói quen thuộc: “lòng dạ đàn bà”!
Tất cả sự kiện trong Elle bắt đầu kể từ khi quý bà Michèle LeBlanc bị một kẻ lạ mặt tấn công ngay trong nhà mình. “Tôi nghĩ là mình đã bị hãm hiếp”, bà kể lại. Đó là vào khoảng 3 giờ trưa, trong lúc Michèle đang mở cửa để cho con mèo của mình vào nhà, thì bỗng xuất hiện một gã đàn ông đeo mặt nạ, mặc bộ đồ bó sát màu đen xông tới từ phía khu vườn. Hắn đánh đập rồi giở trò đồi bại với người phụ nữ sắp sửa lên chức bà nội này ngay giữa ban ngày ban mặt. Tuy nhiên, nội dung của Elle không tập trung vào việc Michèle bị hãm hiếp như thế nào, mà chủ yếu khai thác diễn biến tâm lý cũng như cách bà xử trí trước tình huống rợn người đó ra sao (cảnh quay đầu tiên là khi mọi vụ việc đã kết thúc). Thay vì gọi cảnh sát hoặc đến bệnh viện, Michèle bình tĩnh thu dọn mọi thứ trong phòng, sau đó đi tắm và đặt sushi cho bữa tối như thể chưa từng có chuyện gì xảy ra. Bà nói dối con trai rằng mình bị ngã xe đạp để che đậy về những vết bầm tím trên mặt, rồi lên giường ngủ với một cái búa, phòng trường hợp gã côn đồ kia có quay trở lại.
Trước và sau khi bị tấn công, Michèle luôn tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo như vậy, dù cuộc sống của bà cũng đang gặp không ít rắc rối. Ông chồng cũ Richard hiện đang quen với một cô nàng trẻ đẹp và bà không hề thích điều đó. Cậu con trai Vincent thì chưa có công việc ổn định, lại còn đang bị dắt mũi bởi một cô ả mà bà gọi là “kẻ điên”. Người mẹ già của bà đang lên kế hoạch tổ chức đám cưới với một gã trai trẻ đáng tuổi con mình, trong khi bố bà thì ngồi tù vì tội sát nhân suốt mấy chục năm nay. Là giám đốc của một công ty sản xuất trò chơi điện tử, nhưng Michèle gần như bị tất cả các nhân viên ghét bỏ. Chưa kể, bản thân bà cũng đang quan hệ vụng trộm với ông chồng của cô bạn thân, đồng thời bắt đầu ve vãn anh hàng xóm trẻ đẹp đã có vợ ở nhà bên.
Có vẻ như Michele đã sẵn có quá nhiều vấn đề để bận tâm, nên vụ hãm hiếp kia cũng chỉ như là một tảng đá được ném vào mặt biển đang dậy sóng. Nhưng gã côn đồ bí ẩn thì vẫn chưa chịu dừng lại, hắn liên tục nhắn tin và đe dọa Michele dưới nhiều hình thức khác nhau, khiến bà không thể nào ngồi yên mà quyết truy cho bằng được hung thủ. Từ đó, nửa đầu của Elle pha trộn giữa không khí của một cuốn tiểu thuyết trinh thám với một loạt những tấn bi hài kịch về cuộc đời Michele. Bà mua trước vũ khí phòng thủ, học bắn súng và luôn chuẩn bị tư thế sẵn sàng, như một người thợ săn đang chờ đợi con mồi của mình. Nửa sau bộ phim là khi bộ mặt thật của tên biến thái được lật tẩy, cũng là lúc Michele lựa chọn một con đường vô cùng liều lĩnh: chơi trò mèo vờn chuột với chính kẻ đã tấn công mình.
Elle được xem là sự trở lại đầy bất ngờ của Paul Verhoeven sau mười năm vắng bóng trên ghế đạo diễn. Dù hiện đã bước sang độ tuổi 78, nhưng ông vẫn không ngần ngại chia sẻ về mong muốn thực hiện một dự án hoàn toàn khác biệt so với những gì mình từng làm trước đây. “Tôi nghĩ điều này rất quan trọng trong cuộc đời của một nghệ sĩ”, ông thổ lộ. Có lẽ chính vì quan điểm này, mà vị đạo diễn người Hà Lan đã quyết định rời bỏ Hollywood, dù đã từng thành công với một loạt bộ phim khoa học viễn tưởng nổi tiếng như RoboCop (1987), Total Recall (1990), Starship Troopers (1997), hay Basic Instinct (1992) – bộ phim vẫn được xem là tác phẩm kinh điển của dòng trinh thám gợi tình (erotic thriller). Sau khi về quê nhà để thực hiện tác phẩm đề tài thế chiến II Black Book vào năm 2006, Verhoeven mất tích để rồi trở lại với Elle, cũng là dự án phim nói tiếng Pháp đầu tiên trong sự nghiệp của ông.
Trái ngược với Paul Verhoeven, nữ diễn viên Isabelle Huppert đã có một quãng đường dài hoạt động miệt mài, bền bỉ và liên tục trong suốt năm thập kỷ qua. Dù hiện tại đã 63 tuổi, nhưng sức hút của Huppert vẫn chưa hề có dấu hiệu giảm nhiệt. Bà vẫn luôn là sự lựa chọn hàng đầu của các nhà làm phim tên tuổi, thường xuyên góp mặt trong các liên hoan phim lớn. Một điều bất ngờ là Huppert lại không phải là sự lựa chọn đầu tiên của Verhoeven cho vai diễn Michèle (ông đã nhắm kịch bản cho Marion Cotillard, Nicole Kidman hay Carice van Houten trước đó), nhưng bà đã chứng tỏ rằng mình là sự lựa chọn hoàn hảo nhất. Xuyên suốt thời lượng hơn 2 tiếng đồng hồ của bộ phim, Michele có không ít những hành động vô cùng đáng ghét. Bà bật cười trên bàn ăn khi người mẹ già tuyên bố sẽ đi thêm bước nữa, bà yêu cầu nhân viên của mình phải tụt quần xuống để “kiểm tra” dương vật, bà tiếp cận người yêu của chồng cũ chỉ để chắc chắn rằng mối quan hệ của họ sẽ không kéo dài. Nhưng tất cả đều trở nên thuyết phục và dễ dàng đồng cảm qua nét diễn xuất duyên dáng của Huppert.
Có thể nói, Isabelle Huppert chính là linh hồn, là hơi thở của Elle. Bà xử lý vai diễn Michèle bằng một lối diễn xuất nhẹ nhàng và tinh tế, nhưng đủ để lột tả chân dung một người phụ nữ có tâm hồn phức tạp và khó đoán định. Kịch bản của Elle – vốn được chuyển thể từ tiểu thuyết mang tên Oh xuất bản năm 2012 của nhà văn Pháp Philippe Djian – phần nào gợi nhớ đến Basic Instinct (bộ phim gắn liền với tên tuổi của Verhoeven), phần lại gợi nhớ đến The Piano Teacher (bộ phim gắn liền với tên tuổi của Huppert). Người xem vẫn thấy đâu đó hình ảnh của cô giáo dạy dương cầm Erika Kohut trong nhân vật Michèle LeBlanc, khi cả hai đều là những người phụ nữ khao khát tình dục. Trải nghiệm bị hãm hiếp ở một độ tuổi như của Michèle không phải là điều gì đáng để tự hào. Song, trái ngược với Erika, Michele luôn từ chối vị trí làm nạn nhân mà luôn muốn mình giữ vai trò “cầm cương”, là người ở thế chủ động. “Hổ thẹn chưa phải là cảm xúc đủ mạnh để khiến ta dừng làm bất cứ việc gì”, bà nói như thể đó là tuyên ngôn sống của bản thân, cũng là lời bào chữa cho tất cả những hành động có phần điên rồ trong phim.
Elle chắc chắn sẽ là một dấu son đáng nhớ của cả Paul Verhoeven lẫn Isabelle Huppert. Từ khi được ra mắt tại Liên hoan phim Cannes 2016, cả hai đã nhận được vô số lời tán dương của giới phê bình. Bộ phim cũng được chọn là đại diện của điện ảnh Pháp đi tranh cử Oscar năm nay ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất. Dù chưa có danh sách chính thức, nhưng diễn xuất xuất thần của Isabelle Huppert cũng được dự đoán là sẽ đem lại cho bà một đề cử Oscar đầu tiên trong sự nghiệp của mình. Nếu đúng như vậy, thì sự xuất hiện của Huppert hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều gây cấn trong chặng đua Oscar khốc liệt sắp tới.
Đánh giá: **** (4/5)
Đọc bài review của bạn Phước mình cũng muốn xem thử. Năm 2017 này mới xem được Arrival tuyệt vời và màn trình diễn ấn tượng của Amy Adams.
Diễn xuất của Huppert trong phim này xuất sắc hơn Adams rất nhiều lần!
Có lẽ cần bổ sung thêm 1 ý lớn từ câu chuyện cuộc đời của nữ chính Michèle LeBlanc bằng hình ảnh bé gái 10 tuổi đứng cạnh căn hộ cháy cùng người cha là kẻ sát nhân gây chấn động dư luận và ám ảnh cả cuộc đời Michèle từ đó về sau >>> Bà tự xây nên 1 tính cách ngông cuồng, tự bảo vệ mình trước những cái đá đểu của cuộc đời, như chuyện bà mẹ theo trai trẻ, đứa con ngu ngốc bị dắt mũi, thản nhiên ngoại tình với chồng cô bạn thân,… hay tự tìm cách giải quyết khi bị cưỡng hiếp. Cho đến cuối cùng, đúng như ý của bài viết “lòng dạ đàn bà”, có thể cầm lên được cũng có thể buông bỏ được, tất cả chỉ như quân cờ trên bàn cờ toan tính của chế Michèle.
Cám ơn bạn 🙂