Phim đồng tính “Blue Is The Warmest Color” có nhiều cảnh nóng để thu hút khán giả nhưng tình cảm giữa các nhân vật chưa tỏa nhiều nhiệt.
Dài gần ba tiếng đồng hồ với những cảnh quay mô tả tình dục táo bạo của hai người phụ nữ, bộ phim giành giải Cành cọ vàng của đạo diễn người Pháp gốc Tunisia Abdellatif Kechiche được cho là gây xúc động bởi một lẽ giản đơn và tự nhiên nhất trong cuộc đời: tình yêu. Nhưng xem xong phim, có cảm giác tình yêu thì ít mà tình dục thì nhiều.
Chuyện phim xoáy thẳng vào những góc khuất cuộc đời của Adele, bắt đầu từ khi cô cảm nhận được bản thân có chút gì đó khác biệt so với bạn bè cùng trang lứa. Những rung động con tim cô không xuất hiện khi đứng cạnh các chàng trai, mà lại bất ngờ vang lên dữ dội dù chỉ là ánh nhìn thoáng qua của một người phụ nữ xa lạ có mái tóc xanh. Như một định mệnh, “màu xanh” ấy bám vào đời cô gái trẻ, chinh phục cô cả về thể xác lẫn tinh thần. Và Adele, với những bỡ ngỡ của tuổi mới lớn, đã không ngần ngại lao vào vòng xoáy tình yêu cuồng nhiệt, bất chấp sự khác biệt từ gia đình lẫn những đàm tếu từ xã hội.
Về cơ bản, Blue is the warmest color không có nhiều đột phá về nội dung so với phần lớn những câu chuyện về tình yêu mới lớn thường gặp. Thậm chí nếu tạm bỏ đi cái khung “đồng tính” và thay bằng một cặp nhân vật nam-nữ thông thường, thì diễn biến tâm lý và cảm xúc của Adele khi yêu vẫn có thể xảy ra theo một chiều hướng tương tự. Nhưng thực ra, bộ phim thể hiện tham vọng có phần lớn lao của đạo diễn khi muốn khai thác tâm lý của phụ nữ đồng tính từ khi còn là một cô gái trẻ cho đến lúc trưởng thành. Tình yêu chỉ là một công cụ để tái hiện quá trình tìm kiếm bản ngã của Adele, người vẫn luôn lập lờ không biết rõ mình có thực sự đồng tính hay không.
Theo đó, Kechiche chủ động bó hẹp khung hình, quay cận mặt nhân vật chính để khán giả có thể tập trung theo dõi từng động thái thay đổi cảm xúc của diễn viên. Cách sắp đặt này tạo nên một cảm giác rằng Adele luôn thấy mình tách biệt, lạc lõng giữa thế giới xung quanh (ngay cả trong bữa tiệc sinh nhật khi cô đứng nhún nhảy theo giai điệu của ca khúc I Follow Rivers của Lykke Li mà vẫn chưa thực sự rõ đâu mới là dòng chảy của chính mình). Anh bắt từng khoảnh khắc đó bằng những cú máy chao đảo, không ít lần rung chuyển, nhằm tăng thêm sự rạo rực, đẩy mạnh sự hoang mang. Thủ pháp này còn được làm “nóng” bởi một “màu xanh” được sử dụng lặp đi lặp lại xuyên suốt bộ phim như một hình ảnh ẩn dụ, nhưng lại hết sức lộ liễu. Từ hòm thư xanh trước cửa nhà Adele, chiếc xe bus xanh hàng ngày đưa cô đến trường, sổ tay màu xanh, lớp học màu xanh, băng ghế màu xanh… Những sọc xanh chạy dài trên ra trải giường nơi cô lần đầu trao gửi trinh tiết, cho đến ánh đèn xanh lập lờ tại quán bar dành cho dân đồng tính khi Adele gặp được Emma – tình yêu của đời mình.
Đặt giữa thời lượng phim dài như vậy thì ý đồ của Kechiche lại dần trở nên đơn điệu, lạm dụng và đến nửa phim thì bắt đầu nhàm chán. Thậm chí, anh còn cố tình lồng vào phim những kiến thức văn học, hội hoạ, điêu khắc để chiều theo sở thích cá nhân, làm cho mạch phim dài dòng, gượng gạo. Kechiche muốn đưa “màu xanh” vươn lên trở thành biểu tượng của bộ phim, đại diện cho cả xúc cảm lẫn dục vọng. Nhưng điều thực sự hâm nóng gần một trăm tám mươi phút “cuộc đời Adele”, đáng tiếc lại chính là sự cuồng nhiệt của hai diễn viên chính. Đặc biệt không thể không nhắc đến những cảnh ân ái hết sức trần trụi, dài quá mức cần thiết, cho thấy rằng cả Adele lẫn Emma tìm đến nhau trước hết chưa phải tình yêu, mà là tình dục.
Đặt tên gốc là La Vie d’Adèle – Chapitres 1 & 2 (tức Cuộc đời Alele – Chương 1 & 2), theo đó, dễ dàng nhận ra Kechiche chia tác phẩm của mình ra làm hai phần rõ rệt: nửa đầu tìm kiếm, khám phá – nửa sau mất mát, tan vỡ. Những khác biệt về tính cách, sở thích, gia cảnh được phơi bày một cách rõ ràng ban đầu của hai nhân vật ít nhiều dự báo được cái kết ngập tràn “nỗi buồn xanh”: một bên thoải mái công khai giới tính – một bên âm thầm che dấu bản thân; một nhà giàu có với những bữa ăn sang trọng – một nhà bình dị tổ chức tiệc ở góc sân, một người sống vì nghệ thuật trong khi người kia muốn làm nghề giáo,…
Tuy nhiên, cuối cùng Kechiche lại không phát triển cái nền ấy mà quyết định thắt nút câu chuyện theo một hướng hoàn toàn khác: chen vào cuộc tình giữa hai người phụ nữ, rốt cuộc cũng phải có bóng dáng một người đàn ông. Chi tiết trở thành ngòi nổ cắt đứt mối quan hệ giữa hai người, khiến ta càng tăng thêm sự hoài nghi. Liệu Emma có thực sự yêu Adele, hay chỉ muốn “chỉ dạy” cho cô đôi điều về cuộc sống của một người đồng tính, tìm đến cô để khởi gợi nguồn cảm hứng sáng tác nghệ thuật? Còn Adele, khi chưa hiểu rõ về bản thân mình thì dấn hết sức vào mối tình đầu một cách mù quáng, để rồi đau đớn ra đi. Tất cả những điều đó khiến cho Blue is the warmest color tuy đẹp về chi tiết nhưng lại không hoàn hảo về tổng thể, quá nhiều bề nổi mà lại thiếu đi chiều sâu.
Vậy rốt cuộc điều gì đã giữ chân người xem nán lại suốt ba tiếng đồng hồ của bộ phim? Tò mò! Tò mò muốn biết tại sao bộ phim này giành được giải thưởng cao quý nhất tại một liên hoan phim tên tuổi, muốn hiểu lý do không ít người tán tụng nó này bằng vô số ngôn từ hoa mỹ, muốn xem những cảnh nóng được quảng cáo là dài tận mười lăm phút có thực sự là hấp dẫn. Tò mò!
Hi bạn. Mình mới xem phim này và thực sự thì xem xong thấy hơi hoang mang vì cóc thấy nó hay ở điểm nào. Hoang mang hơn nữa là khi google thì thấy bao người review ra toàn cái hay cái đẹp cái lung linh của truyện tình 2 em gái, may mà tự nhiên mò vào đây đọc được review này của bạn nên mới hết hoang mang đó :))
Mình sẽ follow blog này của bạn để vào đây đọc mỗi ngày, bạn đừng viết chậm quá kẻo đến lúc mình không còn gì để đọc nhé ^^
Thank you and good night!