/

‘The Wailing’ – Đỉnh cao mới của dòng phim kinh dị Hàn Quốc

Bắt đầu
9 phút đọc

Đỉnh cao mới của dòng phim kinh dị Hàn Quốc

Không khó để khẳng định, 2016 là một năm bội thu của thể loại kinh dị. Hàng loạt những bộ phim có kinh phí thấp như Lights Out, Don’t Breathe, 10 Cloverfield Lane, The Conjuring 2 hay The Shallows với ý tưởng mới lạ đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả, thu được thành công nhất định tại phòng vé. Về phía Châu Á, The Wailing (tạm dịch: Tiếng than) là một trong ba đại diện của điện ảnh Hàn Quốc tham dự LHP Cannes 2016 và nhận được vô số lời khen ngợi từ giới phê bình. Vẫn là câu chuyện trừ ma đuổi quỷ quen thuộc, nhưng dưới bàn tay nhào nặn của đạo diễn Na Hong-jin, bộ phim đem lại một trải nghiệm mới về sự sợ hãi, xen lẫn những nỗi mơ hồ khó thể đoán định. The Wailing là một minh chứng cho thấy, ngay cả khi dòng phim kinh dị đang dần “lên ngôi” tại Hollywood, thì Châu Á vẫn chưa bao giờ từ bỏ ngôi vị “ông hoàng” của thể loại này.

Ở những cảnh quay đầu tiên của The Wailing, đạo diễn Na Hong-jin đưa người xem đến với làng Gokseong (cũng là tên gốc tiếng Hàn của bộ phim) vào một buổi sáng ngập chìm trong màn mưa. Khi trời vẫn còn nhá nhem tối, Jong-Goo nhận được điện thoại báo tin về một vụ giết người. Anh vội vã sửa soạn y phục, tranh thủ dùng cơm sáng rồi lao thẳng đến hiện trường. Ống kính máy quay theo sát những bước chân của viên cảnh sát, cho đến khi anh đột nhiên dừng lại, sững sờ trước cảnh tượng mà mình trông thấy: một người đàn ông gầy gò đang ngồi trước hiên nhà, toàn thân dính đầy máu, da dẻ lở loét như một cái xác đang bị thối rữa, hai mắt chỉ thấy lòng trắng mà không rõ đang nhìn về đâu. Sau lưng gã là hiện trường vụ thảm sát bao gồm toàn bộ gia đình vừa bị hắn đâm chết và cả một vài cái xác khác được đem đến.

Liệu có mối liên hệ gì giữa những vụ thảm sát ở làng Gokseong và thái độ kỳ lạ của Hyo-jin hay không? Kết quả xét nghiệm cho thấy gã sát nhân đã ăn phải một loại nấm độc có khả năng gây rối loạn thần kinh, khiến con người ta phát điên. Giả thiết này càng có cơ sở khi triệu chứng của hắn cũng trùng khớp với một số người dân khác trong làng, kể cả Hyo-jin. Tuy nhiên, Jong-Goo và cộng sự của mình lại chuyển hướng nghi ngờ đến một lão già người Nhật Bản (Jun Kunimura) vừa mới đến ngôi làng. Tất cả những sự kiện ở Gokseong chỉ bắt đầu kể từ khi lão xuất hiện. Một số lời đồn đại cho rằng ông lão sống trần trụi ở trên núi, ăn thịt thú rừng và đôi mắt đỏ như máu. Chưa kể khi Jong-Goo tìm cách đột nhập vào nhà lão, anh phát hiện hàng loạt tấm ảnh các nạn nhân được treo trên tường, trong một căn phòng được bài trí như một nghi thức cúng tế…

Tham chiếu đến nhiều tác phẩm kinh điển.

Với thời lượng 156 phút và nhịp phim khá chậm rãi, The Wailing gần như là một thách thức với bất kỳ một khán giả nào, đặc biệt là cái kết của bộ phim sẽ để lại cho người xem rất nhiều nghi vấn. Đạo diễn kiêm biên kịch Na Hong-jin đã chủ ý xây dựng tác phẩm của mình như một trò chơi ghép hình mà mỗi người xem phải tự tìm cách sắp xếp để tìm ra lời giải. Kịch bản phim gần như không đi theo cấu trúc ba hồi truyền thống, mà liên tục xoay chuyển với những tình tiết mới, mỗi phần lại mang một sắc thắc khác nhau. Bộ phim khởi đầu như một tác phẩm trinh thám (thriller), sau đó chuyển hướng sang một câu chuyện trừ tà (exorcism). Thậm chí, ban đầu giọng kể của Na Hong-jin có pha một chút hài hước đen (black comedy) nhưng càng về sau thì không khí của bộ phim càng thực sự trở nên tăm tối và cuối cùng mới trở về đúng với định nghĩa phim kinh dị (horror).

Vì được pha trộn từ nhiều thể loại khác nhau, nên có thể thấy The Wailing tham chiếu đến rất nhiều tác phẩm quen thuộc. Cốt truyện chính khiến ta liên tưởng ngay đến những “tượng đài” của dòng phim kinh dị, The Exorcist ­­(1973) hay The Shining (1980), khi vẫn là câu chuyện “trừ ma, đuổi quỷ” lồng ghép với tình cảm gia đình. Bối cảnh làng quê nghèo Gokseong của bộ phim lại gợi nhớ đến Memories Of Murder (2003) hay Mother (2009) của Bong Joon-ho, vốn được xem là những tác phẩm “kinh điển” của dòng phim hình sự Hàn Quốc. Thậm chí, Na Hong-jin còn đưa cả các yếu tố như xác sống (zoombie), kinh thánh hay tôn giáo vào mạch phim, nhằm đánh lạc hướng người xem.

Đáng chú ý, hai tác phẩm trước đó của Na Hong-jin là The Chaser (2008) và The Yellow Sea (2010) đều thuộc thể loại thriller với những cảnh hành động nghẹt thở, đặt trong bối cảnh đô thị phồn hoa. Chính vì vậy, có thể xem The Wailing là một bước chuyển mình đáng nhớ trong sự nghiệp của đạo diễn họ Na. Dù “trừ ma, đuổi quỷ” từ lâu đã không còn là chủ đề mới mẻ đối với các nhà làm phim Hollywood, nhưng ông đã tìm cách “định nghĩa” lại dòng phim này một lần nữa. Na Hong-jin sử dụng rất nhiều “nguyên liệu” quen thuộc sẵn có, nhưng đồng thời cũng tìm cách né tránh những lối mòn của thể loại kinh dị. Ông không hề sử dụng những yếu tố hù dọa bất ngờ (jump scare) để gây sự sỡ hãi, mà bản thân câu chuyện ông viết vốn đã chứa đầy chất “kinh dị”. Chính vì thế, The Wailing đã đem lại cho Na Hong-jin giải “Đạo diễn của năm” tại Directors’ Cut Awards 2016 và được hãng Fox International mua bản quyền để công chiếu tại Mỹ.

Còn nhớ trong The Chaser, nam diễn viên Ha Jung-woo vào vai một tên sát nhân điên loạn, giết người không cần bất kỳ một lý do. Đến The Yellow Sea, anh lại tiếp tục vào vai một gã sát thủ vượt biên theo yêu cầu mà cũng không biết rõ vì sao mình lại phải phạm tội. Tương tự như hai tác phẩm trước đó của Na Hong-jin, The Wailing tiếp tục đem cái cảm giác “không rõ vì sao” đến với người xem, nhưng ở một cường độ cao hơn hẳn. Nam đạo diễn luôn tìm cách dồn nhân vật của mình đến cuối chân tường và gần như không để cho họ bất kỳ một lối thoát. Xuyên suốt bộ phim, Jong-Goo không hề biết mình đang làm gì hay cần phải làm gì để cứu con gái. Anh cũng không rõ thế lực mà mình đang đối mặt là gì, là người hay là ma quỷ? Sự hoang mang và tuyệt vọng của Jong-Goo và cả dân làng Gokseong trong hành trình đi tìm sự thật chính là nỗi sợ hãi kinh hoàng mà chắc chắn sẽ khiến bất kỳ khán giả nào cũng phải “sởn gai ốc”, ngay cả khi bộ phim đã kết thúc.


Đánh giá: **** (4/5)


YouTube player

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

2 Comments

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

‘The Handmaiden’ của Park Chan-wook – ‘Cô hầu gái’ và sức hấp dẫn nữ quyền

Tiếp theo

‘Trivisa’ – Làn gió mới từ điện ảnh Hong Kong

Latest from Điện ảnh