/

Về Li ti

4 phút đọc

8 track của Li ti kéo dài trong khoảng gần bốn chục phút, nếu không kể đến 2 track instrumental thì còn lại vỏn vẹn 6 bài, trong đó có những sáng tác đã trở nên gần như quen thuộc với đa phần khán giả từ chương trình Bài hát Việt như Con cò, Sáng nay (Lưu Hà An), Đồng hồ treo tường (Nguyễn Xinh Xô) và Li ti (Sa Huỳnh). Như vậy, nỗ lực của Tùng Dương trong việc đem lại cái mới cho khán giả phải tập trung vào những phần còn lại. Và cách mà anh đã chọn là phối các ca khúc theo phong cách electronica trên nền rock phối hợp cùng dàn dây giao hưởng và nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, khèn Mông,… thay đổi cách hát cho bớt ma mị và dễ chịu hơn, không quá kén người nghe.

Ấp ủ trong vòng hai năm trời, với kinh phí hơn 30.000 Euro và phải sang tận Đức để kết hợp với Vincent Nguyễn cùng ê kíp sản xuất đẳng cấp quốc tế của Touch The Sky Productions và dàn nhạc Beethoven của thành phố Bonn, Tùng Dương đã đem lại cho khán giả một album đáng nghe nhất trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, theo cảm nhận của riêng tôi thì dường như cả truyền thông lẫn Tùng Dương đã thổi phồng nó hơi quá mức.

Về ý tưởng, electronica kết hợp với âm nhạc dân tộc không phải là điều quá mới mẻ bởi trước đó đã có Đối thoại 06 của Hà Trần, tuy nhiên vẫn thuộc vào dạng hiếm hoi của làng nhạc Việt. Đến bây giờ khi nghe lại Đối thoại 06 vẫn không thấy nó cũ, còn khi nghe Li ti thì chẳng thấy có gì mới mẻ hơn. Tuy sinh sau đẻ muộn những bốn năm nhưng dường như Li ti vẫn chưa thể phát huy được hết tiềm năng của dòng nhạc này so với những gì mà Đối thoại 06 đã làm được.

Li ti không đem đến được cho người nghe sự thú vị, nghe thấy chưa đã, chưa tới bến. Tôi thích Tùng Dương quái như ở Những ô màu khối lập phương hơn. Một phần có lẽ là vì có các ca khúc đã quá quen thuộc với người nghe, bài nào cũng có nét đặc sắc riêng nên chưa thể có điểm nhấn. Các ca khúc trong album dường như không hòa nhập được với nhau. Điều duy nhất liên kết chúng lại chính là phần phối khí cùng hai bản hòa âm của Vincent Nguyễn. Tôi có cảm giác như Tùng Dương đã đem các bài hát gắn liền với tên tuổi của mình, hay nói cách khác là hit của Tùng Dương như Con cò (giải Bài hát của năm 2007), Đồng hồ treo tường (Bài hát của năm 2009), gom vào một album rồi biến hóa chúng thành ra electronica.

Track mà tôi đánh giá cao nhất trong album chính là ca khúc chủ đề, Li ti. Bài hát như được viết bởi một nhạc sĩ có con mắt nhìn đời của trẻ thơ nhưng suy nghĩ lại rất người lớn. Lần đầu tiên nghe nó là trong chương trình Bài hát Việt, Ngọc Khuê thể hiện không để lại ấn tượng nhiều lắm. Khi vào tay Tùng Dương thì rõ ràng là nó đã trở thành của anh, như được sáng tác riêng cho anh. Thực sự thì Tùng Dương đã bay rất đã trong ca khúc này.

Hoài vọng (Vincent Nguyễn) đứng ở cuối cùng khép lại album Li ti và cũng như là một lời hứa hẹn của Tùng Dương với dự án sắp tới cũng là electronica. Nếu như là thử nghiệm, thì Tùng Dương đã thành công. Hy vọng rằng các dự án sau này của anh sẽ hấp dẫn hơn. Còn với Li ti, tôi nghĩ rằng nó xứng đáng được giải album của năm.

Bìa Li ti đây

bc3aca li ti

Bonus thêm cái ảnh siêu nhưn Tùng Dương đây

poster li ti

Link download bản 320k

(Ripped by vnguyencong, reupload by me)

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

3 Comments

  1. Hehe,bữa t thấy tên ông này rùi,mà cái xong nhảy vô nghe thấy nó kì kì nên t ko nghe típ nữa, để t nghe lại thử xem sao,keke :))

  2. Mình ko thích mấy thứ bị làm quá lên. Giọng & kỹ thuật của Tùng Dương rất tốt (thậm chí theo cá nhân mình thì tốt thuộc hàng nhất trong các ca sĩ dưới 40 tuổi ở VN hiện nay). Tuy nhiên, cái đẹp của bài hát mà mình cảm nhận ko chỉ ở trên kỹ thuật, cho nên hôm nọ nghe được 3 bài trong album này là thấy … mệt rồi.

  3. Cảm nhân của anh cũng gần giống em. Hình như album để mặc quá nhiều vào âm thanh, tiết tấu và sự phô bày công nghệ, giọng hát Tùng Dương không “đã”

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

Popura no aki – Mùa thu của cây dương

Tiếp theo

Về Thiên sứ

Latest from Âm nhạc