Những ngã tư và những cột đèn review

‘Những ngã tư và những cột đèn’ của Trần Dần

Bắt đầu
8 phút đọc

Những ngã tư và những cột đèn của Trần Dần là cuốn tiểu thuyết mang màu sắc trinh thám, bí ẩn có khả năng giữ chân người đọc đến trang cuối.


Tạm thời hãy gác những yếu tố trinh thám, hiện đại, hậu hiện đại,… trong cuốn tiểu thuyết này sang một bên. Ngay từ khi mới xuất bản (thậm chí là khi chưa xuất bản) nó đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình lẫn độc giả rồi. Bản thân tôi không có ý định khen chê gì ở đây cả. Chỉ là vài dòng muốn viết về các nhân vật nữ trong câu chuyện của Trần Dần, chứ không sau này lại quên mất. Mà trong Những ngã tư và những cột đèn, thì có không ít nhân vật nữ. Trước hết phải kể đến những cô Hoa, cô X, cô Tám, cô Y, cô Lựu tuy xuất hiện thoáng qua nhưng lại đóng một vai trò không nhỏ, là nhân viên của Macxen cài lại, có liên quan đến Nhọn-cằm và cũng là mắt xích đặc biệt của đường dây này. Nhắc đến Macxen thì không thể không nhắc đến Lily, cô gái điếm được mô tả hết sức choáng váng và xốc nổi ngay từ lời nói (“đĩ theo kiểu Pháp bây giờ không ăn tiền”) cho đến hành động (để mà đúng với kiểu Mỹ). Cô chị Tình Bốp thích trần truồng là thế, thích xé áo xé quần là thế, khiến Macxem mê như điếu đổ là thế, ấy vậy mà lại phải lòng anh Dưỡng để rồi cuối cùng chẳng biết số phận đi đâu về đâu. Nhưng sáng lên trong tác phẩm không phải là những nữ gian làm gián điệp cho giặc, mà ngược lại chính là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam chân lấm tay bùn. Là cô Trinh, là chị Hòa, là mẹ Dưỡng.

Cô Trinh của Trần Dần sao mà dễ thương đến thế. Dễ thương hệt như cái biệt danh anh Dưỡng đặt cho vợ: Cốm. Cô Cốm “lúa” đúng kiểu nhà quê, dạy mãi mà vẫn không biết hôn. “17 tuổi còn chưa bao giờ đi giày, huống hồ những cái hôn đầu lưỡi”. Thế nhưng cô hai lúa ấy chẳng cần ai dạy vẫn thực hiện đúng khẩu hiệu “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” của cha ông. Đó là chưa kể trời tối như hũ nút, lại còn đang mang bầu sắp đẻ, vậy mà cô vẫn “vừa chạy, vừa tóm vạt áo tên trộm, vừa kêu, bằng toàn bộ sức lực” khiến cho gã Nhọn-cằm cũng phải nể phục. Rồi khi nằm trên bàn mổ, chưa biết sống chết thế nào, cô vẫn lồng lên: “Cứu lấy con tôi! Cứu lấy con tôi!”. “Rồi cô rên rỉ, xin được chết, để con cô sống”. Cô nói: “Sống như thế thì mẹ nào sống được”. Thiết nghĩ thời nay, giữa cái cảnh số người nạo thai ngày càng tăng còn độ tuổi lại ngày càng giảm, thì còn có bao người được như cô Cốm của Trần Dần. Nhưng dẫu chưa được làm mẹ, thì Cốm đã là một người vợ quá tuyệt vời rồi. Cốm yêu Dưỡng bằng một tình yêu cũng dễ thương làm sao. Dù cho có bị chồng lột sạch quần áo để chụp ảnh nuy hay tất cả mọi người đều nói anh là thằng phản quốc, thì cô vẫn một mực tin chồng mình bị oan. Đó cũng chính là nét đẹp quý giá của Cốm. Hôn nhân có thể không tồn tại tình yêu, nhưng nếu thiếu niềm tin, ắt sẽ không bền vững.

Bìa sách Những ngã tư và những cột đèn của Trần Dần.
Bìa sách Những ngã tư và những cột đèn của Trần Dần.

Người phụ nữ thứ hai, chính là mẹ Dưỡng. Thời nay đọc sách xem phim, đâu cũng thấy cảnh mẹ chồng nàng dâu “đại chiến”. Riết rồi cái đề tài hấp dẫn đó cũng trở thành chuyện bình thường trong thiên hạ. Còn mẹ Dưỡng thì lại thương con dâu như con ruột, sẵn sàng “đập” con ruột để bênh vực con dâu. Có đoạn Cốm giận Dưỡng bỏ sang nhà mẹ chồng ở, anh phải chạy qua đón về, bà bảo: “Mày cứ ở đây. Đưa cháu tao nuôi. Mẹ con, bà cháu đùm bọc lẫn nhau. Rồi xem có đám nào tử tế, tao gả cho. Gái một con, đẹp người ngoan nết, kiếm đâu chẳng được người, tử tế hơn thằng tàu bò”. Thế nhưng bảo vệ con dâu không có nghĩa là bà không thương Dưỡng. Biển nào biển không mặn. Mẹ nào mẹ chẳng thương con. Cuộc nói chuyện giữa Dưỡng và mẹ có thể là một trong những chi tiết khá đắt của tác phẩm. Ban đầu bà dùng kế khích tướng: “Lại còn nghi à? Nó phản động, rành rành ra đấy. Kệ nó. Cứ để khu phố bắt nó đi tù”. Nhưng rồi máu chảy ruột mềm, sau cùng chính bà lại là người cuống cuồng: “Chết thôi con ạ. Con mà đi tù, mẹ héo hon sinh bệnh, mà chết. Khổ quá con ơi. Sao con cứ dăm ngày, bảy tật thế này. Mẹ chưa bao giờ sợ hãi, lo lắng như bây giờ”. Nói đoạn, bà cụ khóc thút thít.

Chị Hòa […]

Ban đầu tôi định chỉ viết một câu về chị Hòa cũng là kết thúc cho bài viết này, nhưng rồi nghĩ lại, thấy thế thì thật là không công bằng đối với người phụ nữ duy nhất trong ban bảo vệ khu phố này. Bởi khi đối xử với phụ nữ, thì phải đối xử cho công bằng. Mà câu chuyện của chị Hòa thì cũng thật éo le. Chồng bị chẳng may trúng đạn ngay vào chổ hiểm, không chịu về nhà, chỉ gửi cho chị bức thư bảo lấy chồng khác. Chị dấu nỗi khổ của mình vào lòng bằng cách lắng nghe, chia sẻ nổi khổ của những người khác. Và cũng bằng hành động, chị đã xóa bỏ định kiến bây lâu của những người đàn ông xung quanh mình về phụ nữ. Ngẫm lại trong các tác phẩm của tác giả trẻ bây giờ, ngoài ba chuyện yêu đương nhăng nhít, sao hiếm thấy hình ảnh những người phụ nữ trong văn học Việt Nam đẹp như vậy. Mà đâu phải là vì phụ nữ bây giờ không đẹp đâu.

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

2 Comments

  1. đọc phần Dưỡng nghĩ lúc Cốm xin chết để con sống, anh ấy nói, đúng rồi, đứa con thật tội nghiệp, nó chưa gặp ai bao giờ, chẳng ai biết nó, nên ko ai thương nó. Để nó chết cũng được. Anh là cha nó anh cũng đề nghị cho nó chết. Chỉ có mẹ nó quen nó nên mới xin cho nó sống. Nó là người lạ, ko ai biết nó. (đại loại thế em ko nhớ nguyên văn). em đọc xong mà rợn cả da gà…

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

Thế giới nghịch – Michael Crichton

Tiếp theo

‘Vòng tròn’: Thử nghiệm thất bại của Hồng Nhung

Latest from Văn học

Moon Palace

Một việc hết sức tình cờ và ngẫu nhiên là vào ngày hôm qua, Cá tháng