Placeholder Photo

Di sản của mất mát

Bắt đầu
8 phút đọc

Cuối cùng cũng đọc xong Di sản của mất mát. Hơi tiếc vì đã đọc một cuốn sách hay như thế vào một khoảng thời gian khá là muộn màng. Bảy năm để Kiran Desai hoàn thành những trang bản thảo cuối cùng. Cộng thêm năm năm sau khi cô trở thành nữ văn sĩ trẻ tuổi nhất đoạt giải Booker. Còn tôi chỉ mất năm ngày để đọc. Tất nhiên là đã lược qua một số đoạn thuật ngữ, địa danh, sự kiện gì đấy thuộc về Ấn Độ mà không thấy có chú thích gì thêm. Điều đó đồng nghĩa với việc người đọc sẽ phải tự tra cứu, tìm hiểu. Nhưng trước giờ những gì thuộc về Ấn Độ vốn không hấp dẫn tôi lắm, thực ra là chưa bao giờ hấp dẫn. Lúc đầu khi mua cuốn sách này tôi cũng không hề biết rằng nó viết về Ấn Độ. Chọn mua đơn giản chỉ vì đã vô tình nhìn thấy cái ảnh bìa không ít lần, vô tình bắt gặp cái nhan đề không ít lần, và cũng không ít lần đưa nó vào danh sách sẽ đọc trong tương lai gần. Thế nên, trong những giây phút ít ỏi sót còn lại trước khi kim đồng hồ nhảy sang giới hạn thời gian đã được đặt sẵn, tôi nhấc cuốn sách ra khỏi kệ như một động tác cần phải làm, cảm giác sung sướng hệt như bất kỳ phụ nữ nghiện mua sắm nào chọn được chiếc áo mà mình thích, bất chấp việc có mặc vừa nó hay không. Thậm chí chẳng buồn lướt qua nhìn thử gương mặt tác giả tròn méo ra sao, để ít nhất cũng biết được một điều cơ bản, bà là người Ấn Độ. Một người Ấn Độ viết về chính đất nước của mình, thì cho dù có sinh sống ở bất cứ đâu, cũng sẽ chân thành hơn một người ngoại quốc viết về Ấn Độ. Và tài năng của Kiran Desai đã dập tắt hoàn toàn những định kiến trước đó của tôi đối với những cuốn sách viết về Ấn Độ nói riêng cũng như về các nước Hồi giáo nói chung, rằng những câu chuyện này thật nhàm chán và buồn tẻ, vẫn chỉ quanh quẩn về những vấn đề xung đột văn hóa, mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chiến tranh, đói nghèo, chết chóc. Trái lại, Di sản của mất mát cuốn hút người đọc bằng ngôn từ, bởi những đoạn văn khi đẹp đến ngẩn ngơ, khi buồn đến ngây dại, để rồi ta như lặng đi trước cái vẻ hùng vĩ và hoang dại của thiên nhiên, của “dãy Himalaya vươn lên trùng trùng điệp điệp cho tới khi những đỉnh núi lập lòe ánh sáng ấy chứng minh cho con người thấy mình nhỏ bé tới mức cảm thấy nên buông xuôi tất cả, trút bỏ tất cả”. Không cần phải vội vã dõi theo từng bước chân của nhân vật. Bởi không chỉ có một mà là bốn nhân vật, năm nhân vật, sáu nếu tính cả con chó (một nhân vật khá là quan trọng). Bởi quá khứ đan xen với thực tại, bởi thực tại được tiếp nối từ nhiều không gian, giữa cái tĩnh lặng của Kalimpong là những quán xá ồn ào trên đường phố New York, giữa nước Mỹ với nỗi lo sợ thẻ xanh là Ấn Độ với những giấc mơ được thoát ra khỏi biên giới, giấc mơ đổi đời. Ở đó, có ông tòa yêu con chó cưng của mình hơn bất cứ gì trên đời, hơn cả vợ, cả con gái, cả cháu gái. Vì nó, ông sẵn sàng chối bỏ những tri thức học được từ phương Tây để đặt niềm tin vào thứ mà bấy lâu nay mình vẫn cho là mê tín, dị đoan. Ở đó, có cô gái Sai mồ côi cha mẹ sống trong nỗi cô đơn với hai ông già cho đến khi lần đầu tiên chạm ngõ tình yêu, nhưng rồi cũng chính tình yêu lại nhấn cô chìm sâu hơn vào bóng đêm của sự cô độc. Ở đó, còn có người đầu bếp với thân phận thấp hèn, thực tế là thua cả một con chó, chỉ biết ngày qua ngày sống bằng niềm tin vào đứa con trai độc nhất đang lay lắt trên đất Mỹ. Không chỉ dừng lại ở đó, có quá nhiều vấn đề được đề cập, quá nhiều thứ cần phải nói ra, cần phải phân tích, bóc tách và tranh luận. Nhưng Di sản của mất mát, không vì thế mà nặng nề, khô khan hay mang tính giáo điều. Kiran Desai biết cách giữ chân độc giả bằng sự hài hước, bằng sự linh hoạt của ngòi bút. Ngòi bút đó trở thành cây viết xóa làm cho ranh giới giữa các quốc gia như biến mất. Câu chuyện không còn gói gọn trong khuôn khổ một đất nước Ấn Độ mà rất gần, rất sát, rất giống với chính Việt Nam khi những người Ấn kiều kia cũng chẳng khác gì những người Việt kiều tha hương, khi làn sóng Tây phương vẫn đang âm ỉ tràn vào đất nước. Trên cả, người đọc không ít lần rung cảm trước các tình tiết của câu chuyện. Từ cảnh hai cha con cách xa hàng triệu ki lô mét cố gắng liên lạc với nhau bằng điện thoại, cảnh người chồng không kìm nổi thú tính mà trút hết đấm đá vào người vợ, cho đến cảnh ông già bật lên từng tiếng khi người bạn thân nhất là con chó cũng không còn. Hay là cảnh gần cuối khi Sai chạy ra khỏi nhà để trốn tránh thực tại, cũng có nét gì đó gần với chị Dậu. Để rồi cuối cùng khi gấp sách lại là một cảm giác lơ lửng không nói thành lời mà cũng chẳng tìm ra từ gì để diễn tả. Cũng là vì lâu rồi mới được đọc một cuốn sách hay có cái kết đúng ý mình như vậy. Kết không là kết, kết mà lại mở. Một cuốn sách đáng để đọc lại nhiều lần là ngay cả khi độc giả đã biết tỏng điều gì sẽ xảy đến tiếp theo nhưng vẫn gần như nín thở để đón nhận nó. Vì vậy, trên tất cả những lời ngợi khen có lẽ là một lời cảm ơn chân thành dành cho tác giả. Dẫu chưa được đọc qua các ứng cử viên còn lại nhưng chiến thắng tại Booker là hoàn toàn xứng đáng. Và có lẽ là một lời cảm ơn dành cho dịch giả, vì chị dịch hay quá.

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

8 Comments

  1. Một trong những cuốn sách quý. Cảm ơn vì những chia sẻ của anh. Có lẽ vậy là đủ rồi
    Ghi chú nhỏ: Dịch giả Nham Hoa trong Di sản của mất mát là… nam đấy ạ 😉 bất ngờ 😉
    Anh ấy còn dịch một cuốn khác cũng rất hay, mang tên Haroun và biển truyện

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

‘Vòng tròn’: Thử nghiệm thất bại của Hồng Nhung

Tiếp theo

‘Nửa’, Đinh Đặng Hoàng Anh, hay là Quốc Bảo

Latest from Văn học

Moon Palace

Một việc hết sức tình cờ và ngẫu nhiên là vào ngày hôm qua, Cá tháng