'Disobedience' - Mối tình đồng tính trong xã hội Do Thái
'Disobedience' - Mối tình đồng tính trong xã hội Do Thái
/

‘Disobedience’ – Mối tình đồng tính trong xã hội Do Thái

Bắt đầu
12 phút đọc

‘Disobedience’ (Sebastián Lelio) khai thác chuyện tình yêu của hai người phụ nữ, để bộ lộ sự tàn bạo trong xã hội Do Thái nhiều định kiến.


Điều gì đáng sợ nhất trong một xã hội không có tự do? Không phải việc chúng ta mất đi sự tự do, mà là việc không ai dám đứng ra đấu tranh vì nó.

Thông qua câu chuyện tình yêu bị kìm nén giữa hai người phụ nữ, đạo diễn Sebastián Lelio (A Fantastic Woman) đã lột tả một xã hội Do Thái cổ hủ, ngập tràn định kiến, nơi tự do bị bóp nghẹt bởi chính những người hàng ngày rao giảng về tự do.

Tình yêu ngăn cấm giữa hai người phụ nữ

Trong phim, cô đào Rachel Weisz thủ vai Ronit Krushka, một nhiếp ảnh gia có sự nghiệp thành công ở New York nhưng lại thiếu vắng tình yêu (ở đầu phim, cô hờ hững làm tình với một gã đàn ông xa lạ trong quán bar). Bất ngờ nhận được tin cha mình qua đời, Ronit khăn gói lên đường về nhà dự đám tang cha: ngài Rav Krushka, một Rabbi (thầy giảng đạo) được nể trọng trong cộng đồng Do thái chính thống ở Luân Đôn.

Người ta dành nhiều lời để ngợi ca ông nhưng lại chẳng hề nhắc đến cô con gái độc nhất, kẻ đã bỏ nhà ra đi lâu đến nỗi không một ai trông đợi cô trở lại. “Tiếc thay, ông ấy không có con”, một tờ báo mỉa mai xác nhận như thể Ronit chưa hề tồn tại.

Trong Disobedience, Esti bị kẹp giữa Ronit và Dovid, một người là chồng còn một người là nhân tình cũ. Cô không biết lựa chọn con đường nào để thoát ra.
Trong Disobedience, Esti bị kẹp giữa Ronit và Dovid, một người là chồng còn một người là nhân tình cũ. Cô không biết lựa chọn con đường nào để thoát ra.

Những gáo nước lạnh mà mọi người dành cho Ronit là một dấu hỏi lớn và không khó để thấu hiếu vì sao. Rất nhanh chóng, cô lần lượt gặp lại những người quen cũ, bao gồm Esti (Rachel McAdams) và Dovid (Alessandro Nivola) – hai người bạn thưở thiếu thời nay đã là một cặp vợ chồng. Quyết định tiến tới hôn nhân của Esti khiến Ronit choáng váng chẳng kém cái chết đường đột của cha mình. Những cái nhìn ái ngại mà hai người lén trao nhau cho thấy giữa họ không chỉ dừng lại ở mức tình bạn. Giống như nàng Carol trong bộ phim cùng tên của đạo diễn Todd Haynes, trái tim Esti lại rung lên một lần nữa khi gặp người tình cũ, bất kể việc cô đã có gia đình…

Xã hội Do Thái nhiều định kiến

Với những bộ phim lấy đề tài về đồng tính (LGBT), bối cảnh không gian và thời gian đóng một vai trò rất quan trọng: Carol đưa người xem trở về New York những năm 50, Brokeback Moutain tái hiện miền viễn Tây nước Mỹ thập niên 60, Call Me By Your Name là mùa hè nước Ý thập niên 80. Sự phản chiếu của xã hội lên số phận các nhân vật vẽ ra một bức tranh toàn cảnh về quá trình đấu tranh dành lại “tiếng nói” của những người đồng tính. Họ không được công nhận, bị cấm đoán, hắt hủi và hoàn toàn “thất lạc cõi người”.

Xét ở khía cạnh một chuyện tình, cách xây dựng mối quan hệ giữa Ronit và Esti không mới. Họ đơn giản chỉ là những người tình cũ, gặp nhau và “yêu lại từ đầu”. Giống như nhiều bộ phim có chủ đề tương tự, cả hai không thể thoải mái dành cho nhau những khoảnh khắc lãng mạn. Tình yêu giữa họ chỉ là những chiếc hôn vụng trộm, những lần ân ái trong bí mật. Song, điểm khiến Disobedience nổi bật chính là bối cảnh đương đại của bộ phim. Câu chuyện tình bình thường ấy được đặt trong một xã hội rất “khác thường”, cực kỳ cay nghiệt, nhất là về vấn đề hôn nhân và giới tính.

Trong Disobedience, Esti và Ronit có một cảnh nóng bạo liệt mà có thể sẽ còn được nhắc đến mãi sau này.
Trong Disobedience, Esti và Ronit có một cảnh nóng bạo liệt mà có thể sẽ còn được nhắc đến mãi sau này.

Trong những cảnh quay đầu phim, cha của Ronit đột ngột ngã quỵ khi đang rao giảng về kinh Torah. Theo ông, Thiên Chúa Hashen tạo ra con người khác với thiên thần và ác quỷ ở chỗ con người được tự do lựa chọn: “Chúng ta có ý chí tự do… Hashem cho chúng ta lựa chọn, về cả đặc quyền và gánh nặng”. Thế nhưng, những gì diễn ra sau đó lại chứng minh điều ngược lại. Các nhân vật hoàn toàn mất đi quyền định đoạt số phận của mình – một trong những quyền cơ bản nhất của con người.

Hệt như một lời nhận xét trong phim (“kết hôn là cách mọi chuyện nên diễn ra”), những người phụ nữ Do Thái chỉ có một con đường duy nhất, đó là kiếm cho mình một tấm chồng. Cuộc hôn nhân của Esti và Dovid chính là sản phẩm điển hình từ những định kiến cổ hủ ấy. Một cuộc hôn nhân giả tạo từ trong ra ngoài: hàng ngày họ nằm cạnh nhau như hai kẻ xa lạ (trên hai chiếc giường đơn tách biệt được ghép lại gần nhau), hàng tuần họ phải làm tình vào mỗi thứ sáu theo đúng luật lệ Do Thái (Esti lạnh nhạt khi làm tình với chồng bao nhiêu thì lại nồng nhiệt khi ở bên Ronit bấy nhiêu).

Không khí đậm mùi giả tạo

Không chỉ gói gọn trên phạm vi chiếc giường của hai vợ chồng Esti và Dovid, sự giả tạo gần như đã lan tỏa khắp nơi trong xã hội. Nếu Esti không thể sống thật với giới tính của mình thì Ronit như một con thú hoang lạc đàn, hoàn toàn bị cách ly khỏi cộng đồng. Quá khứ (đồng tính) của cô là một vết nhơ mà không ai muốn nhắc lại hoặc nhớ đến. Đáng ngạc nhiên là dù trở lại sau rất nhiều năm, Ronit thấy mọi thứ ở đây vẫn chẳng hề thay đổi: đàn bà có chồng phải đội tóc giả mỗi khi ra đường, đàn ông để râu rậm che kín mặt và câu cửa miệng của mọi người là “mong cháu sống thọ”. 

Cuộc hôn nhân của Dovid và Esti là một cuộc hôn nhân giả tạo từ trong ra ngoài. Họ phải làm tình vào mỗi thứ sáu đúng theo luật của dân Do Thái.
Cuộc hôn nhân của Dovid và Esti là một cuộc hôn nhân giả tạo từ trong ra ngoài. Họ phải làm tình vào mỗi thứ sáu đúng theo luật của dân Do Thái.

Sinh ra ở Argentina và chuyển đến Chilê khi mới lên hai, Sebastián Lelio bắt đầu theo học làm phim từ những năm 1995 nhưng phải đến thời gian gần đây mới thực sự gây được tiếng vang, nhất là với bộ phim A Fantastic Woman (thắng giải Oscar năm 2018 ở hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất”). Điểm trùng hợp là những tác phẩm giúp Lelio “ghi điểm” trên thị trường quốc tế đều nói về phụ nữ, bất kể đó là chân dung một người đàn bà lớn tuổi đi tìm tình yêu (Gloria, 2013), hay một người chuyển giới nữ tìm lại công bằng và bình đẳng (A Fantastic Woman, 2017).

Hai nàng Rachel “song kiếm hợp bích”

Disobedience là dự án phim nói tiếng Anh đầu tiên của Sebastián Lelio, do chính Rachel Weisz đầu tư sản xuất. Khác với những người phụ nữ nêu trên, hai nhân vật Esti và Ronit chẳng hề tìm kiếm điều gì. Họ yêu nhau nhưng lại không cố gắng giành lấy tình yêu của nhau. Có lẽ vì đề tài phim khá nhạy cảm (đồng tính, tôn giáo, văn hóa) nên đạo diễn chỉ đặt ra vấn đề mà không giải quyết triệt để. Cách xử lý nhịp phim chậm rãi cùng bầu không khí bức bối, ngột ngạt như mùa đông ở nước Anh khiến bộ phim thiếu hấp dẫn vì không có nhiều cao trào. Thay vì tạo một hiệu ứng cảm xúc mạnh mẽ, đạo diễn kết thúc cả câu chuyện trong sự lửng lơ và ít nhiều để lại tiếc nuối.

Diễn xuất xuất thần của Rachel Weisz và Rachel McAdams chính là điểm sáng của Disobedience. Đây cũng là đứa con tinh thần mà Rachel Weisz ấp ủ từ lâu.
Diễn xuất xuất thần của Rachel Weisz và Rachel McAdams chính là điểm sáng của Disobedience. Đây cũng là đứa con tinh thần mà Rachel Weisz ấp ủ từ lâu.

Một điểm vớt vát cho phim chính là diễn xuất của hai nàng Rachel. Vốn ưa thích đề tài đồng tính, Rachel Weisz đã săn lùng rất nhiều kịch bản trước khi đầu tư sản xuất dự án này. Có những khoảnh khắc Weisz gần như “rút ruột rút gan” với vai diễn Ronit, nhất là những cảnh làm tình bạo liệt trong phim. Ngược lại, Rachel McAdams có phần hơi lép vế so với đàn chị ở nửa đầu, nhưng càng về sau cô càng chứng tỏ được bản lĩnh của mình. McAdams luôn là một cái tên nỗ lực không ngừng trong sự nghiệp diễn xuất, chỉ là cô còn thiếu một chút may mắn để có thể tỏa sáng hơn nữa.

Trong Disobedience, cảnh quay Ronit và Esti sải bước bên nhau giữa phố phường Luân Đôn trong sự sợ hãi khiến ta rùng mình liên tưởng đến nàng Offred của The Handmaiden (Chuyện người tùy nữ, một sêri truyền hình ngắn của Mỹ dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Margaret Atwood do Elisabeth Moss thủ vai chính). Hai câu chuyện có bối cảnh hoàn toàn khác biệt –  một giả tưởng ở thì tương lai, một đương đại ở thời điểm ta đang sống – nhưng cảm giác khi xem lại hoàn toàn giống nhau. Ronit, Esti hay Offred đều là những người phụ nữ không có tiếng nói trong xã hội, chỉ có thể im lặng chịu đựng và chờ đợi những tia hy vọng ở phía trước. Dù rất mong manh.


Đánh giá: ** (2/5)


Đọc thêm: Phim Châu Âu

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

‘Sharp Objects’ – Những vết cắt nội tâm

Tiếp theo

‘God’s Favorite Customer’ – Đại dương đơn côi của Father John Misty

Latest from Điện ảnh