Bài review phim The Killing Of A Sacred Deer (Giết con nai thần)..
/

‘The Killing of a Sacred Deer’ – Bi kịch Hy Lạp đương đại

Bắt đầu
13 phút đọc

Phim “The Killing of a Sacred Deer” (Giết con nai thần) chứng minh Yorgos Lanthimos là nhà làm phim hàng đầu của điện ảnh Hy Lạp đương đại.


*Bài tiết lộ nội dung phim

Quả không ngoa khi nói Yorgos Lanthimos là đại diện hàng đầu của làn sóng điện ảnh kỳ dị Hy Lạp (Greek weird wave).

Nhân vật kỳ dị, cốt truyện kì dị, tình tiết kỳ dị, biến The Killing of a Sacred Deer (Giết con nai thần) thành tác phẩm điện ảnh kì dị khó quên, dựa trên câu chuyện thần thoại kinh điển Hy Lạp.

Từ bi kịch nàng Iphigenia…

Chuyện kể rằng vào những ngày đầu công phá thành Troy, binh lính Hy Lạp hiện lên như những kẻ thất thủ trên bờ biển Aulis, rệu rã vì đói khát và chờ đợi mà gió vẫn không thổi giúp thuyền vượt sóng tiến lên giành chiến thắng. Để trấn an tinh thần, đức vua Agamemnon cho đoàn quân của mình đi săn cừu nhưng vô tình lại giết chết con nai linh thiêng của Artemis – nữ thần săn bắn, con gái thần Zeus và Leto.

Sự việc đẩy Agamemnon rơi vào một tình huống hết sức kinh khủng: ông buộc phải hiến tế con gái đầu lòng – nàng Iphigenia xinh đẹp – nhằm xoa dịu cơn tức giận của nữ thần. Đổi lại, bà sẽ đồng ý cho gió nổi lên và cuộc chiến tiếp tục trong biển máu.

Thử hỏi trên cõi đời có người cha nào lại bằng lòng thực hiện cái việc ác nhơn ấy, chưa kể Iphigenia lại là người yêu cha nhất trong bốn đứa con? Song, Agamemnon vốn chẳng phải người cha hoàn hảo. Ông âm thầm lên kế hoạch giết chết con gái ruột, bất chấp sự ngăn cản và những giọt nước mắt của vợ, nữ hoàng Clytemnestra.

Cái chết của con nai thần chính là khởi nguồn cho bi kịch cuộc đời nàng Iphigenia lẫn gia tộc Agamemnon sau này, cũng là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật trên thế giới.

Nội dung bài review phim The Killing of a Sacred Deer (Giết con nai thần) gợi nhớ bi kịch Hy Lạp.
Nội dung phim The Killing of a Sacred Deer (Giết con nai thần) gợi nhớ bi kịch Hy Lạp.

Trong nhiều dị bản khác nhau, số phận nàng Iphigenia được kể lại rõ nhất trong vở kịch Iphigenia at Aulis (Chuyện Iphigenia ở Aulis) do nhà soạn kịch Hy Lạp cổ đại Euripides chấp bút.

Ở mảng điện ảnh, cuốn phim mang tên nàng Iphigenia (1977) – do Michael Cacoyannis tự viết kịch bản và đạo diễn – có thay đổi một số tình tiết nhưng đến nay vẫn là phiên bản chuyển thể duy nhất tái hiện được nội dung lẫn cái hồn vở kịch gốc.

Phải đến 40 năm sau, câu chuyện Iphigenia mới trở lại màn ảnh rộng thông qua bộ phim The Killing of a Sacred Deer (Giết con nai thần) của nhà làm phim Hy Lạp Yorgos Lanthimos. Bằng nhãn quan độc đáo, đạo diễn hoán chuyển tấn bi kịch đẫm nước mắt của Euripides sang một chủ đề rùng rợn hơn: báo thù.

Đến bi kịch Hy Lạp thời hiện đại

Nhân vật chính trong The Killing of a Sacred Deer là Steven Murphy (Colin Farrell), người bác sĩ đang có sự nghiệp thành đạt lẫn cuộc sống gia đình hạnh phúc bên vợ và hai con.

Cuộc đời Steven bỗng chốc như con thuyền ngược chiều gió khi một lời đe dọa ập đến, buộc gã phải giết một trong những thành viên gia đình hoặc là tất cả đều sẽ phải chết. Theo tuần tự, họ sẽ bỏ ăn, bị bại liệt, sau đó chảy máu mắt, rồi cuối cùng sẽ tắt thở.

Giống đức vua Hy Lạp, Steven không có trái tim dù gã là một bác sĩ phẫu thuật tim. Ở cảnh quay đầu tiên, đạo diễn đưa ống kính xoay thẳng thẳng vào bàn mổ của Steven, chiếm trọn khung hình là một quả tim đang thoi thóp. Hình ảnh đó phần nào phản chiếu bản chất bên trong con người của Steven, rằng trái tim của hắn đang chết mòn, hoặc nó vẫn còn đập nhưng không có tình cảm.

Hai nhan vat trong tam trong bai review phim The Killing of a Sacred Deer (Giet con nai than).
Hai nhân vật trọng tâm trong phim The Killing of a Sacred Deer (Giết con nai thần).

Nếu Steven là phiên bản Agamemnon hiện đại, hiện thân của nữ thần Artemis không ai khác ngoài Martin – kẻ mang hình hài của một cậu bé 16 tuổi nhưng lại sở hữu quyền năng thánh thần. Trước mặt Seve, Marin thẳng thừng tuyên bố: “Ông đã giết một người nhà tôi, giờ tôi sẽ giết một người nhà ông”.

Nhân vật cậu nhắc đến không ai khác ngoài cha ruột, người đã chết cách đây 10 năm dưới bàn tay Steven ngay trên chính bàn mổ của gã, cũng là con “nai thần” không xuất hiện trong phim dù chỉ một giây.

Mạng đổi mạng, nợ máu trả bằng máu, không phải là mô típ mới trong những câu truyện trả thù. Nhưng cái cách Martin đòi mạng mới thực sự hãi hùng. Từ những lời nói tưởng chừng vô nghĩa, tất cả những gì cậu ta tuyên bố sau đó đều trở thành sự thật như thể lời nguyền linh ứng.

Sáng tạo của Yorgos Lanthimos

Điểm thú vị trong phim của Yorgos Lanthimos chính là mối quan hệ giữa Steven và Martin được khai thác rõ ràng hơn vở kịch gốc.

Ở nửa đầu, mối quan hệ đó chủ yếu được thuật lại thông qua những đoạn hội thoại giữa các nhân vật. Bộ đôi xuất hiện như hai người bạn, thậm chí có phần lạ lùng hơn cả tình bạn. Họ gặp nhau trong quán ăn, trong bệnh viện, lẫn trong nhà của Steven.

Gã tặng quà cho Martin – một chiếc đồng hồ – trong khi cậu bé lại muốn nhận gã làm cha dượng, từ đó giúp cậu chăm sóc người mẹ có vấn đề tâm lý.

So với Agamemnon, rõ ràng Martin trao cho Steven nhiều sự lựa chọn hơn thay vì đi đến “lễ hiến tế”. Song, tất cả đều thay đổi khi cậu nhận ra bản chất thật sự của tên bác sĩ. Gã bắt đầu lảng tránh cậu, tìm cách loại cậu ra khỏi cuộc đời. Đến chiếc đồng hồ Martin đang đeo thực chất cũng chỉ là biểu tượng cho sự giả dối bởi gã từng tặng cho rất nhiều người.

Một vài hình ảnh trong bài review phim The Killing of a Sacred Deer (Giết con nai thần).
Một vài hình ảnh trong phim The Killing of a Sacred Deer (Giết con nai thần).

Dựa trên bi kịch Hy Lạp cổ, nhưng phim của Yorgos Lanthimos gợi nhớ nhiều đến những tác phẩm của đạo diễn người Áo Michael Haneke. Tương tự Funny Games (1997), cả bốn thành viên trong gia đình Murphy đều không hình dung được chuyện gì sẽ xảy đến với mình. Khoảnh khắc khi Martin xuất hiện trong căn nhà thực sự đã làm đảo lộn cuộn sống tưởng chừng hoàn hảo của họ.

Thủ pháp báo thù của Martin lại gợi nhớ đến Caché (2005): khán giả không được tận mắt chứng kiến cách thức mà cậu bé gieo rắc nỗi kinh hoàng khi mà tất cả đều đã được đạo diễn cố tình “che dấu”. Cuối cùng, giống như The White Ribbon (2009), câu chuyện báo thù cổ xưa của Hy Lạp cũng chỉ là cái cớ để khơi gợi câu chuyện về tội ác, về bản ngã của mỗi con người, cách thức cũng như lựa chọn của họ khi đối diện với tội ác.

Hồi kết cho bộ ba “động vật”

Có thể xem The Killing of a Sacred Deer là tác phẩm cuối cùng hoàn thiện bộ ba (trilogy) “động vật” của Yorgos Lanthimos, nối tiếp “răng chó” Dogtooth (2009) và “tôm hùm” The Lobster (2015).

Lần này anh thu hẹp thế giới rộng lớn của The Lobster để trở về với bi kịch gia đình tương tự Dogtooth. Báo thù không phải là một chủ đề mới mẻ, nhất là trong điện ảnh, nhưng Lanthimos vẫn tạo được sự hấp dẫn bằng phong cách làm phim riêng biệt.

Khác những tác phẩm trước, anh đặc biệt chú tâm vào cách sử dụng ống kính máy quay để tăng hiệu ứng rùng rợn cho phim. Những góc máy siêu rộng (super wide angle) được tận dụng triệt để khiến các nhân vật trở nên nhỏ bé, lọt thỏm giữa mỗi khung hình.

Cách đặt máy quay cũng đáng chú ý: khi thì chĩa từ trên xuống, khi thì hướng từ dưới lên, rồi lại lần mò theo các nhân vật như thể có một thế lực siêu nhiên đang theo dõi họ. Lồng giữa từng cảnh quay là phần âm nhạc vừa hào hùng vừa réo rắt đến đáng sợ, thiết lập một không khí căng thẳng, khó đoán định.

Mối quan hệ giữa các nhân vật trong bài phim The Killing of a Sacred Deer (Giết con nai thần) rất khó đoán.
Mối quan hệ giữa các nhân vật trong phim The Killing of a Sacred Deer (Giết con nai thần) rất khó đoán.

Ngoài ra, một điểm khác biệt trong phần kịch bản mà Yorgos Lanthimos chấp bút chính là nhân vật, từ chính đến phụ đều được xây dựng với những tính cách và đặc điểm hết sức kỳ quái, đôi lúc bệnh hoạn.

Mẹ Martin (Alicia Silverstone) đặc biệt để tâm đến bàn tay đàn ông đến mức ám ảnh. Trong khi vợ Steven, Anna Murphy (Nicole Kidman), cũng là bác sĩ, được mô tả là người có tư thế làm tình lạ lùng: nằm vật ra như một cái xác không hồn trên bàn mổ.

Thế nhưng, nhân vật đáng sợ nhất trong phim lại chính là Martin, thông qua hóa thân xuất sắc của gương mặt mới nổi Barry Keoghan. Không sở hữu một vẻ điển trai theo tiêu chuẩn thông thường, nhưng nam diễn viên người Ireland đã hoàn toàn làm lu mờ hai ngôi sao lớn Colin Farrell lẫn Nicole Kidman khi đứng cạnh.

Giống vai Kevin của Ezra Miller trong We need to talk about Kevin (2011). Nhân vật Martin của Keoghan thực sự là vai diễn “cân” cả phim bởi không ai có thể đoán được cậu đang nghĩ gì trong đầu. Tất cả đều được “ngụy trang” bởi một gương mặt hoàn toàn vô cảm.

YouTube player
Trailer phim The Killing of a Sacred Deer (Giết con nai thần).

Khi Iphigenia kết thúc, những binh lính Hy Lạp rời Aulis để tiến sang Troy, tiếp tục gieo rắc bi kịch ở một chốn khác. Tương tự, câu chuyện “mạng đổi mạng” giữa Steven và Martin cũng chưa hề kết thúc.

Trong cảnh quay cuối cùng của The Killing of a Sacred Deer, cô con gái lớn nhà Murphy rót đầy tương ớt lên dĩa khoai tây chiên rồi ngồi ăn ngấu nghiến trước sự chứng kiến của Martin. Đó là món ăn mà cậu thích nhất và luôn dành lại cuối cùng. Ánh mắt đầy giận dữ của cô bé khi nhìn về kẻ đã đe dọa bố mình như thay thế cho một lời tuyên bố: tội ác này ắt sẽ còn lặp lại, như một vòng luân hồi.


Đánh giá: ***½ (3.5/5)


Thông tin:

Phim The Killing of a Sacred Deer (Giết con nai thần) tham gia tranh giải tại LHP Cannes 2017.

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

‘Annihilation’ – Phim sci-fi khai thác đề tài hủy diệt

Tiếp theo

‘On the Beach at Night Alone’ – Nỗi buồn của kẻ thứ ba

Latest from Điện ảnh