/

‘Annihilation’ – Phim sci-fi khai thác đề tài hủy diệt

Bắt đầu
12 phút đọc

Annihilation, tác phẩm thứ hai của Alex Garland (Ex Machina) có nội dung không quá mới, nhưng vẫn đem lại cho người xem một trải nghiệm điện ảnh thú vị.

Tác phẩm sci-fi khai thác đề tài hủy diệt

Kịch bản liên tục sắp đặt nhiều điểm bất ngờ

Trong suốt thời lượng gần hai tiếng đồng hồ của Anhinilation (tạm dịch: Vùng hủy diệt), Lena (Natalie Portman) – nhân vật chính của bộ phim – liên tục đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Chồng cô, Kane (Oscar Issac), đường đột xuất hiện trong căn phòng ngủ quen thuộc sau gần một năm mất tích. Người đàn ông ấy không đưa ra được bất kỳ một lời giải đáp nào trước những thắc mắc bấy lâu nay của vợ, ngoại trừ những câu nói lãnh cảm, vô hồn. Rất nhanh sau đó, Lena bị bắt cóc và thấy mình tỉnh dậy trong một căn cứ ngầm của quân đội. Một nữ bác sĩ tâm lý tên Ventress (Jennifer Jason Leigh) giải thích cho cô biết tình hình hiện tại: Kane đang hôn mê, anh là người duy nhất sống sót trở về trong một kế hoạch tuyệt mật của chính phủ. Tiếp theo, Lena tình cờ kết bạn với ba cô gái khác, đều là những chuyên gia ở những lĩnh vực khác nhau. Cùng với Ventress, họ tạo thành một đội gồm năm người đi tìm lời giải cho sự trở về của Kane, cũng như số phận của những người bị mất tích còn lại.

Bất ngờ cũng chính là điểm tạo nên sự hấp dẫn cho Annihilation. Bộ phim thuộc thể loại khoa học viễn tưởng (sci-fi), lồng ghép yếu tố phiêu lưu pha chút hành động (action), với nhiều diễn biến liên tục xảy ra. Sự kiện trong phim bắt đầu từ ba năm trước thời điểm Kane trở về, khi một thiên thạch rơi xuống trái đất đúng vào tâm điểm là một ngọn hải đăng nằm ở miền Nam nước Mỹ. Thay vì tiêu hủy tất cả, nó lại phát triển từ từ, tạo thành một vùng bí ẩn lan rộng xung quanh ngọn hải đăng, được bao phủ bởi một tấm màn bảo vệ trông như lớp váng dầu trộn lẫn cùng bong bóng xà phòng. Người ta đặt tên cho nó là The Shimmer (tạm dịch: vùng mờ ảo). Theo thời gian, lớp màn bao phủ ấy cứ lớn dần mà không gì có thể ngăn cản được. Không một ai bước vào đó quay trở lại, ngoại trừ Kane.

Một bước lùi của Alex Garland

Đạo diễn của bộ phim, Alex Garland (1970), có một niềm đam mê đặc biệt với thể loại khoa học viễn tưởng. Anh từng là biên kịch của nhiều bộ phim thuộc thể loại này – 28 Days Later (2002), Sunshine (2007), Never Let Me Go (2010) – cho đến khi chuyển sang ghế đạo diễn và gây được tiếng vang lớn với bộ phim đầu tay Ex Machina (2015) do chính anh viết kịch bản gốc. Ở lần đạo diễn thứ hai, Garland quyết định chuyển thể Anhinilation dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của Jeff VanderMeer, vốn là tập đầu tiên và cũng là hay nhất trong bộ ba tác phẩm mang tên Southern Reach (cũng là tên gọi của căn cứ bí mật trong phim). Với kinh nghiệm viết kịch bản gần hai mươi năm, anh đã thay đổi khá nhiều chi tiết so với tác phẩm gốc theo hướng dễ tiếp cận hơn đối với khán giả phổ thông, nhưng vẫn không tránh khỏi sự chông chênh.

So với Ex Machina, Anhinilation kém hoàn hảo hơn về nhiều mặt, nhất là cách đặt vấn đề không mới. Một trong những cảnh mở màn của bộ phim là khi Lena thuyết trình về sự phân chia của các tế bào khối u, một cách mở bài gần giống với bài giảng về ngôn ngữ học của Louise (Amy Adams) trong Arrival (Denis Villeneuve, 2016). Cả Louise lẫn Lena, hai nhân vật nữ chính trong phim, đều là những nhà khoa học, đều chịu nỗi đau mất đi người thân và cùng rơi vào một tình huống tương tự: phải đối mặt với người ngoài hành tinh, dù tình nguyện hay bị ép buộc. Cách Garland dẫn dắt câu chuyện cũng có nhiều điểm tương đồng với tác phẩm của Villeneuve. Để tăng tính bi kịch và chiều sâu cho bộ phim, anh liên tục sử dụng những đoạn hồi tưởng đan xen, cho thấy Lena cũng có một đời sống nội tâm khá phức tạp. Một mặt, cô yêu chồng và nhớ nhung anh da diết. Mặt khác, cô ân ái với một người đàn ông đã có vợ chỉ để thỏa mãn dục vọng bản thân. Điểm khác biệt giữa hai bộ phim, đó là Louise biết rõ và có thể hiểu được thứ mà mình đang tiếp cận, trong khi Lena thì ngược lại. Số phận của cô ở phía trước là hoàn toàn vô định.

Ngoài ra, The Shimmer phần nào gợi nhớ đến The Zone của Andrei Tarkovsky trong bộ phim kinh điển Stalker (1979) – đều là những vùng bí ẩn do người ngoài hành tinh tạo ra – nhưng giàu màu sắc và sống động hơn. Khoảnh khắc khi Lena cùng những người bạn đồng hành của mình đặt chân vào vùng đất ấy, cũng là lúc “ngòi nổ” của bộ phim bắt đầu. Để luồn lách câu chuyện ra khỏi mô típ “đi vào rừng” quen thuộc, Garland đã dụng công tái lập một thế giới vô cùng đẹp đẽ và tàn bạo, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. The Shimmer được mô tả như một khu rừng kỳ ảo mang hơi hướm vườn địa đàng: ngập tràn hoa và dây leo chằng chịt, những cánh đồng cỏ rì rào trong gió với các sinh vật vô cùng kỳ lạ, khác hẳn thế giới bên ngoài. Thế nhưng, ẩn sau vùng đất không người ấy lại là những mối nguy hiểm mà không ai có thể lường trước được. Một con cá sấu bị đột biến gen với những cái răng nhọn hoắc không biết từ đâu nhào ra, cũng bất ngờ như cái cách mà Kane đột ngột trở về nhà. Xác của những người bị mất tích dính chặt trên một bức tường, thối rữa và biến dạng, như thể đã bị thứ gì đó nuốt chửng và ăn mòn.

Cái kết cứu vãn tình hình

Cũng như Denis Villeneuve, Garland cố tình cài cắm nhiều tình tiết “ẩn” vào phần kịch bản để biến Annihilation trở thành một tác phẩm viễn tưởng thông minh. Từ những hồi ức của Lena, vết sẹo trên tay của một thành viên trong nhóm, những cái cây mọc thành hình người, cho đến bài hát Hopeless Hoping (Crosby, Stills, & Nash)* ở đầu phim, đều có ý nghĩa “gợi mở” đến nội dung mà Garland muốn mang lại. Như lời một nhân vật trong phim, có hai giả thuyết cho những gì xảy ra trong The Shimmer: hoặc là có thứ gì đó ở bên trong đã giết họ, hoặc là họ phát điên và tự giết lẫn nhau. Tương tự, mỗi người xem hẳn cũng sẽ có những giả thuyết đặt ra dành cho riêng mình, xoay quanh nhan đề “sự hủy diệt”. Đạo diễn muốn khán giả của mình cũng hoang mang không biết chuyện gì đã diễn ra, như nét mặt của Natalie Portman xuyên suốt bộ phim. Nhưng cũng vì ôm đồm quá nhiều chi tiết, nên Garland không giữ được nhịp điệu cuốn hút đáng phải có ở một bộ phim phiêu lưu – viễn tưởng, khiến cho những gì anh sắp đặt chỉ ở mức “trứng phục sinh” (easter egg) chứ không thực sự tạo ấn tượng mạnh.

Bên cạnh đó, không khó để nhận ra rất nhiều lỗ hổng trong phần nội dung của phim. Điểm trừ lớn nhất, đó là việc Alex Garland phần nào tiết lộ kết cục của Lena ngay từ đầu, khiến cho độ hấp dẫn của bộ phim giảm đi một nửa. Những đoạn hồi tưởng về mặt tâm lý của Lena không “đậm đà” như cách Denis Villeneuve từng sử dụng, thậm chí còn làm cho mạch phim bị gián đoạn. Các thành viên trong nhóm ăn vận như bước ra từ một phiên bản nghiêm túc hơn của Ghostbusters, nhưng vẫn có thể khiến ta phì cười vì không hề có mặt nạ hay găng tay bảo vệ. Con quái vật, vốn được mô tả là có khả năng nhái giọng người, lại không thể tấn công ngay cả khi đối phương đang thở hổn hển ở trước mặt. Hay là thông điệp đề cao nữ quyền – một trào lưu đang nổi ở Hollywood – khá lộ liễu: phải chăng cánh đàn ông đã trở nên vô dụng đến mức quân đội Mỹ phải thành lập một biệt đội toàn phụ nữ?

Dù vay mượn khá nhiều chất liệu từ những tác phẩm cùng thể loại, nhưng Annihilation vẫn chứa đựng những khoảnh khắc rất “nguyên bản”, mang dấu ấn riêng. Bộ phim bùng nổ tại cao trao ở nửa tiếng cuối cùng, khi Lena tận mắt chứng kiến những gì ẩn sâu bên trong ngọn hải đăng. Một không khí ngột ngạt đến khó thở với rất ít lời thoại, được tăng lên bởi phần nhạc nền đầy ám ảnh, gợi nhớ đến cách mà Mica Levi từng làm cho Under The Skin (2013). Ngoài phần kịch bản chi tiết, Alex Garland giữ được thế mạnh đặc trưng của mình trong việc tạo ra cảm giác rùng rợn (thriller) từ Ex Machina. Anh thực sự đã mang đến cho người xem một trải nghiệm điện ảnh thú vị và đầy khác biệt, cả về thị giác lẫn thính giác.


Đánh giá: **½ (2.5/5)


* Tham khảo:
– Under The Skin (2013)
– Phân tích về mục đích sử dụng bài hát Hopeless Hopingđây (chú ý có tiết lộ nội dung phim).

YouTube player

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

‘Sóng Hấp Dẫn’ và hấp lực của Hoàng Quyên

Tiếp theo

‘The Killing of a Sacred Deer’ – Bi kịch Hy Lạp đương đại

Latest from Điện ảnh